Nhằm đảm bảo kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông, tỉnh Tuyên Quang đang thực hiện các giải pháp xử lý đối với xe ô tô chở hàng hóa quá khổ, quá tải bằng cách đặt hai trạm cân lưu động (TCLĐ) tại QL 2 và QL 37.
Xe quá tải xếp hàng trước trạm cân km 23-24 QL 2 |
Tuy nhiên, sau một tuần thực hiện hai TCLĐ nảy sinh nhiều bất cập đang cần có giải pháp hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến tâm huyết cho rằng nếu việc kiểm tra xử lý vi phạm xe ô tô chở quá tải không có lộ trình thích hợp sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế ở một địa phương miền núi còn nhiều khó khăn như Tuyên Quang
“Lợi bất cập hại”
Thực hiện kế hoạch phối hợp giữa Công an tỉnh Tuyên Quang với Sở Giao thông vận tải tỉnh Tuyên Quang thực hiện việc tuần tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá trọng tải. Tỉnh Tuyên Quang cho thực hiện hai TCLĐ tại KM 23-24 trên Ql 2 và tại thị trấn Sơn Dương trên QL37. Theo số liệu báo cáo của phòng CSGT- Công an tỉnh Tuyên Quang thì sau một tuần thực hiện kiểm tra đã phát hiện và xử lý 98 trường hợp lái xe ô tô chở quá khổ quá tải. Tại trạm cân km 23-24, phóng viên ghi nhận tình trạng hàng loạt xe ô tô trọng tải từ 10- 30 tấn lũ lượt xếp hàng đỗ chờ sang tải ngay trước TCLĐ.
Do biết chắc nếu bị kiểm tra thì các xe chở hàng nêu trên sẽ vượt quá trọng tải cho phép của xe nên các lái xe đối phó bằng cách sang tải để “qua mắt” TCLĐ. Một thực tế xe quá trọng tải vẫn lưu thông trên đường, các lái xe chỉ chấp hành chở đúng trọng tải khi chạy qua vài chục mét (vị trí đặt trạm cân). Tại buổi làm việc với phóng viên, đại tá Trần Hữu Nhân cho biết: Sau một thời gian ngắn thực hiện kiểm tra trọng tải xe ô tô chở hàng hóa trên địa bàn đã cho thấy nhiều bất cập và chưa phù hợp với đặc thù của địa phương.
Theo Đại tá Trần Hữu Nhân thì: “Việc giám sát trọng tải của xe là cần thiết nhưng cũng nên có lộ trình. Thực tế chúng ta vẫn cho phép nhập khẩu, lắp ráp các xe trọng tải lớn nhưng không có sự khuyến cáo nên người dân không có sự chuẩn bị để thay đổi phương tiện vận tải”. Đại tá Nhân cũng cho rằng, nên phát huy hơn nữa vận tải đường thủy, đường sắt để giảm tải cho đường bộ. Đi đôi với xử lý quá tải thì nên quan tâm hơn nữa đến chất lượng cầu đường và không nên chỉ quy kết cho phương tiện”.
Tuyên Quang là tỉnh miền núi nên mũi nhọn kinh tế là sản xuất nông nghiệp. Các mặt hàng nông sản như mía, ngô, sắn, thực phẩm từ chăn nuôi được tiêu thụ không chỉ trong địa bàn tỉnh mà còn phục vụ nhu cầu của người dân cả nước và xuất khẩu. Từ khâu trồng trọt, chăn nuôi tới khi đến tay người tiêu dùng thì khâu vận tải hàng hóa là rất quan trọng. Cũng chính vì lý do đó, khi triển khai các trạm cân để kiểm tra xử lý xe chở quá tải, quan điểm của UBND tỉnh Tuyên Quang là “linh động” các xe chở hàng nông sản trong các tuyến nội tỉnh.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, “chủ trương linh động” các xe vận tải nông sản trong nội tỉnh của UBND tỉnh Tuyên Quang được cho là chủ trương đúng đắn song tới nay cũng chỉ mới dừng lại ở chủ trương “miệng”. Tại bản kế hoạch số 668/KH-PC67 của Phòng CSGT- Công an tỉnh Tuyên Quang nêu rõ “tập trung kiểm tra các phương tiện chở các loại khoáng sản như: cát, sỏi, quặng, đá xây dựng...” .
Xe quá tải xếp hàng trước trạm cân km 23-24 QL 2 |
Thế nhưng khi thực hiện tại các trạm cân, lực lượng chức năng lại không thực hiện theo kế hoạch của Phòng CSGT Công an tỉnh Tuyên Quang. “ các xe ô tô chở nông sản quá trọng tải qua các trạm cân trên địa bàn tỉnh Tuyên quang vẫn bị xử lý bình thường”, Ông Nguyễn Thế Anh - cán bộ Thanh tra giao thông (Sở GTVT Tuyên Quang) cắm chốt tại trạm cân KM23-24 cho biết.
Ông Đinh Văn Long- cán bộ CSGT tỉnh Tuyên Quang- tổ trưởng tổ kiểm tra xử lý TCLĐ km23- 24 cũng khẳng định: “Trạm chưa nhận được văn bản nào của tỉnh chỉ đạo “linh động” các xe chở nông sản”.
Cũng theo xác minh của phóng viên, một thực tế nữa đang gây khó khăn cho các trạm cân trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang là những hạng mục quan trọng như bãi đất trống làm trạm hạ tải không có. Đó là chưa kể đến nếu hạ tải hàng hóa của xe vi phạm xuống ai sẽ bảo vệ, quản lý? Bất cập lớn nhất là việc tổ chức hạ tải đối với phương tiện vi phạm để lưu giữ, bảo quản hàng hóa, nhất là các mặt hàng như xăng, dầu, gas, hàng đông lạnh, sắn, cam, rau củ quả vì dễ bị hư hỏng, do không có kho bãi, cũng như quy trình xử lý cụ thể.