Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố đã quyết định kéo dài thời gian nghỉ học cho học sinh đến hết 23/2, có những địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh cho phép nghỉ hết tháng 2 để phòng ngừa dịch Covid-19.
Việc nghỉ học dài ngày để tránh dịch Covid-19 được xem là biện pháp kịp thời để phòng chống dịch.
Tuy nhiên, việc học sinh nghỉ dài ngày đang đặt ra nhiều bài toán cho các trường học trong việc để học sinh rèn luyện, ôn tập kiến thức.
Học sinh thành phố có điều kiện, nhiều trường đã và đang tổ chức học trực tuyến, ôn bài…
Tuy nhiên, đối với học sinh vùng bản, vùng khó, viêc học trực tuyến là điều cực kỳ khó khăn, thậm chí nhiều nơi không thể áp dụng biện pháp này.
Học sinh trường Tiểu học Húc trong một hoạt động trải nghiệm tại điểm trường chính. Ảnh: LC |
Cũng như các tỉnh thành trong cả nước, ngày 15/2, tỉnh Quảng Trị cũng đã có công văn cho học sinh nghỉ học hết tháng 2.
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Nguyễn Thị Thuận - Phó hiệu trưởng phụ trách trường Tiểu học Húc (xã Húc, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) cho biết: “Những ngày các em nghỉ học các thầy cô giáo còn vất vả hơn cả việc đi dạy. Tại các điểm trường xa, nhà trường đều phải bố trí giáo viên trực, vệ sinh tại các điểm trường.
Với đặc thù trường vùng bản còn nhiều khó khăn, nhiều giáo viên ở xa nhưng vẫn phải đến điểm trường trực cắm bản. Giáo viên ở vùng bản chủ yếu hỏi thăm học sinh, hướng dẫn vệ sinh cá nhân cho các em”.
Nói về việc dạy và học trong thời gian chống dịch, cô giáo Thuận chia sẻ: “Nói thật là vùng bản như Trường Tiểu học Húc còn có nhiều khó khăn, phụ huynh học sinh chủ yếu làm nông nghiệp, đi nương, vào rừng cả ngày. Bình thường việc học của các con đều giao cả cho các cô giáo.
Làm thế nào để học sinh nông thôn không thua kém thành thị? |
Nay các con về từng nhà trên bản xa thì giáo viên cũng chỉ có thể đến thăm hỏi và dặn dò các con ôn bài.
Việc học trực tuyến như trên đài, trên báo, ti vi thì vùng bản như xã Húc nếu có triển khai thì ở đây cũng chưa áp dụng được. Đến cái ti vi nhà trường cũng chưa có được, còn đời sống của người dân cũng rất nhiều khó khăn, trang bị ti vi có lẽ vượt quá khả năng của họ”.
Nói về việc học của các em học sinh, cô Thuận cho biết, khi nào đi học trở lại nhà trường sẽ có kế hoạch cụ thể cùng với sự chỉ đạo của cấp trên sẽ tiến hành bồi dưỡng kiến thức cho các em sau.
Cũng như học sinh trên cả nước, tỉnh Điện Biên đã có công văn cho học sinh nghỉ học từ ngày 5/2 đến khi có thông báo mới.
Đối với Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Na Cô Sa (xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ, Điện Biên), việc học trực tuyến hay học qua truyền hình cho học sinh nghỉ học cũng vô cùng vất vả.
Thầy giáo Nguyễn Văn Quân, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Na Cô Sa cũng rất thẳng thắn chỉ ra điều lo ngại khi học sinh nghỉ dài ngày.
Ở Nậm Pồ rất khó để học sinh có thể tham gia học trực tuyến. Ảnh: LC |
Thầy Quân cho biết: “Vùng khó như Na Cô Sa thì cũng chỉ đợi ngày đi học nhà trường sẽ kết hợp cùng với chỉ đạo của cấp trên để có kế hoạch bồi dưỡng thêm kiến thức cho các em.
Bởi, việc kết nối giữa giáo viên và phụ huynh, học sinh còn khó khăn hơn các trường khác, do học sinh về địa phương, lại cư trú hầu hết tại xã, xóm vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa
Việc học trực truyến hay học qua truyền hình, phát thanh với các em học sinh vùng núi khó khăn như địa bàn xã Na Cô Sa thì không thể áp dụng được.
Phần vì điều kiện kinh tế gia đình, phần vì việc quan tâm đến học sinh của các gia đình vùng khó đến các em học sinh cũng rất hạn chế".
Học sinh nghỉ học vì Covid-19, sao không dạy học trên truyền hình, phát thanh? |
Tại Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lũng Táo (xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn, Hà Giang) trong thời gian các em học sinh nghỉ học, các thầy cô giáo còn vất vả hơn rất nhiều khi phải thường xuyên nhắc nhở theo dõi sức khỏe các em học sinh.
Là địa bàn có nhiều người di chuyển qua biên giới nước bạn lao động nên việc này đang được các cấp ban ngành địa phương hết sức chú trọng.
Thầy giáo Nguyễn Văn Thuận - Hiệu trưởng trường Lũng Táo cho biết hiện nay nhà trường chủ yếu chú trọng vệ sinh môi trường lớp học, theo dõi tình hình sức khỏe học sinh.
"Việc dạy và học trong thời gian nghỉ tại Lũng Táo hầu như là không thể vì các em đã về với gia đình, các thầy cô giáo chủ yếu liên lạc với gia đình nhắc nhở các em học tập, ôn bài.
Hiện nhà trường cũng đã chuẩn bị kế hoạch, đồng thời kết hợp với chỉ đạo của cấp trên để tiến hành phụ đạo thêm cho các em sau khi đi học trở lại.
Tình hình nghỉ dài như vậy chắc chắn phải kết thúc năm học muộn hơn so với mọi năm”, thầy giáo Thuận cho biết.