Tờ Diplomat ngày 26/8 đăng tải bình luận của tác giả Shannon Tiezzi cho rằng Trung Quốc dường như vẫn âm thầm chuẩn bị kịch bản của riêng mình cho trường hợp xấu nhất xảy ra trên bán đảo Triều Tiên ngay cả khi Bình Nhưỡng và Seoul đang nỗ lực đàm phán xoa dịu căng thẳng.
Vũ khí quân sự Trung Quốc xuất hiện trên khu vực gần biên giới với Triều Tiên. Ảnh Diplomat. |
Cuối tuần trước, trên mạng xã hội Trung Quốc xuất hiện một loạt hình ảnh ghi lại cảnh xe tăng và nhiều thiết bị quân sự khác của Trung Quốc di chuyển qua các con phố ở Diên Cát thủ phủ châu tự trị Diên Biên thuộc tỉnh Cát Lâm nằm dọc biên giới với Triều Tiên.
Theo phân tích của NK News, một trang chuyên nghiên cứu về Triều Tiên, lượng vũ khí xuất hiện trong các bức ảnh trên tương đương với một lữ đoàn. Chúng bao gồm xe tăng PTZ-89 (Type 89), pháo phòng không tự hành PGZ-95 và pháo tự hành 155 mm.
Theo chuyên gia Kim Min-seok từ Diễn đàn Quốc phòng và An ninh nói với NK News, trong quá khứ Trung Quốc cũng đã từng triển khai vũ khí đến khu vực biên giới với Triều Tiên khi tình hình trên bán đảo gia tăng căng thẳng như vụ sau vụ pháo kích đảo Hàn Quốc năm 2010 và vụ thanh trừng Jang Song-thaek năm 2013.
Lý giải về động thái trên của Bắc Kinh, các chuyên gia của NK News tin rằng, Trung Quốc đang cố gắng gửi một thông điệp tới Triều Tiên: "Đừng có làm điều dại dột" thông qua việc triển khai vũ khí tới biên giới.
Có một sự trùng hợp rất đáng lưu ý là các bức ảnh vũ khí Trung Quốc đổ về biên giới lan truyền trên mạng xã hội vào sáng ngày thứ Bảy thì tối cùng ngày Triều Tiên và Hàn Quốc nhất trí tiến hành đàm phán cấp cao giảm căng thẳng.
Do đó, Tiezz tin rằng có thể việc Bắc Kinh điều vũ khí tới biên giới là nhằm để gia tăng áp lực thúc đẩy Bình Nhưỡng và Seoul ngồi vào bàn đàm phán.
Động thái này của Trung Quốc cũng có thể là động lực khiến Cheong Wa Dae vừa công bố rằng Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye sẽ tham dự lễ duyệt binh ngày 3/9 tại Bắc Kinh bất chấp áp lực từ Mỹ yêu cầu bà phải hủy bỏ lời mời.
Giới truyền thông Hàn Quốc cũng cho rằng bà Park có thể đã quyết định chấp nhận lời mời tham gia sự kiện bị phương Tây tẩy chay để đổi lại Bắc Kinh sẽ gây áp lực với Bình Nhưỡng buộc nước này giảm căng thẳng. Tuyên bố chấp thuận được ban hành sau khi Bắc Kinh điều quân tới biên giới.
Ngoài ra, còn có một lý do nữa để giải thích cho hành động điều quân tới biên giới sát Triều Tiên của Trung Quốc là có thể Bắc Kinh chỉ đơn thuần muốn đánh trống khua chiêng khi Seoul và Bình Nhưỡng cũng chuyển sang tư thế chuẩn bị cho chiến tranh.
Ngày 24/8, Triều Tiên và Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận giảm căng thẳng. Theo đó, Bình Nhưỡng đã bày tỏ "hối tiếc" về vụ nổ mìn trên biên giới Hàn Quốc, nhưng không xin lỗi hay nhận trách nhiệm về vụ việc. Trong khi đó, Seoul cũng chấp thuận dừng chương trình phát thanh chống Bình Nhưỡng ở biên giới./.