Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích, thúc đẩy sự tham gia của kinh tế tư nhân vào giáo dục và đào tạo. Đặc biệt, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng kinh tế.
Là một trong những thành phần của kinh tế tư nhân, giáo dục tư thục đã và đang thực hiện tốt nhiệm vụ và vai trò của mình như thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, giảm áp lực cho trường công, tạo ra việc làm cho thị trường lao động,... Thế nhưng, nhiều chính sách, môi trường pháp lý để hệ thống giáo dục tư thục phát triển vẫn còn hạn chế.
Để tìm hiểu cụ thể hơn về những đóng góp của giáo dục tư thục cho hệ thống giáo dục trong thời gian qua, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Tùng – Tổng Hiệu trưởng Hanoi Academy.
Tiên phong phát triển mô hình giáo dục song ngữ quốc tế
Ông Lê Thanh Tùng thông tin, Hanoi Academy được khởi công xây dựng vào năm 2007 và chính thức khánh thành vào ngày 09/09/2009. Ngay từ bước đầu tiên, những người sáng lập hệ thống đã luôn đặt ra mục tiêu kiến tạo môi trường giáo dục mang tính nhân văn, hiện đại và hội nhập, nơi học sinh có thể tiếp cận những tinh hoa của giáo dục quốc tế mà vẫn giữ nguyên được bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Theo đó, sứ mệnh của Hanoi Academy đã được xác định rất rõ từ những ngày đầu thành lập. Đó là đào tạo nên những công dân toàn cầu - những con người không chỉ sở hữu nền tảng kiến thức vững chắc và các kỹ năng linh hoạt của thế kỷ 21, mà còn thấm nhuần sáu giá trị cốt lõi của nhà trường là chính trực, tôn trọng, trách nhiệm, công bằng, yêu thương và ý thức công dân. Đây chính là kim chỉ nam xuyên suốt trong mọi hoạt động giáo dục của nhà trường. Nhờ vậy, giúp học sinh phát triển toàn diện, có khả năng thích nghi và hội nhập trong một thế giới đang không ngừng biến động.
Nhìn lại hành trình 16 năm hình thành và phát triển, thầy Tùng bày tỏ niềm tự hào trước những đóng góp cho nền giáo dục nước nhà và sự nghiệp trồng người của Hanoi Academy.

“Tôi còn nhớ rất rõ, giai đoạn đầu thành lập là quãng thời gian chúng tôi phải đương đầu với vô vàn thử thách. Khi đó, mô hình giáo dục song ngữ quốc tế vẫn còn rất mới mẻ tại Việt Nam. Nhà trường đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, từ việc xây dựng chương trình học kết hợp hài hòa giữa chuẩn quốc gia và quốc tế, tìm kiếm đội ngũ giáo viên tâm huyết vừa có chuyên môn cao, vừa có khả năng giảng dạy bằng tiếng Anh, đến việc thuyết phục phụ huynh tin tưởng vào một mô hình giáo dục mới - mô hình còn xa lạ với đa số gia đình Việt.
Thế nhưng, chính trong thời khắc khó khăn như vậy, chúng tôi càng thấu hiểu rằng chỉ có sự kiên định với tầm nhìn giáo dục dài hạn, sự đồng lòng của tập thể giáo viên, nhân viên, và niềm tin, sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các thế hệ học sinh mới có thể giúp Hanoi Academy vững bước và phát triển bền vững”, thầy Tùng xúc động kể lại.
Khi thành lập ra Hanoi Academy, nhà trường đã luôn hướng tới việc triển khai hiệu quả mô hình giáo dục song ngữ quốc tế để học sinh Việt Nam được tiếp cận với tinh hoa giáo dục toàn cầu ngay từ những năm học đầu đời. Không chỉ đưa chương trình quốc tế vào giảng dạy, nhà trường đã tạo dựng một nền tảng giúp học sinh phát triển toàn diện, vững vàng về kiến thức học thuật, thành thạo các kỹ năng thế kỷ 21, và quan trọng nhất là nuôi dưỡng tư duy độc lập, toàn cầu.
Có thể nói, mô hình giáo dục song ngữ quốc tế của nhà trường trong hơn một thập kỷ qua đã tạo tiền đề và trở thành hình mẫu cho nhiều cơ sở giáo dục khác trên địa bàn thành phố học hỏi, áp dụng và phát triển. Điều này góp phần thu hẹp khoảng cách giữa giáo dục Việt Nam và thế giới, đồng thời mở ra những cơ hội mới cho học sinh Việt trong việc tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến toàn cầu.
Những nỗ lực trong suốt hành trình dài bền bỉ vừa qua của nhà trường đã và đang được ghi nhận bằng những kết quả thực tế.
Tại Hanoi Academy, 100% học sinh tốt nghiệp lớp 12 đều đỗ vào những trường đại học danh tiếng trong và ngoài nước, trong đó có nhiều trường nằm trong top thế giới. Đáng chú ý, hàng năm đều có khoảng 60% học sinh nhận được học bổng du học. Điều này thể hiện rõ năng lực học thuật và kỹ năng vượt trội của các em.
Không những vậy, hàng năm trung bình có khoảng 30% học sinh Hanoi Academy xuất sắc đạt điểm tuyệt đối trong kỳ thi iGCSE - một trong những chứng chỉ giáo dục phổ thông quốc tế uy tín; gặt hái khoảng 150 giải thưởng mỗi năm ở các cuộc thi học thuật, thể thao và nghệ thuật từ cấp quận, thành phố, quốc gia đến quốc tế.
Một trong những thành tích đáng tự hào trong thời gian gần đây nhất của thầy và trò Hanoi Academy chính là việc đội tuyển Robotics của trường tiếp tục vinh dự trở thành đại diện của Việt Nam tham dự cuộc thi FIRST LEGO LEAGUE 2025 tại Nam Phi. Trước đó, năm 2024, đội tuyển Robotics Hanoi Academy cũng là đại diện duy nhất của Việt Nam được tham gia tranh tài và học hỏi tại đấu trường này tại Na Uy - sân chơi robot tầm cỡ quốc tế dành cho thế hệ trẻ đam mê khoa học, công nghệ và sáng tạo.

Cầu nối góp phần khẳng định vai trò tích cực trong việc thúc đẩy xã hội hóa giáo dục
Mặt khác, theo ông Lê Thanh Tùng, sự ra đời và phát triển của hệ thống giáo dục tư thục, trong đó có Hanoi Academy đã và đang góp phần đáng kể vào việc giải quyết việc làm cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong xã hội.
Ở góc độ vĩ mô, theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến đầu năm 2024, cả nước có hơn 600 trường trung học phổ thông tư thục, thu hút hàng chục nghìn giáo viên, chuyên viên và cán bộ quản lý làm việc trong lĩnh vực giáo dục ngoài công lập.
Đặc biệt, giáo dục tư thục Hà Nội đã trở thành một bộ phận quan trọng trong hệ sinh thái giáo dục, góp phần giảm tải cho hệ thống giáo dục công lập. Đồng thời, giúp mở rộng thị trường lao động cho các ngành nghề liên quan như công nghệ, dịch vụ học đường,...
Tại Hanoi Academy, mỗi năm nhà trường thực hiện tuyển dụng và duy trì đội ngũ hơn 200 cán bộ, giáo viên và nhân viên ở nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau.
Ngoài đội ngũ giáo viên, trợ giảng hùng hậu với trình độ chuyên môn sư phạm cao, được đào tạo bài bản, nhà trường còn tạo ra việc làm cho người lao động trong các lĩnh vực liên quan đến vận hành trường học. Đơn cử như đội ngũ lao động về dịch vụ ăn uống, xe bus, y tế, bảo hiểm, dinh dưỡng học đường, tâm lý học đường, vệ sinh, an ninh, kỹ thuật - hậu cần, công nghệ thông tin,…
Bên cạnh đó, thông qua những hợp đồng dịch vụ với các đơn vị đối tác, nhà trường còn tạo sinh kế cho hơn 100 lao động gián tiếp. Từ đó, hình thành nên một hệ sinh thái việc làm rộng mở, ổn định và bền vững, đáp ứng yêu cầu của một môi trường giáo dục chất lượng cao và liên tục cập nhật theo tiêu chuẩn quốc tế.

Chia sẻ thêm, thầy Tùng cho biết, ngoài việc tuyển dụng, công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của Hanoi Academy.
Nhà trường luôn quan niệm rằng, khoản đầu tư có lãi nhất chính là đầu tư vào tri thức. Chính vì vậy, hàng năm, 100% giáo viên và nhân viên nhà trường đều được tham gia các khóa đào tạo nâng cao nghiệp vụ trong nước và quốc tế. Đồng thời, người lao động cũng được hưởng đầy đủ phúc lợi và cơ hội phát triển nghề nghiệp. Điều này không chỉ giúp nhân sự của trường nâng cao năng lực cạnh tranh và nâng cao giá trị của bản thân trong thị trường lao động khắc nghiệt, mà còn góp phần lan tỏa giá trị của một môi trường giáo dục chuẩn quốc tế ngay tại Việt Nam.
Có thể thấy rằng, trong thời đại mà kỹ năng nghề nghiệp và sự thích nghi ngày càng được coi trọng, sự hiện diện của những ngôi trường như Hanoi Academy nói riêng cũng như các trường tư thục khác nói chung chính là một mắt xích quan trọng góp phần giảm áp lực việc làm, thúc đẩy chuyên môn hóa lao động, và nâng tầm chất lượng nguồn nhân lực quốc gia.
Đây chính là một trong những đóng góp thiết thực của giáo dục tư thục vào sự phát triển bền vững của xã hội.
Năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025. Mục tiêu của Nghị quyết là đẩy mạnh huy động các nguồn lực của xã hội, thúc đẩy sự phát triển của hệ thống cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Hưởng ứng tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ, thầy Tùng cho hay, từ năm 2019, Hanoi Academy đã chủ động triển khai hàng loạt hoạt động cụ thể nhằm tăng cường sự tham gia của cộng đồng và các tổ chức ngoài công lập vào sự nghiệp phát triển giáo dục.
Một trong những minh chứng rõ ràng nhất là việc nhà trường đã cải tạo nâng cấp toàn bộ khuôn viên trường với những phòng học thông minh được trang bị hệ thống kính thực tế ảo và bảng thông minh phục vụ mục đích học tập. Cùng với đó là thư viện chuẩn quốc tế, khu thể thao đa năng và phòng chức năng chuyên biệt như phòng STEM, phòng nghệ thuật, nhà thi đấu,… Những cơ sở vật chất, trang thiết bị này nhằm đáp ứng đầy đủ yêu cầu về một môi trường học tập toàn diện cho học sinh.
Bên cạnh đó, Hanoi Academy còn đặc biệt chú trọng đến các hoạt động kết nối cộng đồng, hợp tác giáo dục và phát triển bền vững.
Cụ thể, nhà trường thường xuyên tổ chức nhiều chương trình và hoạt động có sự tham gia của phụ huynh, học sinh cùng những tổ chức đối tác trong và ngoài nước. Nhiều hoạt động nổi bật có thể kể đến như hội thảo giáo dục với sự góp mặt của các chuyên gia quốc tế; ngày hội hướng nghiệp và khởi nghiệp dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông; chương trình thiện nguyện gây quỹ vì cộng đồng; hay dự án hợp tác quốc tế giúp học sinh tiếp cận môi trường học tập toàn cầu ngay tại Việt Nam.
Những chương trình này không chỉ tạo cơ hội để học sinh phát triển kỹ năng mềm, tư duy phản biện và tinh thần công dân toàn cầu, mà còn là cầu nối lan tỏa các giá trị giáo dục bền vững ra ngoài khuôn khổ lớp học, góp phần khẳng định vai trò tích cực của nhà trường trong việc thúc đẩy xã hội hóa giáo dục.

Ngoài ra, Hanoi Academy cũng luôn chú trọng đổi mới và sáng tạo trong giảng dạy, liên tục cập nhật những phương pháp giáo dục tiên tiến nhằm tối ưu hóa chương trình học theo khung chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cụ thể, nhà trường chủ động xây dựng những dự án học liên môn, biên soạn hệ thống tài liệu tham khảo phù hợp với đặc điểm và năng lực học sinh, từ đó tạo điều kiện cho các em phát triển toàn diện về tri thức và kỹ năng. Khi hoàn thành chương trình học tại Hanoi Academy, học sinh sẽ được cấp bằng Việt Nam và bằng quốc tế có giá trị toàn cầu, mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho con đường học tập và phát triển ở cả trong lẫn nước ngoài.
Cũng theo Tổng Hiệu trưởng Hanoi Academy, giáo dục tư thục không chỉ là một lựa chọn thay thế cho giáo dục công lập, mà còn là một động lực cải cách, góp phần định hình lại diện mạo của giáo dục Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Thứ nhất, giáo dục tư thục có khả năng thích ứng cao với xu thế giáo dục toàn cầu.
Trong khi giáo dục công lập thường chịu nhiều ràng buộc về chính sách và quy trình, cơ sở giáo dục tư thục lại có tính linh hoạt cao, cho phép họ nhanh chóng tiếp nhận và triển khai những mô hình giáo dục tiên tiến. Đơn cử, khi giáo dục STEM, giáo dục khởi nghiệp hay chương trình phát triển kỹ năng thế kỷ 21 trở thành xu hướng toàn cầu, nhiều trường tư thục như Hanoi Academy thường là những đơn vị tiên phong áp dụng, từ đó tạo ra những thế hệ học sinh có tư duy cạnh tranh quốc tế.
Hơn nữa, giáo dục tư thục thường có cơ chế hợp tác quốc tế mạnh mẽ hơn nhờ tính tự chủ về tài chính và chương trình. Thực tế đã cho thấy, nhiều trường tư thục có xu hướng dễ dàng thiết lập quan hệ đối tác với những tổ chức giáo dục uy tín hơn (Cambridge, Pearson, IB, v.v.), hay tổ chức những kỳ thi chuẩn hóa quốc tế ngay tại Việt Nam, tạo điều kiện để học sinh tham gia các sân chơi học thuật toàn cầu. Điều này giúp học sinh Việt Nam không bị tụt hậu so với bạn bè quốc tế và dần khẳng định vị thế trong các bảng xếp hạng giáo dục toàn cầu.
Thứ hai, giáo dục tư thục đóng góp vào hệ thống kiểm định chất lượng quốc tế. Một trong những yếu tố quan trọng để nâng tầm giáo dục Việt Nam là sự công nhận từ các tổ chức kiểm định uy tín như CIS (Council of International Schools), WASC (Western Association of Schools and Colleges), hay BC (British Council). Những cơ sở giáo dục tư thục như Hanoi Academy thường đi đầu trong việc theo đuổi kiểm định quốc tế, bởi nhà trường nhận thức rõ ràng rằng đây là cách để khẳng định chất lượng và thu hút học sinh.
Khi một trường tư thục tại Việt Nam đạt kiểm định quốc tế, nó không chỉ nâng cao uy tín của riêng trường đó mà còn tạo tiền đề để hệ thống giáo dục Việt Nam được đánh giá cao hơn. Các tổ chức giáo dục toàn cầu cũng sẽ nhìn nhận Việt Nam như một điểm đến giáo dục tiềm năng, từ đó mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng hơn cho cả hệ thống công lập và tư thục.
Thứ ba, giáo dục tư thục còn có vai trò dẫn dắt đổi mới ngành sư phạm nước nhà. Thực tế đã chỉ ra rằng, giáo dục tư thục đóng vai trò như một phòng thí nghiệm giáo dục, nơi những phương pháp giảng dạy mới, công nghệ giáo dục tiên tiến, và mô hình quản trị hiện đại được áp dụng trước khi nhân rộng ra toàn hệ thống. Chẳng hạn, trong khi các trường công lập còn đang loay hoay trong giai đoạn chuyển đổi số, nhiều trường tư thục đã triển khai lớp học thông minh, ứng dụng công nghệ thực tế ảo và AI trong giáo dục, hay phương pháp học tập cá nhân hóa.
Không những vậy, giáo dục tư thục thường chú trọng phát triển năng lực cá nhân hơn là đào tạo đồng loạt. Điều này phù hợp với xu hướng giáo dục thế giới, nơi mỗi học sinh được khuyến khích phát triển theo thế mạnh riêng. Khi học sinh Việt Nam từ trường tư thục thể hiện được khả năng sáng tạo, tư duy phản biện và năng lực lãnh đạo trên diễn đàn quốc tế, các em tất yếu sẽ trở thành những đại sứ thuyết phục nhất cho chất lượng giáo dục Việt Nam.
Tựu chung lại, có thể nói rằng, giáo dục tư thục không chỉ có vai trò bổ sung cho giáo dục công lập mà còn định hướng lại cách thức giáo dục Việt Nam hội nhập. Thông qua khả năng thích ứng nhanh, theo đuổi chuẩn mực quốc tế và dẫn dắt đổi mới sư phạm, hệ thống trường tư thục đang góp phần đưa Việt Nam trở thành một điểm đến giáo dục có uy tín trong khu vực và thế giới. Để phát huy tối đa tiềm năng này, cần có sự hỗ trợ chính sách thông thoáng hơn từ Nhà nước, tạo điều kiện để giáo dục tư thục tiếp tục đóng vai trò tiên phong trong nâng tầm giáo dục quốc gia.
Cần tạo môi trường pháp lý cởi mở, công bằng và nhất quán để giáo dục tư thục phát triển
Trước tình hình thực tế hiện nay, để hệ thống giáo dục tư thục phát triển bền vững, đóng góp mạnh mẽ hơn cho quốc gia và bắt kịp xu hướng giáo dục toàn cầu, thầy Tùng bày tỏ, Nhà nước cần bổ sung và điều chỉnh một số chính sách mang tính chiến lược.
Trước hết, cần có chính sách ưu đãi về thuế nhằm khuyến khích tái đầu tư vào chất lượng giáo dục. Hiện nay, những cơ sở giáo dục tư thục hoạt động dưới mô hình doanh nghiệp phần lớn đều tái đầu tư toàn bộ lợi nhuận vào cơ sở vật chất và chương trình học để nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, các chính sách thuế chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho việc này. Nếu Nhà nước cho phép miễn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần lợi nhuận được tái đầu tư vào giáo dục, đây sẽ là đòn bẩy thúc đẩy cơ sở giáo dục tư thục mạnh dạn đổi mới và mở rộng quy mô.
Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện tiếp cận đất đai thuận lợi hơn thông qua quy hoạch giáo dục đồng bộ và chính sách thuê đất dài hạn với giá ưu đãi.
Một trong những rào cản lớn nhất hiện nay của các trường tư thục là chi phí thuê đất cao và thiếu quỹ đất phù hợp để phát triển hệ sinh thái giáo dục đa cấp học. Nếu có chính sách quy hoạch vùng đất dành riêng cho phát triển trường học tư thục với thời hạn thuê dài và giá thuê hợp lý, điều này sẽ giúp nhà trường được đầu tư lâu dài, yên tâm phát triển cơ sở vật chất bài bản hơn.
Tại Hanoi Academy, trường đã tận dụng hiệu quả quỹ đất hiện có để phát triển mô hình giáo dục liên cấp, tuy nhiên để mở rộng quy mô và mở thêm các phân khu học tập chuyên biệt, bài toán về mặt bằng vẫn là thách thức lớn.
Hơn nữa, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt là liên quan đến các chương trình liên kết quốc tế. Việc triển khai các chương trình học chuẩn quốc tế hiện nay còn vướng nhiều thủ tục, từ cấp phép đến việc công nhận tín chỉ, dẫn đến mất thời gian và cơ hội của học sinh.
Thầy Tùng cho rằng, nếu Nhà nước có thể ban hành một cơ chế hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch hơn trong việc phê duyệt và kiểm định chương trình liên kết sẽ giúp trường tư thục triển khai chương trình nhanh chóng, hiệu quả.
Thực tế tại Hanoi Academy, việc hợp tác với tổ chức giáo dục quốc tế đòi hỏi phải tuân thủ đồng thời cả tiêu chuẩn trong nước và nước ngoài. Vậy nên, nếu quy trình phê duyệt linh hoạt và đồng bộ hơn sẽ là điều kiện thuận lợi lớn để triển khai.
Ngoài ra, cần hoàn thiện hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch để bảo vệ quyền lợi của các cơ sở giáo dục tư thục.
Hiện vẫn còn tồn tại tâm lý “trường tư là dịch vụ” dẫn đến việc cơ sở giáo dục tư thục chưa được hưởng sự bảo vệ và hỗ trợ tương xứng trong những tranh chấp, hoặc khi cần tiếp cận các nguồn vốn, chính sách phát triển. Một hệ thống pháp lý đầy đủ và rõ ràng sẽ giúp hệ thống giáo dục tư thục yên tâm hơn trong đầu tư dài hạn, đồng thời khẳng định vai trò không thể thiếu của giáo dục tư thục trong hệ sinh thái giáo dục quốc gia.
Tóm lại, giáo dục tư thục cần một môi trường pháp lý cởi mở, công bằng và nhất quán để phát triển đúng tiềm năng. Khi có sự đồng hành tích cực từ Nhà nước, hệ thống giáo dục tư thục Việt Nam sẽ có điều kiện để phát huy vai trò tiên phong, trở thành một bộ phận không thể thiếu trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần nâng tầm vị thế giáo dục Việt Nam trong kỷ nguyên hội nhập toàn cầu.
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thực hiện tuyến bài viết ghi nhận những đóng góp của hệ thống giáo dục tư thục, từ đó có những đề xuất, kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền có cơ chế thông thoáng, tạo điều kiện cho hệ thống giáo dục tư thục phát triển.
Nhà đầu tư giáo dục, cơ sở giáo dục tư thục có thể đóng góp ý kiến, chia sẻ quan điểm, đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm mở đường cho giáo dục tư thục phát triển thuận lợi đúng chủ trương của Nghị quyết 68-NQ/TW.
Mọi ý kiến chia sẻ xin vui lòng gửi về email Tòa soạn tại địa chỉ hòm thư: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc qua số hotline: 0938.766.888. Tòa soạn sẽ cử phóng viên liên hệ trực tiếp.