The Diplomat ngày 25/2 đưa tin, trong lúc căng thẳng đang tăng cao trên Biển Đông, tuần này 3 chiến hạm Trung Quốc đã kéo sang Campuchia tập trận chung. Tàu chiến Trung Quốc đã cập cảng Sihanoukville, Campuchia ngày 22/2 trong một chuyến thăm 5 ngày.
Campuchia cho cả đội múa lân ra đón 3 chiến hạm Trung Quốc cập cảng Sihanoukville, ảnh: China.org.cn. |
Đây là lần đầu tiên chiến hạm Trung Quốc đến Campuchia thực hiện hoạt động giao lưu quân sự, đấu bóng giao hữu và tập trận chung. Phó Tư lệnh Hải quân Campuchia Vann Bunneang nói với báo giới, 70 thủy thủ hải quân nước này sẽ tập trận chung với 737 lính hải quân Trung Quốc.
Cuộc tập trận đầu tiên giữa hải quân hai nước diễn ra trong hôm qua và hôm nay 25/2. The Diplomat bình luận, Trung Quốc có một mối quan hệ quốc phòng vững mạnh với Campuchia - đối tác quan trọng của Bắc Kinh ở Đông Nam Á.
Trung Quốc là nhà tài trợ, viện trợ kinh tế - quân sự lớn nhất của Campuchia, quan hệ quốc phòng giữa 2 nước phát triển mạnh những năm gần đây. Phnom Penh có tiền, có vũ khí để nâng cao năng lực quân sự, trong khi Bắc Kinh có được một đối tác ủng hộ mạnh mẽ các lập trường quan trọng của Trung Quốc trong khu vực.
Tuy nhiên, sự lệ thuộc của Campuchia vào Trung Quốc đã khiến Phnom Penh buộc phải hỗ trợ Bắc Kinh ngay cả những trường hợp làm suy yếu rõ ràng hòa bình và an ninh trên Biển Đông, The Diplomat lưu ý.
Tại sao ông Hun Sen "bỗng dưng nổi đóa" chuyện Biển Đông? |
Khi được hỏi liệu Trung Quốc có sử dụng cuộc tập trận chung này như một cơ hội để phô trương sức mạnh quân sự của mình hay không, quan chức quân sự Campuchia nói thẳng:
"Cũng giống như một công ty may mặc. Sau khi họ sản xuất được một sản phẩm mới, họ thường quảng cáo. Vì vậy sự hiện diện của tàu chiến Trung Quốc ở Campuchia hoặc những nơi khác là vì Trung Quốc là một nước lớn, họ muốn thể hiện với thế giới những công nghệ hiện đại của họ", quan chức này nói.
Trước đó đài RFA ngày 24/2 đưa tin, cuộc tập trận chung hải quân Trung Quốc - Campuchia diễn ra đúng thời điểm Bắc Kinh thông báo sẽ tặng Campuchia 2 chiến hạm. Một quan chức hải quân Trung Quốc đã đến Phnom Penh hôm qua 24/2 để gặp Bộ trưởng Quốc phòng và Tư lệnh Hải quân Campuchia.
Tư lệnh Hải quân Campuchia cho biết, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã đồng ý bán cho Campuchia một cặp tàu chiến và Campuchia ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Còn theo The Phnom Penh Post ngày 25/2, Đô đốc Tea Vinh, Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Campuchia nói rằng: "Hải quân Hoàng gia Campuchia cần 2 tàu chiến, việc này vẫn đang trong quá trình đàm phán giữa Bộ Quốc phòng 2 nước. Chúng tôi sẽ không sử dụng chúng cho chiến tranh, chúng tôi sẽ chỉ sử dụng chúng để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của chúng tôi. Campuchia không nên để các nước láng giềng xem thường (?!)"
Trong cuộc tiếp Phó Tham mưu trưởng Hạm đội Nam Hải - Chuẩn đô đốc Du Mãn Giang, ông Tea Vinh nhắc lại rằng, Campuchia ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Theo The Cambodia Daily ngày 25/2, Du Mãn Giang đã không phản ứng gì về "nguyện vọng" mua 2 tàu chiến Trung Quốc mà Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Campuchia đề xuất. Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc nói với The Cambodia Daily, từ 2005 đến 2007 Trung Quốc đã "tặng" 15 tàu tuần tra cho Bộ Nội vụ Campuchia.
Ông cho rằng, việc Trung Quốc bán, tặng hay cho Campuchia tàu thuyền sẽ còn tiếp tục, bởi ít nhất nó là một phần của con đường Bắc Kinh gây ảnh hưởng lên đất nước chùa tháp này.
RFA bình luận, trong khi Campuchia chỉ có một lực lượng hải quân nhỏ bé, nhưng quốc gia này lại trở thành "cầu thủ quan trọng" ở Biển Đông vì là đồng minh đáng tin cậy nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Phnom Penh đã "chia tay" với ASEAN từ khi làm Chủ tịch luân phiên khối năm 2012.
Mua láng giềng gần |
Với lập trường và ảnh hưởng của Campuchia đối với quyết sách của ASEAN, đặc biệt là đóng vai trò lực cản chống lại sự đoàn kết, thống nhất của cả khối trong vấn đề Biển Đông, Reuters ngày 18/2 bình luận rằng, Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng đang tìm cách tranh giành ảnh hưởng tại quốc gia này với Bắc Kinh.
Reuters dẫn lời các nhà phân tích nói rằng Hoa Kỳ lo ngại việc Campuchia trở thành "chư hầu" của Trung Hoa trong việc chống lại sự đồng thuận của ASEAN. Washington đã tìm cách duy trì hợp tác quân sự song phương với Phnom Penh, bất chấp những chỉ trích về nhân quyền của Campuchia.
Trong khi đó, 3 chiến hạm Trung Quốc cập cảng Sihanoukville chỉ 1 ngày sau khi chiến hạm Nhật Bản vừa rời Campuchia. Tuy nhiên, Bắc Kinh đang duy trì lợi thế cả về tài chính và quân sự trong quan hệ với Phnom Penh.