Tờ Lenta của Nga ngày 11/8 đăng tải bài xã luận cho biết, việc Bắc Kinh thúc đẩy hàng loạt chương trình hợp tác với các nước Mỹ Latinh không chỉ nhằm mục đích nhắm tới các nguồn tài nguyên phong phú của khu vực này mà còn để tìm kiếm một đồng minh tiềm năng trong cuộc đối đầu với Mỹ, mở rộng sự ảnh hưởng của mình trên toàn cầu.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Brazil. |
Trung Quốc đã mở rộng sự hiện diện của mình ở Mỹ Latinh bằng cách tham gia vào các ngành sản xuất đồng và dầu lửa, xây dựng nhà ở, xây thủy điện, đường cao tốc, đường sắt. Thậm chí Bắc Kinh còn sẵn sàng xây một tuyến đường mới từ Đại Tây Dương tới Thái Bình Dương thay thế cho kênh đào Panama.
Đòn bẩy chính để Trung Quốc phát tán ảnh hưởng của mình tại Mỹ Latinh chính là các khoản vay thương mại ưu đãi. Từ năm 2000 đến năm 2003, tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực này đã tăng hơn 20 lần, từ 12.6 đến 261.6 tỷ USD. Giao dịch thương mại giữa Brazil, Chile và Peru với Trung Quốc đã vượt qua cả với Mỹ.
Chỉ trong ba năm qua, Trung Quốc đã cung cấp cho các nước Mỹ Latinh những khoản vay tổng trị giá 50 tỷ USD. Và Nam Mỹ đã trở thành một thị trường tiêu thụ hàng hóa Trung Quốc rất lớn. Trung Quốc cũng thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực xây dựng và khoa học vũ trụ với Chile, Brazil, Venezuela, Cuba; phóng truyền hình vệ tinh đầu tiên trong lịch sử cho Venezuela, hợp tác không gian với Brazil.
Từ năm 2012, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã tiến hành hai "Diễn đàn Quốc phòng" ở Bắc Kinh cho các sĩ quan cao cấp từ Mỹ Latinh.
Các chuyên gia cho biết, Trung Quốc bắt đầu quan tâm tới sự phát triển của "lục địa hy vọng" từ những năm 2000. Mục đích chính là để đáp ứng sự tăng nhu cầu của các nguồn lực kinh tế như năng lượng và khoáng sản. Thứ hai, một số nước trong khu vực này được xem là đồng minh có cùng ý thức hệ chính trị với Bắc Kinh.
Trung Quốc được cho là đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế hiện nay trong khu vực Mỹ Latinh, nhưng theo Lenta, rõ ràng sự đóng góp này chỉ giúp phát triển cho phong trào cánh tả và tình cảm chống Mỹ ở khu vực này mà Bắc Kinh đã bắt đầu từ rất lâu trước khi đến đây với nhiều tiền của mình.
Đòn bẩy chính để Trung Quốc phát tán ảnh hưởng của mình tại Mỹ Latinh chính là các khoản vay thương mại ưu đãi. |
Mỹ từng nổi tiếng với "học thuyết Monroe" được thành lập bởi Tổng thống thứ 5 James Monroe, người cho rằng "Lục địa Mỹ đã giành được tự do và độc lập... không nên được coi là một đối tượng của thực dân tương lai của bất kỳ cường quốc châu Âu nào".
Thông điệp được đọc trước Quốc hội năm 1923 có nội dung chính là nhằm nhấn mạnh rằng các nước Mỹ Latinh nên nằm ngoài sự can thiệp của các cường quốc châu Âu và mọi hành động cố gắng kiểm soát các nước này đều được xem là biểu hiện của sự không thân thiện với nước Mỹ.
Thực tế, thời đại của "học thuyết Monroe" đã biến mất, Mỹ đang xem các nước Mỹ Latinh là các đối tác của mình như thông điệp được Ngoại trưởng Mỹ công bố hồi năm ngoái.
Tuy nhiên, nhiều nhà bình luận Trung Quốc cho rằng sự công nhận này là bằng chứng cho thực tế rằng Washington không còn khả năng chống lại vai trò ngày càng tăng của Bắc Kinh ở châu lục của họ.
Sự cải thiện quan hệ giữa Bắc Kinh và các nước Mỹ Latinh còn được cho là động lực thúc đẩy một số quốc gia trong khu vực nàynhư Venezuela và Cuba, gần đây đã công khai lên tiếng chống lại sự bá quyền của Mỹ và công kích các chính sách của Washington.
Theo Lenta, Trung Quốc đã liên tục tăng ảnh hưởng của mình ở Nam Mỹ bằng chiến lược "trỗi dậy hòa bình" ở sân sau của Mỹ. Và sự trỗi dậy hòa bình chỉ thực hiện thông qua các dự án kinh tế quy mô lớn liên kết chặt chẽ hơn giữa các nước này với Trung Quốc.
Tờ báo cho biết, chìa khóa để nâng cao vai trò của Trung Quốc trong khu vực Nam và Trung Mỹ có thể là xây dựng kênh đào xuyên đại dương ở Nicaragua thay thế cho Panama.