Tôi khuyên các bạn đồng nghiệp, tuyệt đối không xúc phạm học trò

13/04/2022 07:08
Nguyễn Nhật Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mục đích cao cả nhất của học tập, chính là cải thiện bản thân mình, mình hôm nay trưởng thành hơn hôm qua, chứ không phải hơn người khác.

Nếu gõ vào Google cụm từ “học sinh tự tử”, có ngay 325 triệu kết quả trong vòng 0.48 giây. Kết quả tìm kiếm không nói lên số học sinh tự tử nhưng phản ánh rõ nét tình hình đáng báo động hành vi tiêu cực của học sinh, đã được dư luận lên tiếng.

Ảnh chụp màn hình kết quả tìm kiếm trên Gooogle

Ảnh chụp màn hình kết quả tìm kiếm trên Gooogle

Tại sao học sinh tự tử? Muôn vàn lý do, nhưng phần lớn là những lý do “lãng nhách” với người lớn, nhưng cực kì quan trọng với con trẻ “Giật mình với ý nghĩ tự tử của con trẻ: phần lớn từ áp lực điểm số”.

Tôi cũng từng tự tử không thành vì lời nói của 1 giáo viên

Tôi vốn thích Văn, không thích môn Toán lắm, vì thầy giáo dạy "dữ" quá. Trong lần trả bài kiểm tra 15 phút môn Toán, thầy nói với tôi ngay giữa lớp “Ăn gì mà ngu thế, đề dễ thế này mà làm bài chỉ được 5 điểm”.

Từ đó, bạn bè cứ hỏi tôi “Ăn gì mà ngu thế”. Tôi cảm thấy mù mịt, tối tăm mặt mũi, mỗi khi đến lớp, bị bạn bè hỏi “Ăn gì mà ngu thế”, đi học với tôi giờ là cả một cực hình, trường học chẳng khác nơi ... tra tấn là mấy.

Đường từ trường về nhà tôi phải qua dòng sông rộng gần trăm mét, sau một buổi học, tôi bơi qua sông về nhà, không đi đò như thường lệ, để chết đuối cho rồi, sống làm gì trên đời này nữa, khi bạn bè cứ hằng ngày hỏi mình như thế.

Ảnh minh hoạ trên Vtv.vn

Ảnh minh hoạ trên Vtv.vn

Đói, mệt, tôi không thể bơi qua sông, kiệt sức, tôi buông xuôi, may mắn đã được đứa bạn chăn bò nhìn thấy, bơi ra dìu vào bờ.

“Mày muốn tự tử à, sức mày sao bơi qua đoạn này được”, tôi nghĩ nó biết hết, nên đành thú nhận, kể hết sự tình cho nó nghe.

“Mày đúng là ngu thật, ổng chửi mày vậy là đúng rồi, chỉ vì ổng ấy nói, mấy đứa chọc, vậy mà tự tử. Mày không ngu thì cứ học cho giỏi, cho ổng biết”.

Lời cảnh tỉnh của thằng bạn đã bỏ học đi chăn bò thuê làm tôi tỉnh ra, từ đó tôi cố gắng vượt qua nghịch cảnh, học hết chương trình phổ thông, rồi đi bộ đội.

Trong hơn 30 năm dạy môn Toán, tôi luôn đặt bản thân mình vào học trò, chưa một lần xúc phạm học sinh, luôn luôn sợ học sinh làm “bậy” như mình thủa nào.

Tôn trọng học sinh, dịu dàng, hòa nhã trong tiết dạy, thế nhưng rất ít khi tôi phải nhận xét lớp ồn, hay học sinh mất trật tự, học sinh cũ vẫn về thăm rất nhiều. Bạn trao yêu thương, chắc chắn yêu thương sẽ về với bạn, tôi luôn tin là thế.

Cần chủ động phòng chống, ngăn ngừa học sinh tự tử?

Học sinh tự tử không cần lý do gì to tát, có khi chỉ là lời nói bất cẩn của thầy cô, bạn bè, cha mẹ, điểm số thấp không đạt như mong ước …

Là thầy cô giáo, tôi khuyên các bạn đồng nghiệp, tuyệt đối không xúc phạm học trò, lời nói như chén nước đổ đi, không lấy lại được, dù bạn có xin lỗi ngàn vạn lần.

Lời xúc phạm của thầy cô với học trò chẳng khác lưỡi dao đâm là mấy, sẽ là ký ức buồn không phai trong cuộc đời của học sinh.

Ngay như chuyện tôi tự tử không thành, nay gần về hưu, mỗi khi nghĩ về nó, ngực tôi thắt lại, dù đã ngàn lần tha thứ cho thầy giáo, để cho mình thanh thản, dẫu vậy, nó vẫn như một vết thương mãi mãi không lành, cố quên đi nhưng mà không thể được.

Dân gian ta có câu “Lời nói đọi máu”, để nhắc nhở mọi người hãy thận trọng khi nói. Khi lời nói vô tình của bạn đã cướp đi sinh mạng một người khác, dù bạn là ai, dù bạn không theo tôn giáo nào, chắc chắn phần đời còn lại của bạn không có một giấc ngủ an lành nữa.

Nhà thơ Phạm Hổ từng viết trong bài thơ: Mẹ ơi cô dạy “Cái miệng nó xinh thế/ Chỉ nói điều hay thôi”. Làm giáo viên, hãy làm gương cho học sinh trước, đừng nói lời tổn thương người khác, đặc biệt là với học trò.

Trước hiện tượng học sinh tự tử sau thời gian dài học trực tuyến như hiện nay, nhà trường nên chủ động phòng chống hành vi tự tử của học trò, đừng đợi “mất bò mới lo làm chuồng”.

Hãy cho học sinh tìm hiểu chuyện học sinh tự tử thông qua hoạt động ngoại khóa, hoặc tự tìm hiểu thông tin trên internet: em có biết chuyện học sinh tự tử không? Tại sao bạn học sinh ấy tự tử?

Nếu là em, em sẽ giải quyết nguyên nhân đó như thế nào? Nếu em biết bạn mình gặp những bế tắc như thế trong cuộc sống, em phải làm gì?

Sau khi học sinh tìm hiểu, giáo viên phải chuẩn hóa các kiến thức, phương thức xử lý các trắc trở, ẩn ức có thể có của tuổi học trò, đây chính là biện pháp tư vấn tâm lý tập thể cho các em.

Chính sự chủ động tìm hiểu của học sinh, sự chuẩn hóa kiến thức của giáo viên, sẽ trang bị kiến thức, tâm lý, giải pháp cho các em khi gặp bất trắc, ẩn ức trong cuộc sống, là liều “vắc xin” chống tự tử cho các em.

“Giật mình với ý nghĩ tự tử của con trẻ: phần lớn từ áp lực điểm số”, trách nhiệm không chỉ thuộc về ngành giáo dục.

Áp lực về điểm số phần nhiều do “'Áp đặt ước mơ' của người lớn lên các con là một phần khiến trẻ trầm cảm”.

Các bậc phụ huynh hãy cho con mình có quyền “được dốt”, được vui chơi, không thể bắt buộc con mình phải như “con người ta”.

Mục đích cao cả nhất của học tập, chính là cải thiện bản thân mình, mình hôm nay trưởng thành hơn hôm qua, chứ không phải hơn người khác.

Sau Covid-19, những ảnh hưởng của dịch bệnh, giáo viên khi quay lại trường không còn chuyên nghiệp như trước, trí nhớ giảm sút, sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mệt mỏi, học sinh cũng vậy. Học sinh bị điểm kém, nếu phải viết bản kiểm điểm, thì thầy cô và bố mẹ cần viết trước.[1]

Các cơ sở giáo dục cần nhanh chóng, chủ động, phòng ngừa học sinh tự tử do tác động tiêu cực của học trực tuyến kéo dài, đừng để mất “thời gian vàng”, trước khi quá muộn.

“Phòng chống tự tử ở trẻ em cần có sự phối hợp giữa nhiều bên”, không thể phó mặc cho nhà trường.

Ngay cả phụ huynh, tuyệt đối không nên chì chiết con trẻ khi bị điểm kém, hay thua bạn kém bè, đừng đem ước mơ của mình bắt con cái phải thực hiện.

Đặc biệt, phụ huynh đừng bao giờ thách đố con trẻ bằng ngôn từ “đồ vô dụng”, “đồ bỏ đi”, “chết đi cho rồi”, “biết vậy tao không sinh ra mày”…

Người viết đã đau lòng tiễn đưa học sinh xấu số, chứng kiến sự đau khổ tột cùng, sự hối hận của người mẹ đã lỡ lời với con trẻ.

Mỗi đứa trẻ nói chung học sinh nói riêng, là một cá thể độc lập, chúng ta phải tuyệt đối tôn trọng sự độc lập đó.

Hãy dành cho con trẻ thứ quan trọng nhất trên đời, đó là tình yêu thương, chứ không phải là điểm số, hãy để trẻ con được làm trẻ con, đừng bắt "quả chín ép", quả chín ép không chua cũng đắng.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/hoc-sinh-bi-diem-kem-neu-phai-viet-ban-kiem-diem-thi-thay-co-va-bo-me-can-viet-truoc-post935938.vov

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Nhật Minh