Cấm lạm thu, sao Bộ không thanh tra, kiểm tra mà chỉ ra công văn?

01/01/2018 06:21
Thuận Phương
(GDVN) - Để hạn chế tình trạng lạm thu, thay vì ra Công văn chỉ đạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần trực tiếp đi kiểm tra các cơ sở và xử thật nghiêm trường hợp sai phạm.

LTS: Trước vấn nạn lạm thu tại các trường học, cô giáo ... tiết lộ những lý do khiến một số hiệu trưởng có thể dễ dàng thực hiện việc lạm thu.

Qua đó, tác giả cũng khiến nghị một số giải pháp để đẩy lùi tiêu cực trong trường học.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Có thể nói, năm học 2017-2018 là năm bùng phát tình trạng lạm thu ở nhiều trường học trong cả nước.

Mức thu cao nhất ở một trường tiểu học ở Đồng Tháp là 16 triệu đồng/học sinh, một số trường ở Hải Phòng có mức thu 10 triệu đồng/học sinh…

Trong đó, có nhiều khoản thu lạ như thu tiền bồi dưỡng bảo vệ, tiền trang bị cơ sở vật chất, tiền sửa chữa vật chất nhỏ, rồi tiền xây dựng trường, tiền quỹ đội, tiền giáo dục kĩ năng…

Trước tình hình đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều văn bản chỉ đạo chấn chỉnh việc lạm thu và thực hiện thu chi đúng quy định như Công văn số 2794/BGDĐT-KHTC ngày 30/6/2017 về việc Báo cáo và cam kết thực hiện giá dịch vụ giáo dục năm học 2017 – 2018;

Công văn số 5031/BGDĐT-KHTC ngày 27/10/2017 về việc kiểm tra và xử lý dứt điểm tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tranh biếm họa về lạm thu trên baoquangninh.com.vn
Tranh biếm họa về lạm thu trên baoquangninh.com.vn

Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 746TTr-NV2 ngày 29/8/2017 về việc triển khai công tác thanh tra năm học;

Công văn số 1013/TTr-NV2 ngày 6/11/2017 về việc tiếp tục triển khai công tác thanh tra dạy thêm học thêm và thu chi đầu năm học gửi các Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo…

Thế nhưng tình trạng lạm thu vẫn cứ diễn ra gây bức xúc cho dư luận. Nhiều câu hỏi đặt ra “nguyên do nào nạn lạm thu không thể chấm dứt?

Trong thực tế có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm thu vẫn tồn tại.

Ở bài viết này, tác giả (vốn là một nhà giáo) cũng xin được lý giải một số nguyên nhân trên cơ sở từ sự trải nghiệm của mình.

Có hay không sự tiếp tay của cấp các cấp chính quyền?

Một số hiệu trưởng cho rằng, trường học không thể tự ý đưa ra các mức thu.

Nhà trường muốn thu khoản gì phải làm đơn giải trình qua Ủy ban nhân dân phường (nơi trực tiếp quản lý), những khoản thu lớn hơn phải được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân huyện, thị hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh.

Mới đây, Báo Kinh doanh và pháp luật đã có bài viết phản ánh trên địa bàn xã Đăk Drông, huyện Cư Jút (Đăk Nông), từ năm học 2015 – 2017 mỗi học sinh từ mẫu giáo đến cấp 2 phải nộp cho địa phương 640.000 đồng/em để kiên cố hóa trường học theo chủ trương xã hội hóa giáo dục.

Cấm lạm thu, sao Bộ không thanh tra, kiểm tra mà chỉ ra công văn? ảnh 26 mức kỷ luật Hiệu trưởng, không có mức nào là về Phòng làm lãnh đạo

Trường Tiểu học Trần Quốc Toản trong 2 năm học 2015 – 2016 thu thêm mỗi học sinh 300.000 đồng/em để sửa chữa nhà vệ sinh.

Ngày 23/7/2015, Ủy ban nhân dân xã Đăk Drông, huyện Cư Jút – Đăk Nông có Tờ trình số 57/TTr – UBND “V/v thu huy động đóng góp nhân dân thực hiện đề án xây dựng kiên cố hóa trường học”.

Ngày 28/7/2015 Hội đồng nhân dân xã có Nghị quyết số 06/2015/NĐ-HĐND “Về thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội an ninh quốc phòng 6 tháng cuối năm 2015”.

Nhất trí thu 270.000 đồng/ học sinh để thực hiện đề án xây dựng kiên cố hóa trường học giai đoạn 2014 – 2016.

Thu 300.000 đồng/ học sinh để xây dựng bếp “một chiều” trường mẫu giáo Đăk Drông”.

Từ năm học 2015 - 2016 và 2016 - 2017 các trường học trên địa bàn xã tiến hành thu hộ Ủy ban nhân dân xã mỗi học sinh là 270.000 đồng.

Năm học 2017 - 2018 thu 100.000 đồng, các khoản huy động xã hội hóa giáo dục đối với học sinh của xã Đăk Drông đi ngược Thông tư hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, gây bức xúc dư luận tại địa phương trong thời gian qua.

Đây chỉ là một ví dụ điển hình về sự tiếp tay lạm thu của một địa phương.

Trong thực tế, nhiều trường ở các địa phương vẫn hiên ngang thu “lạm” mà chẳng hề lo sợ bị thanh tra “sờ gáy” vì họ cũng đã được cấp trên đứng sau “bảo kê”.

Ngay như việc nhiều trường trung học phổ thông tổ chức dạy và học 2 buổi/ ngày cho học sinh nhưng bị phụ huynh và học sinh phản đối.

Thế nhưng nhiều trường vẫn ung dung triển khai vì họ đã được chính sở giáo dục và đào tạo đồng ý.

Đổi lại những trường học này phải “lại quả” về cho sở giáo dục như việc Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước “ngồi mát” hưởng hàng trăm triệu tiền quản lý học thêm.

Để nhận số tiền hỗ trợ, họ đã ban hành văn bản hướng dẫn các trường trích 3% số tiền học thêm thu được về cơ quan cấp phép dạy thêm.

Với sự chung chi và “bảo kê” như thế hỏi thử thanh tra kiểu gì mới có thể phát hiện ra chuyện lạm thu và tổ chức dạy thêm thu chi trái phép?

Sự tồn tại của Thông tư 55

Cấm lạm thu, sao Bộ không thanh tra, kiểm tra mà chỉ ra công văn? ảnh 3Kỷ luật "ngọt ngào và êm ái" thế này thì ai cũng muốn vi phạm

Điều 10 trong thông tư nêu rõ: “Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh có được từ  sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho cha mẹ học sinh lớp”.

Thông tư còn nhấn mạnh “Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện”.

Thế nhưng lợi dụng vào cụm từ “ủng hộ tự nguyện” mà hội phụ huynh mà thực chất là nhà trường tha hồ ấn mức thu và chi vô tội vạ.

Nói là tự nguyện, ai có thể đo được mức đồng ý của phụ huynh trong khi đa phần là đồng ý trong miễn cưỡng vì sợ con cái mình bị nhà trường “để ý”.

Phụ huynh đành nhắm mắt lặng lẽ đóng cho xong. Do bám vào hai tiếng ‘tự nguyện” ở Thông tư 55 nên mỗi nơi thu một khác, thậm chí trong một tỉnh, một huyện, mỗi trường lại có mức thu khác nhau.

Mức thu nhiều hay ít, tất cả đều phụ thuộc vào cái tâm của người đứng đầu.

Kỉ luật "ngọt ngào" cho người vi phạm

Hình như ngành giáo dục ở các địa phương đều có một công thức được lập trình sẵn cho các hiệu trưởng bị kỉ luật về lạm thu là giữ nguyên chức chuyển trường mới hoặc về phòng làm chuyên viên.

Với việc kỉ luật "ngọt ngào êm ái" thế này thì mong gì tình trạng lạm thu và chi vô tội vạ ở các trường học được chấm dứt?

Có thể kể ra đây những vụ việc lạm thu điển hình như bà Cao Thị Mỹ Thuyết, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Dinh (Quảng Bình) bị phụ huynh tố thu sai hàng loạt khoản như:

Tiền quỹ đội, bảo hiểm thân thể, thu phí trông giữ xe đạp, thu giấy kiểm tra học kỳ;

Các khoản thu từ sự vận động, kêu gọi cha mẹ học sinh để hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất trường học, thu kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh…

Ngoài ra, còn có nhiều sai phạm khác liên quan đến việc yêu cầu học sinh mua sách vở, may thêm đồng phục…

Cấm lạm thu, sao Bộ không thanh tra, kiểm tra mà chỉ ra công văn? ảnh 4Đây là "thuốc chữa bệnh"... lạm thu

Sau khi kiểm tra và kết luận những tố cáo của phụ huynh là đúng, bà Cao Thị Mỹ Thuyết đã được chuyển đến trường học mới và vẫn đảm nhiệm chức danh Hiệu trưởng.

Bà Lê Thị Thu Thủy - Hiệu trưởng Trường tiểu học Đặng Cương (xã Đặng Cương, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng) bị phụ huynh học sinh tố cáo đã thu nhiều khoản tiền không đúng (mức thu 10 triệu đồng/học sinh) từng làm chấn động dư luận.

Bà còn sử dụng sai tiền học quy định của ngành giáo dục.

Thế nhưng mức kỉ luật bà Thủy nhận được là chuyển công tác về Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện An Dương.

Trước đó cũng có khá nhiều trường hợp như bà Lê Thị Thu Hà (nguyên Hiệu trưởng Trường Mầm non Hưng Thắng, huyện Hưng Nguyên) kê khống khoản chi mua đồ dùng học tập của học sinh, thu tiền học phí tháng thứ 10, vận động đóng góp khi chưa được phê duyệt của cấp trên...

Khi sự việc bị bại lộ, mức kỉ luật dành cho bà Hà là chuyển lên làm việc tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hưng Nguyên.

Bà Nguyễn Thị Minh Trâm - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám (Tam Kỳ) - người đã bớt xén tiền ăn trưa của giáo viên bán trú, đưa nhân viên nhà bếp bỏ phiếu tín nhiệm Ban giám hiệu, nhờ giáo viên đứng lớp, dạy giúp mình trong một thời gian dài nhưng vẫn nhận tiền hưởng phụ cấp... về làm chuyên viên tại Phòng Giáo dục Tam Kỳ. 

Bà Võ Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Khe Sanh (Hướng Hóa, Quảng Trị) đã cho các giáo viên chủ nhiệm triển khai các khoản thu đầu năm sai quy định. 

Cấm lạm thu, sao Bộ không thanh tra, kiểm tra mà chỉ ra công văn? ảnh 5Lạm thu, làm sách, dạy thêm, thu thêm lên diễn đàn Quốc hội

Trong đó, có 10 khoản thu “tự nguyện” như tiền trang trí lớp học, tiền vệ sinh lớp, tiền thuê lao động vệ sinh, bảo vệ…

Bà bị điều chuyển vào làm Hiệu trưởng tại Trường Tiểu học xã Húc. 

Lạm thu, chi vô tội vạ nếu sự việc êm xuôi thì hiệu trưởng có tiền bỏ túi.

Lẽ ra, ngành giáo dục phải làm nghiêm, làm mạnh tay trong chuyện này.

Người vi phạm sẽ bị trừng phạt, người chưa vi phạm sẽ lấy đó làm gương mà tự điều chỉnh mình.

Thế nhưng từ trước tới nay, các vụ việc được phanh phui thậm chí gây bức xúc trong dư luận nhưng cấp trên vẫn xử lý ở mức quá nhẹ nhàng, ưu ái.

Có thể nói, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết liệt, kịp thời chỉ đạo các địa phương quản lý các cơ sở giáo dục thực hiện thu, chi đúng quy định;

Thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh sai phạm về tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều cơ sở giáo dục thực hiện chưa nghiêm túc, vi phạm quy định về thu, chi đầu năm học mà một trong những nguyên nhân đã được trình bày ở trên.

Để hạn chế tình hình này, thay vì ra Công văn chỉ đạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần trực tiếp đi kiểm tra các cơ sở.

Nếu phát hiện cá nhân hay nhân danh chính quyền mà làm sai phải xử lý thật nghiêm khắc (tránh kiểu xử lý ngọt ngào như trên).

Đồng thời phải xóa bỏ kịp thời “bình phong” chính là Thông tư 55 về kinh phí hoạt động của hội cha mẹ học sinh.

Có như thế mới mong tình hình lạm thu sẽ được kiểm soát một cách chặt chẽ.

Tài liệu tham khảo:

http://baochinhphu.vn/tra-loi-cong-dan/bo-gddt-quyet-cham-dut-tinh-trang-lam-thu-truong-hoc/325703.vgp

https://laodong.vn/xa-hoi/so-gd-dt-binh-phuoc-ngoi-mat-huong-hang-tram-trieu-tien-quan-ly-hoc-them-583353.ldo

Thuận Phương