Đó là trường hợp em nam sinh P.T.D. (13 tuổi, học sinh lớp 8 của một trường trung học cơ sở ở quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh). Sự cố này vừa xảy ra vào sáng ngày 10/11/2020 vừa qua tại sân trường.
Theo đó, vào khoảng 8h, nam sinh này bất ngờ trèo qua lan can và rơi từ lầu 3 xuống sân trường.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam vào ngày 12/11, hiệu trưởng nhà trường cho biết, trước đó em học ở ngoài Bắc, có hoàn cảnh hết sức éo le, ở với bố và ông nội, mẹ đi xuất khẩu lao động.
Sau khi bị bố la rầy nhiều lần, em được họ hàng làm giám hộ, đưa vào Thành phố Hồ Chí Minh nuôi, làm đơn xin học về quận Phú Nhuận.
Ngôi trường ở quận Phú Nhuận, nơi xảy ra sự việc (ảnh: P.L) |
Từ năm học lớp 7, em chuyển học từ ngoài Bắc vào quận Phú Nhuận, đã được nhà trường tiếp nhận, nhà trường và mọi người đã quan tâm, chăm sóc và để ý khá kỹ em.
Có một lần, giáo viên đã phát hiện em nam sinh này dùng compa rọc tay của mình. Trường cũng đã sinh hoạt, trao đổi với người giám hộ của em. Kể từ đó thì em học rất ổn, ngoan, diễn biến tâm lý không có vấn đề gì.
Năm nay em lên lớp 8, từ đầu năm đến giờ học rất ổn, thì đột nhiên xảy ra sự cố.
Cách đây ít ngày, vào giờ chơi, các bạn thấy em nam sinh này trèo qua lan can, và bị phát hiện.
Thầy cô có hỏi tại sao lại làm như vậy, thì em học sinh nói là bạn khích nên mới làm, nhưng tìm mãi thì không ra học sinh nhận đã khích em làm việc nói trên.
Nhà trường đã mời người giám hộ của em vào trường làm việc, nhưng về tới nhà, em học sinh lại bị tra khảo do bị chọc ghẹo.
Tới ngày 9/11, người giám hộ làm việc với em rất căng thẳng, dứt khoát yêu cầu em nam sinh này phải nói ra là ai đã chọc ghẹo mình. Sang ngày 10/11, sáng thì em vẫn đi học bình thường. Không ai biết được nội tâm của em học sinh này như thế.
Khoảng 8h sáng cùng ngày, mẹ nuôi của em (người giám hộ) tới trường, đề nghị kêu em học sinh này xuống trường, dứt khoát muốn tìm ra học sinh chọc ghẹo em hôm trước. Biết tin mẹ nuôi vào, em này đã leo từ lan can, rơi thẳng đứng từ lầu 3 của trường xuống.
Thấy học sinh nguy kịch, nhà trường gồm thầy cô, giám thị, nhân viên y tế đã đưa em vào ngay Bệnh viện nhân dân Gia Định điều trị, có mẹ nuôi em đi theo.
Các bác sĩ ở đây chẩn đoán em bị gãy xương chân, có dấu hiệu tổn thương đốt sống cổ. Em được điều trị, rồi chuyển tới Bệnh viện Nhi đồng 2. Nhà trường có hỗ trợ các chi phí viện phí, ăn uống.
Bệnh viện Nhi Đồng 2 thì chụp hình, nói em bị gãy xương ổng quyển, bể xương mắt cá, có hiện tượng tổn thương nội tạng, cần phải mổ.
Trường đã ngay lập tức họp lãnh đạo, giáo viên, Công an phường với Ban đại diện cha mẹ học sinh để tìm hiểu sự việc.
Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Phú Nhuận, phường cũng như thầy cô giáo của trường đã vào bệnh viện thăm, động viên, thăm hỏi và có những động thái tích cực hỗ trợ cho em điều trị.
Nhà trường đã báo cáo sự việc lên quận, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh về sự việc này.
Sau khi nghe câu chuyện này, Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An chia sẻ: Sự việc chọc ghẹo nhau cũng hay thường xảy ra đối với các bạn học sinh ở lứa tuổi trung học cơ sở.
Chính vì nghĩ chọc nhau cho vui, nhưng lại là một nỗi đau về mặt tâm lý của người trong cuộc, nhiều khi đó là thiếu tôn trọng người lớn.
Độ tuổi này thường hay quản lý, kiềm chế cảm xúc cũng chưa được tốt, khả năng hưng phấn lại cao, nên cũng hay xảy ra chuyện đáng tiếc, bộc phát bất ngờ là nhảy từ tầng 3, bất chấp nguy hiểm.
Do đó, bố mẹ khi ly hôn cần nghĩ đến trẻ, cần cả bố mẹ cùng dắt tay con trên đường đời, huống hồ chi trong câu chuyện này, cả bố và mẹ đều không ở với em học sinh nam nói trên.
“Cần phải chuẩn bị tâm lý, quan tâm đến con nhiều hơn, lường trước những vấn đề con có thể gặp phải trong hậu ly hôn”.
Những sự cố này chắc chắn ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến tâm sinh lý của em.
Có thể hoặc các em sẽ bản lĩnh, cứng cáp hơn sau sự việc, nhưng cũng có thể các em sẽ coi đó là nỗi đau mà các em không thể chấp nhận được, ảnh hưởng đến tính cách và hành vi mà em sinh hoạt đối với những người xung quanh.