Trường học tại Hà Nội kích hoạt kế hoạch học trực tuyến

04/05/2021 06:29
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Nếu dịch bệnh có quay trở lại, nhà trường, học sinh và cả giáo viên đều đã sẵn sàng đối phó”, cô Phạm Thái Lê khẳng định.

Luôn sẵn sàng dù gặp nhiều khó khăn

Thực hiện chỉ đạo của Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội nhằm đối phó với dịch Covid-19, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã thông báo tới các trường cho phép học sinh, học viên các cấp học, bậc học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên-chuyên nghiệp; trung tâm ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng văn hóa, bồi dưỡng kỹ năng, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn có vốn đầu tư nước ngoài, cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn thành phố tạm dừng đến trường từ ngày 4/5/2021.

Các trường luôn sẵn sàng kích hoạt chế độ phòng thủ, chủ động triển khai học trực tuyến. Ảnh: Baochinhphu.vn

Các trường luôn sẵn sàng kích hoạt chế độ phòng thủ, chủ động triển khai học trực tuyến. Ảnh: Baochinhphu.vn

Theo đó, các trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đã khẩn trương, nhanh chóng bật chế độ phòng thủ, sẵn sàng các biện pháp phòng, chống dịch tại trường học khi đón học sinh quay lại trường sau kỳ nghỉ lễ cũng như chuẩn bị phương án dạy học trực tuyến khi cần thiết.

Trao đổi với Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Vân Anh - Tổ trưởng chuyên môn khối 1, Trường Tiểu học Thị trấn Yên Viên (huyện Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: “Nhà trường luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu học trực tuyến khi cần thiết. Trải qua những đợt dịch trước và đã có kinh nghiệm trong khâu chuẩn bị nên nếu dịch bệnh có quay trở lại, sự chuẩn bị của nhà trường, học sinh và cả giáo viên đều sẵn sàng.

Điều này được chứng minh rằng, ngay từ đầu năm 2021, nhà trường luôn sẵn sàng kích hoạt chế độ phòng thủ, khi nào có chỉ đạo của thành phố trường sẽ chủ động triển khai những công việc phòng, chống dịch bệnh và học trực tuyến như trước đó”.

Cô Nguyễn Thị Vân Anh, Tổ trưởng chuyên môn khối 1 Trường Tiểu học Thị trấn Yên Viên (huyện Gia Lâm, Hà Nội). (Ảnh NVCC)

Cô Nguyễn Thị Vân Anh, Tổ trưởng chuyên môn khối 1 Trường Tiểu học Thị trấn Yên Viên (huyện Gia Lâm, Hà Nội). (Ảnh NVCC)

Học trực tuyến từ trước đến nay vẫn được cho là phương pháp phòng bị khi cần thiết, tuy nhiên để triển khai việc học trực tuyến có hiệu quả thực sự thì gặp khá nhiều khó khăn, có cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan.

Theo chia sẻ của cô Phạm Thái Lê, giáo viên Trường Trung học Cơ sở Marie Curie (Hà Nội), các thầy cô và học sinh đều chuẩn bị đầy đủ các phương tiện truyền tải cũng như phần mềm dạy học. Chỉ có một số nguyên nhân khách quan như đường truyền internet, mất điện… thì thực hiện chậm hoặc không thể tiếp tục bài giảng nhưng trường hợp đó không nhiều.

“Trong tuần tới, trường Marie Curie bước vào kỳ thi học kỳ kết thúc năm học, phần việc còn lại cũng không đáng kể.

So với các tỉnh thành khác trên cả nước, Hà Nội là địa phương có điều kiện cơ sở vật chất khá đầy đủ cũng như khả năng tiếp nhận kiến thức học trực tuyến của học sinh tốt hơn để thực hiện học trực tuyến.

Rất nhiều địa phương đã thực hiện học trực tuyến ở những lần giãn cách xã hội trước thế nhưng vì điều kiện cơ sở vật chất không đầy đủ nên trở thành rào cản trong việc triển khai. Đó chính là những điều không thuận lợi đầu tiên khi thực hiện phương pháp dạy học trực tuyến”, cô Lê chia sẻ.

Đặc thù là học sinh lớp 1, lớp đầu tiên của giáo dục phổ thông với nhiều khó khăn vất vả, cô Nguyễn Thị Vân Anh cho biết: “Việc học trực tuyến của học sinh lớp 1 cần phải có sự đồng hành của phụ huynh. Học sinh với đặc điểm độ tuổi này thực hiện học trực tuyến nếu không có sự hợp tác của phụ huynh thì mang lại hiệu quả không cao.

Mặc dù có những trở ngại như sử dụng các phần mềm có lúc trục trặc, thời gian bố trí việc học của học sinh vào buổi tối bởi cần sự hỗ trợ từ phụ huynh… nhưng việc triển khai học trực tuyến được thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh nhiệt tình phối hợp rất tốt”.

Đồng ý kiến với cô Vân Anh, cô Phạm Thái Lê cho biết, điều không thuận lợi lớn nhất khi triển khai học trực tuyến không phải ở thiết bị mà ở tư thế học và tinh thần học tập của học sinh. Đây được xem là chìa khóa quyết định giờ học trực tuyến có thành công hay không.

“Đương nhiên nếu không phải là một lớp học tập trung thì học trò có tâm trạng rất thoải mái, không bị quản lý, kiểm soát về mặt nghi thức, hình thức. Chính vì thế các bạn có thể nằm, ngồi, ăn mặc không đúng quy định.

Thậm chí có học sinh vừa ăn sáng, vừa học, có bạn sử dụng cùng một thiết bị, vừa làm việc riêng vừa học… Những chuyện đó là những chuyện vượt ra tầm kiểm soát của người dạy. Đấy là rào cản khó khăn nhất để thấy rằng, khó có thể có tinh thần nghiêm túc cũng như phong thái học tập chuẩn chỉnh.

Theo tôi, số lượng học sinh nghiêm túc học tập, đạt kết quả tốt chiếm tỉ lệ 30% là cao. Số còn lại rất nhiều học sinh có vào phần mềm nhưng với tinh thần và trạng thái là có mặt đủ sĩ số, đủ để điểm danh sau đó làm việc riêng, bị sao nhãng.

Chính vì thế, việc học trực tuyến theo tôi chỉ là tinh thần ‘chữa cháy’ và về phía giáo dục thì học trực tuyến là đi hết tiến độ về mặt hình thức còn chất lượng không thể nào bằng học trực tiếp, chỉ được hiệu quả 50-70% so với học trực tiếp”, cô Lê nhận định.

Đổi mới tư duy đạt kết quả tốt

Vào thời điểm dịch Covid-19 có thể quay trở lại bất cứ lúc nào thì học trực tuyến là phương pháp cần thiết.

Rất nhiều bài học, kinh nghiệm được các giáo viên khắp cả nước chia sẻ, với mong muốn cùng nhau thực hiện tốt việc dạy và học học trực tuyến, đảm bảo kiến thức học sinh không bị rơi rụng sau khi hết dịch, trở lại trường.

Cô Phạm Thái Lê, giáo viên Trường Trung học Cơ sở Marie Curie (Hà Nội). Ảnh: NVCC

Cô Phạm Thái Lê, giáo viên Trường Trung học Cơ sở Marie Curie (Hà Nội). Ảnh: NVCC

Theo đúng phương châm “Tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”, thời gian qua, việc thực hiện học trực tuyến được các thầy, cô giáo đổi mới tư tuy, nhằm đem lại hiệu quả cao trong việc dạy và học.

Cô Phạm Thái Lê cho biết: “Mỗi bộ môn, mỗi người dạy sẽ có những kinh nghiệm riêng. Ở những phần kiến thức có thể ứng dụng qua các hoạt động trò chơi thì các cô nên triển khai để tăng thêm sự thu hút của học sinh.

Ví dụ như môn tiếng Anh, phần tiếng Việt của môn Ngữ văn, các hoạt động vui của môn Toán thì nên chuyển sang hình thức trò chơi. Các phần mềm ứng dụng trò chơi trên dạy học trực tuyến, tôi nghĩ các giáo viên vận dụng được tốt”.

Theo cô Phạm Thái Lê, tại trường Marie Curie đã triển khai dạy học qua phần mềm Teams, có những ưu thế về nhóm chat riêng. Chính vì thế học sinh nào trả lời nhanh, trả lời nhiều, tương tác cùng với cô giáo thì phần mềm sẽ có hiển thị lên.

Cuối mỗi buổi sẽ có những tổng kết riêng. Đó là một hình thức bắt buộc trò tham gia vào bài giảng, cùng tương tác với giáo viên. Ngược lại, giáo viên phải đưa ra các tình huống để học sinh trao đổi trực tuyến, như vậy mới có được giờ học thành công.

“Mặc dù hiệu quả học trực tuyến không cao như học trực tiếp, nhưng giáo viên, học sinh, phụ huynh và nhà trường vẫn luôn nỗ lực, đồng hành để cùng nhau vượt qua những khó khăn này”, cô Vân Anh bày tỏ tin tưởng.

Cao Kim Anh