Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được thắc mắc của phụ huynh học sinh khối 11 thuộc Trường trung học phổ thông Nguyễn Trung Trực, thành phố Rạch Giá, Kiên Giang một số vấn đề liên quan trực tiếp đến việc học của học sinh.
Xếp tiết học chính khóa và tăng tiết học chung
Cụ thể, phụ huynh phản ánh, ở Trường Nguyễn Trung Trực có hiện tượng một số lớp xếp tiết học tăng tiết (có thu tiền) chung với tiết dạy chính khóa, thực hiện ngay từ đầu năm học, và tiến hành học luôn.
Nhà trường nói rằng, đây là hình thức tổ chức học 2 buổi mỗi ngày theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ngoài ra, theo phản ánh của phụ huynh, ngày 15/1, Hiệu trưởng nhà trường ra quy định (bằng miệng, không có văn bản) là bắt đầu từ ngày hôm ấy, học sinh muốn nghỉ học thì phải có giấy của bệnh viện, thì mới được tính là có phép.
Nếu không, học sinh sẽ bị tính là nghỉ học không phép, nội qui nhà trường đầu năm cũng không có quy định này.
Trong học kỳ 1, phụ huynh phải đóng 150.000 đồng/học sinh/học kỳ đóng góp vào quỹ cha mẹ học sinh, phụ huynh không rõ đây là khoản thu bắt buộc, hay tự nguyện, dùng để chi vào việc gì?
Hiệu trưởng giải thích
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam vào ngày 17/1, ông Nguyễn Xuân Phượng – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Nguyễn Trung Trực đã giải đáp các thắc mắc của phụ huynh rất rõ ràng.
Theo thầy Phượng, việc xếp chung tiết chính khóa với các giờ học tăng tiết mà phụ huynh phản ánh là có thật.
Trường Nguyễn Trung Trực, Kiên Giang bị phản ánh là dạy tiết chính khóa chung với tăng tiết (ảnh: TTO) |
Tuy nhiên, theo giải thích của thầy Phượng, nguyên nhân là do các buổi chiều thứ 2,4,6 hàng tuần, học sinh được học thêm 3 tiết gọi là giờ tăng tiết.
Như vậy, mỗi tuần học sinh sẽ có thêm 9 tiết học tăng tiết. Có một số lớp chỉ có tăng tiết được 7 hay 8 tiết, mà tiết học chính khóa buổi sáng vẫn chưa đủ, thì nhà trường đã quyết định dành thêm một vài tiết học chính khóa để dạy chung vào buổi chiều.
Sở dĩ nhà trường chỉ dành thứ 2,.4,6 để tăng tiết cho học sinh, là do thứ 3 thì dành cho công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, thứ 5 dành cho sinh hoạt chuyên môn, đoàn thể, còn chiều thứ 7 thì dành cho các hoạt động kiểm tra (nếu có).
Đối với phản ánh của phụ huynh nói rằng, muốn nghỉ học có phép thì phải có giấy của bệnh viện, nếu không sẽ là không phép, thầy Nguyễn Xuân Phượng đã bác thông tin này, và nói cho tới nay vẫn chưa có bất cứ văn bản nào của nhà trường quy định việc này.
Thầy Nguyễn Xuân Phượng giải thích: Đầu đuôi câu chuyện là do trong thời gian vừa qua, số buổi nghỉ học của học sinh khối 12, kể cả số buổi nghỉ học không phép đều nhiều hơn tổng số buổi nghỉ của khối 10, 11 rất nhiều.
Ban đại diện cha mẹ học sinh trường cho rằng, nhà trường phải có biện pháp quản lý số buổi nghỉ học của học sinh, nên lãnh đạo nhà trường tiếp thu.
Đích thân Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Phượng đã nói chuyện, tìm hiểu về số buổi nghỉ học của học sinh, tìm hiểu, giải thích cụ thể cho các em hiểu, rồi chấn chỉnh ngay việc này.
Thầy Nguyễn Xuân Phượng nói rằng, trường hợp đặc biệt lắm thì học sinh mới cần phải nghỉ học, do năm nay là lớp cuối cấp.
Với thông tin khoản thu hộ 150.000 đồng/học kỳ khoản tiền đóng góp của cha mẹ học sinh, người đứng đầu Trường Nguyễn Trung Trực, Kiên Giang lý giải: Đây là khoản tiền của Ban đại diện cha mẹ học sinh thu, hoàn toàn tự nguyện.
Mục đích của khoản thu này là có đến 80% dành để khen thưởng cho các em học sinh, còn lại là dành để chi cho văn phòng phẩm, thư mời họp phụ huynh, nước uống của học sinh, chi cho thăm hỏi học sinh ốm đau, bệnh..
Thầy Nguyễn Xuân Phượng nhấn mạnh: Đây là một khoản thu hoàn toàn tự nguyện, không ép buộc học sinh phải đóng. Học sinh nào hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà trường sẽ huy động mạnh thường quân đóng hộ.