Trẻ em Mỹ được truyền cảm hứng học như thế nào?

17/09/2019 06:33
Thu Hồng
(GDVN) - Việc tập trung vào khả năng của từng học sinh là điểm cốt lõi mà các thầy cô Mỹ luôn thực hiện. Dạy học vì sự phát triển của học trò chứ không vì thành tích.

LTS: Nhân dịp năm học mới, cô Đinh Thu Hồng - Thạc sỹ Giáo dục, giáo viên Trường New Life Academy of Excellence bang Georgia, Hoa Kỳ đã có vài điều chia sẻ cùng độc giả Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về cách dạy và học trẻ em tại đây.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Bước vào cấp 1, trẻ bắt đầu làm quen với hoạt động học cùng với lượng kiến thức nhiều và rộng hơn so với bậc học mẫu giáo. Đây là bước chuyển vô cùng quan trọng và ảnh hưởng tới hoạt động học của trẻ sau này.

Vậy làm thế nào để trẻ sẵn sàng lĩnh hội kiến thức mới với niềm vui, làm sao để giúp con hứng thú học tập?

Giáo dục Mỹ lấy người học làm trung tâm

Tại Mỹ, trẻ em là trung tâm của giáo dục chứ không phải là thành tích. Giáo dục Mỹ tập trung vào việc chuẩn bị các kỹ năng, kiến thức cho tương lai của con trẻ theo chuẩn Common Core.

Trẻ em Mỹ được tạo cảm hứng học tập mỗi ngày (Ảnh: tác giả cung cấp).
Trẻ em Mỹ được tạo cảm hứng học tập mỗi ngày (Ảnh: tác giả cung cấp).

Bộ Common Core tập trung vào sự sáng tạo, hợp tác, tư duy phản biện. Đặc biệt trẻ được học theo dự án - project base learning, qua đó đánh giá năng lực của các em một cách toàn diện.

Từ mẫu giáo tới lớp 3, giáo dục tập trung vào phương pháp hands-on, hoạt động trải nghiệm, học làm qua trực tiếp. Nói đơn giản, trẻ được học qua hoạt động “chơi” theo nghĩa mở rộng. [1]

Từ lớp 4 tới lớp 6, trẻ được học kết hợp thêm phương pháp dạy học phân hóa (differentiated instruction). 

Triết lý giáo dục và phương pháp này sẽ tạo hứng thú và đam mê, giúp các em tự duy trì được nhu cầu khám phá, tìm hiểu thêm thông tin mà mình đang học, đang được giới thiệu và đang quan tâm. 

Trẻ được học Toán với kẹo nhằm tăng sự hứng thú đối với môn học (Ảnh: tác giả cung cấp).
Trẻ được học Toán với kẹo nhằm tăng sự hứng thú đối với môn học (Ảnh: tác giả cung cấp).

Theo cô Đinh Thu Hồng, cách để tạo hứng thú, đam mê cho trẻ bao gồm: 

Bắt đầu từ ngay khi còn bé: tận dụng phương pháp học mà chơi, chơi mà học. Các em khó phân biệt được đâu là học đâu là chơi, từ đó có thể học trong mọi hoàn cảnh và tình huống.

Kết hợp, thực hiện hoạt động học một cách đa dạng như hát, kể chuyện, đóng kịch... Và những cách này không chỉ áp dụng cho môn văn mà còn cho nhiều môn học khác. 

Luôn gắn những kiến thức trong trường với thực tế đời sống. Như Toán học ở quanh ta, ví dụ như nhìn cửa sổ, quả bóng... đó chính là những khái niệm hình học.

Hay đi mua hàng, cách sắp xếp mặt hàng trong siêu thị, cách tính toán đồ... chính là những khái niệm của phép cộng và phép nhân.

Luôn đặt câu hỏi cho những vấn đề, tình huống để con tự giải quyết hay cùng con giải quyết.

Luôn khuyến khích động viên chia sẻ: lời động viên hết sức quan trọng vì sẽ giúp các em tự tin hơn, có tư duy cởi mở và cầu tiến hơn. 

Trẻ được kết hợp giữa học lý thuyết và thực tế cùng giáo viên (Ảnh: tác giả cung cấp).
Trẻ được kết hợp giữa học lý thuyết và thực tế cùng giáo viên (Ảnh: tác giả cung cấp).

Cha mẹ Mỹ tôn trọng quyền tự do cá nhân của trẻ

Điểm khác biệt lớn nhất là học sinh Mỹ chủ yếu tự làm bài, bố mẹ chỉ kiểm tra xem con làm đúng không và hỗ trợ khi cần, không làm cùng con như phụ huynh/ bố mẹ Việt Nam.

Bài tập về nhà tại Mỹ mang tính chất củng cố những kiến thức đã học tại lớp nên thường ít và dễ. Hiện có xu hướng giảm thiểu việc giao bài cho học sinh.

Chủ yếu các em dành thời gian đọc sách, chơi cùng các thành viên trong gia đình và giải trí như nghe nhạc, chơi trò chơi...

Cô Đinh Thu Hồng chia sẻ thêm: Hầu như những đứa trẻ ở đâu cũng vậy - cũng hồn nhiên trong sáng, ham học hỏi, giàu trí tò mò và tưởng tượng.

Những ông bố bà mẹ ở đâu cũng thế - cũng giàu tình yêu thương, cũng hết lòng vì con cái, cũng sẵn sàng đầu tư cho con.

Những thầy cô ở đâu cũng tận tâm và nhiệt thành với nghề, luôn tìm tòi học hỏi những cách truyền tải, phương pháp hay sáng tạo mới.

Rồi những mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường, giữa phụ huynh và giáo viên, giữa cha mẹ và con cái... đều khá tương đồng.

Chỉ có điều khác nổi bật là tại Mỹ, tự do cá nhân được tôn trọng tuyệt đối nên nhiều cách thức tiến hành những vấn đề cụ thể hơi khác so với Việt Nam.

Cái khác nữa là văn hoá Mỹ mang tính duy lý, cá nhân hóa cao trong khi Việt Nam duy tình nhiều hơn, cộng đồng nhiều hơn.

Nên khi học theo kiểu Mỹ, các bạn nhỏ Việt Nam sẽ học được lối suy nghĩ hệ thống, mạch lạc, chi tiết, luôn tìm tòi và đặt câu hỏi, luôn có suy nghĩ và chính kiến riêng của mình. 

Học kiểu Mỹ tại nhà - cẩm nang cho những phụ huynh 4.0
Học kiểu Mỹ tại nhà - cẩm nang cho những phụ huynh 4.0

Giáo viên Mỹ giữ vai trò định hướng, giúp đỡ học sinh

Khác với phong cách áp đặt, chỉ đạo của đa phần giáo viên Việt Nam, giáo viên Mỹ giữ vai trò định hướng, giúp đỡ học sinh trong hoạt động học.

Việc tập trung vào khả năng của từng học sinh là điểm cốt lõi mà các thầy cô Mỹ luôn thực hiện. Dạy học vì sự phát triển của học trò chứ không vì thành tích của trường lớp hay cá nhân. 

Vì vậy, giáo viên tại Mỹ được đánh giá rất nghiêm ngặt tùy theo từng bang, nhưng về điểm chung có một số quy chuẩn được liệt kê như sau:

Số lần dự giờ, quan sát của hiệu trưởng hoặc hiệu phó phụ thuộc vào số năm kinh nghiệm của giáo viên: càng ít kinh nghiệm càng nhận nhiều lần dự giờ.

Mỗi khi dự giờ, hiệu trưởng hay hiệu phó đều sử dụng phần mềm trên thiết bị di động như iPad, laptop…

Tổng số giáo viên trong trường được chia đều ra cho mỗi hiệu trưởng, hiệu phó phụ trách dự giờ.

Giáo viên mới bao giờ cũng có chương trình hỗ trợ đào tạo hoặc người đào tạo vốn là giáo viên có kinh nghiệm (mentor program/new teacher program). 

Phần mềm online để cả giáo viên lẫn lãnh đạo nhà trường có thể cập nhật thường xuyên sau mỗi lần dự giờ hay giai đoạn của năm mới.

Chia ra 4 cấp độ/4 levels: L4 Examplary (xuất sắc), L3 Proficient (đạt chuẩn), L2 Needs Development (cần phát triển thêm), L1 Ineffective (không hiệu quả).

Và 10 tiêu chuẩn sau:

1. Professional Knowledge: kiến thức chuyên môn.

2. Instructional Planning: viết kế hoạch bài giảng, soạn giáo án.

3. Instructional Strategies: những chiến thuật, phương pháp giảng dạy.

4. Differentiated Instruction: hoạt động phân hoá trong giảng dạy và học tập.

5. Assessment Strategies: các hình thức, dạng bài kiểm tra, đánh giá phong phú.

6. Assessment Uses: sử dụng thông tin từ các bài kiểm tra, đánh giá ra sao, dùng thông tin đó cho hoạt động giảng dạy ra sao.

7. Positive Learning Environment: không khí, môi trường học tập tích cực, nơi người học nào cũng có cơ hội thành công.

8. Academically Challenging Environment: môi trường học thuật mang tính thách thức, các bài học và hoạt động học không được quá dễ dàng mà phải mang tính khơi gợi.

Thưởng và phạt trong trường học ở Mỹ
Thưởng và phạt trong trường học ở Mỹ

9. Professionalism: luôn chuyên nghiệp trong ăn mặc, giao tiếp, cư xử.

10. Communication: dùng ngôn ngữ và các hình thức giao tiếp phù hợp đối với học sinh, đồng nghiệp, cũng như với phụ huynh.

Tại Georgia, tiểu bang cô Đinh Thu Hồng đang giảng dạy trực tiếp thì bộ tiêu chuẩn có tên Teacher Key Effectiveness System, trong đó có nhiều những đề mục nhỏ, chủ yếu căn cứ vào các giai đoạn của năm học như:

Planning phase: đầu năm học.

Result Based Evaluation System Goals (Midyear Update & Result-Conclusion): mỗi giáo viên đặt ra 3 mục tiêu để thực hiện: 2 mục tiêu về thành tích học tập và 1 mục tiêu về phát triển kiến thức chuyên môn.

2 mục tiêu về thành tích học tập của học sinh nhiều khi rất đơn giản, như cuối năm có 80% học sinh trong lớp đạt điểm đọc đúng trình độ của khối lớp chẳng hạn. Những mục tiêu này đến giữa năm sẽ được điều chỉnh và cuối năm sẽ được tổng kết, nhìn lại.

Implementation Phase: Formative Assessments (Formative Assessment 1 - Midyear Conference - Formative Assessment 2). Những giáo viên có hơn 3 năm kinh nghiệm sẽ chỉ cần 2 lần dự giờ, mỗi học kỳ 1 lần. Mỗi lần dự giờ, hiệu trưởng/ hiệu phó có thể dùng 10 tiêu chuẩn trên để đánh giá.

Evaluation Phase: tổng kết xem giáo viên đạt cấp độ nào trong 4 cấp độ trên.

Những bộ tiêu chuẩn này không chỉ thúc đẩy giáo viên phải liên tục rèn luyện chuyên môn mà còn gia tăng tình yêu nghề trong mỗi thầy cô.

Bởi: "Các thầy cô dạy học phải có tình yêu thương và sự kiên nhẫn. Từ đó mới có thể chăm cho từng cây, từng người lớn lên mạnh giỏi” như cô Đinh Thu Hồng đã chia sẻ trong cuốn sách “Học kiểu Mỹ tại nhà” mới được xuất bản gần đây. [2]

Giáo dục là một hành trình dài. Hãy tạo cảm hứng cho con vui thích với việc học mỗi ngày và quẳng gánh lo thành tích của mình đi bố mẹ nhé!

Tài liệu tham khảo:

[1] https://kidtopi.edu.vn/hoc-kieu-my-tre-duoc-dung-ca-ngay-de-vui-choi-voi-kien-thuc-ky-1/?fbclid=IwAR0K0ZBr2VW5MAMsCzVNm8zaajcrVBuz7hrvgfUXhrTDiKTqNoaAhWWSwfI).

[2] http://bit.ly/2ZpMGrk

Thu Hồng