Chiều 16/3, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Vấn đề lớn nhất và cũng là vấn đề có tính thời sự nhất hiện nay đã được đặt ra: Cá nhân Đại biểu Quốc hội hoặc các đoàn giám sát có quyền đưa ra kết luận, buộc tổ chức, cá nhân bị giám sát phải thi hành không?
Theo ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, đã giám sát tối cao thì chỉ Quốc hội mới có quyền thực hiện và giám sát của đại biểu quốc hội không thể gọi là giám sát tối cao, vì đại biểu không thể thay cho Quốc hội. Phải thận trọng khi quy định quyền giám sát của Quốc hội đối với những nội dung liên quan đến bí mật quốc gia, bởi nếu cung cấp tất cả bí mật nhà nước cho đại biểu thì sẽ rất nguy hiểm.
"Ngay cả cán bộ cấp cao cũng chỉ được tiếp cận ở mức nào đó, nếu đại biểu quốc hội mà đòi tiếp cận hết thì còn gì là bí mật quốc gia nữa. Quốc hội do dân bầu lên nhưng không nhất thiết phải giao quyền lực lớn như vậy, chỉ nên cân nhắc giao ở một mức nào đó", ông Thi góp ý.
Bên cạnh đó, ông Thi cho rằng, để đảm bảo tính pháp lý thì sau khi hoàn thành giám sát, các Ủy ban của Quốc hội chỉ nên ra kiến nghị và các cơ quan hữu quan phải có trách nhiệm trả lời; không nên giao quá nhiều quyền cho đại biểu Quốc hội vì có thể dẫn đến việc đại biểu cũng được quyền ra lệnh cho các cơ quan nhà nước.
Phiên họp chiều 16/3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nhiều ý kiến đề cập tới quyền giám sát của Đại biểu Quốc hội. ảnh: Ngọc Quang. |
Cùng chung tâm trạng với ông Thi, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội – ông Ksor Phước cũng bày tỏ, quá trình giám sát, chất vấn thì không loại trừ sẽ động chạm đến tài liệu mật.
"Tôi nói thí dụ như chỗ sân bay quốc tế Long Thành, mối quan hệ giữa sân bay A, sân bay B là thuộc về tài liệu mật rồi chứ không phải đơn giản. Tôi đề nghị luật quy định các cơ quan chỉ được cung cấp những thông tin được phép cung cấp theo quy định của pháp luật", ông Ksor Phước nêu quan điểm.
Khác với hai quan điểm trên, ông Phùng Quốc Hiển – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, cần phải phát huy hơn nữa vài trò của Đại biểu Quốc hội.
“Vai trò giám sát của Đại biểu Quốc hội tính pháp lý còn cao hơn đoàn Đại biểu Quốc hội. Hiến pháp quy định rất rõ quyền của Đại biểu Quốc hội đại diện cho cử tri thì họ có quyền giám sát, còn giám sát thế nào thì cụ thể vào trong luật. Khi đã quy định bằng luật thì sẽ tạo ra các điều kiện pháp lý để Đại biểu Quốc hội hoạt động. Tôi cho là vai trò giám sát của Đại biểu Quốc hội rất quan trọng, cụ thể, gần gũi”, ông Hiển bày tỏ.
Ông Phan Trung Lý – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho rằng: “Càng ngày chúng ta thấy là càng hòa vai trò Đại biểu Quốc hội vào vai trò của các đoàn, hết Hội đồng dân tộc rồi lại đến các ủy ban, mà lẽ ra phải tạo cơ sở cho họ hoạt động”.
Đồng thời, ông Lý dẫn ra luật hiện hành chỉ rõ, ngay khi phát hiện thấy vi phạm pháp luật thì Đại biểu Quốc hội có quyền ra văn bản yêu cầu dừng ngay hành vi sai phạm ấy, chứ không cần phải báo cáo cơ quan cấp trên rồi được quyền yêu cầu.
Trước những quan điểm còn khác nhau, kết luận về nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt ra vấn đề: Khi Đại biểu giám sát, ra kết luận và yêu cầu rồi, nhưng người nhận yêu cầu ấy không thực hiện thì xử lý thế nào?
Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu, người đi giám sát cũng phải chịu trách nhiệm về nội dung và kết luận giám sát, bởi điều nhân dân quan tâm nhất là hiệu lực của giám sát.
Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ: “Điều nhân dân quan tâm nhất là hiệu lực của giám sát. Nói vu vơ không đâu vào đâu mà cũng yêu cầu người ta thì chết dở… Phải làm theo đúng quy định của pháp luật, không thể một đoàn hay một ông Đại biểu Quốc hội đến ông Chủ tịch Hội đồng Nhân dân hay đến ông Thủ tướng nói là tôi thấy ông làm sai, yêu cầu ông hủy bỏ, mà là kiến nghị ông phải sửa, ông không sửa thì tôi kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền, tức là Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội”.