Liên quan đến phiên xét xử của Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy ngày 30/9/2019 giữa Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) và Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Nguyễn Thanh Đạm (đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) chỉ ra những thiếu sót của Hội đồng xét xử, dẫn tới sự sai lệch trong bản án.
- Thưa luật sư, ngày 30/9/2019 Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy đã đưa ra xét xử vụ kiện và tuyên chấp nhận yêu cầu của FLC, yêu cầu Báo gỡ bỏ bài viết, xin lỗi công khai và đền bù. Qua theo dõi toàn bộ thông tin (sự thật) đã được Báo đăng tải công khai, luật sư đánh giá thế nào về bản án này?
Luật sư Nguyễn Thanh Đạm: Tôi cho rằng Hội đồng xét xử còn thiếu sót khi vận dụng pháp luật cho phán quyết này, đó là chưa tuân thủ pháp luật trong việc đánh giá chứng cứ theo Điều 108 Bộ luật Tố tụng dân sự và việc đánh giá chứng cứ chưa khách quan, toàn diện, không đầy đủ và thiếu chính xác.
Bên cạnh đó, Hội đồng xét xử đã không vận dụng Khoản 2, Điều 4 Luật Báo chí nói rõ: Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân; Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội.
Hội đồng xét xử cho rằng Báo đăng bài viết “Doanh nghiệp tố FLC chây ỳ nợ hàng trăm triệu đồng” ngày 01/10/2018 là không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong Giấy phép hoạt động là không có căn cứ pháp luật, thiếu tính thuyết phục khi tuyên án.
Khi phán quyết vận dụng pháp luật thiếu sót thì có nghĩa là Hội đồng xét xử chưa hoàn thành thành nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Luật sư Nguyễn Thanh Đạm đánh giá, phán quyết của Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy không khách quan và cách hành xử của FLC với đối tác là Tập đoàn Hòa Bình liệu có phù hợp đạo đức kinh doanh và liệu có phù hợp theo quy định pháp luật? |
- Căn cứ rất quan trọng cho thấy Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải hoàn toàn trung thực là số tiền 213 tỷ đồng Tập đoàn FLC xác nhận nợ trong báo cáo tài chính 2016, 2017 và Thư xác nhận công nợ gửi tới Tập đoàn Hòa Bình ngày 8/2/2018. Đại diện Tập đoàn Hòa Bình tại phiên tòa nói rõ là đã gửi tới 13 công văn đòi nợ, nhưng FLC không trả. Tuy nhiên, những chứng cứ quan trọng này không được Hội đồng xét xử tập trung làm rõ. Ông có phân tích gì về việc Hội đồng xét xử "bỏ quên" những chứng cứ này?
Luật sư Nguyễn Thanh Đạm: Điều 108 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Việc đánh giá chứng cứ phải khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác. Tòa án phải đánh giá từng chứng cứ, sự liên quan giữa các chứng cứ và khẳng định tính hợp pháp, tính liên quan, giá trị chứng minh của từng chứng cứ”.
Liêm chính tư pháp nhìn từ vụ xét xử của Tòa án quận Cầu Giấy (2) |
Việc Hội đồng xét xử bỏ qua các chứng cứ quan trọng khác đó là FLC ghi rõ số nợ Tập đoàn Hòa Bình 213 tỷ đồng trong Báo cáo tài chính năm 2016, năm 2017 và Thư xác nhận công nợ gửi tới Hòa Bình ngày 8/2/2018 đã thể hiện sự phiến diện, khập khiễng và không khách quan trong việc đánh giá chứng cứ.
Theo tôi, việc FLC xác nhận công nợ qua các tài liệu này đồng nghĩa với việc Hòa Bình đã hoàn tất các nghĩa vụ thỏa thuận theo Hợp đồng đã ký kết. Vậy tại sao Hội đồng xét xử bỏ qua các chứng cứ vô cùng quan trọng này?
Tại sao Hội đồng xét xử không làm rõ lý FLC đã xác nhận công nợ với Hòa Bình nhưng không chịu ký Biên bản nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng? Có hay không việc FLC không chịu ký Biên bản nghiệm thu nhằm mục đích trì hoãn việc thanh toán công nợ trong khi thực tế công trình đã đưa vào sử dụng?
Còn nhiều vấn đề để công chúng có quyền nghi ngờ Hội đồng xét xử không công tâm khi đánh giá chứng cứ trong suốt quá trình tố tụng. Và khi Hội đồng xét xử không công tâm trong việc đánh giá chứng cứ thì liệu quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan có được đảm bảo theo quy định pháp luật?
Báo cáo tài chính của FLC công bố đã xác nhận khoản nợ Hòa Bình 213 tỷ đồng. |
Báo cáo tài chính của FLC được xác lập và công khai. |
Thư xác nhận công nợ 8/2/2019 ghi rõ FLC nợ Hòa Bình 213 tỷ đồng. |
- Báo cáo tài chính năm 2016, năm 2017 và Thư xác nhận nợ đều do Tập đoàn FLC phát hành xác nhận nợ Tập đoàn Hòa Bình khoản tiền 213 tỷ đồng. Nhưng tại phiên xét xử, đại diện Tập đoàn FLC lại nói rằng hiện họ không nợ Tập đoàn Hòa Bình. Ông có thể phân tích sâu hơn về chi tiết này?
Luật sư Nguyễn Thanh Đạm: Dựa vào Báo cáo tài chính 2016, 2017 của FLC và Thư xác nhận nợ do FLC phát hành, chúng ta khẳng định rằng FLC đã nợ Hòa Bình số tiền gốc là 213 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tại phiên xét xử đại diện của FLC nói rằng hiện FLC không nợ Hòa Bình là hoàn toàn mâu thuẫn với những tài liệu, chứng cứ về công nợ mà FLC đã xác nhận.
Vậy vấn đề đặt ra là cách hành xử của FLC với đối tác là Tập đoàn Hòa Bình liệu có phù hợp đạo đức kinh doanh và liệu phù hợp theo quy định pháp luật?
Nhìn lại tổng quan sự việc, năm 2014 giữa FLC với Hòa Bình đã xác lập 2 Hợp đồng thi công xây dựng số 57 và Hợp đồng thi công xây dựng số 18. Theo ý kiến của đại diện ủy quyền Hòa Bình tại phiên toà thì Hòa Bình đã thì công xong, ký Biên bản nghiệm thu và bàn giao công trình cho FLC vào khoảng thời gian từ tháng 05 đến tháng 07/2015.
Tập đoàn FLC tự công bố nợ Tập đoàn Hòa Bình 213 tỷ đồng, đến nay vẫn chưa trả |
Hòa Bình đã làm quyết toán, gửi FLC và đã được ghi nhận trong Báo cáo tài chính hợp nhất của FLC năm 2016, 2017, cùng Công văn xác nhận công nợ ngày 08/02/2018 đều ghi nhận khoản nợ 213 tỷ đồng nêu trên.
Mặc dù đã gửi rất nhiều công văn yêu cầu FLC thanh toán nhưng Hòa Bình vẫn chưa nhận được thiện chí từ FLC.
Trong quan hệ hợp đồng xây dựng việc ký xác nhận Biên bản nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng chính là quyền đồng thời là nghĩa vụ của mỗi bên.
Nếu một bên lợi dụng quyền của mình vượt quá giới hạn thì quyền lợi của bên còn lại bị xâm hại, do vậy không loại trừ khả năng FLC (với tư cách là chủ đầu tư) không ký xác nhận Biên bản nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng cho mục đích thoái thác, trì hoãn việc thanh toán cho Hòa Bình.
Tôi cho rằng từ việc công nhận khoản nợ đến việc chậm trễ thanh toán rồi phủ nhận khoản nợ là hành vi thiếu nhất quán của FLC và hành vi này đã vi phạm đạo đức kinh doanh cần lên án bởi nó đã gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của Hòa Bình.
- Vấn đề quan trọng nhất dư luận quan tâm là Báo đăng tải thông tin Tập đoàn FLC chây ì nợ Tập đoàn Hòa Bình có đúng sự thật không? Thực tế là bài báo đã nói rất rõ về con số nợ 213 tỷ đồng mà chính Tập đoàn FLC tính toán và đưa ra tại báo cáo tài chính cũng như Thư xác nhận công nợ. Tập đoàn Hòa Bình nói trước tòa rằng suốt 4 năm trời FLC không trả tiền. Điều đó cho thấy nhận định và phán xét của Hội đồng xét xử đã lái sự việc theo hướng khác, không đúng bản chất vụ việc, thưa ông?
Luật sư Nguyễn Thanh Đạm: Qua các tài liệu rất rõ ràng cho thấy khoản nợ 213 tỷ đồng FLC nợ Hòa Bình là hoàn toàn đúng sự thật bởi khoản nợ này đã được minh thị qua Báo cáo tài chính hợp nhất của FLC năm 2016, 2017, cùng Công văn xác nhận công nợ của FLC ngày 08/02/2018.
Bên cạnh đó, Hòa Bình khẳng định thông tin báo đăng hoàn toàn chính xác. Hòa Bình xác nhận đây là khoản nợ phải đòi chứ không đàm phán, tuy nhiên Hội đồng xét xử đã không đánh giá đúng bản chất sự việc để rồi đưa ra nhận định thiếu căn cứ pháp lý, không đảm bảo tính khách quan và tính toàn diện khi chấp nhận yêu cầu khởi kiện của FLC, buộc Báo gỡ bài viết, xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại.
Việc phán quyết thiếu căn cứ, không đảm bảo tính khách quan, toàn diện thể hiện qua việc Hội đồng xét xử đã đánh giá chứng cứ không chính xác, không đầy đủ khi bỏ qua các tài liệu xác nhận nợ của FLC về số tiền 213 tỷ đồng trong Báo cáo tài chính 2016, 2017, Thư xác nhận công nợ gửi tới Hòa Bình ngày 08/02/2018 và ngay cả lời khẳng định công nợ của đại diện Hòa Bình với tư cách là người làm chứng tại phiên tòa.
Phán quyết của Tòa án không khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác sẽ gây ra nhiều hệ lụy, đồng thời dung túng cho hành vi vi phạm các cam kết mà lẽ ra các bên đã thực hiện theo thỏa thuận.