Trung Quốc sẽ ra sao nếu Mỹ phong toả, chốt chặn eo biển Malacca?

24/01/2013 08:23
Đông Bình
(GDVN) - Trung Quốc lắp đặt đường ống dẫn dầu đi qua lãnh thổ Myanmar không chỉ là vấn đề về năng lượng, mà còn là vấn đề về an ninh chiến lược.

Đài phát thanh “Tiếng nói nước Nga” vừa đăng bài viết nhan đề “Trung Quốc sẽ tránh ‘đá ngầm’ do Mỹ bố trí ở eo biển Malacca”. Báo Hoàn Cầu của TQ đã trích dẫn và đăng tải bài viết này.

Bài viết cho rằng, Myanmar có thể giúp Trung Quốc tránh được “đá ngầm” được Mỹ bố trí ở eo biển Malacca.

Bắc Kinh tuyên bố, đường ống dẫn dầu từ bờ biển Ấn Độ Dương đến khu vực biên giới Trung Quốc-Myanmar sẽ được đưa vào sử dụng từ cuối tháng 5.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi kết thúc vòng đàm phán thứ nhất về an ninh chiến lược song phương giữa Trung Quốc và Myanmar tại Nay Pyi Taw của Myanmar.

Hội nghị tham vấn lần này giữa Trung Quốc và Myanmar do phía quân đội tổ chức, chủ đề đàm phán liên quan đến tình hình bất ổn ở biên giới hai nước. Ở khu vực miền bắc Myanmar, các cơ quan chính phủ đang điều chỉnh lại tình hình khu vực sinh sống của người Kachin.

Trong thời gian gần đây, tình hình khu vực này bị mất kiểm soát, phía quân đội Myanmar thậm chí đã phải sử dụng đến pháo, hơn nữa còn có một quả đạn pháo phóng “lạc” vào khu vực cách biên giới Trung Quốc không xa. Vì vậy, quân đội hai nước này đã tiến hành cuộc họp khẩn cấp.

Mỹ triển khai tàu tuần duyên tại Singapore, tạo sự răn đe chiến lược ở khu vực.
Mỹ triển khai tàu tuần duyên tại Singapore, tạo sự răn đe chiến lược ở khu vực.

Trên thực tế, tại hội nghị tham vấn an ninh chiến lược, sự quan tâm của phía Trung Quốc đối với đường ống dẫn dầu và khí đốt được cho là điều dễ hiểu. Vladimir Evseev, chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu chính trị-xã hội Nga cho rằng, xung đột lợi ích của hai nước Trung Quốc và Mỹ ở châu Á đang trở nên ngày càng thường xuyên.

Evseev nói: “Mỹ xác định khu vực châu Á-Thái Bình Dương là phương hướng ưu tiên của họ. Rõ ràng, đây là nơi tập trung lợi ích của nhiều nước trong đó có Trung Quốc và Mỹ. Mỹ đang tìm cách thông qua phát triển quan hệ với các nước Đông Nam Á trong đó có Myanmar để tiến hành kiềm chế đối với Trung Quốc.

Đồng thời, còn tăng cường quan hệ hợp tác với Ấn Độ. Ngoài ra, còn xây dựng căn cứ quân sự mới ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Những điều này hoàn toàn đều có màu sắc chống Trung Quốc rõ rệt”. - thời báo Hoàn cầu của TQ nhận định.

Vấn đề ở chỗ tên lửa của Trung Quốc không thể vươn tới căn cứ quân sự được thiết lập ở Darwin, Australia. Ngược lại, Lầu Năm Góc có thể sử dụng tên lửa và không quân tạo thành trạng thái phong tỏa đối với eo biển Malacca. Điều này có nghĩa là, tàu chở dầu vận chuyển dầu mỏ và khí đốt từ Trung Đông và châu Phi tới Trung Quốc có thể sẽ gặp phải trở ngại quân sự do Mỹ thiết lập ở eo biển Malacca.

Vì vậy, đối với Trung Quốc, lắp đặt đường ống dẫn dầu từ bờ biển Ấn Độ Dương của Myanmar đi qua lãnh thổ nước này không chỉ là vấn đề về năng lượng, mà còn là vấn đề về an ninh chiến lược.

Ấn Độ tăng cường quan hệ với Myanmar
Ấn Độ tăng cường quan hệ với Myanmar

Sau khi tuyên bố công trình đường ống dẫn dầu đi qua Myanmar sắp kết thúc, Bắc Kinh đã đưa ra câu trả lời rõ ràng.

Rõ ràng, Trung Quốc đã có chuẩn bị rất tốt để tranh đoạt các lợi ích ở châu Á. Lượng dầu đi qua đường ống Trung Quốc-Myanmar sẽ đạt 22 triệu tấn, lượng vận chuyển khí đốt là 12 tỷ m3. Bắt đầu từ tháng 6 năm nay, đường ống sẽ có thể chính thức hoạt động.

Tình hình diễn ra như vậy, với tính chất là một nước đã bãi bỏ lệnh trừng phạt kinh tế đối với Myanmar cách đây không lâu, Mỹ sẽ có phản ứng thế nào? Các đồng minh của Mỹ ở châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ phản ứng ra sao? Trên thực tế, hai nước này cũng có kế hoạch to lớn của họ ở Myanmar. Ngoài ra, một nước cũng đang tìm cách gây ảnh hưởng tại Myanmar là Ấn Độ sẽ thực thi những biện pháp nào?

Rõ ràng, Myanmar đã trở thành điểm xung đột mới về lợi ích địa-chính trị của khu vực châu Á. Nhìn vào tình hình hiện nay, trong cuộc chơi này, Trung Quốc vẫn đang dẫn đầu, có điều tình hình này kéo dài bao lâu thì còn phải đợi quan sát.

Ấn Độ cũng tăng cường xây dựng căn cứ quân sự ở quần đảo Andaman, ngay lối ra vào eo biển Malacca, tạo sự răn đe chiến lược.
Ấn Độ cũng tăng cường xây dựng căn cứ quân sự ở quần đảo Andaman, ngay lối ra vào eo biển Malacca, tạo sự răn đe chiến lược.
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Đông Bình