Tốt nghiệp ngành Bệnh học thủy sản có thu nhập khá nhưng vẫn khó thu hút SV

16/06/2024 06:21
Châu Anh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Sinh viên tốt nghiệp ngành Bệnh học thủy sản có thể có mức lương khởi điểm lên đến 20 triệu/tháng, không phải lúc nào cũng “chân lấm tay bùn”.

Thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn ở Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội. Năm 2023, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 9,2 tỷ USD/năm, chiếm hơn 25% tổng giá trị xuất khẩu nông sản.

Tuy nhiên, ngành thủy sản còn đối mặt với nhiều trở ngại, trong đó dịch bệnh do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và việc thâm canh hóa các mô hình nuôi trồng thủy sản là một trong những trở ngại chính, gây thiệt hại kinh tế cho người nuôi.

Do vậy, nhu cầu nguồn nhân lực được đào tạo bài bản về Bệnh học thủy sản là rất cấp thiết, nhằm đảm bảo công tác quản lý sức khỏe động vật thủy sản và quản lý dịch bệnh tại các mô hình thủy sản của cả nước nói chung và tại các doanh nghiệp nói riêng.

Hiện nay thí sinh có thể theo học ngành Bệnh học thủy sản tại Khoa Thủy sản - Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Trường Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ; Khoa Thủy sản - Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế.

Sinh viên ngành Bệnh học thủy sản được học tập trong môi trường lý tưởng

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Đình Hoài, Phó Trưởng khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, ngành Bệnh học thủy sản ra đời để giải quyết các vấn đề thực tiễn sản xuất.

Ngành này đào tạo nguồn nhân lực giúp việc quản lý sức khỏe động vật thuỷ sản, phòng trừ dịch bệnh tốt hơn và ngày càng đóng vai trò quan trọng, là một trong những yếu tố then chốt quyết định sự thành bại của vụ nuôi, giúp tăng năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm, từ đó tăng hiệu quả nuôi trồng thuỷ sản và nâng cao chất lượng sản phẩm thuỷ sản.

Có thể nói, ngành Nuôi trồng thủy sản, Bệnh học thủy sản và Chế biến thủy sản là ba ngành không thể tách rời, bổ trợ cho nhau với mục tiêu giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh, tăng năng suất nuôi trồng, đảm bảo chất lượng sản phẩm thuỷ sản.

5fbfc1d38a8b29d5709a.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Đình Hoài (bên trái, áo xanh dương) hướng dẫn sinh viên ngành Bệnh học thủy sản đọc kết quả chẩn đoán bệnh tại phòng thí nghiệm. Ảnh: NVCC

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Đình Hoài, sinh viên theo học ngành Bệnh học thuỷ sản sẽ được trang bị các kiến thức tổng quát về động vật thuỷ sản; các kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về: quản lý môi trường nuôi và dịch bệnh thuỷ sản, chẩn đoán tại hiện trường và phòng xét nghiệm, dược lý học lâm sàng, thuốc, hoá chất, chế phẩm phòng, trị bệnh thuỷ sản.

Với hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại, được đầu tư bởi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Ngân hàng Thế giới (WorldBank), Khoa Thủy sản và Trung tâm nghiên cứu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam luôn là địa chỉ tin cậy cho việc xét nghiệm và tư vấn phòng trị bệnh thủy sản. Các phòng nghiên cứu này trở thành mô hình "Bệnh viện thủy sản", cung cấp môi trường học tập và thực hành lý tưởng cho sinh viên.

“Sinh viên ngành Bệnh học thủy sản tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam được tiếp cận thực tế ngay từ khi vào trường, có kỹ năng nghề nghiệp vững vàng sau khi tốt nghiệp, và được các cơ quan tuyển dụng đánh giá cao”, thầy Hoài nhấn mạnh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Bích Hằng, Trưởng khoa Bệnh học thủy sản, Trường Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ chia sẻ, nhu cầu nhân lực ngành thủy sản, đặc biệt là Bệnh học thủy sản tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long rất cao. Do vậy, trường luôn có lợi thế trong cập nhật nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, từ đó điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với thực tế và cung cấp nhân lực chất lượng cao cho khu vực và cả nước.

Trường Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ được trang bị hệ thống phòng học rộng rãi, trang thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác đào tạo. Chẳng hạn như hệ thống phòng thí nghiệm vừa được nâng cấp từ dự án ODA - Nhật Bản với đầy đủ thiết bị hiện đại dành cho công tác xét nghiệm, chẩn đoán bệnh thủy sản, thử nghiệm điều trị,…phục vụ cho các nghiên cứu từ cơ bản đến chuyên sâu.

Trường cũng đầu tư hệ thống các trại thực nghiệm, trung tâm và các trạm nghiên cứu phát triển thủy sản, tạo điều kiện cho sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học và tham gia thực tế sản xuất thủy sản.

Cô Hằng hướng dẫn SV thực tập.2.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Bích Hằng (thứ ba từ phải vào) hướng dẫn sinh viên Trường Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ thực tập. Ảnh: NVCC

Hiện tại, Trường Thủy sản đang điều chỉnh, xây dựng chương trình đào tạo theo hướng ứng dụng cao, tăng cường kỹ năng thực hành, thực tế sau khi sinh viên nắm vững kiến thức chuyên môn, tạo điều kiện cho người học được trải nghiệm, học tập và phát huy năng lực trong việc chăm sóc, quản lý sức khỏe động vật thủy sản ở điều kiện sản xuất thực tiễn.

“Ngoài ra, trường còn liên kết trực tiếp với doanh nghiệp, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp và đảm bảo 100% sinh viên sau tốt nghiệp được làm việc tại doanh nghiệp. Trường cũng chú trọng đến các chính sách như giảm học phí, trao học bổng nhằm thu hút các học sinh ưu tú để nâng cao chất lượng đào tạo”, cô Hằng cho hay.

Chia sẻ về lý do theo học ngành Bệnh học thủy sản, Xa Đức Bình, sinh viên năm thứ 4 ngành Bệnh học thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, sinh ra trong gia đình làm nông, từ nhỏ Bình đã tiếp xúc với nền nông nghiệp cũng như thủy sản tại địa phương từ sớm.

Mỗi năm chứng kiến rất nhiều hộ nuôi cá xảy ra bệnh dịch và gây thiệt hại lớn cho người nuôi, Bình dần hình thành mong muốn trở thành kỹ sư ngành Bệnh học thủy sản để có thể chữa bệnh và giải quyết vấn đề dịch bệnh của địa phương và cả nước. Bình cũng nói vui rằng “muốn giàu nuôi cá muốn khá nuôi tôm” nên các bạn theo ngành này sẽ không lo thiếu kinh tế.

“Sau thời gian theo học ngành Bệnh học thủy sản, em cảm thấy việc trở thành một "bác sĩ" thủy sản để chữa bệnh cho cá, tôm không đơn giản chỉ là lấy thuốc chữa bệnh mà còn là những việc như nghiên cứu khoa học về bệnh, về đối tượng để từ đó có thể hiểu được cốt lõi vấn đề và đưa ra giải pháp hiệu quả.

Ngoài ra, bệnh trên thủy sản luôn thay đổi liên tục và luôn xuất hiện nhiều bệnh mới nên việc luôn trau dồi kiến thức và cập nhật tình hình bệnh rất là cần thiết”, Xa Đức Bình nói.

f7e818a2be331e6d4722.jpg
Xa Đức Bình, sinh viên năm thứ 4 ngành Bệnh học thủy sản, khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: NVCC

Thu nhập cao nhưng vẫn thiếu nhân lực do nỗi lo “chân lấm tay bùn”

Trăn trở về nguồn nhân lực của ngành Bệnh học thủy sản, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Đình Hoài cho hay, ngành thuỷ sản là ngành xuất khẩu tỷ đô, đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu nông nghiệp. Chuỗi sản xuất của ngành thủy sản rất dài, các vị trí việc làm trong chuỗi rất nhiều, khác hẳn suy nghĩ làm nông nghiệp thì lúc nào cũng “chân lấm tay bùn” của các bạn học sinh.

“Ngoài cơ hội nghề nghiệp rộng mở, thu nhập và cơ hội thăng tiến trong ngành này có thể nói là nhanh hơn nhiều so với một số ngành khác. Nhiều sinh viên ra trường 2-3 năm đã có thu nhập 30-40 triệu đồng/tháng, giữ các vai trò quan trọng trong các doanh nghiệp”, thầy Hoài chia sẻ.

Bàn về cơ hội nghề nghiệp, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Bích Hằng cho biết sau khi tốt nghiệp ngành Bệnh học thủy sản, sinh viên có thể làm việc tại các vị trí như: Giảng viên/trợ giảng, cán bộ nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo và nghiên cứu về thủy sản; chuyên viên các cơ quan quản lý ngành thủy sản tại Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, phòng Nông nghiệp, chi cục thú y,…; thành viên cho các dự án thủy sản trong nước và quốc tế; cán bộ phụ trách kỹ thuật, nhân viên phòng thí nghiệm, nhân viên thị trường tại các doanh nghiệp thủy sản; kiểm dịch viên của cơ sở sản xuất cung cấp dịch vụ thủy sản; hoặc tự tổ chức sản xuất và kinh doanh thủy sản.

Theo cô Hằng, dựa trên số liệu thống kê 3 năm gần đây, tỉ lệ sinh viên ngành Bệnh học thủy sản của Trường Đại học Cần Thơ ra trường có việc làm là hơn 95% với mức lương khởi điểm 10-15 triệu/tháng.

Sinh viên kiến tập tại công ty Vemedim.jpg
Sinh viên ngành Bệnh học thủy sản, Trường Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ kiến tập tại công ty Vemedim. Ảnh: NTCC

Cũng nói về cơ hội nghề nghiệp, anh Nguyễn Văn Tiệp, Trưởng phòng tư vấn kinh tế thương mại Công ty Cổ phần GreenFeed Việt Nam (chi nhánh Hà Nam) cho biết, tại GreenFeed, nhân sự ngành Bệnh học thủy sản có thể chịu trách nhiệm các mảng như tư vấn kỹ thuật thương mại thủy sản, kỹ thuật thị trường, kỹ sư tại các trang trại của công ty, trại trưởng, nghiên cứu viên,…

Được biết, mức lương khởi điểm của nhân sự ngành này tại GreenFeed là từ khoảng 16-20 triệu đồng/tháng.

Không phủ nhận sự vất vả trong công việc của ngành Bệnh học thủy sản, anh Tiệp chia sẻ rằng nhân sự ngành này phải thật sự yêu nghề, bởi có 1 số vị trí công việc như tư vấn kỹ thuật có thể phải trực tiếp cầm tay chỉ việc cho khách hàng.

“Thị trường nói chung và công ty nói riêng hiện liên tục cần nhân lực ngành Bệnh học thủy sản.

Làm nghề này đôi khi cũng vất vả, vậy nên dù lương cao nhưng nguồn nhân lực vẫn đang thiếu hụt. Để tạo động lực cho nhân viên, GreenFeed có mức thưởng khá cao cho những ai làm tốt, chẳng hạn có đợt chúng tôi đã thưởng tới 30 tháng lương/năm cho nhân viên tiêu biểu”, anh Nguyễn Văn Tiệp tiết lộ.

Ngoài ra, Trưởng phòng tư vấn kinh tế thương mại GreenFeed cũng góp ý rằng các trường đại học cần bổ sung thêm môn bơi thành học phần bắt buộc trong chương trình đào tạo ngành Bệnh học thủy sản để đảm bảo an toàn lao động cho sinh viên khi làm việc thực tế.

c41e37934b9ee8c0b18f.jpg
Sinh viên ngành Bệnh học thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực tập tại Công ty Cổ phần GreenFeed. Ảnh: NVCC

Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong tuyển sinh

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Đình Hoài, công tác đào tạo ngành Bệnh học thủy sản tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam có rất nhiều điểm thuận lợi, đặc biệt là với chất lượng đội ngũ giảng viên chất lượng cao và sở vật chất hiện đại.

Thêm vào đó, đầu ra của sinh viên ngành Bệnh học thuỷ sản luôn trong tình trạng khan hiếm, số lượng sinh viên tốt nghiệp không đủ nhu cầu của các cơ quan, doanh nghiệp tuyển dụng. Chính vì vậy sinh viên luôn được các doanh nghiệp tuyển dụng săn đón từ khi bắt đầu quá trình thực tập tốt nghiệp, đa số các em có việc làm ngay trong quá trình thực tập.

Tuy vậy, công tác tuyển sinh trong khối ngành nông nghiệp, trong đó có Bệnh học thủy sản, đang gặp nhiều khó khăn.

Lý giải khó khăn này, thầy Hoài cho biết, thông tin về ngành Bệnh học thủy sản và cơ hội việc làm trong ngành này của đa số học sinh và phụ huynh còn chưa được đầy đủ. Nhiều học sinh nghĩ rằng nhà phải có ao, hồ nuôi mới nên theo học ngành này. Do đó, số lượng sinh viên theo học chưa nhiều, hiện nay tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam mới đáp ứng được 50% chỉ tiêu đào tạo.

Ngoài ra, học sinh và phụ huynh thường chọn các ngành “hot” theo xu hướng xã hội. Thực tế cho thấy, sinh viên nhiều ngành khác sau khi tốt nghiệp đi làm mới nhận thức được tiềm năng và thu nhập của các ngành thủy sản, không ít sinh viên đã đăng ký học đại học lần 2 vào ngành Bệnh học thuỷ sản, hoặc lựa chọn học sau đại học tại Khoa thuỷ sản để theo đuổi cơ hội liên quan đến lĩnh vực kinh doanh thuốc, chế phẩm, thức ăn, thiết bị nuôi trồng thuỷ sản.

Đồng quan điểm, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Bích Hằng, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long là nơi phát triển nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng mạnh nhất cả nước, cộng với nhu cầu nhân lực về Bệnh học thủy sản ngày càng cao, nên ngành này tại Trường Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ luôn nhận được sự quan tâm từ học sinh, phụ huynh và xã hội.

Tuy nhiên việc đăng ký học các ngành nông, lâm, thủy sản nói chung và Bệnh học thủy sản nói riêng còn khá thấp bởi tâm lý của đa số học sinh thích học các ngành liên quan đến công nghệ hay kinh doanh.

Nhưng khi nhân lực thuộc những lĩnh vực trên quá nhiều, sẽ dẫn đến việc cạnh tranh cao khi xin việc, cơ hội có việc làm thấp. Do vậy, các em học sinh nên bình tĩnh, xác định đam mê để có thể lựa chọn ngành nghề hữu ích cho bản thân.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Đình Hoài cho hay, vai trò sự và hỗ trợ các đơn vị tuyển dụng rất ý nghĩa và cần thiết, sẽ hỗ trợ đắc lực cho công tác tuyển sinh tại các cơ sở giáo dục đại học. Công tác tuyên truyền về cơ hội việc làm, thu nhập trong lĩnh vực Bệnh học thuỷ sản, cũng như các chính sách hỗ trợ học phí, trao học bổng cho học sinh theo học ngành này cần được triển khai tại các địa phương mà doanh nghiệp đang kinh doanh, sản xuất để học sinh có thể hiểu và nắm bắt được thông tin về ngành, góp phần tạo thêm nguồn tuyển cho doanh nghiệp sau này.

Với kinh nghiệm đào tạo và chứng kiến các thế hệ học trò đã và đang thành công trong lĩnh vực Bệnh học thuỷ sản, thầy Hoài khuyên các thí sinh đang lựa chọn ngành học nên tìm cho mình một lối đi riêng và khác, tránh chạy theo phong trào nếu không muốn sau này bản thân trở thành một nhân lực bình thường, khó nổi bật trong vô vàn người đã cùng lựa chọn theo xu hướng đám đông ấy.

Châu Anh