Lặn lội vượt hàng trăm cây số từ huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, chị Y. đưa con gái độc nhất đến Hà Nội để thăm khám tại Viện Sức khỏe tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai trong một buổi chiều nắng nóng gay gắt.
Sau cuộc trao đổi gần một giờ đồng hồ với bác sĩ, người phụ nữ 43 tuổi này không khỏi bàng hoàng khi nhận kết luận, con gái chị đã mắc bệnh trầm cảm và được yêu cầu nhập viện ngay lập tức.
Con gái chị Y. đang được điều trị tại Viện Sức khỏe Tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Tiến Quân |
Trầm cảm vì học tới 12 tiếng 1 ngày
Lấy chồng muộn, chị Y. sinh được một mụn con gái duy nhất nên yêu thương, chăm lo hết mực.
Tuy nhiên vì cuộc sống mưu sinh, vợ chồng chị phải ra huyện đảo Cô Tô làm muối, gửi lại con cho ông bà nội ngoại chăm sóc ở đất liền. Đến năm 2018, khi con chị lên cấp 3, chị đón cháu ra đảo sinh sống và học tập.
“Cuộc sống ngoài đảo tuy lam lũ, nhưng cháu ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập đỡ đần việc nhà. Nhưng con bé thấy cha mẹ vất vả quá nên nói với tôi rằng phải cố gắng học tập thành tài. Rồi nó suốt ngày cắm đầu vào học, ít giao lưu với bạn bè.
Tôi thấy thế cũng lo nên động viên cháu tham gia các hoạt đông văn nghệ, ngoại khóa của lớp, trường. Cháu cũng nghe lời và hưởng ứng nhiệt tình. Tôi thấy thế nên yên tâm, nào ngờ…”, chị Y. nước mắt ngắn dài tâm sự.
Tháng 9 năm 2019, con gái chị Y. bắt đầu vào lớp 11, vẫn với suy nghĩ “con phải cố gắng học tập”, cháu bé lại lao đầu vào bài vở. “Lúc này, con bé bắt đầu có hiện tượng ăn ít hẳn đi. Lúc đầu ăn một bát cơm, sau cứ giảm dần chỉ còn ăn vài thìa cơm. Tôi nghĩ nó lười ăn giữ dáng nên cũng chỉ nhắc nhở. Trước đây cháu 46kg, đến khi lên viện con bé chỉ còn 35kg”, chị Y. kể.
Sang tới học kỳ 2 (đầu năm 2020), gia đình chị Y. thấy cháu hay ngồi một mình tự khóc, tâm trạng buồn bã, cáu kỉnh, gắt gỏng.
Dự định đưa con đi khám bệnh, thế nhưng do dịch Covid-19 xuất hiện khiến việc đi lại, tiếp xúc nơi đông người khó khăn, nên chị Y. cũng chỉ động viên con.
Ngay khi hết giãn cách xã hội, chị định cho con đi khám thì lại vướng việc con gái phải hoàn thành nốt chương trình học. Việc khám bệnh tiếp tục bị trì hoãn. Nào ngờ, kỳ thi học kỳ 2 lại là nguyên nhân khiến bệnh tình con gái chị trầm trọng hơn.
“Nửa tháng trước lịch thi cuối kỳ, con bé lao đầu vào học, tối học từ 19h đến 23h rồi ngủ đến 1h sáng, sau đó lại thức dậy học bài đến tận 6h sáng, rồi ăn uống đi học luôn.
Cứ như vậy kéo dài mười mấy ngày trời, tôi cũng lo nhưng nghĩ cho cháu thi cử xong xuôi rồi tính. Hôm đi thi xong, thấy cháu có vẻ lo lắng rồi tâm sự có một môn điểm không như ý, rồi bỏ ăn và khóc, kêu buồn rồi nói con làm được bài nhưng không làm được hết.
Tôi cũng động viên rồi khẩn trương đưa cháu tới viện. Đến lúc vào viện, tôi mới bất ngờ khi biết cháu đã mắc chứng trầm cảm. Thậm chí, đến lúc này tôi mới nghe cháu nói, kinh nguyệt của cháu đã bị tắt từ vài tháng nay. Tôi rất hoảng hốt…”, chị Y. nói trong nước mắt.
Dẫn chúng tôi vào thăm con gái, chị Y. vẫn cố gắng tỏ ra vui vẻ trò chuyện, tâm sự cùng con. Nữ sinh sinh năm 2003 ngồi trên giường bệnh với thân hình gầy gò, mặt mũi nhợt nhạt vô hồn, khi chúng tôi hỏi cô bé mới lí nhí trả lời và liên tục nói rằng: “Cháu không thích điểm 6, điểm 7, chỉ muốn được 9, 10 điểm thôi”.
Trầm cảm - “Sát thủ học đường”
Câu chuyện của con gái chị Y. có lẽ không phải là cá biệt. Thậm chí, trước đây đã có những trường hợp trầm cảm liên quan tới áp lực học tập để xảy ra hậu quả dẫn đến quyên sinh.
Điển hình như câu chuyện của nữ sinh lớp 7 trường Trung học cơ sở Tân Lâm (trú tại xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh). Trong lá thư tuyệt mệnh để lại vào ngày 03/01/2018, nữ sinh này đã xin lỗi vì kết quả học tập giảm sút trong thời gian gần đây, không đạt được kỳ vọng của bố mẹ. Điều đó, khiến em đi đến quyết định tự tử.
Hay vụ việc xảy ra vào sáng 10/04/2018, học sinh H.T.C lớp 10 ở trường Trung học phổ thông Nguyễn Khuyến (Thành phố Hồ Chí Minh) nhảy lầu tự tử ngay tại trường học đã khiến dư luận dậy sóng.
Theo đó, điểm trung bình của học sinh này là 8,9, còn một chút nữa là đạt danh hiệu học sinh xuất sắc. Học sinh này đã thất vọng về mình, sợ bố mẹ thất vọng về mình nên đã nghĩ quẩn.
Trên thực tế, các chuyên gia tâm lý hiện nay đều cho rằng, thanh thiếu niên (đặc biệt là lứa tuổi học sinh, hoặc đang dậy thì) đang quá cô đơn trên hành trình trưởng thành của mình. Các em stress với hoạt động học tập liên tục và không cân bằng được với những hoạt động yêu thích của bản thân, hay gặp những áp lực từ phía gia đình, hoàn cảnh tác động.
Do đó, bên cạnh những nỗ lực thay đổi tư tưởng từ gia đình, nhà trường và từ chính học sinh, hơn lúc nào hết rất cần sân chơi để giải tỏa tâm lý cho những người trẻ.
“Mục tiêu cuối cùng của con người là thích nghi và phát triển với sự thay đổi của cuộc sống. Kỳ thi khắc nghiệt hay học hành áp lực cũng giống như một trận lụt hay một trận đại dịch. Hãy chuẩn bị tâm thế tốt nhất để kế hoạch hóa cuộc sống của từng cá nhân.
Mỗi một học sinh có một mục tiêu khác nhau, mục tiêu đó cần được phụ huynh thầy cô xác định và quan tâm đúng cách để song hành cùng con cái”, Thạc sĩ, bác sĩ Lê Công Thiện - Trưởng phòng Điều trị Tâm thần Trẻ em, Viện Sức khỏe tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh.