Binh sĩ Trung Quốc đang bảo dưỡng tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21. |
“Mối đe dọa tên lửa” từ Trung Quốc
Tờ “Phượng Hoàng” Hồng Kông (báo TQ) vừa dẫn bài viết từ báo chí Mỹ cho biết, khi hội kiến với quan chức Lầu Năm Góc, Thượng tướng nghỉ hưu Nga, ông Victor Yesin đã nói rằng Mỹ không nên đánh giá thấp việc chế tạo, sản xuất vũ khí hạt nhân chiến thuật của Trung Quốc.
Yesin cho rằng, các chuyên gia vũ khí trang bị Mỹ và phương Tây đã thực sự đánh giá thấp kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Theo dự đoán của ông, Trung Quốc sở hữu 1.600-1.800 đầu đạn hạt nhân, chứ không phải là 250-300 đầu đạn hạt nhân.
Ông còn chỉ ra, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, chính sách chuyển trọng điểm sang hướng Đông của Tổng thống Mỹ Barack Obama có lợi cho Nga, cho nên bất cứ cơ hội nào có lợi cho việc đẩy nhanh tiến trình này, ông ấy đều sẽ cố gắng tận dụng hết.
Ngoài việc khuyến khích Mỹ chuyển trọng điểm chiến lược tới châu Á, Yesin cũng đã đề cập tới sự không tin cậy và thái độ thù địch tiềm tàng ngày càng tăng giữa hai nước Trung-Nga. Yesin cho rằng, Trung Quốc đã triển khai tên lửa chiến thuật DF-11, DF-15 và tên lửa đạn đạo DF-21 tại khu vực lân cận biên giới Trung-Nga.
Những tên lửa này đều là vũ khí mang tính tấn công, dùng để phát động phóng loạt tên lửa đợt đầu tiên, hỗ trợ cho các hành động quân sự trên mặt đất.
Trận địa cứ điểm tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21, lực lượng Pháo binh 2, Quân đội Trung Quốc. |
Bài viết cho rằng, Trung Quốc thực sự vẫn đang tiến hành xây dựng quân sự quy mô lớn, trong đó trọng điểm là tên lửa đất đối đất. Hơn nữa, lực lượng mặt đất của Trung Quốc ngày càng có xu hướng phát triển sức mạnh “bọc thép hạng nặng” có tính cơ động cao.
Hiện nay, Trung Quốc vẫn thiếu khả năng vận tải biển chở lực lượng quy mô nhỏ đến bờ bên kia của eo biển Đài Loan, hơn nữa cũng thiếu hạm đội cỡ lớn bảo vệ cho lực lượng này. Nhưng, muốn “xâm lược” Nga thì không cần đến sự chi viện hậu cần này.
Tên lửa mới của Nga chọc thủng mạng lưới phòng thủ tên lửa của Mỹ
Theo truyền thông Nga, hiện nay, chuyên gia Nga đang nghiên cứu chế tạo 2 loại tên lửa chiến lược mới để đối phó với hệ thống phòng thủ tên lửa được Mỹ triển khai ở châu Âu, một là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hạng nặng sử dụng nhiên liệu lỏng, nặng 100 tấn, nó đã vượt tên lửa xuyên lục địa RS20 có uy lực lớn nhất thế giới; hai là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nhiêu liệu rắn dùng để thay thế tên lửa thế hệ thứ năm Topol-M và Yars.
Nga phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Topol-M. |
Sergei Karakayev, Tư lệnh Lực lượng tên lửa chiến lược Nga cho biết, trong tương lai, uy lực của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nhiên liệu rắn có thể còn chưa đủ để chọc thủng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, vì vậy có thể sử dụng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hạng nặng nhiên liệu lỏng để đối phó hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Nếu Mỹ không từ bỏ kế hoạch của mình, thì có thể sử dụng loại tên lửa này chế tạo ra vũ khí chiến lược có độ chính xác cao phi hạt nhân có tầm phóng hầu như có thể bao trùm toàn cầu.
Ngoài ra, Karakayev còn nói thêm rằng, tên lửa kiểu mới còn có thể đối phó có hiệu quả hệ thống phòng thủ tên lửa tương lai do Mỹ xây dựng trong không gian vũ trụ.
Năm 2013, Lực lượng tên lửa chiến lược có kế hoạch tiến hành 11 lần phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Cuối tháng 12, Lực lượng tên lửa chiến lược sẽ còn trang bị 96 thiết bị phóng tên lửa Topol-M và Yars mới.
Đến năm 2020, Lực lượng tên lửa chiến lược sẽ hoàn toàn chuyển sang sử dụng công nghệ thông tin số hóa.
Tên lửa kiểu mới Topol-M (SS-27) của Nga. |