Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội thành lập thêm 2 trường mới

09/01/2025 11:06
Lưu Diễm
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Hai trường mới được mở, giúp Trường ĐH Công nghiệp HN hoàn thành chiến lược mục tiêu tiến tới chuyển đổi từ "trường đại học" thành "đại học" trong năm nay.

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã công bố nghị quyết thành lập hai trường gồm Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông; Trường Điện – Điện tử; trên cơ sở xây dựng nền tảng từ ba khoa cũ là Khoa Điện, Khoa Điện tử và Khoa Công nghệ thông tin.

Trước đó, trong ba năm 2022, 2023 và 2024, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã lần lượt thành lập ba trường trực thuộc là: Trường Ngoại ngữ - Du lịch, Trường Cơ khí - Ôtô và Trường Kinh tế. Có thể nói, đây là tiền đề vững chắc để cơ sở đào tạo chuyển đổi mô hình quản trị từ "trường đại học" trở thành "đại học" đa ngành, đa lĩnh vực phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam và xu thế quốc tế..

Như vậy, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông cùng Trường Điện - Điện tử là trường thứ tư và thứ năm được mở ra, giúp nhà trường hoàn thành chiến lược, mục tiêu thành lập 5 trường thuộc Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Quân - Chủ tịch Hội đồng trường và Tiến sĩ Kiều Xuân Thực - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trao nghị quyết thành lập Trường Công nghệ Thông tin và truyền thông. Ảnh: HAUI.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Quân - Chủ tịch Hội đồng trường và Tiến sĩ Kiều Xuân Thực - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trao nghị quyết thành lập Trường Công nghệ Thông tin và truyền thông. Ảnh: HAUI.

Theo Tiến sĩ Kiều Xuân Thực - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, việc thành lập các trường trực thuộc nhằm thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực và hiệu quả.

Đồng thời, điều này cũng góp phần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, thúc đẩy quyền tự chủ của các đơn vị đào tạo thuộc trường trong công tác đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên.

Từ góc độ tổng thể, việc thành lập các trường trực thuộc không chỉ là sự cải tiến trong cơ cấu tổ chức, mà còn phản ánh một tầm nhìn dài hạn về giáo dục – nơi cơ sở giáo dục đại học và các đơn vị đào tạo trực thuộc trở thành những trung tâm học thuật xuất sắc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa của đất nước, tăng cường sự chủ động trong việc hợp tác quốc tế, tìm kiếm nguồn lực, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tiễn của xã hội.

Bên cạnh đó, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng công bố thành lập Phòng Tổ chức nhân sự và Phòng Hành chính tổng hợp trên cơ sở chia tách, sáp nhập các đơn vị nhằm phù hợp với chức năng nhiệm vụ và yêu cầu quản lý thời kỳ mới.

Đại diện Trường Điện - Điện tử nhận nghị quyết thành lập từ lãnh đạo Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: HaUI.
Đại diện Trường Điện - Điện tử nhận nghị quyết thành lập từ lãnh đạo Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: HaUI.

Đồng thời, ban lãnh đạo nhà trường cũng đã trao loạt quyết định bổ nhiệm viên chức quản lý. Cụ thể, bổ nhiệm ông Đặng Trọng Hợp giữ chức Hiệu trưởng Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông; bổ nhiệm ông Hoàng Mạnh Kha giữ chức Hiệu trưởng Trường Điện - Điện tử; bổ nhiệm ông Phan Đăng Hưng giữ chức Trưởng Phòng Tổ chức nhân sự; bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Thu Hương giữ chức Trưởng Phòng Hành chính tổng hợp;...

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội hiện đào tạo khoảng 35.000 sinh viên, trong nhóm dẫn đầu về quy mô đào tạo của cả nước. Năm 2025, trường dự kiến tuyển sinh chỉ tiêu với số lượng 7.990 sinh viên cho 62 ngành học và chương trình đào tạo.

Hiện, cả nước có 9 đại học, bao gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Duy Tân, và Đại học Kinh tế quốc dân. Ngoại trừ Đại học Duy Tân là cơ sở giáo dục tư thục, còn lại đều là cơ sở giáo dục đào tạo công lập.

Theo thông tin từ Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, nhà trường cho biết đang trong quá trình hoàn thiện các điều kiện cần thiết để chính thức được nâng cấp trở thành đại học trong năm nay. Đây là bước đi quan trọng trong chiến lược phát triển của nhà trường, nhằm mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo, cũng như khẳng định vị thế của mình trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Giảng viên và sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trên giảng đường. Ảnh: HaUI.
Giảng viên và sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trên giảng đường. Ảnh: HaUI.

Việc trở thành đại học sẽ cho phép Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức, quản lý các đơn vị trực thuộc với sự tự chủ cao hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng cho xã hội. Ngoài ra, điều này cũng mở ra cơ hội để nhà trường tăng cường hợp tác quốc tế, đầu tư vào nghiên cứu khoa học và thu hút đội ngũ giảng viên, chuyên gia hàng đầu.

Vì vậy, đây hứa hẹn là cột mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành và phát triển vượt bậc của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, cũng như đóng góp tích cực vào sự nghiệp giáo dục và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo Luật Giáo dục đại học năm 2018, "trường đại học" và "đại học" là hai khái niệm khác nhau. Trường đại học hay học viện là cơ sở đào tạo và nghiên cứu nhiều ngành. Còn đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, gồm các trường đại học và các khoa thành viên.

Để chuyển từ "trường đại học" thành "đại học", Nghị định 99 năm 2019 của Chính phủ quy định các trường cần đảm bảo ba điều kiện: được tổ chức kiểm định hợp pháp đánh giá đạt chuẩn chất lượng; có ít nhất 3 trường và 10 ngành đào tạo tiến sĩ, quy mô sinh viên chính quy trên 15.000; được cơ quan quản lý trực tiếp, các nhà đầu tư chấp thuận. Các trường trực thuộc đại học cũng phải đảm bảo có ít nhất 1.000 sinh viên, đào tạo ít nhất 5 ngành và có ít nhất 3 ngành đào tạo tiến sĩ.

Đây là những tiêu chí cụ thể để trường đại học chuyển đổi thành đại học, và trên thực tế, để đủ điều kiện chuyển đổi, các cơ sở thực chất đều phải khẳng định được năng lực đã có. Sự chuyển đổi từ "trường đại học" thành "đại học" không nằm ở việc Nhà nước ưu tiên hơn về nguồn lực hay chính sách, nhưng khi chuyển đổi, cách thức tổ chức, quản trị, năng lực tự chủ và vận hành nguồn lực là lợi thế giúp đại học tận dụng chất lượng hiệu quả và tiếp tục phát triển.

Lưu Diễm