South China Morning Post ngày 3/3 đưa tin, Vương Hồng Quang, Trung tướng - cựu Phó Tư lệnh quân khu Nam Kinh nói với báo này rằng, quân đội Trung Quốc cần tăng thêm 20% ngân sách quốc phòng trong năm nay để trang trải chi phí "ứng phó với những thách thức ở Biển Đông và Hoa Đông".
Vương Hồng Quang, ảnh: Thời báo Hoàn Cầu. |
Đồng thời quân đội Trung Quốc cũng cần hàng trăm tỉ nhân dân tệ để chi trả tiền hưu trí và trợ cấp cho 300 ngàn quân bị cắt giảm quân số trong chiến dịch tái cấu trúc các lực lượng vũ trang.
Khoản chi phí này khá lớn, theo chỉ đạo của ông Tập Cận Bình, mỗi một quân nhân tinh giảm biên chế cần được trợ cấp 500 ngàn nhân dân tệ (khoảng 76,28 ngàn USD) bao gồm trợ cấp nhà ở.
Vương Hồng Quang cho hay, hệ thống bộ máy chỉ huy mới đòi hỏi tất cả các sĩ quan chỉ huy, tham mưu cần phải học hệ thống chỉ huy - kiểm soát - thông tin liên lạc - tình báo - giám sát và trinh sát hiện đại, tự động của phương Tây, còn gọi là C4ISR.
"Đó là một hệ thống hoàn toàn mới mà chúng tôi cần phải bắt kịp. Huấn luyện, trang bị...tất cả đều cần tiền. Quân đội Trung Quốc sẽ nâng cấp hệ thống vũ khí lên thế hệ 3 vào năm 2020.
Hiện nay quân đội Trung Quốc chủ yếu vẫn sử dụng các vũ khí trang bị thế hệ thứ 2 đã lỗi thời. Một số vũ khí trang bị tiên tiến thì chỉ đóng vai trò mô hình, học cụ huấn luyện", ông Quang nói.
Hoa Kỳ có 11 cụm tàu sân bay, nhưng cho đến nay Trung Quốc mới chỉ có 1 tàu sân bay Liêu Ninh, mà lại chỉ dùng cho huấn luyện chứ không phải tác chiến.
Vương Hồng Quang ngụy biện, cam kết của Washington tăng cường hoạt động ở Biển Đông sẽ "đẩy Trung Quốc vào chỗ gia tăng tích tụ quân sự trong khu vực". Thực tế đây chỉ là cái cớ đánh lạc hướng dư luận trước những hành động leo thang quân sự hóa Biển Đông - PV.
Năm ngoái ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng 10,1% lên mức 886,9 tỉ nhân dân tệ.
Trước đó ngày 2/3, Doãn Trác, một viên Thiếu tướng nghỉ hưu hải quân Trung Quốc nói với Tân Hoa Xã rằng, tàu sân bay Trung Quốc đang xây dựng sẽ triển khai ở Biển Đông để bảo vệ cái gọi là "quyền và lợi ích quốc gia".
Nghê Lạc Hùng, một nhà phân tích quân sự ở Thượng Hải nói với South China Morning Post, một khi Trung Quốc bố trí tàu sân bay ở Biển Đông trong tương lai sẽ mang một thông điệp ngoại giao mạnh mẽ. Đó là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng sử dụng vũ lực để đạt được mục tiêu (độc chiếm Biển Đông làm ao nhà).
Kỳ họp "Lưỡng Hội", tức Chính hiệp trung ương và Quốc hội Trung Quốc hàng năm đang diễn ra tại Bắc Kinh, từ ngày 3/3, sẽ xem xét và quyết định khoản ngân sách quốc phòng cho năm nay.