'Tôi thấy đau xé ruột trước sự im lặng của Bộ Y tế'

10/11/2011 16:23
Thành Chung (tổng hợp)
(GDVN) - "Một nhà khoa học sẵn sàng đi tù để đảm bảo cho việc mình chữa thành công bệnh chân tay miệng mà Bộ y tế lại im lặng!?, làm tôi thấy đau xé ruột".
Đó là câu chuyện được nhiều bạn đọc của báo điện tử Giáo dục Việt Nam quan tâm chia sẻ  về sự im lặng của Bộ Y tế trước cam kết "xin đi tù nếu không chữa được bệnh chân tay miệng" của TS Nguyễn Văn Khải.Ông tiến sĩ dám làm, dám chịu vì dân Ngay sau khi báo điện tử GDVN đăng loạt bài "Tôi xin đi tù nếu không chữa được bệnh chân tay miệng" về những thông tin và kết quả đã được kiểm chứng chữa thành công bệnh chân tay miệng ở trẻ em bằng Anlolyt của TS Nguyễn Văn Khải (hay còn gọi là ông già Ozon). Tòa soạn đã nhận được rất nhiều những chia sẻ của bạn đọc về sự cảm phục, ghi nhận những đóng góp tâm huyết của TS Khải với người dân.

TS Nguyễn Văn Khải (hay còn được gọi là ông già Ozon).
TS Nguyễn Văn Khải (hay còn được gọi là ông già Ozon).
"Thực sự tôi luôn dành sự kính trọng đến với ông, một nhà khoa học chân chính. Từ việc bảo vệ gia súc, giúp bảo quản hoa quả, thực phẩm cho nông dân đến giờ lại tìm ra "thuốc" phòng và chữa bệnh chân tay miệng, một dịch bệnh đang lan tràn mạnh. Xin được tôn vinh ông, nhà khoa học của nhân dân", độc giả Trương Thiên Thanh chia sẻ. Nhất trí với những nhận định đó, độc giả Nguyễn Quyết đánh giá: "Tiến sĩ Vật Lý Khải từ lâu đã là một nhà khoa học nổi tiếng luôn áp dụng những thành tựu vật lý vào phục vụ cuộc sống hàng ngày. Ông là nhà vật lý luôn trăn trở làm sao tận dụng được kho tàng vô giá khoa học của nhân loại mà ông biết để phục vụ cho một đất nước mà đa phần dân chúng có cuộc sống còn vất vả ở một đất nước đang phát triển như Việt Nam, từ thiết bị tạo ozon đến chiếc đèn led bé nhỏ...đều mang tính thực tiễn cao và tiết kiệm hiệu quả". Nhiều độc giả cũng cho rằng, với những lời cam kết "xin đi tù nếu không chữa được bệnh chân tay miệng" của TS Khải đã cho thấy ông là một nhà khoa học dám làm, dám chịu và nước ta rất cần những nhà khoa học như thế. "Hoan hô Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải. Nước ta cần rất rất nhiều những tiến sĩ như bác, dám làm, dám chịu và đưa khoa học và thực tiễn. Đâu cần những tiến sĩ ngồi nghiên cứu và hương tiền đề tài của nhà nước...Cháu đã đọc và được biết nhiều công trình nghiên cứu thực tiễn của bác. Rất hiệu quả và có ích cho nhân dân, cho con người", độc giả ở địa chỉ sumi_tomo80@gmail.com chia sẻ. Còn độc giả Trần Tuấn (Hà Nội) tin tưởng: "Tôi tin tâm tư của TS Khải cũng là tâm tư của nhiều nhà khoa học trước thảm cảnh phòng chống dịch của nước nhà! Khoa học dẫn đường chúng ta đi. Muốn phòng chống dịch tốt, phải dựa vào các nhà khoa học chân chính." Và độc giả của báo GDVN cũng đều dành lời chúc sức khỏe đến TS Khải và mong ông sẽ có thật nhiều những sáng kiến, nghiên cứu hữu ích hơn nữa để giúp cho nước, cho dân.Im lặng hay vô trách nhiệm với dân? Trước sự im lặng của Bộ Y tế với thông tin và những kết quả đã đạt được trong việc sử dụng Anlolyt để phòng và chữa thành công bệnh chân tay miệng của TS Nguyễn Văn Khải cho hàng trăm trường hợp. Đặc biệt là trước cam kết "xin đi tù nếu không chữa khỏi bệnh chân tay miệng" của TS Khải, nhiều độc giả của báo GDVN đã đặt câu hỏi đây là sự im lặng hay là sự thờ ơ, vô trách nhiệm với người dân của Bộ Y tế?. "Kết quả điều trị tay chân miệng của ông đã thử nghiệm khoa học, đã thống kê và công bố công khai, đã được chứng minh thực tiễn(theo báo chí khẳng định)...Vậy mà Bộ Y tế vẫn im lặng một cách khó hiểu !Với chức năng quản lý chuyên nghành về y tế, việc một nhà khoa học ngoài ngành y tế tiến hành thử nghiệm chữa bệnh cho hàng trăm bệnh nhân mà ngành y tế lại im lặng !?- Thế rồi kết quả điều trị hiệu quả, đơn giản, rẻ tiền đã được minh chứng, họ cũng im lặng một cách khó hiểu! Ai đúng ai sai, bao nhiêu người bệnh đang khốn khổ với loại bệnh dịch này biêt trông chờ vào ai đây?", độc giả Châu Giang (Hà Nội) đặt câu hỏi.

Theo TS Khải, nếu không giữ gìn vệ sinh tốt, trẻ sẽ rất dễ bị tái nhiễm bệnh chân tay miệng (Ảnh minh họa)
Theo TS Khải, nếu không giữ gìn vệ sinh tốt, trẻ sẽ rất dễ bị tái nhiễm bệnh chân tay miệng (Ảnh minh họa)
Cùng quan điểm đó, độc giả Nguyễn Sỹ Hiệp cũng cho rằng: "Tôi tin rằng nhưng người có trách nhiệm  của Bộ Y tế đều biết, bởi vì chắc chắn họ có con, cháu đang trong độ tuổi có nguy cơ mắc các bệnh chân tay miệng nhưng không biết vì lý do gì họ không lên tiếng để cho người dân được biết?" Không chỉ vậy, với câu trả lời của một lãnh đạo Bộ Y tế trong bài "Vụ "Tiến sĩ xin đi tù...": Lãnh đạo Bộ y tế đang ở đâu?", độc giả Nguyễn Trường Giang (Hà Nội) đã đặt ra hàng loạt câu hỏi: "Nghiên cứu thêm?, thêm đến bao giờ nữa?. Bằng đó thời gian chưa đủ hay sao? hay để có thêm nhiều trường hợp nhiễm bệnh, thêm nhiều người bị chết thì mới đưa vào áp dụng. Thật là khó hiểu." Còn độc giả Hồng Quang thì nhận định: ""...cần có thời gian nghiên cứu thêm” hay là cách bao biện cho bệnh vô cảm của chính ngành y tế". Một độc giả của báo GDVN còn cảm thấy rất buồn trước sự im lặng của chính Tư lệnh ngành Y tế trước cam kết của TS Khải và cho rằng Tư lệnh ngành Y tế cần phải học tập Tư lệnh ngành Giao thông, Tài chính trong việc dám nghĩ, dám làm, năng động giải quyết các vấn đề bức xúc. "Một nhà khoa học sẵn sàng xin đi tù để bảo đảm cho việc mình chữa thành công bệnh chân tay miệng mà Bộ Y tế lại im lặng!? làm cho tôi thấy đau xé ruột. Tôi nghĩ Bộ trưởng Y tế cần phải học tập các Bộ trưởng Đinh La Thăng, Vương Đình Huệ ..., dám nghĩ dám làm, năng động để giải quyết những vấn đề bức xúc nhất trong các vấn đề về y tế hiện nay. Người dân đang chờ đợi sự lên tiếng, hành động của Bộ trưởng để y tế có những thay đổi nào đó, dù là nhỏ nhất để Việt Nam có thể tiến lên được!".
Thành Chung (tổng hợp)