Tranh chấp giữa phụ huynh và Trường Quốc tế Mỹ VN dưới góc nhìn của luật sư

29/09/2023 06:34
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo Luật sư Lê Bá Thường, nếu việc tranh chấp giữa phụ huynh và Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam không thỏa thuận được, thì có thể nhờ tòa án giải quyết.

Liên quan đến việc tranh chấp các hợp đồng vay vốn giữa Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam và phụ huynh, ngày 26/9, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Lê Bá Thường (Công ty Luật Một thành viên Dân Luật Tín Thành) cho rằng, nếu giữa phụ huynh và nhà trường không tự thỏa thuận được với nhau, thì hoàn toàn có thể nhờ tòa án có thẩm quyền giải quyết.

Theo Luật sư Thường, các cơ sở ngoài công lập được vay vốn để đầu tư vào các dự án hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, để hưởng các ưu đãi tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước, huy động vốn của các tổ chức kinh tế, cá nhân để đầu tư phát triển cơ sở vật chất, có trách nhiệm sử dụng, hoàn trả vốn vay theo thỏa thuận, huy động vốn dưới dạng góp cổ phần, vốn từ người lao động trong đơn vị, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác thông qua hợp tác, liên kết với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức tài chính, cá nhân trong và ngoài nước để đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất.

Lãi suất huy động vốn do cơ sở ngoài công lập thỏa thuận với các tổ chức cho vay theo quy định của pháp luật Việt Nam. Lãi suất này cần được ghi rõ ràng trong khế ước, hoặc hợp đồng vay vốn. Khoản chi trả lại phải được hạch toán vào chi phí của cơ sở ngoài công lập.

Phụ huynh căng băng rôn đòi nợ trước cổng Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (ảnh: PHCC)

Phụ huynh căng băng rôn đòi nợ trước cổng Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (ảnh: PHCC)

Phần trả lãi cho vốn góp cổ phần được lấy từ lợi nhuận sau thuế của cơ sở giáo dục ngoài công lập (tiểu mục 1, Mục VIII của Thông tư 91/2006/TT-BTC, quy định huy động vốn đầu tư quy định tại Điều 9 của Nghị định 53/2006/NĐ-CP của Chính phủ).

Đồng thời, việc huy động vốn, vay vốn cần được tính toán, cân nhắc kỹ về hiệu quả kinh tế. Vốn vay, vốn huy động phải sử dụng đúng mục đích đã cam kết với các tổ chức, cá nhân cho vay vốn.

Vốn vay, vốn huy động phải được quản lý chặt chẽ, đầu tư có hiệu quả. Cơ sở giáo dục ngoài công lập phải trả cả nợ gốc lẫn lãi theo đúng cam kết khi huy động vốn. Bên cạnh đó, người chịu trách nhiệm về huy động vốn là Chủ tịch Hội đồng quản trị (hay Chủ tịch Hội đồng trường), hay thủ trưởng đơn vị (đối với cơ sở giáo dục ngoài công lập không có Hội đồng quản trị) chịu trách nhiệm phê duyệt phương án huy động vốn.

Nếu phương án huy động vốn không hiệu quả, dẫn đến tổn thất tài sản, thua lỗ thì Chủ tịch Hội đồng quản trị (hay Hội đồng trường), thủ trưởng các cơ sở giáo dục ngoài công lập phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật (tiểu mục 2, mục VIII Thông tư 91/2006/TT-BTC, quy định về việc huy động vốn đầu tư quy định Điều 9 của Nghị định số 53/2006/NĐ-CP).

Đồng thời, theo Luật sư Lê Bá Thường, hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự (Điều 385 Của Bộ luật Dân sự năm 2015).

“Theo tôi, qua thông tin báo chí phản ánh những ngày qua về nội dung hợp đồng giữa phụ huynh và Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam có thể chỉ là giao dịch dân sự, và thỏa thuận này là có điều kiện nếu phụ huynh cho trường vay tiền, hoặc góp vốn vào trường học để học sinh có thể được miễn, giảm hoặc không tốn học phí thì đây là loại hợp đồng vì lợi ích của người thứ 3, mà các bên giao kết hợp đồng đều phải thực hiện nghĩa vụ, và người thứ 3 được hưởng lợi ích từ việc thực hiện nghĩa vụ đó (Khoản 5, Điều 402 của Bộ Luật Dân sự năm 2015).

Luật sư Lê Bá Thường (ảnh: NVCC)

Luật sư Lê Bá Thường (ảnh: NVCC)

Do đó, Luật sư Thường cho rằng, để có thể cấu thành tội hình sự “Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” thì phải có hành vi của bên vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng, rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp, dẫn đến việc không có khả năng trả lại tài sản.

Trong trường hợp các tranh chấp giữa phụ huynh và Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam không thỏa thuận được với nhau, thì các bên có thể nhờ tòa án có thẩm quyền đứng ra giải quyết các tranh chấp này.

Việt Dũng