Không yên tâm vì trại lợn Yên Tâm
Đã nhiều ngày trôi qua, hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã Yên Tâm (Yên Định, Thanh Hóa) vẫn dựng lều, căng bạt, "cố thủ" tại khu vực gần trại lợn của Công ty TNHH PNT đóng trên địa bàn xã, để phản đối tình trạng ô nhiễm môi trường do trại lợn này gây ra.
Hàng trăm hộ dân căng lều bạt cố thủ để phản đối trại lợn đóng trên địa bàn xã gây ô nhiễm |
Được biết, trang trại lợn đóng trên địa bàn xã Yên Tâm (thuộc Công ty TNHH PNT) được xây dựng ở bãi Kần Kiến (thuộc xã Yên Tâm, huyện Yên Định, Thanh Hóa) diện tích hơn 95.000m2. Đây là một trong số các trang trại được đánh giá với quy mô lớn nhất miền Bắc với khoảng gần 5.000 lợn thương phẩm.
Thời điểm trại lợn này đi vào hoạt đồng (2009) cũng là lúc môi trường sống của người dân xã Yên Tâm bị ô nhiễm trầm trọng. Mức độ ô nhiễm môi trường đã báo động đến mức người dân phải…bịt khẩu trang để ngủ.
“Vào những ngày trở trời, mùi hôi thối của trại lợn khuếch tán trong không khí (bán kính khoảng 1km), ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của nhân dân khu vực lân cận. Xã Yên Tâm có 10 thôn thì đến 8 thôn đã bị ô nhiễm bởi mùi hôi thối phát ra từ trang trại lợn. Có sống ở đây mới biết người dân khổ thế nào. Nước sinh hoạt thì bị ô nhiễm. Dân chúng nhiều đêm không ngủ được cũng chỉ vì ngửi phải mùi hôi thối của phân lợn bay vào nhà. Nhiều lúc không chịu được đành phải lấy mũ cối úp lên mặt rồi trùm chăn kín để thở”, anh T.X.N., một người dân thôn Mỹ Hòa tố cáo.
Các bể chứa chất thải được xây dựng không đúng với tiêu chuẩn thiết kế |
Được biết, các thôn Yên Trường, Mỹ Hòa, Phú Xuân…được coi là những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về tình trạng ô nhiễm: “Đã nhiều lần hết đoàn này, đoàn nọ về tiếp xúc cử tri tại xã, người dân chúng tôi đều đã kiến nghị dài cả cổ ra, nhưng cũng chả giải quyết được gì. Trước đây, cũng có mấy đoàn báo chí về để tìm hiểu tình hình, nhưng rồi có thấy thay đổi được gì đâu. Tôi chỉ mong nhà báo đưa tin thật để chính quyền cấp trên biết rồi tìm cách giải quyết giúp cho dân được nhờ, chứ cứ để tình trạng này thì chúng tôi khổ lắm. Thử hỏi cứ tình trạng như thế này thì dân ở đây không bức xúc sao được”, anh L.V.C, người dân thôn Yên Trường bức xúc.
Thực tế trên đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân địa phương. Nhiều lần người dân đã kéo lên xã, khiếu nại sự việc với chính quyền địa phương, thế nhưng đã hơn 5 năm trôi qua, tình trạng ô nhiễm chẳng những không được xử lý mà có những diễn biến phức tạp, nghiêm trọng hơn.
“Cháy nhà ra mặt chuột”
Còn nhớ cách đó chưa lâu, nhiều người dân sống quanh khu vực trang trại đã phát hiện và bắt quả tang trại lợn này xả nước thải trực tiếp ra môi trường chưa qua xử lý. Theo phản ánh, chủ trang trại đã dùng một đường ống dẫn, đúc bằng bê tông chôn ngầm dưới đất, (chỉ để lộ phần cống thải dài khoảng 5m) nối dài từ khu chăn nuôi tuồn thẳng nước thải ra Hón Măng (mương dẫn nước - PV). Tuy nhiên, để qua mắt thiên hạ, trang trại này thường chủ động xả nước thải vào thời điểm nửa đêm và rạng sáng.
Để tránh mùi hôi thối, nhiều hộ dân đã dùng bao bì bịt kín các lỗ khí thông hơi trong nhà |
Theo quan sát, bên trong khu vực trang trai lợn, nhiều hạng mục công trình xây dựng chưa đúng theo tiêu chuẩn. Cụ thể, việc xây bể bioga không đúng với thiết kế. Đáy 4 bể chứa bioga không được lót chống thấm, không xây thành bao. Các hố đựng chất thải không sử dụng nắp đậy mà chỉ phủ bạt qua loa…
Nhằm hạn chế mức độ ảnh hưởng đến môi trường, chủ trang trại lợn đã dùng bèo tây thả xuống khu vực bãi thải để xử lý môi trường. Thế nhưng lợi bất cập hại, hành động trên của doanh nghiệp lại “tiếp sức” cho hành vi gây ô nhiễm môi trường trầm trọng hơn. Hệ lụy mà nó mang lại là việc ách tắc dòng chảy, làm hư hại hoa màu và gây thiệt hại về tài sản của nhân dân.
Điển hình là sự cố vỡ bờ bao tháng 9/2012 đã khiến hơn 15.000m3 nước phân thải chưa qua xử lý, tuồn ra ngoài môi trường gây ô nhiễm trên diện rộng. Sự việc trên đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước mặt và nước dùng cho sinh hoạt của các hộ dân.
Bèo tây trong khu vực nước thải cũng dần úa vàng vì ô nhiễm |
Cũng đã nhiều lần các cơ quan chuyên trách về môi trường thành lập đoàn công tác, tiến hành kiểm tra và đi đến kết luận, trang trại chăn nuôi này đã vi phạm nghiêm trọng các vấn đề về bảo vệ môi trường. Căn cứ vào thực tế trên, cơ quan chức năng cũng đã yêu chủ trang trại khắc phục ô nhiễm môi trường…Thế nhưng mọi thứ chỉ như “nước đổ lá khoai”.
Mới đây, vào chiều 19/4/2014, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa, UBND huyện Yên Định cùng xã Yên Tâm và đại diện Công ty TNHH PNT đã đối thoại với người dân tại nhà văn hóa thôn Mỹ Hòa. UBND huyện Yên Định quyết định giảm đàn lợn thương phẩm của trang trại, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, chưa thỏa mãn trước quyết định của chính quyền, người dân tiếp tục đề nghị di chuyển trang trại lợn đến nơi khác, chấm dứt hoạt động trên địa bàn…
Nhiều người dân có mặt tại nhà văn hóa thôn Mỹ Hòa để đối thoại với chính quyền |
Trước áp lực từ phía người dân, ông Lưu Vũ Lâm - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định đã yêu cầu doanh nghiệp phải xây dựng hoàn thiện các hạng mục công trình xử lý chất thải, nước thải theo đúng quy định của pháp luật; không được xả nước thải ra nguồn nước Hón Măng khi chưa xử lý triệt để; tăng cường tăng cường xử lý môi trường... Nếu doanh nghiệp không thực hiện nghiêm túc, huyện sẽ tham mưu cho cơ quan chức năng, UBND tỉnh đình chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật.