An toàn thông tin có thể hiểu một cách đơn giản là đảm nhiệm vai trò bảo vệ hệ thống thông tin, dữ liệu tránh khỏi sự tấn công của các virus, mã độc, chống lại các hành động truy cập, sửa đổi, phát tán, phá hoại dữ liệu bất hợp pháp nhằm đảm bảo cho các hệ thống thông tin thực hiện đúng chức năng, phục vụ đúng đối tượng một cách chính xác và tin cậy.
Nắm bắt xu thế và cơ hội việc làm rộng mở, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (HaUI) bắt đầu tuyển sinh đại học chính quy ngành An toàn thông tin từ năm 2024.
Ngành An toàn thông tin đang “khát” nhân lực
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Thân Thanh Sơn - Trưởng phòng Đào tạo (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) đã có những chia sẻ về nhu cầu thực tiễn đối với ngành học này.
Theo Tiến sĩ Thân Thanh Sơn, khoa học công nghệ ngày càng phát triển, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghệ 4.0, hệ thống mạng Internet đã đóng góp lớn vào việc thu hẹp khoảng cách giữa các quốc gia, văn hóa và người dùng trên toàn thế giới. Người dùng có thể tiếp cận tới các nguồn thông tin khác nhau, từ đó hỗ trợ cho nhiều hoạt động như: Ký kết hợp tác, phát triển thương mại điện tử, học tập, vui chơi giải trí,…
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn đó, việc các thông tin dữ liệu bị đánh cắp, phá hủy bởi các cuộc tấn công mạng đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân người sử dụng. Các phương thức tấn công mạng ngày càng tinh vi, thay đổi nhanh chóng và quy mô mở rộng ra nhiều cấp, từ cấp quốc tế, quốc gia tới từng người dùng. Các cuộc tấn công mạng không chỉ đe dọa đến dữ liệu, thông tin cá nhân mà còn cao hơn nữa là chủ quyền lãnh thổ trên không gian mạng của một quốc gia.
Do đó, việc xây dựng nguồn nhân lực có kiến thức chuyên sâu về an toàn thông tin, đủ khả năng đối phó với các nguy cơ và rủi ro khi sử dụng hệ thống mạng và các dịch vụ là vấn đề cấp thiết hiện nay tại các cơ sở đào tạo.
Hiện nay, nhu cầu được bảo vệ an toàn trên không gian mạng tại Việt Nam là rất lớn: khoảng 100 triệu dân, hơn 3.000 hệ thống thông tin quan trọng của các cơ quan, hơn 1 triệu doanh nghiệp, 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, 26 triệu hộ gia đình, 14.000 cơ sở y tế và 44.000 trường học cùng nhiều cơ quan tổ chức khác.
Theo báo cáo của tổ chức ISC2, toàn cầu hiện thiếu khoảng 3 triệu chuyên gia an toàn thông tin, trong đó riêng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cần thêm 2 triệu chuyên gia mới đáp ứng đủ.
Tại Việt Nam, theo Cục An toàn thông tin - Bộ thông tin và truyền thông thống kê trong nước có khoảng 50.000 người làm việc trong lĩnh vực an toàn thông tin. Nguồn nhân lực an toàn thông tin đang thiếu và cần thêm vào những năm tới.
Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0 tính đến năm 2030 (QĐ 2289/TTg/31/12/2020 của Chính phủ) một trong các mục tiêu là chỉ số an toàn, an ninh mạng đưa Việt Nam vào nhóm 30 nước dẫn đầu trong Liên minh viễn thông quốc tế (ITU).
Chính vì vậy, nhu cầu sử dụng nhân lực ngành An toàn thông tin của các tổ chức, doanh nghiệp là rất lớn. Ngoài các doanh nghiệp chuyên sản xuất kinh doanh liên quan đến an toàn thông tin; các tổ chức, doanh nghiệp khác cũng có bộ phận an toàn thông tin cần nhân lực có kiến thức và kỹ năng an toàn thông tin.
Theo kết quả khảo sát, 97% doanh nghiệp có sử dụng nhân sự an toàn thông tin và 72% doanh nghiệp được khảo sát đang thiếu hụt hoặc chưa đáp ứng về nhân lực đảm nhiệm các vị trí liên quan đến an toàn thông tin. Về nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp khảo sát, các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động liên quan đến lĩnh vực An toàn thông tin lên tới 96% trong 5 đến 10 năm tới với nhiều vị trí việc làm như chuyên viên kiểm tra an ninh trên không gian mạng; chuyên viên viên phát triển phần mềm an toàn; chuyên viên quản trị an ninh mạng, cơ sở dữ liệu,...
Tiến sĩ Thân Thanh Sơn cũng chỉ ra một số thuận lợi, khó khăn trong thực tiễn: “Về thuận lợi, thực tế tại Việt Nam đã xây dựng hành lang pháp lý cần thiết trong lĩnh vực an toàn thông tin như Luật An ninh mạng 2019, Luật An toàn thông tin 2015, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2028, song song với việc thành lập các tổ chức quản lý nhà nước như Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Trung tâm Công nghệ thông tin và Giám sát an ninh mạng, Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng... Đồng thời, cũng đưa ra nhiều chính sách chiến lược tầm nhìn vĩ mô, mục tiêu cụ thể đến năm 2030 về đào tạo nguồn nhân lực cung cấp cho ngành an toàn thông tin.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong thực tiễn: Quy mô và số lượng các đợt tấn công mạng, nguy cơ mất an toàn thông tin mạng ngày càng cao với mức độ thiệt hại của các tổ chức, doanh nghiệp ngày càng lớn rất lớn đòi hỏi cấp thiết bổ sung nhân lực đảm bảo an toàn thông tin mạng trong thời gian ngắn.
Với số lượng các cơ sở đào tạo và đội ngũ nhân lực đào tạo ngành An toàn thông tin hiện tại còn hạn chế, việc đào tạo và cung cấp, bổ sung nhân lực ngành này trong một thời gian ngắn là không đơn giản”.
“Nắm bắt được chủ trương chiến lược của Chính phủ, ngay từ năm 2023 nhà trường đã tiến hành xây dựng kế hoạch và hoàn thiện chương trình đào tạo, chuẩn bị đầy đủ đội ngũ, trang thiết bị, cơ sở vật chất sẵn sàng cho việc tuyển sinh và đào tạo ngành An toàn thông tin bắt đầu từ năm 2024” - vị Trưởng phòng Đào tạo nhấn mạnh.
Trưởng phòng Đào tạo (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) cũng thông tin thêm: “Chiến lược phát triển Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đề ra mục tiêu thường xuyên nắm bắt xu thế phát triển của kinh tế - xã hội để xây dựng và vận hành các chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và hội nhập.
Trong những năm gần đây, nhà trường mở mới một số ngành có nhu cầu nhân lực cao, theo xu thế hiện đại, liên ngành, chuyển đổi số và phát triển bền vững, trong đó có ngành An toàn thông tin.
Chính vì vậy, nhà trường kỳ vọng công tác tuyển sinh năm 2024 và các năm tới sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công, đáp ứng yêu cầu đào tạo và phát triển kinh tế xã hội”.
Chương trình đào tạo được học hỏi từ các đối tác nước ngoài
Chia sẻ thêm về chương trình đào tạo đối với ngành An toàn thông tin, Tiến sĩ Đặng Trọng Hợp - Trưởng khoa Công nghệ thông tin (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) cũng thông tin thêm một số thế mạnh của nhà trường.
Theo Tiến sĩ Đặng Trọng Hợp, ngay từ khi xây dựng, chương trình đào tạo ngành An toàn thông tin đã được nhà trường định hướng theo chuẩn ABET và đào tạo theo mô hình liên kết với doanh nghiệp.
Do đó, khi xây dựng chương trình, nhà trường đã tổ chức khảo sát lấy ý kiến của các bên liên quan đặc biệt là của các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam về nhu cầu nguồn nhân lực bao gồm cả số lượng nhân lực thiếu hụt và chất lượng đầu ra cần có để đáp ứng được yêu cầu làm việc.
Ngoài ra, thông qua các hội thảo chuyên đề được tổ chức với sự góp mặt của các chuyên gia đến từ các cơ quan tổ chức, học viện Nhà trường đầu ngành về lĩnh vực An toàn thông tin như Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng, Học viện An ninh/Bộ Công an, Học viện Kỹ thuật mật mã, Viettel, CMC, VNPT,… lấy ý kiến để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp.
Các học phần chương trình đào tạo An toàn thông tin của nhà trường theo hướng ứng dụng với mục tiêu đào tạo cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có kiến thức và chuyên môn vững vàng, phát triển nguồn nhân lực có khả năng nghiên cứu và ứng dụng, chuyển giao công nghệ liên quan tới lĩnh vực An toàn thông tin đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
“Thêm vào đó, Khoa Công nghệ thông tin của nhà trường có đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn tốt, kỹ năng sư phạm và khả năng nghiên cứu, tự cập nhật các kiến thức mới.
Ngoài cơ sở vật chất và môi trường giáo dục hiện đại, thông minh như phòng học, thư viện, quần thể các công trình thể thao, văn hóa khép kín, đa chức năng, cùng các phòng lab dành cho sinh viên tại Khoa Công nghệ thông tin của trường thực sự đem đến môi trường học tập toàn diện (với 14 phòng thực hành mỗi phòng được trang bị 40 máy tính cấu hình cao và 3 phòng lab hiệu năng cao). Không chỉ được nhà trường quan tâm đầu tư, khoa còn được doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng các phòng lab chuyên nghiệp phục vụ cho thực hành và nghiên cứu về lĩnh vực An toàn thông tin.
Hiện nay, nhà trường cũng đang hợp tác với các công ty lớn chuyên về lĩnh vực An toàn thông tin tại Nhật Bản để xây dựng các phòng thực hành chuyên nghiệp. Ngoài ra, còn hợp tác thiết kế các chương trình đào tạo chuyên sâu cho sinh viên có định hướng cụ thể về An toàn thông tin với sự giúp đỡ của các chuyên gia về bảo mật xuất sắc từ Nhật Bản.
Bên cạnh đó, là một trong hai trường đại học tại Việt Nam tham gia vào dự án xây dựng chương trình đào tạo Thạc sĩ An toàn thông tin do Châu Âu tài trợ, đây là một dự án lớn sẽ góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các trường đại học cũng như các doanh nghiệp về lĩnh vực An toàn thông tin. Các kiến thức và kinh nghiệm học hỏi từ các đối tác nước ngoài được vận dụng vào xây dựng, vận hành chương trình đào tạo ngành An toàn thông tin vừa tiên tiến và phù hợp với thực tế” - Trưởng khoa Công nghệ thông tin (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) cho biết thêm.
Học An toàn thông tin tại HaUI, sinh viên được những gì?
Thời gian đào tạo ngành An toàn thông tin tại nhà trường là 4 năm. Thực hiện theo quy chế hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường tuyển sinh ngành An toàn thông tin với các học sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông khối A00, A01.
Vị Trưởng khoa cũng thông tin thêm về những kiến thức, kỹ năng mà sinh viên sẽ được trang bị khi theo học ngành An toàn thông tin tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: “Sinh viên sẽ được trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản về công nghệ thông tin như phân tích, thiết kế phần mềm, nguyên lý hệ điều hành, mạng máy tính, một số ngôn ngữ lập trình cần thiết. Đồng thời, sinh viên cũng được trang bị các kiến thức về chính sách, pháp luật của nhà nước về lĩnh vực An toàn thông tin.
Sau đó, sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức về an toàn bảo mật thông tin như phân tích lỗ hỏng và rủi ro, các vấn đề về an toàn mạng, quản trị mạng, đánh giá kiểm định an toàn thông tin cho đến các kiến thức về mã độc, kiểm thử xâm nhập, giám sát ứng phó sự cố cũng như lập trình an toàn và các kiến thức chuyên sâu khác về lĩnh vực An toàn thông tin.
Bên cạnh học lý thuyết, sinh viên sẽ được thực hành tại phòng lab dành riêng cho lĩnh vực An toàn thông tin, như thực hành phân tích mã độc, thực hành phòng thủ, tấn công mạng thông qua các bài lab CTF”.
Theo Tiến sĩ Đặng Trọng Hợp, cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành An toàn thông tin rất rộng mở, không chỉ giới hạn lĩnh vực công nghệ thông tin và an toàn thông tin, mà còn mở rộng tới các ngành khác như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, y tế và nhiều lĩnh vực khác từ các công ty, doanh nghiệp tư nhân cho tới các cơ quan Bộ, Ngành, Chính phủ.
“Theo khảo sát, mức lương trung bình cho sinh viên mới tốt nghiệp ngành An toàn thông tin trung bình 8-15 triệu đồng/người/tháng, và với nhân sự có kinh nghiệm 1-3 năm thì mức lương trung bình khoảng 15-40 triệu đồng/người/tháng.
Với kỹ năng và kiến thức được trang bị, sau khi tốt nghiệp sinh viên mới ra trường có thể đảm nhiệm một số vị trí như sau: Chuyên viên quản trị an ninh mạng, cơ sở dữ liệu; Chuyên viên phân tích, tư vấn, thiết kế hệ thống thông tin đảm bảo an toàn; Chuyên viên kiểm tra, đánh giá An toàn thông tin cho mạng và hệ thống; Chuyên gia rà soát lỗ hổng, điểm yếu và xử lý sự cố an toàn thông tin; Chuyên gia lập trình và phát triển ứng dụng đảm bảo an toàn thông tin; Chuyên viên bảo mật hệ thống tại các ngân hàng, trung tâm dữ liệu, nhà cung cấp dịch vụ Internet; Chuyên viên phân tích, đánh giá và phòng chống mã độc; Chuyên viên phát triển phần mềm an toàn; Chuyên viên kiểm tra an ninh trên không gian mạng; Giảng viên, nghiên cứu viên tại các viện, trung tâm nghiên cứu và các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp…” - vị Trưởng khoa cho hay.
Bên cạnh đó, hoạt động hợp tác doanh nghiệp cũng luôn được nhà trường quan tâm và đẩy mạnh nhằm giúp sinh viên có thể kết nối được với doanh nghiệp ngay từ những năm thứ nhất. Điều này giúp sinh viên có động lực hơn trong học tập, các em cũng thấy được nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp về lĩnh vực An toàn thông tin.
Đặc biệt, với mô hình đào tạo liên kết doanh nghiệp tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội là mô hình đại học theo hướng ứng dụng công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thực tế của các tổ chức, doanh nghiệp, giúp thúc đẩy sự gắn kết giữa đào tạo và thị trường lao động ngành An toàn thông tin đang rất thiếu nhân lực.
“Đây là cơ hội cho sinh viên có thể tham gia vào các hoạt động tham quan, thực tập doanh nghiệp từ sớm, kịp thời củng cố, bổ sung, nâng cao kiến thức chuyên ngành, đáp ứng nhu cầu cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cần có tại các doanh nghiệp.
Ngoài ra, với mô hình liên kết này, doanh nghiệp có thể hỗ trợ về cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo và các suất học bổng tài trợ để phát triển tài năng của sinh viên ngành An toàn thông tin là cực kỳ cần thiết” - Tiến sĩ Đặng Trọng Hợp nhấn mạnh.