Hai năm qua dưới sự tác động của đại dịch Covid-19 là hai năm đầy thách thức với ngành du lịch, khách sạn. Tuy nhiên, các chuyên gia đều nhận định, sau đại dịch này, du lịch sẽ là một trong những ngành tăng tốc trở lại nhanh nhất, nhân lực lao động ngành du lịch - khách sạn càng khan hiếm so với trước đây.
Tiến sĩ Trần Diễm Hằng cùng đoàn sinh viên Khoa Du lịch đến thực tập tại Serena Resort Hoà Bình. |
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Diễm Hằng - Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Hòa Bình cho biết, dưới tác động của đại dịch Covid-19, phần lớn nhân sự ngành du lịch phải nghỉ việc tạm thời, mất việc hoặc chuyển việc. Chính vì vậy, hiện tại, nhân lực ngành du lịch đang thiếu và yếu đi nhiều.
Du lịch là ngành đặc thù, có sự thích ứng và ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ. Trong thời gian tới, nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn của người dân không hề mất đi mà còn tăng lên nhiều phần sau 2 năm bị hạn chế đi lại. Đây cũng chính là thời điểm ngành du lịch có sức bật mạnh mẽ, thị trường lao động càng “khát” nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tại Việt Nam, ngành du lịch, dịch vụ có vai trò vô cùng quan trọng, đóng góp nhiều vào sự tăng trưởng của nền kinh tế. Nước ta có tiềm năng du lịch biển, du lịch truyền thống, du lịch nghỉ dưỡng,.... cùng với xu hướng dịch chuyển dần về các ngành dịch vụ đang diễn ra mạnh mẽ, đó cũng là lý do mà ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành luôn nằm trong tốp ngành học “hot” nhất hiện nay, được xếp vị trí hàng đầu trong nhóm ngành dịch vụ.
Sinh viên ngành Du lịch của Trường Đại học Hòa Bình được tạo cơ hội để kiến tập tại doanh nghiệp từ năm thứ nhất. |
Dự báo nhân lực trong những năm tới, ngành du lịch trong nước cần một lượng lớn lao động có kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp vững vàng. Đây cũng chính là nhiệm vụ quan trọng của các trường đại học, cao đẳng, phải đổi mới trong đào tạo, đầu tư nguồn nhân lực và cơ sở vật chất cho nhóm ngành Quản trị dịch vụ du lịch.
Đào tạo ngành du lịch gắn với doanh nghiệp
Tiến sĩ Trần Diễm Hằng cho biết, đổi mới phương thức đào tạo theo hướng gắn với doanh nghiệp là điều cần thiết trong giáo dục đại học ở tất cả các ngành, trong đó có ngành du lịch.
Bởi lẽ, nếu sinh viên không có cơ hội học tập, rèn luyện trong môi trường doanh nghiệp thì khi ra trường, các em sẽ khó đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Đội ngũ nhân lực chất lượng cao không chỉ thể hiện ở tấm bằng đại học, quan trọng là kỹ năng nghề, kỹ năng xử lý vấn đề, kỹ năng ứng xử, giao tiếp của các em.
Để sinh viên được đào tạo, rèn luyện, thực hành kỹ năng nghề và đáp ứng được yêu cầu ngày cao của thị trường lao động, những năm qua, Trường Đại học Hòa Bình đã tăng cường và chú trọng mô hình đào tạo gắn với doanh nghiệp.
Khoa Du lịch - Trường Đại học Hòa Bình đang hợp tác đào tạo với hơn 30 doanh nghiệp trên cả nước. |
“Nhà trường ký hợp đồng đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, hợp đồng xác lập đối tác chiến lược với các doanh nghiệp. Giảng viên doanh nghiệp sẽ tham gia tư vấn và xây dựng chương trình giáo dục. Đồng thời, giảng viên doanh nghiệp cũng tham gia vào quá trình giảng dạy theo định hướng thực hành, thực nghiệp.
Việc ký kết hợp tác với các doanh nghiệp cũng giúp sinh viên khoa du lịch có cơ sở để thực hành, thực tập, đặc biệt là giải quyết bài toán đầu ra cho sinh viên. Khi được đào tạo đầy đủ về kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề trong nhà trường và trong môi trường doanh nghiệp, sau tốt nghiệp, các em đáp ứng được yêu cầu của nghề và sẽ được chính các doanh nghiệp đó tuyển dụng.
Hiện tại, Khoa Du lịch đang hợp tác đào tạo với hơn 30 doanh nghiệp trên cả nước. Doanh nghiệp cam kết nhận sinh viên tốt nghiệp, đảm bảo đầu ra cho sinh viên.
Đối tác trong ngành khách sạn có thể kể đến Tập đoàn khách sạn Mường Thanh, Khách sạn Hilton Hà Nội Opera, Khách sạn Sofitel Metropole Hà Nội, Khách sạn Melia, Khách sạn Venus Tam Đảo, Serena Resort Hoà Bình….
Đối tác lữ hành như HVN travel, Group travel, Tây Đô travel, Vietpro tour, Viet global tour, Viettourist…”, Tiến sĩ Hằng cho biết.
Hoạt động đào tạo gắn với doanh nghiệp của Trường Đại học Hòa Bình vừa đẩy mạnh về quy mô, vừa được chú trọng về chất lượng. Khoa Du lịch sẽ bố trí việc làm thêm cho sinh viên theo đúng chuyên ngành.
Với mô hình hợp tác trong đào tạo, doanh nghiệp cam kết nhận sinh viên tốt nghiệp, đảm bảo đầu ra cho sinh viên. |
Sinh viên từ năm nhất đã được tạo cơ hội để kiến tập tại doanh nghiệp, các em tham gia vào những thị trường lao động giản đơn, làm quen với môi trường lao động để có nhận thức đầy đủ về ngành nghề.
Sống trong môi trường lao động chuyên nghiệp, sinh viên sớm được học hỏi cách giao tiếp, kỹ năng xử lý vấn đề trong công việc, tìm hiểu quá trình vận hành của hệ thống dịch vụ cũng như rèn luyện tinh thần, kỷ luật lao động.
Sinh viên năm hai sẽ bắt đầu thực hành các kỹ năng nghề lữ hành, khách sạn tại các doanh nghiệp. Đây là khoảng thời gian các em bắt đầu được trải nghiệm nhiều hơn với nghề, rèn luyện những kỹ năng nghề cần thiết để chuẩn bị cho công việc tương lai.
Năm thứ ba, sinh viên sẽ thực tập nghề chuyên sâu. Hoạt động thực tập được đẩy mạnh và thực hiện xuyên suốt trong cả hai học kỳ. Với kiến thức chuyên ngành vững vàng, các em sẽ được rèn luyện và hoàn thiện bản thân, hướng tới mục tiêu trở thành đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp đáp ứng các vị trí việc làm trong doanh nghiệp.
Năm cuối, sinh viên tham gia thực tập tốt nghiệp. Sau ba năm được đào tạo bài bản theo từng lộ trình về ngành nghề, các em tiếp tục hoàn thiện và phát triển kỹ năng nghề cũng như các kỹ năng khác trong công việc để chuẩn bị chính thức bước vào thị trường lao động, xứng đáng là đội ngũ nhân lực du lịch chất lượng cao.
“Trong hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã tác động và có những ảnh hưởng đáng kể đối với ngành giáo dục cũng như các lĩnh vực trong xã hội.
Song, với tinh thần “dừng đến trường nhưng không dừng việc học”, Trường Đại học Hòa Bình đã nỗ lực đổi mới phương thức, phương pháp đào tạo để đảm bảo nhu cầu học tập của sinh viên.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhà trường chuyển hướng đào tạo trực tuyến, xây dựng các video hướng dẫn, tổ chức thực tập online. Khoa Du lịch cũng kết hợp với các công ty lữ hành, khách sạn làm sales online, điều hành online để sinh viên có cơ hội học tập và rèn luyện kỹ năng nghề trong bối cảnh dịch bệnh.
Bước vào trạng thái bình thường mới, thời gian tới, khi dịch bệnh được kiểm soát, sinh viên trở lại trường học, nhà trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đào tạo trực tiếp, thực hành trực tiếp tại doanh nghiệp”, cô Hằng khẳng định.
Cũng theo Tiến sĩ Trần Diễm Hằng, trong bối cảnh thị trường lao động còn khan hiếm nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao. Việc trường đại học đổi mới đào tạo, kết hợp với doanh nghiệp và cung ứng đội ngũ lao động chuyên nghiệp chính là cách chúng ta giải quyết bài toán việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.
Với mô hình đào tạo gắn với doanh nghiệp, đào tạo theo hướng thực hành, thực nghiệp, sinh viên ngành du lịch được trau dồi những kỹ năng quan trọng trong nghề. |
Sinh viên Khoa Du lịch của Trường Đại học Hòa Bình được trang bị nguồn kiến thức phong phú về lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác, tương lai sẽ trở thành những hướng dẫn viên du lịch thực thụ, là “đại sứ” quảng bá, đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với du khách.
Các em được đào tạo những kỹ năng cần thiết để thiết kế những tour du lịch tỉ mỉ, tạo hứng thú, đam mê khám phá. Công tác đào tạo của Khoa Du lịch cũng hướng đến phát triển kỹ năng để sinh viên trở nên năng động, tự tin, xử lý tình huống nhanh nhạy, không ngừng học hỏi; có khả năng giao tiếp chuyên nghiệp và sử dụng thành thạo ngoại ngữ.
Với định hướng đó, nhà trường tăng cường đào tạo kỹ năng ngoại ngữ, tin học cho sinh viên. Ngoài ngoại ngữ chính là tiếng Anh, sinh viên được học ngoại ngữ 2 là tiếng Trung. Đó cũng chính là lợi thế của sinh viên Khoa Du lịch Trường Đại học Hòa Bình khi gia nhập vào thị trường lao động.