Những tấm biển quảng cáo được viết bằng tiếng Hàn Quốc, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung,... được treo hoành tráng, bắt mắt. Đi giữa phố cổ của Hà Nội - Việt Nam mà ngỡ đang lạc vào một phố ở nước ngoài. |
Pháp luật Việt Nam đã có những quy định về tiếng nói, chữ viết trong quảng cáo phải là tiếng Việt. Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng dân tộc thiểu số ở Việt Nam, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì viết tiếng Việt trước, tiếp đến tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài và khổ chữ tiếng dân tộc thiểu số, khổ chữ tiếng nước ngoài không được lớn hơn khổ chữ tiếng Việt. |
Dạo chơi quanh phố Cổ Hà Nội, ở bất cứ ngõ ngách nào, du khách nước ngoài hoặc người dân Việt Nam cũng có thể dễ dàng bắt gặp biển hiệu chữ nước ngoài như thế này. (Ảnh cửa hàng thời trang dành cho phụ nữ) |
Nó được kẻ vẽ to đậm, trang trí bằng những màu sắc nổi bật, có biển có tên chữ tiếng Việt bé xíu ở phía dưới, có biển hoàn toàn không có chữ tiếng Việt ngoài cái tên không dấu của người Việt Nam. (Ảnh cửa hiệu trang sức, đá quý) |
Không chỉ các doanh nghiệp, công ty lớn "sính" "chữ Tây" mà các cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ cũng "sáng tạo" không kém, theo cách của riêng họ. (Ảnh cửa hàng Khoảnh khắc Hà Nội) |
Những tấm biển chỉ gỏn gọn như trên hoặc "Cici Mar, Mirro, Baby Shop..." đầy lai tạo, kèm theo địa chỉ cũng viết bằng tiếng Anh, không phải là lạ ở con phố cổ xưa của Hà Nội. |
Trong khi đó, một Việt kiều của Mỹ cho biết: Khoảng 10 nước trên thế giới - nơi mà tôi đã đi qua, họ đều dùng tiếng mẹ đẻ để ghi trên biển quảng cáo ở các phố. Khách không hiểu phải tự tìm ý nghĩa. |
Vị này nói: Các thành phố ở Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc... bảng hiệu quảng cáo hay nhãn hiệu hàng hóa bao giờ tiếng mẹ đẻ cũng ở vị trí trang trọng nhất, được viết đậm nhất, chữ nước ngoài chỉ là thêm, bị đặt ở vị trí thứ yếu. Ai không đọc được phải tự tìm hiểu. Đó là lòng tự tôn dân tộc về ngôn ngữ. Đó là văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân. |
Các hiệu thêu thùa, thủ công mỹ nghệ, thời trang trên phố Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Bè,... thường dùng những cái tên nước ngoài rất kêu như thế này. |
PGS.TS Lê Quý Đức, viện trưởng viện Văn hóa và Phát triển từng chia sẻ với báo giới: "Luật Quảng cáo đã quy định cụ thể, trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt. |
Thực trạng bảng, biển quảng cáo bằng tiếng ngoài, vi phạm các quy định của Luật Quảng cáo không phải mới diễn ra., tuy nhiên chưa được xử lý triệt để. |
Theo nhiều chuyên gia ngôn ngữ, văn hóa thì cần phải tổ chức xây dựng, giám sát gắt gao hơn việc sử dụng tiếng nước ngoài ở Việt Nam, nhất là trong việc quảng cáo.Bởi lẽ, sự yêu ngôn ngữ cũng là sự tôn trọng Tổ quốc và tôn trọng chính mình. |
Vấn đề ở chỗ, với những biển quảng cáo "đặc sệt" ngoại như thế này, các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ giám sát và xử lý các hành vi vi phạm đó như thế nào, có quyết liệt đến cùng hay không. |
Một số chủ quán giải thích: Mặc dù là cửa hàng của người Việt thật đấy, nhưng toàn bán cho khách Tây nên phải viết bằng tiếng Anh để họ có thể đọc được. |
Có thể nói lâu nay, không ít người chủ, làm biển quảng cáo vẫn tồn tại tâm lý rằng, viết "chữ Tây" chẳng "chết người" mà lại "ấn tượng". Cơ quan quản lý chưa xử lý nghiêm nên "nhờn luật" dẫn đến một bộ phận các chủ cửa hàng kinh doanh, các doanh nghiệp vẫn lạm dụng "tiếng Tây" trong truyền đạt thông tin tại Việt Nam |
Có người cho rằng: Điều này là biểu hiện của sự tự ti trong hội nhập quốc tế của người Việt. |
Ngay cả cái bảng ghi đơn giá, giới thiệu các mặt hàng cũng toàn tiếng Anh đến "chóng cả mặt". |
T.P (Ảnh: Kiều Oanh)