Ngày 2/11, Tập đoàn Hóa Chất Việt Nam (Vinachem) có công văn gửi Bộ Công Thương thông báo việc ông Vũ Đình Duy - cựu Tổng Giám đốc Công ty cổ phần hóa dầu và xơ sợi dầu khí - chủ đầu tư dự án xơ sợi Đình Vũ có đơn xin nghỉ để đi chữa bệnh.
Ông Vũ Đình Duy hiện là thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất (Vinachem) đã không có mặt ở cơ quan nhiều ngày qua mà không được sự cho phép của lãnh đạo tập đoàn.
Ngày 3/11, Bộ Công Thương đã phát đi thông báo không chấp nhận đơn xin nghỉ đi chữa bệnh của ông Vũ Đình Duy, đồng thời chỉ đạo Vinachem triệu tập ông Duy có mặt tại cơ quan để thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội sáng 4/11 về trách nhiệm khi để một số cán bộ có dấu hiệu vi phạm pháp luật “bỏ trốn” ra nước ngoài, Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an (Đại biểu Quốc hội đoàn Hưng Yên) cho biết, công tác điều tra về vụ án kinh tế hết sức khó khăn.
Đối với những trường hợp cụ thể mà báo chí đề cập là đang bị truy nã như Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh… Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết, để bắt được các đối tượng này có nhiều cái khó, vì luật pháp của Việt Nam và các nước quy định khác nhau.
Đối với Việt Nam thì hành vi của các đối tượng vi phạm Bộ Luật hình sự, nhưng đối với ở nước khác lại quy định khác nên tương trợ tư pháp của Việt Nam và các nước cũng khác nhau.
Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết, Trịnh Xuân Thanh thuộc trường hợp truy nã đến cùng. ảnh: Nguyễn Quyết. |
Cụ thể với trường hợp của ông Trịnh Xuân Thanh báo cáo đi chữa bệnh rồi bỏ trốn ra nước ngoài, Thứ trưởng Lê Quý Vương: “Trước thời điểm có thể đề xuất một số biện pháp, nhưng chưa chứng minh được người ta phạm tội, chưa phát sinh về mặt tố tụng thì không thể nói lý do này lý do kia để cấm người ta được.
Hiến pháp quy định rất rõ về quyền công dân. Người ta chỉ bị hạn chế quyền khi pháp luật quy định. Có bao nhiêu quy định pháp luật hạn chế quyền này, công an cũng không đề ra để hạn chế người ta được.
Còn theo Bộ luật hình sự quy định, với các loại tội phạm phân ra các hành vi: Nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Việc truy nã các đối tượng theo thời hiệu truy nã, không có thời gian kết thúc, truy đến cùng. Trịnh Xuân Thanh thuộc trường hợp truy đến cùng, không có thời hiệu”.
Công khai, minh bạch xử lý sai phạm đối với ông Vũ Huy Hoàng(GDVN) - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: "Tổ chức, cá nhân nào vi phạm đến đâu thì kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước sẽ xử lý theo các quy định". |
Về vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm, Thứ trưởng Bộ Công an cho hay, tùy theo nội dung vụ án, tùy chứng cứ phạm tội tới mức độ nào, điều tra tới đâu thì xử tới đó.
Đây là vụ án trọng điểm nên cơ quan tố tụng truy xét thấu đáo: Đây là vụ án mà nhân dân rất quan tâm. Thua lỗ có phải 3.300 tỷ đồng không? Cá nhân các đối tượng có sai phạm như thế nào? Có tham ô, tư lợi không?
Thứ trưởng Lê Quý Vương kêu gọi: “Trịnh Xuân Thanh nên về nước đầu thú để hưởng lượng khoan hồng của pháp luật. Đó cũng là bản lĩnh của con người, dám làm dám chịu.
Tôi muốn nói điều này với ông Trịnh Xuân Thanh. Là người sinh ra trong một gia đình có truyền thống, bây giờ gây ra như vậy, Thanh phải chịu trách nhiệm chứ không thể bỏ trốn".
Thượng tướng Lê Quý Vương có lý giải ban đầu về việc cán bộ có dấu hiệu sai phạm đã bỏ trốn một phần là vì người dân có quyền tự do, dân chủ và phải được tôn trọng. Công dân nào cũng có quyền cấp hộ chiếu, hộ chiếu phổ thông rất đơn giản, đi lại một số nước trong khu vực rất thuận lợi.
Việc xuất nhập cảnh qua biên giới, sân bay, trong khi đó, biên giới thì rất rộng gồm đường bộ, đường biển, tàu vận tải qua lại nên đi lại rất dễ dàng.
Cũng theo Tướng Vương, ngay cả đối với những đối tượng đang thuộc “tầm ngắm” nếu muốn bắt giữ thì phải bắt quả tang, bắt khẩn cấp, nhưng phải báo cáo Viện Kiểm sát phê chuẩn. Còn theo Bộ luật hình sự thì chỉ khi nào tòa tuyên án họ mới có tội.
“Việc quản lý nhân khẩu hiện nay rất thông thoáng, đăng ký thường trú chỗ nào lại tạm trú ở chỗ khác, do công việc, làm ăn. Trong bối cảnh đó nên lực lượng công an rất khó khăn trong quản lý, chỉ có đối tượng hình sự, có tiền án, nghi vấn vi phạm hình sự thì còn quản lý chặt chẽ.
Còn đối tượng là cán bộ công chức, viên chức, đảng viên làm sao mà tiến hành biện pháp quản lý được”, ông Vương cho hay.
Thượng tướng Lê Quý Vương cũng nhìn nhận, qua những vụ việc một số cán bộ có dấu hiệu phạm tội trốn ra nước ngoài cho thấy có sơ hở trong quản lý cán bộ. Tuy nhiên, lỗi ở đâu, lỗi thế nào, tại sao như thế thì phải xem xét mới đánh giá kết luận được.