South China Morning Post ngày 4/1 đưa tin, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã chỉ trích Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump vì "đối ngoại qua Twitter".
Điều này phản ánh sự thất vọng của Bắc Kinh với phong cách phi truyền thống của Donald Trump, khi thỉnh thoảng ông lại đề cập đến các vấn đề nhạy cảm trong quan hệ Trung - Mỹ qua mạng xã hội Twitter.
Tân Hoa Xã có bài xã luận vào đêm thứ Ba, chỉ vài giờ sau khi ông Donald Trump viết trên Twitter vài dòng chỉ trích Trung Quốc từ chối giúp Hoa Kỳ kiềm chế tham vọng hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.
Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump, ảnh: SCMP. |
Bài xã luận được Tân Hoa Xã đặt tít: "Nghiện 'ngoại giao Twitter' là không khôn ngoan". Bài viết viện dẫn một số phát biểu của các chính khách và nhà nghiên cứu Hoa Kỳ, trong đó có cựu Ngoại trưởng Madeleine Albright.
Những quan điểm này cho rằng, Trump "không khôn ngoan" khi đưa quá nhiều vấn đề chính sách đối ngoại lên mạng xã hội Twitter. Họ lập luận:
"Trump nói điều gì đó đại loại như Liên Hợp Quốc chỉ là một câu lạc bộ cho mọi người vui vẻ.
Những dòng trạng thái như vậy đã phá vỡ giao thức ngoại giao truyền thống nhiều thập niên được tổ chức và hậu thuẫn bởi Hoa Kỳ, trong đó có một số ý kiến chống Trung Quốc.
Ngoại giao không phải là trò chơi trẻ con và ông không thể vận hành nó như một doanh nghiệp".
Bài xã luận được đưa ra sau dòng trạng thái mới nhất được ông Donald Trump viết trên Twitter:
"Trung Quốc đã lấy đi một khối lượng lớn tiền mặt và sự giàu có của Hoa Kỳ trong quan hệ thương mại hoàn toàn một chiều, nhưng lại không chịu giúp Mỹ trong vấn đề Bắc Triều Tiên. Xong!".
Trước đó Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ cũng đã không ít lần gây chú ý vì những dòng trạng thái viết trên Twitter cá nhân, cáo buộc Bắc Kinh thao túng tiền tệ, bảo vệ cuộc điện đàm giữa ông và nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, lên án Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông.
Các nhà phân tích tin rằng, chiến thuật này của ông Donald Trump đang thực sự gây ra những cơn nhức đầu cho Trung Nam Hải.
Những nước cờ thần tốc của Donald Trump buộc Trung Quốc "thí quân cứu tướng" |
Zhang Zhexin, một chuyên gia về các vấn đề quan hệ đối ngoại với Hoa Kỳ từ Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải nói với South China Morning Post:
Truyền tải thông điệp về chính sách đối ngoại thông qua mạng xã hội Twitter không phải là một biện pháp hợp lý và hiệu quả. Theo ông:
"Trung Quốc không hài lòng về cách tiếp cận này của Trump trong ngoại giao, vì họ nghĩ rằng nó sẽ không giúp giải quyết các tranh chấp ngoại giao, thậm chí còn làm cho mọi thứ tệ hơn, làm cho tình cảm hai nước với nhau tiêu cực hơn".
Trump sẽ nhậm chức vào ngày 20/1 này. Trước khi ông bước vào Nhà Trắng, Trung Quốc đã kiềm chế không trực tiếp chỉ trích thẳng vào cá nhân ông, bất chấp những phát biểu gây tranh cãi của ông trên Twitter.
Liu Weidong, một nhà quan sát chính sách đối ngoại Hoa Kỳ từ Viện Khoa học xã hội Trung Quốc nói với South China Morning Post:
"Bài xã luận của Tân Hoa Xã cho thấy Bắc Kinh rõ ràng chưa thích ứng với phong cách phi truyền thống của Donald Trump trong ứng phó với các vấn đề đối ngoại.
Trump có thể nghĩ rằng ông chỉ đơn giản nêu ý kiến cá nhân trên Twitter, nhưng Bắc Kinh sẽ xem nó là vấn đề nghiêm trọng, vì điều này phá vỡ các toan tính của Trung Quốc".
Lâu nay các nhà lãnh đạo Trung Quốc thích trao đổi các vấn đề đối ngoại đằng sau cánh cửa khép kín.
Ông Tập Cận Bình chỉ xuất hiện trên phương tiện mạng xã hội thông qua tài khoản weibo của tờ báo Quân Giải phóng Trung Quốc khi ông đến thăm văn phòng tờ báo này năm ngoái.
Chủ tịch Trung Quốc chưa bao giờ mở một tài khoản cá nhân trên weibo, một "phiên bản Twitter" của Trung Quốc.
Ngược lại, Tổng thống đắc cử Donald Trump thường xuyên sử dụng mạng xã hội để thu hút cử tri và bày tỏ quan điểm cá nhân, kể cả về chính sách đối ngoại.
Người viết cho rằng, "ngoại giao Twitter" là một phương thức thông minh của tỉ phú Donald Trump. Nó không chỉ góp phần giúp ông chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng, mà còn đối phó hiệu quả với các đối thủ toàn cầu.
Đối phương thích giao thiệp bí mật, thì ông công khai, đối phương thích "chính trị truyền thống" thì ông dùng "chính trị phi truyền thống". Như vậy, Donald Trump mới đang là người điều khiển cuộc chơi thực sự lúc này.
Những cơn đau đầu của Bắc Kinh là minh chứng cho tính hiệu quả của chiến thuật này.
Ngoài ra, việc thi thoảng Donald Trump lại "tung" lên mạng xã hội những phát biểu thể hiện quan điểm của cá nhân ông về một vấn đề đối nội hay đối ngoại, gần như Trump đã định hướng dư luận Hoa Kỳ và truyền thông quốc tế về một vấn đề cả ngày hôm đó.
Rõ ràng cách dẫn dắt dư luận vào những vấn đề nóng của Donald Trump thông qua mạng xã hội Twitter hấp dẫn và hiệu quả hơn hệ thống truyền thông, bởi ở đó có sự tương tác trực tiếp mà không qua trung gian nào.
Cũng có những quan điểm chỉ trích ông rằng, cách làm này có thể khiến thế giới hiểu lầm về Hoa Kỳ rằng một nước hai vua, làm giảm uy tín và ảnh hưởng của chính quyền Tổng thống Barack Obama.
Người viết cho rằng, Trump đang làm điều pháp luật Hoa Kỳ không cấm nên không có lý do gì để bắt bẻ ông ấy.
Thậm chí trong khoảng thời gian trước khi nhậm chức này, Donald Trump có thể tạo bàn đạp cho việc đàm phán vấn đề quan trọng với các siêu cường sau khi chính thức trở thành chủ nhân Nhà Trắng.
Tài liệu tham khảo: