Thúc đẩy vụ kiện Trung Quốc ở châu Âu
Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 17 tháng 9 đưa tin, "Tổng thống Philippinese nói với Thủ tướng Tây Ban Nha: Trung Quốc đã quá khiêu khích" - tờ "Philippine Daily Inquirer" đã có bài viết nhan đề như vậy để khái quát nội dung chính trong chuyến thăm Tây Ban Nha ngày 15 tháng 9 của ông Benigno Aquino.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino (nguồn mạng sina Trung Quốc) |
Theo bài báo, đây là lần đầu tiên ông Benigno Aquino thăm châu Âu kể từ khi ông lên nắm quyền. Ông đã bỏ ra thời gian 1 tuần để thăm Tây Ban Nha, Bỉ, Pháp và Đức nhằm tìm kiếm sự ủng hộ trong "tranh chấp lãnh thổ biển" với Trung Quốc.
Tại cuộc hội đàm với ông Benigno, Chủ tịch Ủy ban EU Barroso đã tỏ thái độ tương đối chính thức, cho rằng, EU hy vọng các bên thông qua đối thoại và hợp tác, tìm kiếm phương án giải quyết hòa bình.
Chuyên gia vấn đề Biển Đông Trung Quốc, ông Trang Quốc Thổ ngày 16 tháng 9 tuyên truyền trên tờ "Thời báo Hoàn Cầu" rằng, "EU giải quyết rất nhiều vấn đề đều cần Trung Quốc ủng hộ, nên chắc chắn sẽ không vì Philippines mà "đắc tội" với Trung Quốc".
Hành trình chuyến thăm châu Âu của Tổng thống Philippines kéo dài từ ngày 13 đến ngày 20 tháng 9, trong đó, Tây Ban Nha là trạm dừng chân đầu tiên. Tờ "Philippine Daily Inquirer" cho biết, ngày 15 tháng 9, ông Aqyino đã đích thân nói với Madrid rằng, Trung Quốc đang tiến hành công trình lấn biến, xây đảo (bất hợp pháp) ở các khu vực như đá Gạc Ma, đá Kennan (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).
Ông nói, Cảnh sát biển Philippines chỉ trang bị đơn giản, trong khi tuyến đường bờ biển cần giám sát dài tới trên 36.000 km, rất khó phòng thủ các cuộc xâm lược, nhất là các cuộc xâm lược đến từ Trung Quốc.
Tờ "Manila Standard Today" Philippines thì cho hay, trong cuộc hội đàm song phương dài 30 phút, ông Aquino đã nói nhiều về hành vi khiêu khích ngày càng leo thang của Trung Quốc.
Trung Quốc đã ăn cướp bãi cạn Scarborough từ tay Philippines vào năm 2012 |
Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã giới thiệu với Thủ tướng Tây Ban Nha Rajoy về "Kế hoạch 3 bước đi" của ông, cho biết, trước hết cần chấm dứt các hoạt động làm leo thang căng thẳng Biển Đông; bước thứ hai là thúc đẩy thực hiện toàn diện, hiệu quả "Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông" (DOC), nhanh chóng đạt được "Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông" (COC); cuối cùng cần một cơ chế giải quyết cuối cùng dựa trên luật pháp quốc tế.
Ông Aquino cho biết, đây là biện pháp tích cực, có tính xây dựng và toàn diện để giải quyết tranh chấp Biển Đông.
Mạng tin tức ABS-CBN Philippines còn cho biết, ngoài bày tỏ lo ngại với Thủ tướng Tây Ban Nha về các hành động khiêu khích liên tục của Trung Quốc ở Biển Đông, Tổng thống Philippines còn tìm kiếm sự ủng hộ của Tây Ban Nha (đối với lập trường của Manila trong vấn đề Biển Đông).
Sau khi kết thúc chuyến thăm Tây Ban Nha, Tổng thống Philippines lập tức bay đến Brussels, hội kiến với Chủ tịch Ủy ban EU Barroso. Tờ "Philippines Star" cho biết, tối ngày 15 tháng 9, ông Aquino và Barroso đã tổ chức cuộc họp báo chung.
Ông Barroso cho biết, ông và ông Aquino đã thảo luận vấn đề hàng hải khu vực. EU hy vọng các bên thông qua đối thoại và hợp tác, tuân thủ luật pháp quốc tế nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, tìm kiếm phương án giải quyết hòa bình.
Trung Quốc đang "biến đá thành đảo" bất hợp pháp ở đá Gạc Ma (nguồn mạng sina Trung Quốc ngày 18 tháng 9 năm 2014) |
Tờ "Deutsche Welle/DW" dẫn lời chuyên gia Đông Nam Á là Power cho rằng, Philippines biết rõ châu Âu không sẵn sàng đưa ra cam kết, cho nên, ông Aquino cố gắng để EU nói rõ, trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông, cần thông qua quy tắc luật pháp và trọng tài để tiến hành giải quyết quốc tế.
Mạng tin tức Rappler Philippines bình luận cho rằng, đối với Tổng thống Aquino, tháng 9 là một tháng bận rộn. Ngoài thăm 4 nước châu Âu, ông sẽ còn đến thăm Mỹ. Mạng tin tức GMA Philippines cho biết, sau khi thăm Bỉ và gặp gỡ giới lãnh đạo EU, ông Aquino còn đến thăm Pháp và Đức. Tại đó, ông Aquino cũng trình bày "Kế hoạch 3 bước đi" của Philippines với các nhà lãnh đạo Pháp, Đức.
Do đó, tờ "Philippine Daily Inquirer" cho rằng, trên thực tế, Tổng thống Philippines Aquino đang kêu gọi toàn châu Âu ủng hộ.
Viện trưởng Viện nghiên cứu Nam Dương, Đại học Hạ Môn, Trang Quốc Thổ cho rằng, chuyến thăm châu Âu của ông Aquino, không còn nghi ngờ gì nữa, là muốn nhận được sự ủng hộ dư luận về ngoại giao, thông qua tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của dư luận quốc tế, gây áp lực quốc tế với Trung Quốc. EU có tiếng nói dư luận quốc tế mạnh, chỉ sau Mỹ.
Theo Trang Quốc Thổ, Philippines luôn lệ thuộc vào Đông Á và Mỹ về quan hệ kinh tế và nhân văn, ít có quan hệ với EU, nhưng để đối phó với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, Philippines không ngại vượt qua Ấn Độ Dương để tìm kiếm "ngoại viện".
Từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 7 năm 2014, Trung Quốc hạ đặt bắt hợp pháp giàn khoan 981 ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Kèm theo là một lực lượng tàu chiến, máy bay quân sự, tàu hải cảnh, tàu dịch vụ, tàu cá vỏ sắt... khổng lồ không khác gì một chiến dịch xâm lược có quy mô (ảnh tư liệu). |
Trang Quốc Thổ cho rằng, các nước Anh, Pháp, Đức hiện đang phải cấp bách giải quyết các vấn đề như Trung Đông, Bắc Phi và Ukraine, mà để giải quyết những vấn đề này thì phải có sự ủng hộ của Trung Quốc. Vì vậy, EU tuyệt đối sẽ không vì Philippines mà "đắc tội" với Trung Quốc. Hơn nữa, tay của họ cũng không thể với dài như vậy. Nhưng, chuyến thăm của ông Aquino cũng không phải là hoàn toàn không có tác dụng
Theo Trang Quốc Thổ, EU có rất nhiều chuyên gia luật biển xuất sắc, có một số người còn đồng tình với Philippines. Ý đồ của ông Aquino đã bộc lộ rất rõ khi ông đề xuất "cần có một cơ chế giải quyết dựa trên luật pháp quốc tế".
Ngoài những lời nói và hành động nhằm vào Trung Quốc của ông Aquino, những thông tin liên quan đến người Trung Quốc ở Philippines cũng gây lo ngại. Theo "Nhật báo thế giới" Philippines, ngày 13 tháng 9, một công dân Trung Quốc đã bị bắn trọng thương và đến ngày 15 tháng 9 đã không qua khỏi do trọng thương ở tỉnh Bulacan, miền bắc Philippines. Đây là vụ công dân Trung Quốc bị tấn công thứ ba ở Philippines trong vòng 5 ngày.
Theo truyền thông, gần đây, không khí thù địch đối với Trung Quốc ở Philippines có xu hướng tăng lên, khiến cho Trung Quốc cảnh báo công dân nước họ tạm thời dừng đến Philippines.
Trong thời gian hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan 981, Trung Quốc đã ra sức khủng bố Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, đáng chý ý là đã đâm chìm tàu cá của Việt Nam, ngăn chặn không cho cứu ngư dân của tàu cá này (ảnh tư liệu). |
Trung Quốc chưa đến mức khai chiến với Philippines?
Mạng sina Trung Quốc ngày 19 tháng 9 dẫn mạng ABS-CBN Philippines đưa tin, Tổng thống Philippines Aquino cho biết, mặc dù Trung Quốc ngoan cố dùng "bằng chứng lịch sử" để đòi hỏi chủ quyền Biển Đông (bất hợp pháp), nhưng cũng chưa đến mức lựa chọn phát động tấn công quân sự đối với Philippines.
Theo bài báo, ngày 18 tháng 9, khi đang thăm Pháp, Tổng thống Philippines Aquino đã đưa ra phát biểu trên tại diễn đàn được tổ chức ở Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế Pháp (Institut Francaisdes Relations Internationales). Ông Aquino nói, không có bất cứ sự thay đổi tình hình nào có thể làm cho hành vi tấn công được hợp lý hóa.
Theo ông Aquino: "Nếu sự phồn vinh của Trung Quốc về cơ bản được xây dựng trên sự tiếp cận với thế giới, thì cảnh tồi tệ nhất (chỉ phát động chiến tranh)... sẽ cản trở họ tiếp tục tiến hành thương mại với thế giới".
Ông nói thêm, sự cải thiện nhanh chóng trong đời sống của nhân dân Trung Quốc chủ yếu được lợi từ sự hòa nhập của Trung Quốc với thế giới bên ngoài.
Ông Aquino nhớ lại, năm 2011, ông đã gặp Chủ tịch Trung Quốc khi đó là Hồ Cẩm Đào, hai bên đồng ý để "tranh chấp biển" không phải là toàn bộ của quan hệ song phương giữa Philippines-Trung Quốc.
Là người đang tích cực thúc đẩy hiện đại hóa quân sự, Tổng thống Philippines Aquino cho biết, Trung Quốc không cần phải cảm thấy lo ngại đối với vấn đề này, "cho dù chúng tôi muốn tiến hành 'đấu quyền anh' với họ, thì mỗi người chúng tôi phải đấu với 13 người của họ. Về sức mạnh quân sự, về súng và bơ sữa, Philippines lựa chọn đầu tư nhiều nguồn lực hơn cho bơ sữa".
Tàu đổ bộ cũ của Philippines trên bãi Cỏ Mây - thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (ảnh tư liệu minh họa) |
Ông Aquino chỉ ra, Philippines chỉ có thể dựa vào 132 tàu chiến hải quân hiện có để phòng thủ tuyến đường bờ biển 36.000 km, "tuy những tàu này không phải là tàu gỗ, nhưng cũng đều là đồ cổ còn để lại của Chiến tranh thế giới lần thứ hai".
Ông còn cho biết, Philippines còn không có cả máy bay chiến đấu hoặc máy bay ném bom.
Tổng thống Philippines vừa tiến hành chuyến thăm Tây Ban Nha, Bỉ, Pháp, Đức và Mỹ, ngoài mời chào đầu tư của nước ngoài vào Philippines, ông cũng tranh thủ sự ủng hộ quốc tế đối với vấn đề "tranh chấp chủ quyền Biển Đông".
Được biết, hiện nay, Philippines đang theo đuổi vụ kiện Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông nhằm bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” bất hợp pháp của Trung Quốc. Trong khi đó, các tòa án quốc tế giúp Philippines phán quyết lại nằm ở châu Âu, hơn nữa, các chuyên gia luật biển ưu tú cũng có rất nhiều ở châu Âu, nhiều nước lớn có vai trò ảnh hưởng cũng ở châu Âu… Vì vậy, chuyến thăm này sẽ hỗ trợ cho vụ kiện Trung Quốc của Philippines.