Trường học băn khoăn về kinh phí chi trả cho giáo viên tham gia vào kỳ thi thử

17/04/2025 06:40
ĐÀO HIỀN
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Hiện tại công tác này vẫn chủ yếu gắn vào trách nhiệm chuyên môn của giáo viên, do đó trường học không có kinh phí chi trả cố định.

Trong năm học 2024–2025, việc tổ chức thi thử cho học sinh lớp 12 đang được nhiều trường trung học phổ thông triển khai như một giải pháp quan trọng nhằm giúp học sinh làm quen với định dạng đề thi, rèn luyện tâm lý và đánh giá năng lực học sinh trước kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Tuy nhiên, thực tế triển khai tại các trường cho thấy công tác này vẫn đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về kinh phí, nhân lực và cơ chế hỗ trợ giáo viên.

Thi thử là cần thiết cho cả giáo viên và học sinh

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Xuân Hương - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Đắk Lắk) nhận định: Việc tổ chức thi thử thường xuyên là rất cần thiết và có lợi cho học sinh và cho cả giáo viên.

Thứ nhất, lãnh đạo các nhà trường sẽ có cơ hội thực hành công tác tổ chức thi theo đúng quy trình chuẩn, qua đó rút kinh nghiệm cho kỳ thi chính thức.

Thứ hai, giáo viên sẽ được tập huấn, nâng cao kỹ năng coi thi và xử lý tình huống trong phòng thi. Và quan trọng nhất, học sinh sẽ có cơ hội cọ xát với đề thi thực tế, giúp các em vững tâm lý hơn, nhất là những học sinh ở vùng khó khăn, điều kiện học tập còn hạn chế.

Năm học 2024 - 2025, nhà trường dự kiến tổ chức 3 đợt thi thử, tính đến thời điểm hiện tại đã thực hiện được 1 đợt và gặp một số vấn đề trong quá trình triển khai.

gdvn_Đào hiền.JPG
Thi thử là hoạt động có ý nghĩa với cả giáo viên và học sinh. Ảnh minh họa: Đào Hiền

Theo chia sẻ của cô Hương, vấn đề kinh phí tổ chức các kỳ thi chính là một áp lực nếu nhà trường thực hiện triển khai nhiều lần. Bởi, cho đến hiện tại vẫn chưa có chế độ hỗ trợ cho giáo viên tham gia coi thi, chấm thi, ra đề. Do đó, nếu thực hiện đúng như mong muốn của nhà trường tổ chức nhiều đợt thi thử cho học sinh thì đơn vị sẽ bị quá tải về kinh phí.

Trước thực tế đó, cô Hương đề xuất Sở Giáo dục và Đào tạo nên đứng ra tổ chức một kỳ thi thử chung toàn tỉnh – nghiêm túc như kỳ thi thật và tổ chức ít nhất một lần mỗi năm.

Mặt khác, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có hướng dẫn cụ thể về cơ chế tài chính cho công tác thi thử để các trường không phải lúng túng trong việc triển khai, hỗ trợ cho giáo viên. “Nếu có văn bản hướng dẫn cụ thể, các trường sẽ mạnh dạn hơn trong việc bố trí nguồn lực và tổ chức bài bản các đợt thi thử”, cô Hương bày tỏ.

Bên cạnh đó, trong quá trình thử nghiệm sử dụng phần mềm quản lý thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, điền thông tin trên mẫu phiếu đăng ký thi, cách nhập dữ liệu lên hệ thống, nhà trường vẫn còn gặp nhiều trở ngại do điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu.

“Chúng tôi mới thử nghiệm được hai buổi với hai lớp học, chủ yếu để giáo viên và học sinh làm quen. Nhưng đến nay đa số học sinh vẫn bỡ ngỡ, chưa thành thạo thao tác với phần mềm. Chưa kể hiện nay hệ thống máy vi tính của trường chưa có đủ số lượng, một số máy đã cũ thường xuyên gặp trục trặc trong quá trình giảng dạy. Nếu áp dụng đại trà mà xảy ra sự cố, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kỳ thi” cô Hương chia sẻ.

Ngoài ra, khó khăn lớn hiện nay của Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn còn đến từ việc thiếu phòng học phục vụ tổ chức thi. Theo đó, số lớp học hiện có của trường không đủ so với tổng số học sinh khối 12, dẫn đến tình trạng phải chia cùng một môn thi thành nhiều ca, thi làm hai buổi. Điều này khiến công tác tổ chức trở nên cồng kềnh và áp lực cho giáo viên, nhất là những người tham gia coi thi cả ngày.

Để nâng cao hiệu quả ôn luyện, nhà trường cũng đang chủ động xây dựng ngân hàng đề thi theo cấu trúc mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hiệu trưởng nhà trường cho biết đã chỉ đạo giáo viên xây dựng bộ đề theo ma trận, sau đó chọn lọc từ ngân hàng đề đó để tổ chức thi thử. Tuy nhiên, cũng cần có thêm định hướng từ Sở và Bộ về cấu trúc, mức độ phân hóa để đề thi thử thực sự là công cụ hiệu quả giúp học sinh bám sát kỳ thi chính thức.

cô Hương.jpg
Cô Nguyễn Thị Xuân Hương - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Đắk Lắk). Ảnh: website nhà trường

Đồng tình với quan điểm trên, thầy Nguyễn Thành Long - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Hà Nội cũng cho rằng khó khăn lớn nhất hiện nay không nằm ở khả năng ra đề của giáo viên mà chính là ở dạng thức đề.

Theo đó, mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố đề minh họa cho kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông song nhiều giáo viên vẫn bày tỏ sự lo lắng về tính nhất quán giữa đề minh họa và đề thi chính thức.

Bởi, trên thực tế từng có năm đề thi chính thức có mức độ phân hóa cao hơn hẳn so với đề minh họa, khiến học sinh và giáo viên đều bất ngờ. Trong khi đó việc ôn tập hiện nay ở các trường chủ yếu bám theo cấu trúc đề minh họa để xây dựng ngân hàng đề, tổ chức thi thử và lên kế hoạch ôn luyện theo từng nhóm đối tượng học sinh.

Tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Hà Nội cũng thường xuyên tổ chức các đợt thi khảo sát để đánh giá năng lực, kết quả học tập của học sinh. Mới đây, học sinh lớp 12 của trường cũng tham gia vào kỳ thi thử chung do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức.

Theo đánh giá của thầy Long, các kỳ thi thử không chỉ đơn thuần là cơ hội để học sinh làm quen cấu trúc đề thi mà còn là dịp để nhà trường đánh giá hiệu quả công tác tổ chức dạy và học. Từ kết quả thi, nhà trường có cái nhìn toàn diện hơn về chất lượng giảng dạy, hiệu quả ôn luyện theo từng giai đoạn. Đây cũng là căn cứ để rà soát lại kế hoạch, phương pháp giảng dạy cũng như phát hiện những bất cập để kịp thời điều chỉnh.

Về phía giáo viên, kết quả từ các đợt thi khảo sát chính là dữ liệu quan trọng để thầy cô xây dựng kế hoạch ôn tập, bồi dưỡng phù hợp với từng nhóm học sinh. Qua bài làm của học sinh, giáo viên sẽ nắm rõ hơn điểm mạnh, điểm yếu của từng em, từ đó có thể phân nhóm, hỗ trợ cụ thể và không dạy đại trà.

Đặc biệt với các học sinh trung bình, yếu, nếu không có các đợt thi này sẽ rất khó để phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp hiệu quả.

“Theo kế hoạch, đến tháng 5 tới đây, nhà trường sẽ tiếp tục tổ chức thêm một đợt thi thử cuối cùng trước kỳ thi chính thức. Trong bối cảnh nhiều nơi còn gặp khó khăn về điều kiện tổ chức thì trường lại có thuận lợi nhất định khi được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội quan tâm, đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất. Do đó, chúng tôi tự tin sẽ tổ chức kỳ thi thử một cách thuận lợi, nghiêm túc”, thầy Long cho biết thêm.

thầy Long.jpg
Thầy Nguyễn Thành Long - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Hà Nội. Ảnh: Sở GD&ĐT Hà Nội

Nhà trường và học sinh rút kinh nghiệm qua các kỳ thi thử

Có thể thấy, kỳ thi thử không chỉ là hoạt động luyện tập đơn thuần mà còn là "bài tổng duyệt" quan trọng trước kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Để hoạt động này phát huy tối đa hiệu quả, nhiều trường đã có kế hoạch ngay từ đầu năm học cũng như có công tác ôn tập, bồi dưỡng cho học sinh sau từng kỳ thi đánh giá.

Theo chia sẻ của thầy Hoàng Hải Nam - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Lương Văn Tụy (Ninh Bình), năm 2025 nhà trường đã thực hiện khảo sát theo dạng thi tốt nghiệp Trung học phổ thông được 2 lần và đang chuẩn bị cho lần thứ 3.

“Sau mỗi đợt khảo sát, giáo viên và học sinh đều có điều kiện đánh giá lại năng lực, xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu để điều chỉnh kế hoạch ôn tập. Bên cạnh chương trình chính khóa, học sinh cũng chủ động tăng cường hoạt động tự học hơn”, thầy Nam cho hay.

Về tổ chức thi thử, Hiệu trưởng Trường Trường Trung học phổ thông chuyên Lương Văn Tụy (Ninh Bình) cho biết không gặp nhiều khó khăn do đã quen với quy trình thi cử theo khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời, với lợi thế đội ngũ giáo viên đông, có kinh nghiệm tổ chức thi nhiều năm nên mọi khâu được triển khai thuận lợi và nghiêm túc.

Trước thực trạng đề thi môn Toán có điều chỉnh về cấu trúc nên nhiều học sinh hiện vẫn chưa đáp ứng tốt, nhà trường đã triển khai kế hoạch ôn tập sát với Thông tư 29 và Quy chế thi tốt nghiệp Trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, nhằm hỗ trợ học sinh củng cố kiến thức và thích nghi với dạng đề mới.

Ngay sau các đợt khảo sát, nhà trường đã tiến hành phân loại học sinh theo từng nhóm năng lực và trình độ ở từng môn học, từ đó xây dựng kế hoạch ôn tập cá nhân hóa, sát với nhu cầu thực tế của từng em.

Đối với mỗi nhóm đối tượng học sinh, giáo viên sẽ có cách tổ chức ôn tập phù hợp. Từ việc lựa chọn nội dung kiến thức, phương pháp giảng dạy, đến hình thức kiểm tra, đánh giá. Cách làm này giúp quá trình ôn luyện không dàn trải mà tập trung đúng trọng tâm, đồng thời tạo điều kiện để học sinh phát huy tối đa khả năng tiếp thu.

Song song với kế hoạch ôn tập trực tiếp, nhà trường còn tận dụng kho học liệu số do Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình triển khai, nhằm mở rộng kênh học tập linh hoạt cho học sinh.

Theo đó, các bài giảng, chuyên đề ôn tập trực tuyến được xây dựng theo cấu trúc đề thi tốt nghiệp, sau đó được Sở phân bổ về cho từng trường, giáo viên tại trường tiếp tục cập nhật, bổ sung nội dung phù hợp, đưa lên hệ thống để học sinh có thể tự học, ôn tập lại bất cứ lúc nào mà không cần đến trường.

Đặc biệt, học sinh được tham gia đầy đủ các buổi ôn theo kế hoạch từ nay đến sát kỳ thi mà không phải đóng bất kỳ khoản kinh phí nào. Đây không chỉ là sự chia sẻ gánh nặng tài chính với phụ huynh, mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm và sự chủ động cao của nhà trường trong công tác hỗ trợ học sinh lớp 12 “về đích” an toàn và hiệu quả.

Một trong những vấn đề được quan tâm hiện nay là chế độ dành cho giáo viên tham gia công tác thi thử, bao gồm coi thi và chấm thi. Theo thầy Hoàng Hải Nam, hiện tại công tác này vẫn chủ yếu gắn vào trách nhiệm chuyên môn của giáo viên, do đó nhà trường không có kinh phí chi trả cố định.

Tuy nhiên, trong khả năng của đơn vị, nếu nguồn chi thường xuyên cho phép, nhà trường cũng cố gắng bố trí một khoản hỗ trợ nhỏ cho giáo viên tham gia thi thử. “Mức hỗ trợ hiện nay dao động khoảng 30.000 – 40.000 đồng mỗi buổi, tùy điều kiện thực tế của từng năm học. Dù không nhiều nhưng đó cũng là một sự ghi nhận, chia sẻ với thầy cô,” thầy Nam chia sẻ.

Trong khi đó, tại Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Đắk Lắk), sau mỗi đợt thi thử, nhà trường đều tiến hành họp để đánh giá và rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức và triển khai thi.

Theo quan điểm của cô Nguyễn Thị Xuân Hương, mục đích của các cuộc họp sau kỳ thi thử nhằm từng bước thay đổi tư duy "thi thử" của giáo viên, hướng tới mô phỏng kỳ thi thật một cách toàn diện.

Về phía học sinh, kết quả bài làm cho thấy đa số các em đã nắm được kiến thức cơ bản, có sự chuẩn bị tương đối tốt và sẵn sàng bước vào kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Tuy nhiên, vẫn còn một số em có học lực khá, thậm chí giỏi, nhưng vì chủ quan hoặc thiếu tập trung trong quá trình làm bài nên kết quả chưa như kỳ vọng. Ngoài ra, có khoảng mười học sinh không đạt yêu cầu, đây là nhóm đối tượng mà nhà trường xác định cần có sự can thiệp ngay để tránh rủi ro trong kỳ thi chính thức sắp tới.

Từ kết quả này, nhà trường coi đó là một tín hiệu cảnh báo quan trọng, không chỉ dành cho học sinh mà cả với giáo viên đứng lớp. Trong thời gian tới, nhà trường sẽ triển khai phụ đạo miễn phí cho những học sinh còn thiếu điểm, hỗ trợ bồi dưỡng kiến thức nhằm đảm bảo các em đủ khả năng vượt qua kỳ thi tốt nghiệp.

Ngoài ra, nhà trường sẽ tiếp tục bám sát Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh lớp 12. Tiếp tục phân loại học sinh theo năng lực để lựa chọn kiến thức ôn tập cho phù hợp.

Đồng thời tổ chức đợt thi thử tiếp theo, lần thi này sẽ được tổ chức giống như một kỳ thi thật nhằm giúp học sinh làm quen với áp lực thi cử, đồng thời đánh giá lại năng lực học sinh để điều chỉnh kế hoạch ôn tập kịp thời.

ĐÀO HIỀN