Trường ĐH tăng kiến thức cơ sở ngành, thay Toán cao cấp bằng Toán kinh tế

16/05/2024 13:13
Lưu Diễm
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Trường ĐH Tài chính-Marketing định hướng tăng cường khối lượng kiến thức cơ sở ngành cho người học để sinh viên tiếp cận nhiều vị trí việc làm khác nhau.

Hiện nay, nhiều trường đại học thực hiện điều chỉnh, đổi mới chương trình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đầu ra, để sinh viên tốt nghiệp ra trường ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của những vị trí việc làm khác nhau.

Trường Đại học Tài chính - Marketing cũng đang có những điều chỉnh về chương trình đào tạo, thể hiện ở một số nội dung như thay đổi học phần, thay đổi khối lượng kiến thức giữa khối đại cương, cơ sở ngành, ngành và chuyên ngành.

Những thay đổi này có nhiều sự tương đồng với một số trường đại học top đầu trong khu vực và trên thế giới hiện đang liên kết quốc tế cùng nhà trường.

Giảm đào tạo Toán cao cấp, thay bằng học phần Toán kinh tế

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Hằng Nga - Trưởng phòng Quản lý khoa học, Trường Đại học Tài chính - Marketing cho biết: Hiện nay, nhà trường đang rà soát chương trình đào tạo bậc đại học để có những điều chỉnh cần thiết về cơ cấu các thành phần trong tổng khối kiến thức cụ thể của toàn chương trình đào tạo.

Cụ thể, chương trình đào tạo bậc đại học của trường dự kiến tăng 2 tín chỉ so với hiện hành, lên 122 tín chỉ. Trong đó, khối lượng kiến thức đại cương chiếm tỉ trọng 21% (giảm từ 28% xuống còn 21%).

Trường Đại học Tài chính - Marketing cắt bỏ các học phần tiếng Anh tổng quát và chỉ đào tạo tiếng Anh chuyên ngành. Đồng thời, trường cũng không đào tạo học phần Toán cao cấp mà thay vào đó là đào tạo Toán kinh tế.

Hướng đổi mới chương trình của trường cũng bỏ học phần Tin học ứng dụng (như làm việc trên nền tảng ứng dụng Word, Excel,...), bởi lẽ, đây là những nội dung kiến thức các em sinh viên đã được giảng dạy và tiếp thu ở bậc phổ thông.

975dbaed-eb08-454e-a267-07ff099d2e3b.jpeg
Trường Đại học Tài chính - Marketing tổ chức hội thảo lắng nghe ý kiến nhà tuyển dụng trước khi sửa chương trình đào tạo. Ảnh: NTCC.

Ngược lại, nhà trường dự kiến tăng khối lượng kiến thức cơ sở ngành từ tỉ trọng 18% lên 32%, tức là tăng thêm 18 tín chỉ so với chương trình hiện hành (từ 24 lên 39 tín chỉ). Mục tiêu của cơ sở đào tạo là định hướng tăng cường khối lượng kiến thức nền tảng liên ngành cho người học theo chủ trương để sinh viên có thể tiếp cận nhiều vị trí việc làm khác nhau.

Hơn nữa, Trường Đại học Tài chính - Marketing xây dựng khối lượng kiến thức ngành chiếm tỉ trọng 25% và khối lượng kiến thức chuyên ngành là 12% (giảm từ 20% xuống còn 12%).

Lý giải về vấn đề này, Phó Giáo sư Phan Thị Hằng Nga cho hay, Trường Đại học Tài chính - Marketing định hướng xây dựng một chương trình đào tạo đổi mới, đạt được các mục tiêu như sau:

Thứ nhất, chương trình đào tạo phải tiếp cận với chất lượng tiêu chuẩn của giáo dục quốc tế, nhằm đảm bảo cho người học có nhiều lựa chọn trong thị trường lao động trong nước và quốc tế sau khi tốt nghiệp ra trường. Để đạt được điều đó, người học phải nắm bắt kỹ lưỡng được khối kiến thức cơ sở ngành để khi bước vào thị trường lao động, có thể thích ứng, bắt nhịp và “đa nhiệm” được ở nhiều vị trí công việc khác nhau.

Thứ hai, chương trình đào tạo của nhà trường được thiết kế đảm bảo liên thông ngang, liên thông dọc giữa các chương trình của những cơ sở giáo dục đại học trong nước và quốc tế.

Điều này nhằm giúp các em sinh viên của trường cũng có cơ hội chọn học một số học phần của trường đại học khác trong nước và trên thế giới hiện đang liên kết với Trường Đại học Tài chính - Marketing. Đó là chương trình đào tạo của những trường đại học danh tiếng trên thế giới có thể kể đến như: Đại học HELP (Malaysia), Đại học Concord (Hoa Kỳ),...

Thứ ba, việc chương trình đào tạo được đảm bảo liên tục cập nhật và đổi mới hiện đại góp phần giúp người học đáp ứng được yêu cầu đặt ra của vị trí việc làm trong thời đại kỷ nguyên số, phù hợp với nhu cầu của xã hội.

1cbeef6c-6b0f-4031-a255-a0a1a86cd95b.jpeg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tiến Đạt - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing chủ trì buổi hội thảo lắng nghe ý kiến nhà tuyển dụng trước khi sửa chương trình đào tạo. Ảnh: NTCC.

Với sự phát triển không ngừng của công nghệ, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tuyển dụng cũng yêu cầu người lao động phải có sự thay đổi không chỉ về kiến thức chuyên môn, mà còn cần làm chủ công nghệ để giải quyết công việc một cách nhanh chóng và hiệu quả tối ưu nhất.

Trước khi đưa ra dự kiến này, nhà trường đã tham khảo chương trình đào tạo của các trường trong và ngoài nước. Với việc điều chỉnh này, khối kiến thức chuyên ngành của Trường Đại học Tài chính - Marketing chiếm 12% tổng chương trình đào tạo. So sánh với khối kiến thức chuyên ngành tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân hiện nay chiếm khoảng 14%, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 10%.

Một số trường đại học nước ngoài có phần kiến thức chuyên ngành cũng chiếm khoảng 14-16% tổng thời lượng chương trình đào tạo. Do đó, sự thay đổi của nhà trường là sự thay đổi phù hợp và tất yếu theo dòng phát triển chung của nhiều trường trong nước và quốc tế hiện nay.

“Để đạt được mục tiêu này thì người học phải trang bị đầy đủ kiến thức nền tảng mang tính liên ngành, giúp phát huy tư duy nghiên cứu và khả năng thích ứng khi môi trường thay đổi, quy định thay đổi, điều luật thay đổi, công nghệ thay đổi, và thậm chí là nhiều ngành nghề cũng có sự thay đổi.

Nếu những vị trí công việc đó có thể mất đi, thì người học vẫn tự tin để chuyển sang một công việc khác”, Trường phòng Quản lý khoa học, Trường Đại học Tài chính - Marketing nhấn mạnh.

SAN00012.jpg
Trường Đại học Tài chính - Marketing dự kiến bỏ các học phần tiếng Anh tổng quát, Toán cao cấp và Tin học ứng dụng. Ảnh: NTCC.

Các nhà tuyển dụng đề xuất, góp ý gì cho chương trình đào tạo?

Phó Giáo sư Phan Thị Hằng Nga chia sẻ: Hiện nay, Trường Đại học Tài chính - Marketing có thỏa thuận hợp tác toàn diện (MOU) với 140 doanh nghiệp.

Cụ thể, nhà trường hợp tác với các doanh nghiệp thể hiện qua nhiều hoạt động liên kết như: tổ chức các chương trình tham quan thực tế, các văn phòng làm việc; tiếp nhận người học thực hiện các học phần Thực hành nghề nghiệp và Thực tập tốt nghiệp; tổ chức các buổi phỏng vấn, tuyển dụng và “đặt hàng” sinh viên; tổ chức các chương trình hỗ trợ, trao học bổng khuyến học cho sinh viên có thành tích học tập tốt, có điều kiện khó khăn; tham gia báo cáo chuyên đề, xây dựng chương trình đào tạo; giới thiệu việc làm, tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề để định hướng nghề nghiệp và chia sẻ kinh nghiệm xử lý các tình huống nghiệp vụ; giới thiệu báo cáo viên, giảng viên có chất lượng, uy tín nhằm hỗ trợ công tác đào tạo nguồn nhân lực; phối hợp xây dựng kế hoạch đào tạo các lớp ngắn hạn theo nhu cầu của các bên;...

3df8d4bd-5fbf-4756-9152-620e0df87d28.jpeg
Hội thảo diễn ra tại Trường Đại học Tài chính - Marketing có sự tham gia của 60 doanh nghiệp góp ý kiến. Ảnh: NTCC.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng tham gia vào hoạt động góp ý xây dựng chương trình đào tạo của nhà trường theo hướng ứng dụng đối với các ngành và chuyên ngành phù hợp với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Qua đó, các tổ chức doanh nghiệp sắp xếp tham gia, hỗ trợ các hoạt động khoa học của nhà trường như: đánh giá nghiệm thu đề tài, đề án nghiên cứu khoa học, báo cáo chuyên đề, thực hành nghề nghiệp cho sinh viên, học viên,…

Đồng thời, các bên tuyển dụng tạo điều kiện ưu tiên tuyển dụng sinh viên của một số ngành và chuyên ngành phù hợp để thực tập hoặc làm việc bán thời gian, toàn thời gian tại doanh nghiệp.

Tại hội thảo lấy ý kiến các bên liên quan về mục tiêu, chuẩn đầu ra và nội dung đào tạo trình độ đại học vừa qua ở Trường Đại học Tài chính - Marketing vừa qua, tổng số lượng doanh nghiệp tham gia góp ý kiến là 60 doanh nghiệp.

Theo Phó Giáo sư Phan Thị Hằng Nga, các nhà tuyển dụng cho rằng chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo ở nhà trường đã đáp ứng được vị trí việc làm của các doanh nghiệp. Đặc biệt, nhà tuyển dụng đánh giá cao sự thay đổi về cơ cấu và các học phần mới được đưa vào trong chương trình đào tạo.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng kiến nghị trong công tác triển khai đào tạo phải tạo tính chủ động cho các em sinh viên, để người học tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp từ năm 3 giúp tiếp cận sớm với thực tiễn, có thể bắt nhịp “thực chiến” ngay với công việc.

SAN00005.jpg
Các doanh nghiệp kiến nghị trong công tác triển khai đào tạo phải tạo tính chủ động cho các em sinh viên, để có thể bắt nhịp “thực chiến” ngay với công việc. Ảnh: NTCC.

Mặt khác, nhà trường cũng cần bổ sung đào tạo thêm các kỹ năng cần thiết cho người học như: kỹ năng đọc văn pháp pháp luật, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng nắm bắt cơ hội nghề nghiệp, khả năng phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp, thuyết trình, tổ chức công việc, năng lực ngoại ngữ, tự tin khi tiếp xúc với khách hàng, đặc biệt người nước ngoài,…

Trường phòng Quản lý khoa học cũng chia sẻ, để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Trường Đại học Tài chính - Marketing sẽ triển khai thực hiện theo chương trình đào tạo ban hành, đồng thời liên kết với các tổ chức, hiệp hội nghề nghiệp nhằm tăng cường kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp như: Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA); Tổ chức CFA Hoa Kỳ (Chartered Financial Analyst);...

Như vậy, chương trình đào tạo cung cấp kiến thức nền tảng theo hướng liên ngành để người học có kiến thức, có tư duy, đáp ứng nhu cầu xã hội. Đồng thời, trường kết hợp với các tổ chức, hiệp hội nghề nghiệp để tăng cường kỹ năng rèn luyện, thích ứng nghề nghiệp trong thị trường lao động. Điều này sẽ giúp sinh viên tốt nghiệp đáp ứng tốt vị trí việc làm của các nhà tuyển dụng.

Lưu Diễm