Trung Quốc đã "đốt lửa" để đón Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ?

10/07/2013 08:23
Việt Dũng
(GDVN) - Tướng Trung Quốc có những phát biểu kiểu "nóng đầu" khác với thái độ chính thức của lãnh đạo hai nước Trung-Ấn.
Ngày 5 tháng 7 năm 2013, tại Bắc Kinh, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Antony.
Ngày 5 tháng 7 năm 2013, tại Bắc Kinh, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Antony.

Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc vừa có bài viết cho rằng, chuyến thăm Trung Quốc vừa kết thúc của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Arackaparambil Kurian Antony đã để lại ấn tượng kép.

Một mặt, về cấp chính thức, hai bên đã đạt được đồng thuận về xây dựng lòng tin về biên giới, tập trung giảm thấp bầu không khí căng thẳng, thậm chí tổ chức diễn tập quân sự liên hợp. Đồng thời còn tuyên bố, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh sẽ tiến hành chuyến thăm Trung Quốc vào cuối năm nay.

Nhưng, mặt khác, chuyến thăm này lại tạo cớ cho "phe diều hâu" của hai bên cùng đưa ra những tuyên bố gay gắt không thể thúc đẩy tiến bộ quan hệ song phương.

Đây là chuyến thăm đầu tiên tới Trung Quốc của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ trong 7 năm qua. Trước đó, có 2 sự kiện lớn mang tính "đối lập" phản ánh thực sự quan hệ Trung-Ấn trở thành bối cảnh của chuyến thăm lần này.

Trước hết là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tân Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường đã chọn Ấn Độ. Thứ hai, trong tháng 4-5 năm nay đã xảy ra sự kiện "đối đầu lều vải" ở biên giới Trung-Ấn.

Chuyên gia Boris Volkhonski, Viện nghiên cứu chiến lược Nga nói: "Nghịch lý của quan hệ song phương giữa hai cường quốc lớn châu Á ở chỗ, mối quan hệ này thể hiện ở tầng cấp cao nhất của Nhà nước là tinh thần hợp tác, thậm chí là tuyên bố hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Tinh thần hợp tác này cũng được tăng cường nhờ hợp tác kinh tế thương mại song phương liên tục tăng trưởng. Năm 2011, Trung Quốc đã trở thành nước lớn nhất trong các đối tác thương mại đối ngoại của Ấn Độ.

Nhưng, mặt khác, những ký ức về cuộc chiến tranh năm 1962 đến nay vẫn phủ bóng đen lên mối quan hệ này. Đặc biệt là ở Ấn Độ, phần lớn các thành viên trong xã hội không thể thừa nhận sự thất bại của cuộc chiến tranh đó và sự mất mát một phần lãnh thổ".

Trung-Ấn tổ chức diễn tập quân sự liên hợp (ảnh tư liệu)
Trung-Ấn tổ chức diễn tập quân sự liên hợp (ảnh tư liệu)

Volkhonski cho rằng, chuyến thăm lần này của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony đã phản ánh đặc điểm "kép" này.

Một mặt, trong quá trình đàm phán, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ cùng người đồng cấp Trung Quốc Thường Vạn Toàn đã đạt được đồng thuận về một loạt bước đi thực tế mở rộng quan hệ quân sự hai nước, giảm thấp mức độ căng thẳng khu vực biên giới và khôi phục diễn tập quân sự đã gián đoạn 5 năm qua. Những cuộc diễn tập này sẽ tổ chức tại thành phố Côn Minh, khu vực phía nam Trung Quốc vào tháng 10 năm nay.

Mặt khác, chuyến thăm lần này cũng đi kèm với một loạt tuyên bố có thể "đốt cháy" lòng tin giữa hai bên.

Chẳng hạn, tướng Trung Quốc có quan điểm diều hâu nổi tiếng là Lưu Nguyên đã phát biểu trước khi Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ thăm Trung Quốc rằng, "chính là do Ấn Độ đã gây ra quan hệ căng thẳng ở khu vực biên giới, có thể tạo ra vấn đề mới hay không tùy thuộc vào phía Ấn Độ".

Phản ứng của truyền thông Ấn Độ đối với những ngôn từ hiếu chiến của tướng Trung Quốc còn gay gắt hơn nhiều. Đặc biệt, tờ "Hindustan" Ấn Độ đã đăng một bài viết mang tên "Trung Quốc đã đốt lửa, dùng những lời cảnh báo về vấn đề biên giới để đón tiếp ông Antony".

Ông Boris Volkhonski nói rằng: "Vào thời điểm đó, Ngoại trưởng Ấn Độ, ông Salman Khurshid đang thăm Singapore đã phát biểu nhằm giảm những lời tranh cãi, tuyên bố rằng Ấn Độ và Trung Quốc sẽ không cần cấp bách (vội vàng) giải quyết vấn đề biên giới.

Nhưng, tuyên bố này lại gây ra tác dụng trái ngược trong xã hội Ấn Độ. Rất nhiều blogger cho biết, từ khi vấn đề biên giới xuất hiện đến nay đã có lịch sử trên 50 năm. Trong tình hình này, Ngoại trưởng lý giải 'không cần cấp bách' như thế nào".

Tháng 8 năm 2013, Ấn Độ sẽ hạ thủy tàu sân bay đầu tiên, gây sự chú ý cho Trung Quốc
Tháng 8 năm 2013, Ấn Độ sẽ hạ thủy tàu sân bay đầu tiên, gây sự chú ý cho Trung Quốc

"Trên thực tế, chính phủ hai nước hầu như hoàn toàn không bận tâm đến vấn đề biên giới mà tìm cách phát triển quan hệ hai nước, nhưng một số người nóng đầu lại làm ngược lại".

Chuyên gia Nga cho rằng, những "người nóng đầu" này hầu như đã quên rằng, bản thân vấn đề biên giới khác với tất cả các vấn đề khác trong quan hệ song phương, cho rằng chỉ có thể giải quyết thông qua vũ lực.

Nhưng điều này hoàn toàn không phù hợp với lợi ích của hai nước Trung-Ấn. Chỉ có sau khi giải quyết tất cả những vấn đề cùng có lợi khác, mới có thể đón lấy thời cơ tốt nhất giải quyết vấn đề biên giới, việc giải quyết vấn đề biên giới không nên trở thành điều kiện phát triển thuận lợi quan hệ.

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!





Việt Dũng