Ông Lý Quân Như, cựu Phó Giám đốc Trường Đảng trung ương. Ảnh: SCMP. |
South China Morning Post ngày 9/9 đưa tin, lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ siết chặt hơn nữa công tác quản lý cán bộ đảng viên của họ sau khi một loạt các quan chức, cựu quan chức cấp cao bị điều tra, xử lý. Ông Lý Quân Như, cựu Phó giám đốc Trường Đảng trung ương cho biết, nước này đang xem xét ban hành một quy tắc ứng xử cho các cán bộ, từ Bộ chính trị trở xuống.
"Kể từ khi bắt đầu chiến dịch chống tham nhũng, hàng loạt vấn đề đã xuất hiện với các nhà lãnh đạo cấp cao trong đó có Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Từ Tài Hậu, Lệnh Kế Hoạch, Tô Vinh. Nhó nhắc nhở Ban chấp hành trung ương bắt đầu phải suy nghĩ làm thế nào để quản lý các cán bộ nắm quyền trong đảng và bộ máy nhà nước", ông Lý Quân Như phát biểu tại hội thảo về quản trị của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương hôm Thứ Ba.
Hội thảo này được tổ chức cùng với Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc đương đại, với sự tham dự của 80 chuyên gia từ trong và ngoài Trung Quốc. Đáp lại một câu hỏi về tham nhũng xuất phát từ sự "độc quyền lãnh đạo" của đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Lý Quân Như cho biết các nhà lãnh đạo của đảng đã được báo cáo đầy đủ về các quan chức cấp cao tham nhũng. Kết quả của sự phản ánh đó là kế hoạch ban hành một bộ quy tắc ứng xử cho 2000 quan chức cao cấp.
Phạm vi của quy tắc ứng xử này sẽ bao gồm cả 25 thành viên Bộ chính trị. "Cán bộ cấp cao cũng là đảng viên và họ phải chịu sự quản lý của kỷ luật đảng, pháp luật nhà nước", ông Như nói. Ông không cung cấp thông tin chi tiết về bộ quy tắc này.
Bình luận về động thái mới này, chuyên gia quản trị từ đại học Bắc Kinh Trang Đức Toại cho biết, gia đình người thân của quan chức cũng được hưởng lợi từ đặc quyền của quan chức. Vì vậy những hạn chế về quyền lực cũng nên áp dụng với vợ con, người thân của quan chức.
"Vợ chồng, con cái của các quan chức cấp cao không nên làm việc trong các doanh nghiệp, đồng thời quan chức và gia đình họ phải công khai thu nhập của mình cho người dân biết", ông Trang Đức Toại cho biết.
"Việc thực hiện quy tắc này chẳng khác nào yêu cầu các nhà lãnh đạo cấp cao công khai về mình. Chìa khóa nằm ở các thành viên chủ chốt trong Bộ chính trị. Nó phụ thuộc vào việc họ có quyết tâm chính trị để đi đầu làm gương hay không", ông Toại nói.
Chu Lực Hạ từ Học viện Quản trị Trung Quốc bình luận: "Nếu các quan chức cấp cao thậm chí không thể thực hiện đầy đủ các yêu cầu đối với một đảng viên bình thường, làm sao họ có thể làm được các tiêu chuẩn cao hơn?"