Máy bay chiến đấu thế hệ thứ ba J-10 của Không quân Trung Quốc, có trọng lượng cất cánh tối đa hơn 18 tấn, hành trình tối đa, bán kính tác chiến hơn 1.000 km |
Leo thang tranh chấp
Hãng Kyodo Nhật Bản dẫn lời quan chức Bộ Quốc phòng nước này tiết lộ, trưa ngày 10/1, sau khi phát hiện vài máy bay chiến đấu Trung Quốc xâm nhập “khu vực nhận biết phòng không” của Nhật Bản trên bầu trời biển Hoa Đông, Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản đã điều máy bay chiến đấu F-15 thuộc căn cứ Naha khẩn cấp bay lên ứng phó. Máy bay Trung Quốc đã nhanh chóng bay khỏi khu vực này, không bay vào không phận Nhật Bản.
Quan chức này cho biết, những máy bay chiến đấu Trung Quốc xâm nhập khu nhận biết phòng không gồm có máy bay J-7 và J-10.
Tháng 12/2012, một máy bay của Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc đã xâm phạm không phận Nhật Bản ở quần đảo Senkaku, sau đó liên tục có máy bay Trung Quốc bay ở khu vực lân cận. Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang tăng cường cảnh giới, chưa đưa ra tuyên bố “không thuộc trường hợp đặc biệt” đối với sự kiện lần này.
Hãng AFP dẫn nguồn tin từ truyền thông Nhật Bản cho rằng, vào thứ Năm vừa qua, Nhật Bản khẩn cấp điều động máy bay chiến đấu để ngăn chặn máy bay quân sự Trung Quốc xâm nhập khu vực lân cận “đảo tranh chấp”.
Không quân Trung Quốc cho cất cánh máy bay chiến đấu J-10 ở sân bay Hoa Bắc. |
Đài truyền hình Fuji dẫn lời quan chức Chính phủ Nhật Bản cho biết, radar quân sự Nhật Bản đã phát hiện nhiều máy bay chiến đấu Trung Quốc ở phía bắc quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát thực tế. Những máy bay chiến đấu này không xâm phạm không phận Nhật Bản, nhưng đã xâm nhập khu nhận biết phòng không của Nhật Bản.
Theo bài báo, khi Nhật Bản điều máy bay chiến đấu tới khu vực này, máy bay chiến đấu Trung Quốc đã rời khỏi. Hành động của máy bay Trung Quốc đã kéo dài liên tục đến khoảng 5 giờ chiều.
Tờ “Nam Hoa buổi sáng” Hồng Kông cho rằng, Nhật Bản có thể cho phép máy bay tiến hành “bắn cảnh báo” đối với máy bay Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đáp lại bằng tuyên bố rằng, họ kiên quyết phản đối “hành vi xâm phạm chủ quyền của Nhật Bản ở vùng biển và vùng trời đảo Điếu Ngư, duy trì cảnh giác cao độ đối với hành động leo thang của Nhật Bản”.
Chuyên gia Lưu Giang Vĩnh, Đại học Thanh Hoa Trung Quốc tự tin cho rằng, Trung Quốc sẽ không cảm thấy phiền phức khi Nhật Bản bắn cảnh báo. Ông nói: “Máy bay quân sự Trung Quốc sẽ không sợ điều đó, sẽ tiếp tục bay đến nơi họ muốn đến, kể cả bầu trời đảo Senkaku”.
Tờ “Liên hợp Buổi sáng” Singapore dẫn lời Yoshihide Suga, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản phủ nhận quan điểm “Nhật Bản sẽ tiến hành bắn cảnh báo đối với máy bay tuần tra Trung Quốc”, cho biết Nhật Bản không muốn làm tình hình leo thang.
Đảo Senkaku hiện do Nhật Bản kiểm soát thực tế. |
Shinzo Abe thúc đẩy tăng cường sẵn sàng chiến đấu
Tờ “Asahi Shimbun” Nhật Bản cho biết, vào tuần tới, Nhật-Mỹ bắt đầu sửa đổi “Phương châm hợp tác phòng vệ Nhật-Mỹ”.
Căn cứ vào chỉ thị của Shinzo Abe vào cuối năm 2012, chính phủ hai nước sẽ tổ chức hội đàm quan chức ngoại giao và quốc phòng vào ngày 16/1 tại Tokyo. Cuộc hội đàm này sẽ luận chứng cho vấn đề bỏ lệnh cấm “quyền tự vệ tập thể” mà Thủ tướng ủng hộ.
Nguyên nhân quan trọng nhất sửa đổi phương châm là để ứng phó với việc tăng cường quân bị và hoạt động trên biển của Trung Quốc, cùng với sự phát triển hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên.
Chiến lược coi trọng châu Á của chính quyền Obama và việc Trung Quốc liên tục gây sức ép với Nhật Bản trong vấn đề đảo Senkaku đều trở thành nguyên nhân thúc đẩy Nhật Bản sửa đổi phương châm.
Một trong những nhân tố quyết định hai bên bàn thảo phương hướng chính là việc dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể như mong muốn của Thủ tướng.
Hiến pháp Nhật Bản cho rằng, Nhật Bản không được thực hiện quyền tự vệ tập thể, nhưng Thủ tướng hy vọng chuyển sang cho phép thực hiện quyền tự vệ tập thể, nhằm làm trụ cột cho việc tăng cường đồng minh Nhật-Mỹ.
Một khi cho phép thực hiện quyền tự vệ tập thể, vai trò của Lực lượng Phòng vệ sẽ có sự thay đổi to lớn. Thủ tướng cũng luôn muốn tăng cường Lực lượng Phòng vệ.
Nhật-Mỹ tăng cường khả năng tác chiến liên hợp. Trong hình là Nhật-Mỹ diễn tập đoạt đảo ở Guam, mô phỏng tình huống đảo Senkaku bị xâm lược. |
Theo tờ Sankei Shimbun, ngày 9/1, chính phủ và đảng cầm quyền quyết định nghiên cứu bổ sung chi 20 tỷ yên (khoảng 228 triệu USD) ngân sách để đẩy nhanh tiến độ “xây dựng đường băng thứ hai” ở sân bay Naha tại tỉnh Okinawa.
Ngân sách năm tài khóa đã đưa ra một phần vốn có liên quan. Tổng số chi phí xây dựng đường băng thứ hai khoảng 210 tỷ yên, dự định hoàn thành trong 7 năm. Chính phủ hy vọng sẽ rút ngắn thời hạn công trình xuống 5 năm.
Sân bay Naha là sân bay được hợp tác sử dụng giữa công ty hàng không và Lực lượng Phòng vệ. Sau khi tăng thêm đường băng, có thể giảm mật độ cất/hạ cánh, nâng cao độ an toàn.
Ở biển Hoa Đông, máy bay Trung Quốc liên tục tiến hành bay thấp xâm phạm không phận Nhật Bản. Lực lượng Phòng vệ Trên không phải tăng số lần cất cánh khẩn cấp. Chính phủ Nhật Bản cũng hy vọng tăng thêm đường băng để tăng cường khả năng phòng vệ.
Báo Nhật kêu gọi không sợ đối đầu với Trung Quốc
Tờ Sankei Shimbun nhấn mạnh, 4 tàu hải giám Trung Quốc xâm phạm lãnh hải vùng biển đảo Senkaku đã 13 tiếng, “nhắm mắt làm ngơ” trước sự cảnh báo của Nhật Bản.
“Hành động gây hấn của Trung Quốc đã bước vào giai đoạn mới, nếu Nhật Bản không áp dụng biện pháp chống lại rõ ràng, cuộc khủng hoảng e rằng sẽ chỉ có thể tiếp tục leo thang”.
Tàu Hải giám 137 là tàu hải giám mới trang bị cho Tổng đội Đông Hải (Trung Quốc) vào ngày 14/11/2012 |
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc là Trình Vĩnh Hoa để đưa ra phản đối nghiêm khắc, nhưng phản đối không có nghĩa là kết thúc.
Hành động dùng sức mạnh để đe dọa không chỉ có vậy. Máy bay tuần tra của Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc còn nhiều lần xâm phạm không phận, máy bay quân sự cũng nhiều lần tiến hành xâm phạm tầm thấp đối với không phận Nhật Bản.
Với mục đích dựa vào vũ lực để chiếm đoạt quần đảo Senkaku, trong tương lai, Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục cố tình xâm phạm lãnh hải và không phận của Nhật Bản. Mục tiêu của Trung Quốc rất rõ ràng, đó là muốn Nhật Bản phải thừa nhận hai nước đang tồn tại vấn đề lãnh thổ và phải triển khai đàm phán ngoại giao.
Đường lối ngoại giao đối với Trung Quốc trong 3 năm cầm quyền của Đảng Dân chủ Nhật Bản rõ ràng cho thấy, “chủ nghĩa được chăng hay chớ” lo sợ kích động Trung Quốc cuối cùng sẽ gây thiệt hại cho chủ quyền lãnh thổ. Nếu Trung Quốc tiếp tục tiến hành các hoạt động đe dọa, thì Nhật Bản phải áp dụng một loạt biện pháp, trong đó có triệu tập Đại sứ Trung Quốc.
Trong thời gian bầu cử Hạ viện, ông Shinzo Abe luôn chủ trương điều nhân viên công vụ tới quần đảo Senkaku. Trong cương lĩnh tranh cử, Đảng Tự do Dân chủ cũng đề xuất “tập trung triển khai cảnh sát, quan chức bảo vệ bờ biển và lực lượng phòng vệ ở các hòn đảo tây nam”. Kế hoạch đóng quân ở Yonaguni cần được đẩy nhanh thực hiện.
Tàu cá Trung Quốc thường xâm phạm các vùng biển của nước khác. Trong hình là tàu cá Trung Quốc bị cảnh sát biển Hàn Quốc bắt giữ. |
Tình hình hiện nay vẫn cần Lực lượng bảo vệ bờ biển duy trì ý chí kiên cường. Vấn đề là nếu Trung Quốc điều hàng loạt tàu cá có vũ trang, Lực lượng bảo vệ bờ biển phải chăng sẽ tiếp cận tối đa, Nhật Bản đã chuẩn bị tốt để đề phòng “sự cố xảy ra ở Senkaku” hay chưa?
Chính phủ Nhật Bản đã quyết định tăng chi tiêu quốc phòng năm 2013. Số tiền bổ sung 100 tỷ yên cũng có kế hoạch chủ yếu dùng để hỗ trợ cho lực lượng đổ bộ phòng thủ đảo Senkaku.
Chính quyền Abe cần nhanh chóng xây dựng luật ứng phó với tình hình sự cố có thể xảy ra, vấn đề quan trọng nhất chính là xây dựng “Luật phòng thủ lãnh hải” để có thể tiến hành cưỡng chế, trục xuất đối với các hành vi xâm phạm lãnh hải.
Ngoài ra, để tiếp tục tăng cường hợp tác Nhật-Mỹ, Nhật Bản cần đẩy nhanh xây dựng “Luật cơ bản bảo đảm an ninh quốc gia”, tạo cơ sở để dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể.
Khả năng bảo vệ đảo Senkaku của tàu Nhật Bản
Tờ Sankei Shimbun cho biết, đến cuối tháng 11/2012, trong toàn bộ 357 tàu tuần tra của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản có 74 tàu đã quá hạn sử dụng, chiếm khoảng 20%. Để ứng phó với tàu công vụ Trung Quốc thường xuyên xâm phạm vùng biển quần đảo Senkaku, Lực lượng bảo vệ bờ biển muốn thông qua kéo dài tuổi thọ để vượt qua khó khăn.
Tàu tuần tra cỡ lớn của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản. |
Theo bài báo, chỉ có chế tạo 15 tàu mới mỗi năm thì mới có thể đuổi kịp tốc độ nghỉ hưu của các tàu hiện có. Nhưng do nguồn tài chính của Trung ương gặp khó khăn, hiện mỗi năm nhiều nhất chỉ có thể chế tạo được khoảng 10 chiếc.
Lực lượng bảo vệ bờ biển đứng trước một nhiệm vụ mới là ứng phó với tàu công vụ Trung Quốc trên vùng biển quần đảo Senkaku. Hiện nay, ngoài tình hình thời tiết khắc nghiệt, hàng ngày Lực lượng bảo vệ bờ biển triển khai khoảng 5 tàu tuần tra ở vùng biển Senkaku, thường xuyên theo dõi chặt chẽ đối với tàu công vụ Trung Quốc.
Trong giai đoạn hiện nay, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản chuẩn bị thông qua các biện pháp như sửa chữa lại tàu tuần tra cũ, kéo dài thời gian hoạt động để duy trì và mở rộng lực lượng tuần tra. Nhưng đây chỉ là “kế tạm thời”. Quan chức Lực lượng bảo vệ bờ biển cho biết, đây là một vấn đề gây đau đầu.
Tờ Yomiuri Shimbun Nhật Bản cho rằng, tàu công vụ Trung Quốc liên tục xâm phạm lãnh hải Nhật Bản, trong đó một chiếc xâm phạm ngày 7/1 là loại tàu chiến nghỉ hưu được cải tạo lại, đội lốt tàu dân sự, có lượng giãn nước khoảng 3.000 tấn.
Theo báo chí Trung Quốc, tàu hải giám được cải tạo từ tàu chiến nghỉ hưu có tổng cộng 11 chiếc. Quân đội Trung Quốc và Cục Hải dương nước này đang hợp tác chế tạo tàu cỡ lớn có thể hoạt động ở biển xa để tiếp tục tăng cường sức mạnh ở biển Hoa Đông và biển Đông.
Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản có lực lượng tàu chiến mặt nước khổng lồ |
Trong số các tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Nhật Bản ngày 7/1 có tàu Hải giám 137. Con tàu này từng tham gia các hoạt động ở khu vực biển Hoa Đông vào tháng 11/2012, tiền thân của nó là tàu kéo biển xa của Hải quân Trung Quốc.
Ngoài ra, Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc còn sở hữu 10 tàu chiến nghỉ hưu khác như tàu khu trục Nam Kinh, Nam Ninh, tàu phá băng, tàu khảo sát.
Đến tháng 11/2012, Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc sở hữu hơn 400 tàu, trong đó có 29 tàu lớp trên 1.000 tấn, ngoài ra còn có 10 máy bay. Cục Hải dương đang tập trung chế tạo tàu hải giám lớp trên 1.000 tấn, trong 10 năm sau năm 2000 đã chế tạo được 13 chiếc, đồng thời có kế hoạch chế tạo 36 chiếc trong 5 năm kể từ năm 2011.
Cục ngư nghiệp Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cũng sẽ cải tạo một bộ phận tàu cứu nạn và tàu khảo sát thành tàu ngư chính, điều đến biển Đông và vùng biển Senkaku để hoạt động.
Máy bay chiến đấu Nhật Bản có khả năng bắn cảnh báo máy bay chiến đấu Trung Quốc? |