Mua láng giềng gần

16/12/2015 13:55
Ngọc Việt
(GDVN) - Ổn định xã hội là nền tảng của ổn định chính trị, nhưng những điều này nước “anh em xa” của Campuchia dù rất sẵn tiền nhưng đã không thể giúp được gì.

Bangkok Post ngày 15/12 đưa tin, trong tuần này Thủ tướng Campuchia Hun Sen sẽ sang thăm chinh thức Thái Lan 2 ngày Thứ Sáu và Thứ Bảy với mục đích là phá bỏ các rào cản, làm nồng ấm lại mối quan hệ giữa hai nước sau khi bị tổn thất bởi những xung đột tại khu vực biên giới trong mấy năm gần đây.

Tháp tùng Thủ tướng Hun Sen sang Bangkok lần này, lần đầu tiên có tới ba Phó Thủ tướng là các ông Tea Banh, Sok An và Hor Namhong cùng con trai cả của ông Hun Sen - tướng Hun Manet và các chủ doanh nghiệp Campuchia.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen, ảnh: Bangkok Post.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen, ảnh: Bangkok Post.

Đây không phải là lần đầu tiên Thủ tướng Hun Sen thăm Thái Lan sau khi quân đội nước này đảo chính lật đổ chính phủ dân cử của bà Yingluck Shinawatra, nhưng chuyến thăm này được đánh giá là rất quan trọng trong chính sách nâng tầm bang giao trong khu vực, diễn ra vào dịp kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Ngoài việc cùng với Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha chủ trì cuộc họp lần thứ hai của Ủy ban Liên chính phủ Thái Lan – Campuchia, Thủ tướng Hun Sen có tham dự và phát biểu tại diễn đàn doanh nghiệp Thái Lan – Campuchia. Trong đó ông Hun Sen dự kiến sẽ kêu gọi mở rộng hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng và đặc biệt là du lịch – ngành kinh tế mũi nhọn của Campuchia.

Bangkok Post cũng cho biết, Campuchia và Thái Lan đã cho mở những trạm kiểm soát trên biên giới giữa hai nước, tạo điều kiện cho du khách từ Thái qua tham quan những di sản nổi tiêng thế giới của nền văn hóa Khmer, thúc đẩy dịch vụ du lịch campuchia phát triển.

Phải nhìn nhận rằng, trong các thành viên mới gia nhập ASEAN trong những năm cuối của thế kỷ 20 thì Campuchia có rất nhiều lợi thế trong việc tạo dựng và phát triển mối quan hệ với các thành viên khác. Nền văn hóa của đất nước Campuchia có nhiều tương đồng với Myanmar, Lào, Thailand với sự ảnh hưởng sâu rộng của tư tưởng Phật giáo Nguyên thủy trong đời sống xã hội. 

Campuchia có mối quan hệ đặc biệt với Việt Nam – nước láng giềng phía Đông – nhận được nhiều sự hợp tác cũng như hỗ trợ của Việt Nam trong quá trình tái lập và phát triển đất nước. 

Những nước láng giềng với Campuchia là những thị trường đầy tiềm năng cho nền kinh tế Campuchia khai thác và phát triển. Những quốc gia láng giềng cũng tạo nên vùng địa chiến lược, làm giảm thiểu những tác động từ bên ngoài, ảnh xấu tới sự ổn định chính trị và an ninh tại đất nước Campuchia.

Tuy nhiên, kể từ cuộc bầu cử năm 1993 dẫn đến việc tái lập Vương quốc Campuchia, đất nước của nền văn hóa Angkor đã gần như bỏ quên những nước “láng giềng gần” này mà hướng tới một “anh em xa” với hy vọng nhận được sự giúp đỡ mạnh mẽ về tài chính và quân sự. 

Bà Bố Kiến Quốc - Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia trao quà cho Ngoại trưởng nước sở tại, ông Hor Namhong. Trung Quốc đã tặng 3 xe tải Toyota Hilux Vigo, một xe bus mini Toyota Coaster và 45 chiếc điện thoại di động Huawei Ascend P7 cho Bộ Ngoại giao Campuchia. Ảnh: Akp.gov.kh
Bà Bố Kiến Quốc - Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia trao quà cho Ngoại trưởng nước sở tại, ông Hor Namhong. Trung Quốc đã tặng 3 xe tải Toyota Hilux Vigo, một xe bus mini Toyota Coaster và 45 chiếc điện thoại di động Huawei Ascend P7 cho Bộ Ngoại giao Campuchia. Ảnh: Akp.gov.kh

Trải qua thời gian, tính chất trung lập của chế độ chính trị tại Campuchia đã nhạt dần và đi theo nó là một nền kinh tế “tầm gửi” dựa vào nguồn "viện trợ hào phóng" từ Trung Quốc. Bản thân Campuchia thiếu một xương sống làm trụ cột cho nền kinh tế quốc gia. 

Chính vì những nguồn lợi về kinh tế mà Campuchia nhận được trong một mối quan hệ không bình đẳng với Bắc Kinh, Phnom Penh đã phải chấp nhận cái giá phải trả là những tác động bất lợi cho mình về chính trị cũng như hình ảnh quốc gia trong mắt bạn bè khu vực và quốc tế.

Trong một thời gian dài, những nước láng giềng ASEAN chỉ có vai trò thứ yếu trong chiến lược phát triển đất nước của Campuchia.

Dù có một nền kinh tế mở, nhưng Campuchia không đón nhận được nhiều sự quan tâm của các nước láng giềng. Nguyên nhân không phải thị trường Campuchia nhỏ, không hấp dẫn, mà do những chính sách ưu tiên của Campuchia không thật sự hướng về họ.

Trong ngôi nhà chung ASEAN, Campuchia đã có những ứng xử có phần mâu thẫn với lợi ích chung của cả khối, từ đó làm Campuchia đôi lúc trở nên lạc lõng trong ASEAN.

Nay chuyến thăm của Thủ tướng Hun Sen tới Thái Lan được dư luận nước này rất quan tâm, mà mục đích là nhằm bỏ qua hiềm khích, hướng tới tăng cường hợp tác giữa hai quốc gia.

“Một khu vực kinh tế đặc biệt gần biên giới Thái Lan – Campuchia sẽ được hình thành và hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội trong hợp tác đầu tư cho kinh tế hai nước”, Đại sứ Campuchia tại Thái Lan, Eat Sophea chia sẻ với Bangkok Post. 

Hy vọng việc Thủ tướng Hun Sen chủ động gạt bỏ rào cản, nâng tầm trong quan hệ với Thái Lan sẽ là bước mở đầu cho một chiến lược ngoại giao quốc tế mới của Campuchia, trong đó trong tâm hướng về Cộng đồng ASEAN.

Đây là một định chế mới nhất trong lĩnh vực hợp tác quốc tế được hình thành tại khu vực Đông Nam Á trong tháng cuối cùng của năm 2015 này, mà Campuchia cũng là một thành viên trong cộng đồng ấy. 

Rõ ràng, việc hướng tới những nước “láng giềng gần” là một trong những quyết sách hợp thời của Thủ tướng Hun Sen nhằm phát huy những lợi thế của mình cho một sự phát triển bền vững, tạo việc làm cho người dân Campuchia, nâng cao mức sống của họ.

Ổn định xã hội là nền tảng của ổn định chính trị, nhưng những điều này nước “anh em xa” của Campuchia dù rất sẵn tiền nhưng đã không thể giúp được gì. Thậm chí "anh em xa" còn làm cho mâu thuẫn trong lòng xã hội Khmer ngày càng trở nên gay gắt, đặc biệt là xung quanh các dự án, siêu dự án do họ đầu tư vào Campuchia.

Ngọc Việt