Không đăng thông tin trong khi kiểm tra vi phạm nhà giáo: Lo ngại "bưng bít"?

13/05/2025 09:12
Tuệ Nhi

GDVN - Quy định "Không đăng tải thông tin trong quá trình thanh, kiểm tra vi phạm của nhà giáo...." hạn chế sự tham gia của xã hội và các tổ chức giám sát.

Tại điểm b, khoản 3, điều 11 dự thảo Luật Nhà giáo đề cập đến những việc tổ chức, cá nhân không được làm đối với nhà giáo, trong đó có quy định: "Đăng tải, phát tán thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin không chính xác về nhà giáo". Tuy nhiên, xoay quanh nội dung quy định này của dự Luật vẫn còn nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn, lo lắng.

Liên quan đến nội dung trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Lê Hoàng Phong - nhà sáng lập kiêm Giám đốc học thuật Tổ chức giáo dục YOUREORG nhìn nhận, việc bảo vệ danh dự của nhà giáo là cần thiết, nhưng nếu quy định như tại điểm b, khoản 3, điều 11 dự thảo Luật Nhà giáo là không đi kèm các cơ chế giám sát độc lập, rất dễ dẫn đến suy giảm trách nhiệm giải trình và làm dấy lên nghi ngờ về tính minh bạch trong hệ thống giáo dục.

"Xã hội có quyền được biết về những hành vi ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục"

Thầy Phong cũng chia sẻ một số thông tin về xử lý, đăng tải thông tin về xử lý vi phạm của nhà giáo tại một số quốc gia, với nguyên tắc “tiếp cận minh bạch có kiểm soát”.

Chẳng hạn, tại Vương quốc Anh, Cơ quan Quản lý Chuẩn mực nghề nghiệp nhà giáo (Teaching Regulation Agency – TRA) áp dụng quy trình ba bước: tiếp nhận – điều tra – điều trần công khai. Theo đó, các quyết định xử lý vi phạm nghiêm trọng của giáo viên được công bố trên cổng thông tin Chính Phủ, bao gồm họ tên, trường làm việc và lý do bị đình chỉ, trong khi danh tính học sinh và nhân chứng vẫn được bảo mật tuyệt đối.

Tại bang Texas (Mỹ), Cơ quan Quản lý Giáo dục Bang Texas (Texas Education Agency – TEA) phối hợp với Hội đồng Chứng nhận giáo viên Bang Texas (State Board for Educator Certification – SBEC) để điều tra và xử lý các hành vi vi phạm trong ngành giáo dục. Các giám đốc học khu (superintendents - người chịu trách nhiệm quản lý và giám sát các trường học trong một khu vực nhất định) có trách nhiệm báo cáo hành vi vi phạm nghiêm trọng trong vòng 7 ngày. Sau điều tra, SBEC có thể đưa ra các hình thức kỷ luật – từ khiển trách đến thu hồi chứng chỉ giảng dạy. Đặc biệt, toàn bộ thông tin này được TEA công khai trên website chính thức, giúp cộng đồng nắm rõ thông tin, đồng thời vẫn đảm bảo quyền riêng tư cho các bên liên quan.

Trong khi đó, tại bang Pennsylvania (Mỹ), Đạo luật Kỷ luật Nhà giáo (Educator Discipline Act – EDA) từng quy định giữ kín hoàn toàn thông tin trong suốt quá trình điều tra. Tuy nhiên, vào tháng 1/2024, một thẩm phán liên bang tại Pennsylvania đã tuyên bố điều khoản bảo mật này là vi hiến (unconstitutional), do vi phạm quyền tự do ngôn luận được quy định tại Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp nước này. Phán quyết xuất phát từ một vụ kiện của thành viên hội đồng trường học – người bị đe dọa truy tố hình sự chỉ vì muốn công khai thông tin sai phạm để cảnh báo phụ huynh. [1]

Từ một số mô hình quốc tế trên, thầy Phong cho rằng, sự minh bạch là yếu tố tạo dựng niềm tin công chúng, xã hội. So với đó, đề xuất ở dự thảo Luật Nhà giáo nêu trên nghiêng nhiều về nội bộ, chưa có quy trình công khai theo giai đoạn và thiếu các kênh phản hồi độc lập từ phụ huynh cũng như cộng đồng.

93e88988-8177-4d0f-ae2f-394241ffa6dd.jpg
Thầy Lê Hoàng Phong - Nhà sáng lập kiêm Giám đốc học thuật Tổ chức giáo dục YOUREORG. Ảnh: NVCC.

"Thay vì “cấm công khai” một cách tuyệt đối, Việt Nam có thể tham khảo mô hình đăng tải thông tin công khai có kiểm soát: công bố theo tiến độ điều tra, bảo mật cho các bên yếu thế, và cho phép cộng đồng giám sát một cách có trách nhiệm. Đây không chỉ là điều cần thiết để bảo vệ nhà giáo chân chính, mà còn là yếu tố then chốt để củng cố niềm tin xã hội – nền tảng sống còn của bất kỳ hệ thống giáo dục lành mạnh nào", thầy Phong nhấn mạnh.

Một số ý kiến bày tỏ, đề xuất nêu trên trong dự thảo Luật Nhà giáo có thể dẫn đến hiểu nhầm hoặc áp dụng sai, gây cản trở cho báo chí và phụ huynh trong việc phản ánh những thông tin cần thiết cho cộng đồng. Hơn thế, hoạt động của nhà giáo không phải là bí mật quốc gia, vì vậy việc cấm báo chí đăng tải thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm của nhà giáo là chưa hợp lý. Do đó, nên xem xét một cách kỹ càng, chặt chẽ để không có trường hợp "thông tin bị bưng bít", dư luận không nắm bắt được tình hình, câu chuyện.

Về việc này, nhà sáng lập YOUREORG cho rằng, có nhiều lợi ích mà ngành giáo dục và cộng đồng sẽ đạt được khi được đăng tải, công khai xử lý vi phạm của nhà giáo.

Thứ nhất, đảm bảo tính minh bạch, giúp phụ huynh, học sinh và toàn xã hội có cái nhìn chính xác về chất lượng và đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo. Minh bạch cũng là cách để khẳng định cam kết của ngành giáo dục đối với những giá trị cốt lõi như trung thực, công bằng và trách nhiệm.

Thứ hai, góp phần ngăn ngừa các hành vi tiêu cực và giúp nhà giáo, cũng như những cá nhân khác trong ngành, có ý thức cao hơn về vai trò và trách nhiệm của mình. Khi mọi người biết rằng nếu vi phạm có thể bị đăng tải thông tin công khai, sẽ trở thành động lực thúc đẩy mỗi cá nhân tự kiểm soát hành vi và hành xử đúng mực. Điều này không chỉ tạo ra một môi trường làm việc tích cực mà còn giữ vững niềm tin của phụ huynh và xã hội vào đội ngũ nhà giáo.

Cũng theo thầy Phong, điểm b, khoản 3, điều 11 của dự thảo luật Nhà giáo có điểm tiến bộ là nhằm bảo vệ danh dự và quyền riêng tư của nhà giáo, đảm bảo tính chính xác và tránh thông tin sai lệch. Tuy nhiên, quy định này lại tiềm ẩn những bất cập có thể ảnh hưởng đến tính minh bạch và hiệu quả trong việc xử lý vi phạm.

Trước hết, có thể làm giảm tính minh bạch của quá trình thanh tra, khiến dư luận nghi vấn vào khả năng xử lý công bằng của hệ thống giáo dục. Khi thông tin bị giữ kín trong thời gian thanh, kiểm tra kéo dài, xã hội có thể nghi ngờ về khả năng che giấu hoặc xử lý chậm trễ các vi phạm (nếu có).

Ngoài ra, đề xuất này nếu áp dụng trong thực tế có thể dẫn đến nguy cơ che đậy sai phạm trong nội bộ. Việc hạn chế đăng tải thông tin có thể vô tình tạo điều kiện cho một số cá nhân hoặc tổ chức lạm dụng quyền lực để che giấu sai phạm.

Bên cạnh đó, đề xuất quy định nêu trên cũng không khuyến khích sự tham gia của xã hội và các tổ chức giám sát trong việc phản ánh và phát hiện các hành vi vi phạm. Trong khi xã hội có quyền được biết về những hành vi ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, quy định này lại khiến dư luận bị “bịt mắt” trước các vấn đề tiềm ẩn trong hệ thống giáo dục. Sự im lặng và giữ kín thông tin này sẽ tạo ra khoảng cách giữa nhà trường và phụ huynh, làm suy yếu sự liên kết và niềm tin giữa hai bên.

Thầy Lê Hoàng Phong đề xuất một số khuyến nghị: đề xuất quy định trên của Dự thảo Luật Nhà giáo nên bổ sung cơ chế đăng tải, công khai thông tin theo từng giai đoạn điều tra, đảm bảo tính minh bạch mà vẫn bảo vệ quyền riêng tư cho nhà giáo. Thêm vào đó, cần thiết lập các kênh phản hồi độc lập từ cộng đồng, cho phép phụ huynh và học sinh đóng góp thông tin một cách có trách nhiệm.

Việc có thêm kênh phản hồi sẽ giúp đảm bảo rằng quá trình thanh tra được tiến hành công khai, nhưng vẫn giữ đúng nguyên tắc công bằng và bảo vệ quyền lợi của tất cả các bên.

"Tôi tin rằng việc được thông tin, công khai xử lý vi phạm trong ngành giáo dục không chỉ là cách để nâng cao tính minh bạch và củng cố niềm tin của xã hội mà còn là cơ chế đảm bảo sự công bằng và trách nhiệm của mỗi nhà giáo.

Dự thảo Luật nhà giáo, mặc dù có nhiều điểm tiến bộ trong việc bảo vệ danh dự và quyền riêng tư, nhưng cần được điều chỉnh để đạt hiệu quả tối đa. Bằng cách bổ sung quy trình công khai theo từng giai đoạn và thiết lập các kênh phản hồi độc lập, chúng ta có thể vừa bảo vệ quyền lợi của mọi cá nhân trong hệ thống, vừa đáp ứng kỳ vọng của xã hội về một nền giáo dục công bằng và minh bạch.

Để đạt được điều này, quan trọng là phải “dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm’” như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh. Thay vào đó, chúng ta, mỗi cá nhân đang ngày đêm cống hiến trong ngành giáo dục cần mạnh dạn tiếp cận bằng các cơ chế quản lý chủ động, công khai hơn, để đảm bảo sự phát triển bền vững và xứng đáng với niềm tin của cộng đồng", thầy Phong chia sẻ thêm.

Thay vì lo "bị công khai" quá trình thanh tra, xử lý vi phạm, nhà giáo nên "tự rèn mình"

Cùng bàn về vấn đề trên, ông Lê Văn Cuông - Nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đánh giá, việc có những quy định cụ thể nhằm đảm bảo quyền lợi, hình ảnh của nhà giáo là điều đáng phấn khởi, tuy nhiên, đề xuất quy định tại điểm b, khoản 3, điều 11 dự thảo Luật Nhà giáo cần được xem xét một cách kỹ lưỡng.

Bởi, bất cứ ngành nghề, cá nhân nào cũng có thể mắc lỗi, cần có sự giám sát từ xã hội. Nếu cấm đưa thông tin về vi phạm của nhà giáo trước khi có kết luận từ cơ quan liên quan thì vai trò giám sát này có còn được đảm bảo hay không?

levancuonggiaoducnet1.jpg
Lê Văn Cuông - Nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Thực tế cho thấy, trong nhiều trường hợp, những thông tin được báo chí đăng tải không chỉ giúp làm rõ các vấn đề tiêu cực mà còn tạo điều kiện để phụ huynh, học sinh và cộng đồng có kênh phản ánh ý kiến, bày tỏ quan điểm về những bất cập trong môi trường giáo dục. Do đó, vai trò của báo chí, dư luận trong việc đưa tin một cách chính xác, kịp thời không chỉ giúp làm rõ các vấn đề mà còn giúp tránh để những vụ việc tiêu cực kéo dài, gây mất niềm tin trong xã hội.

Ông Cuông cũng bày tỏ băn khoăn về việc làm thế nào để cân bằng giữa việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà giáo và nhu cầu thông tin chính đáng của xã hội, đặc biệt khi những vi phạm (nếu có) trong giáo dục thường có sức ảnh hưởng sâu rộng đến học sinh, phụ huynh và cộng đồng?

Theo ông Cuông, để đảm bảo rằng đề xuất quy định này không bị lạm dụng để che giấu các hành vi vi phạm, cần có các cơ chế bổ sung, chẳng hạn như quy định rõ thời hạn công khai kết luận thanh tra hoặc thiết lập kênh thông tin chính thức, được phép đăng tải để báo chí và công chúng có thể tiếp cận, thông tin một cách minh bạch, rõ ràng, kịp thời.

"Nếu các thầy cô giáo trở thành tấm gương tốt, học sinh sẽ noi theo. Ngược lại, nếu hành động không đúng mực, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến thế hệ trẻ. Thay vì lo bị thông tin công khai quá trình xử lý vi phạm thì nhà giáo nên tự rèn mình, để học sinh nhìn vào nêu gương", ông bày tỏ.

Nếu không được thông tin, công khai việc xử lý vi phạm, các hành vi tiêu cực có bị che đậy?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII cũng cho rằng, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, nơi nhà giáo mang trọng trách lớn lao trong việc định hình nhân cách và tri thức của học sinh, sinh viên thì việc đảm bảo minh bạch, rõ ràng là rất quan trọng.

Do đó, việc công khai về xử lý vi phạm của nhà giáo, nếu được thực hiện một cách minh bạch, kịp thời không chỉ giúp họ nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình mà còn tạo động lực để họ hoàn thiện bản thân, trở thành những tấm gương sáng về đạo đức và chuyên môn cho thế hệ trẻ noi theo.

Đồng thời, thúc đẩy sự minh bạch trong môi trường giáo dục, đảm bảo rằng những hành vi không đúng mực được kịp thời điều chỉnh, từ đó duy trì một môi trường học đường lành mạnh, công bằng và tin cậy.

bui-thi-an-7630-7921.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: NVCC.

Bên cạnh đó, theo cô An, truyền thông, báo chí đóng vai trò quan trọng, trở thành một trong những kênh phụ huynh có thể phản ánh nếu phát hiện có dấu hiệu tiêu cực trong giáo dục. Minh chứng là thời gian qua, nhiều việc vụ trong trường học, liên quan nhà giáo... sau khi được báo chí đưa tin, dư luận phản ánh cũng được xử lý một cách nhanh gọn, quyết liệt, giúp phụ huynh và học sinh an tâm hơn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An cũng bày tỏ sự lo ngại nếu điều khoản không được "đăng tải, phát tán thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận..." trong dự thảo Luật Nhà giáo được thông qua, liệu sẽ dẫn tới những vi phạm, tiêu cực có thể bị che đậy, thông tin không minh bạch hay không? Nếu đề xuất này được áp dụng, liệu có tạo tiền lệ để các ngành nghề khác cũng "xin" được điều chỉnh tương tự? Lúc đó, dư luận sẽ giám sát sự minh bạch trong hoạt động của các lĩnh vực trong xã hội bằng cách nào?

"Hơn thế nữa, bản thân người phản ánh cũng đều phải chịu trách nhiệm trước thông tin đưa ra. Và các cơ quan báo chí thông tin, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ sẽ cùng góp phần đưa nền giáo dục phát triển. Trong xử lý vi phạm, không có ai là ngoại lệ cả", cô An nhấn mạnh.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.gov.uk/government/publications/teacher-misconduct-disciplinary-procedures

Tuệ Nhi