EMagazine

TS Nguyễn Xuân Phong: Cần tiếp tục dành quỹ đất phù hợp cho GD tư thục ở đô thị

TS Nguyễn Xuân Phong: Cần tiếp tục dành quỹ đất phù hợp cho GD tư thục ở đô thị

21/05/2025 09:55
Mộc Trà

GDVN- Theo TS Nguyễn Xuân Phong, khi các rào cản, khó khăn được tháo gỡ, nhiều nhà đầu tư GD sẽ mạnh dạn tham gia hơn, tạo nên một hệ sinh thái GD phong phú.

Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích, thúc đẩy sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân vào giáo dục và đào tạo. Trong buổi làm việc với Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh rằng, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng kinh tế.

Thực tế, hệ thống giáo dục tư thục đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều giáo viên, nhân viên trường học. Đồng thời, nâng cao chất lượng và vị thế của giáo dục Việt Nam trên trường quốc tế.

Tập đoàn FPT cũng đầu tư mạnh vào mảng giáo dục. Được thành lập từ năm 1999, đến nay, Khối giáo dục FPT đã trở thành một trong những hệ thống giáo dục lớn của Việt Nam, gồm các hệ giáo dục phổ thông, cao đẳng, đại học, đào tạo sau đại học, đào tạo nghề, đào tạo dành cho khối doanh nghiệp.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Xuân Phong - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học FPT, Giám đốc Hệ thống phổ thông FPT (Tập đoàn FPT) về vấn đề này.

fpt-2.jpg

Phóng viên: Thưa Tiến sĩ Nguyễn Xuân Phong, hệ thống giáo dục tư thục đã và đang đóng góp như thế nào cho hệ thống giáo dục nói chung? Ông có thể điểm qua những dấu mốc quan trọng, nổi bật về những đóng góp chủ đạo của Khối giáo dục FPT trong hành trình hơn 25 năm qua?

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Phong: Giáo dục tư thục ngày nay là một bộ phận không thể tách rời của hệ thống giáo dục quốc dân. Trên thực tế, khu vực tư thục đã bổ sung đáng kể nguồn lực cho giáo dục, mang lại các mô hình học tập đa dạng và chia sẻ áp lực với trường công.

Chẳng hạn, theo thống kê năm học 2024-2025, cả nước có hơn 4.000 cơ sở giáo dục ngoài công lập với gần 1,9 triệu học sinh, sinh viên theo học - con số tuy còn khiêm tốn (7% ở bậc phổ thông và 22% ở bậc đại học) nhưng cũng cho thấy, hệ thống tư thục đã gánh vác một phần quan trọng trong việc đào tạo nhân lực, giảm tải đáng kể cho trường công. Từ phổ thông đến đại học, các trường tư thục đã chủ động đổi mới phương pháp dạy học, đưa công nghệ và tư duy quản trị hiện đại vào giáo dục, qua đó nâng cao chất lượng chung của nền giáo dục.

fpt.png

Hệ thống Giáo dục của FPT là một ví dụ tiêu biểu về những đóng góp trên. Năm 1999, FPT bắt đầu bước vào lĩnh vực giáo dục với việc mở Trung tâm đào tạo lập trình viên quốc tế FPT Aptech - một chương trình hợp tác với Ấn Độ nhằm đào tạo nhân lực công nghệ thông tin theo chuẩn quốc tế. Đây được xem là bước đi đột phá trong giới công nghệ Việt Nam thời bấy giờ nhằm nhanh chóng có được nguồn nhân lực theo tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ chiến lược xuất khẩu phần mềm. Đó cũng có thể coi là một trong những mô hình “chuyển giao công nghệ” (franchise) thành công trong giáo dục ở Việt Nam.

Đến năm 2006, FPT thành lập Trường Đại học FPT - trường đại học tư thục ra đời trong lòng một doanh nghiệp công nghệ. Tiếp đó, để mở rộng hệ sinh thái giáo dục, FPT thành lập Trường Cao đẳng Thực hành FPT (FPT Polytechnic) năm 2010 và sau đó nhanh chóng triển khai đào tạo tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Năm 2013, chúng tôi bước vào lĩnh vực giáo dục phổ thông với việc mở Trường Trung học phổ thông FPT tại Hòa Lạc (Hà Nội), mô hình nội trú dành cho lớp 10-12. Đến nay, hệ thống các trường phổ thông FPT đã đạt tới con số 18 trường tại 13 tỉnh thành và sẽ tiếp tục mở rộng nhanh trong thời gian tới.

Như vậy, sau 25 năm, FPT đã xây dựng được một hệ thống giáo dục hoàn chỉnh từ bậc phổ thông đến đại học và sau đại học với hơn 150.000 học sinh, sinh viên đang theo học, góp phần tạo nên sự đa dạng và năng động cho giáo dục Việt Nam.

Phóng viên: Kể từ giai đoạn đầu thành lập Khối giáo dục FPT và “đặt nền móng” với những ngôi trường đầu tiên, phía đơn vị đã trải qua những khó khăn gì? Đội ngũ lãnh đạo của đơn vị đã vượt qua những khó khăn ấy như thế nào để đưa hệ thống giáo dục phát triển vững mạnh như hiện nay?

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Phong: Những ngày đầu xây dựng hệ thống, chúng tôi đã gặp không ít khó khăn do đi tiên phong trong một lĩnh vực còn rất mới mẻ. Thách thức lớn đầu tiên là hành lang pháp lý và quan niệm xã hội lúc bấy giờ.

Vào đầu những năm 2000, chưa có cơ chế rõ ràng cho việc thành lập đại học tư thục do doanh nghiệp đầu tư, FPT đã mạnh dạn đề xuất đề án thành lập trường dù chưa có tiền lệ, kiên trì thuyết phục các cấp quản lý với niềm tin rằng đây là xu thế tất yếu của thời đại.

Tiếp theo là những nỗ lực làm khác để làm tốt, kiên trì theo đuổi tự chủ đại học. May mắn là khát vọng đổi mới này đã nhận được sự ủng hộ của nhiều trí thức hàng đầu - những người cùng chung nhận định rằng giáo dục đại học tự chủ sẽ mở đường cho chất lượng. Chính sự đồng thuận và quyết tâm đó đã giúp chúng tôi vượt qua rào cản pháp lý ban đầu để khai sinh Trường Đại học FPT vào năm 2006 và hoạt động theo mô hình với nhiều khác biệt so với các trường đại học khác tại Việt Nam ở thời điểm đó.

Song song với vấn đề thủ tục, khó khăn kế tiếp là xây dựng uy tín và mô hình đào tạo hiệu quả cho một cơ sở giáo dục hoàn toàn mới. Thời gian đầu, việc thuyết phục phụ huynh và sinh viên tin tưởng vào chất lượng đào tạo của một trường đại học do doanh nghiệp mở ra không hề dễ dàng. Chúng tôi đã chọn cách vượt qua bằng chiến lược giáo dục khác biệt và tiên phong.

Trường Đại học FPT quyết định đào tạo hoàn toàn bằng giáo trình tiếng Anh theo các chuẩn quốc tế ngay từ năm đầu, đồng thời áp dụng mô hình “bánh kẹp” kết hợp chặt chẽ giữa học thuật và thực tiễn doanh nghiệp - sinh viên có một học kỳ thực tập như một nhân viên thực thụ tại doanh nghiệp ngay khi còn đang học năm thứ ba.

Vào thời điểm đó, đây là những bước đi táo bạo chưa từng có ở Việt Nam, nhưng nhờ vậy sinh viên FPT trưởng thành vượt bậc về ngoại ngữ, kỹ năng và tự tin hội nhập môi trường làm việc quốc tế. Kết quả là sau vài năm, chúng tôi đã chứng minh được chất lượng đào tạo bằng chính thành công của sinh viên tốt nghiệp, qua đó dần xóa bỏ định kiến và tạo dựng niềm tin nơi xã hội.

Có thể nói, FPT đã vượt qua những trở ngại ban đầu nhờ tầm nhìn dài hạn, tinh thần làm khác để làm tốt và sự kiên định theo đuổi mục tiêu chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

fpt-1.png

Phóng viên: Năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP, với mục tiêu đẩy mạnh huy động các nguồn lực của xã hội, thúc đẩy sự phát triển của các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Các thành viên của Khối giáo dục FPT đã tham gia vào việc thúc đẩy xã hội hóa giáo dục như thế nào trong những năm vừa qua?

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Phong: Trong công cuộc xã hội hóa giáo dục, FPT đã đóng góp bằng hành động cụ thể và những kết quả đo đếm được.

Trước hết, chúng tôi đã mở rộng quy mô giáo dục để phục vụ đông đảo người học, qua đó chia sẻ gánh nặng với ngân sách và hệ thống công lập.

Hệ thống giáo dục của FPT hiện nay bao gồm 5 phân hiệu đại học tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Định; cùng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (cao đẳng, hệ 9+) ở 17 tỉnh thành; 18 trường phổ thông liên cấp trải dài trên toàn quốc.

Không chỉ đào tạo trong nước, chúng tôi còn liên kết với đại học quốc tế như Đại học Greenwich (Vương quốc Anh), Đại học Swinburne (Úc), Đại học Asia (Đài Loan), đồng thời triển khai nhiều chương trình cấp chứng chỉ quốc tế như Aptech, Arena, Jetking…

Quy mô của Khối giáo dục FPT đã phát triển vượt bậc: Tính đến năm 2024, toàn hệ thống có quy đổi tương đương trên 150.000 học sinh, sinh viên đang theo học và hơn 6.000 cán bộ, giảng viên, giáo viên.

Điều này đồng nghĩa với việc FPT đã góp phần đào tạo một lượng nhân lực rất lớn mà nếu không có khu vực tư thục, gánh nặng đó sẽ dồn hoàn toàn lên vai hệ thống công.

Quan trọng hơn, chúng tôi tập trung vào những lĩnh vực then chốt nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Ngay từ bước đầu với chương trình FPT Aptech năm 1999, hàng ngàn lập trình viên quốc tế do chúng tôi đào tạo đã bổ sung kịp thời cho ngành công nghiệp phần mềm, giúp hình thành đội ngũ chuyên gia công nghệ thông tin đủ khả năng phục vụ khách hàng toàn cầu.

Ở bậc đại học, sinh viên FPT được trang bị kiến thức và kỹ năng sát với thực tiễn doanh nghiệp, nhờ đó trên 98% sinh viên tốt nghiệp có việc làm trong vòng 12 tháng, trong số đó trên 15% đã và đang làm việc tại nước ngoài. Những con số này cho thấy mô hình gắn kết giáo dục với nhu cầu xã hội của FPT đã và đang phát huy hiệu quả thiết thực.

Bên cạnh đó, hệ thống phổ thông FPT mỗi năm cũng đóng góp hàng ngàn học sinh được giáo dục toàn diện cả về học thuật lẫn kỹ năng mềm, ngoại ngữ, công nghệ… Đây chính là những thế hệ trẻ tự tin, sáng tạo mà chúng tôi tin tưởng sẽ trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên hội nhập.

Tóm lại, bằng việc đầu tư nguồn lực tư nhân một cách nghiêm túc và định hướng đúng đắn, FPT đã góp phần đáng kể thúc đẩy xã hội hóa giáo dục - vừa giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước, vừa nâng cao mặt bằng chất lượng đào tạo cho cộng đồng.

Phóng viên: Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về những giá trị mà hệ thống giáo dục của FPT đã và đang mang lại đối với người học, cũng như giải quyết vấn đề việc làm, tạo cơ hội cho đội ngũ?

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Phong: Triết lý giáo dục của FPT luôn hướng tới giá trị tối đa cho người học và xây dựng một môi trường phát triển tốt nhất cho đội ngũ giáo viên. Đối với học sinh, sinh viên - chúng tôi coi mỗi em là một cá thể độc đáo cần được khơi dậy tối đa tiềm năng. Chương trình đào tạo tại FPT được thiết kế sinh động với nhiều trải nghiệm thực tiễn về công nghệ, kinh doanh, văn hóa, nghệ thuật… giúp người học khám phá hết năng lực của bản thân và sớm định hướng đam mê nghề nghiệp.

Chúng tôi tin rằng, chuẩn bị cho các em càng sớm, cơ hội thành công sau này càng cao. Bằng chứng là sinh viên các trường FPT được rèn luyện kỹ năng tự học, ngoại ngữ và kỹ năng mềm ngay trong quá trình học, lại có cơ hội thực tập, làm dự án với doanh nghiệp từ sớm, nên khi ra trường đều tự tin, chủ động.

Như đã chia sẻ, gần như toàn bộ sinh viên tốt nghiệp Trường Đại học FPT đều tìm được việc làm phù hợp trong thời gian ngắn, thậm chí nhiều em làm việc tại các Tập đoàn toàn cầu (điển hình gần đây nhất là sinh viên Nguyễn Khánh Linh không chỉ là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên trở thành Google Developer Expert, mà còn là chuyên gia GDE về máy học đầu tiên thuộc lĩnh vực AI tạo sinh trong năm 2025 của Google) hoặc tự khởi nghiệp thành công, tạo nên nhiều doanh nghiệp, start-up có tiếng tại Việt Nam và trên thế giới như (Sky Mavis, TopCV,…).

Các em học sinh phổ thông FPT cũng đạt nhiều thành tích ấn tượng, nhiều giải thưởng quốc gia quốc tế, đặc biệt là các thành tích tại các cuộc thi STEM, robotics quốc tế. Những kết quả này khẳng định giá trị cốt lõi mà FPT mang lại cho người học: đó là năng lực cạnh tranh toàn cầu, tư duy sáng tạo và tinh thần học tập suốt đời.

Về nghiên cứu khoa học, theo thống kê trên SARAP Ranking 2024 đối với 240 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, Trường Đại học FPT đứng thứ 17 với 335 công bố đạt chuẩn WoS.

Đối với đội ngũ giáo viên, chúng tôi tạo dựng một môi trường làm việc và phát triển chuyên môn đầy cảm hứng. FPT quan niệm “người thầy là trung tâm của đổi mới giáo dục”, do đó luôn chú trọng thu hút và bồi dưỡng nhân tài trong lĩnh vực giảng dạy.

Hiện nay, hệ thống giáo dục FPT có hơn 6.000 cán bộ, giảng viên, giáo viên trên cả nước. Mỗi thầy cô đều có cơ hội nâng cao nghiệp vụ thông qua các chương trình phát triển chuyên môn đa dạng. Chúng tôi kết hợp nhiều hình thức như: đào tạo trực tuyến, các khóa tập huấn với chuyên gia trong và ngoài nước, mô hình “sư phụ - đệ tử” (coaching mentor-mentee), sinh hoạt chuyên môn theo ngành dọc trên toàn quốc... để mỗi giáo viên không ngừng học hỏi.

Bên cạnh đó, FPT còn hợp tác với tất cả các trường đại học Sư phạm lớn, cấp học bổng và nhận thực tập sinh nhằm thu hút những sinh viên sư phạm xuất sắc về làm việc sớm tại hệ thống. Văn hóa tổ chức học tập của FPT khuyến khích giáo viên chủ động đổi mới phương pháp, sáng tạo trong giảng dạy. Chúng tôi mạnh dạn giao những trọng trách quản lý cho các giáo viên trẻ có năng lực, giúp họ có nhiều cơ hội thử thách và trưởng thành nhanh.

Nhờ chiến lược phát triển đội ngũ bài bản như vậy, FPT xây dựng được một tập thể nhà giáo vừa giỏi chuyên môn, vừa tâm huyết với triết lý giáo dục tiên tiến. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho người dạy - khi họ được tôn trọng, có điều kiện phát triển sự nghiệp - mà cuối cùng còn nâng cao chất lượng giảng dạy cho học sinh, sinh viên trong toàn hệ thống.

fpt-4.png
fpt-6.png

Phóng viên: Mặc dù có nhiều đóng góp, nhưng đôi khi hệ thống giáo dục tư thục vẫn chưa được động viên đúng mức, thậm chí bị cạnh tranh khá lớn với hệ thống công lập. Đâu là những khó khăn đối với Khối giáo dục FPT khi phát triển quy mô mạng lưới, thưa ông?

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Phong: Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là việc không có đất và thủ tục phức tạp, kéo dài để xin đất đầu tư xây dựng trường. Với mong muốn phát triển mạng lưới trường FPT tại nhiều tỉnh thành, chúng tôi đã đề xuất đầu tư với các địa phương, tham gia đấu thầu thuê đất công phục vụ giáo dục theo đúng quy định của Nhà nước.

Hầu hết các tỉnh thành đều ủng hộ chủ trương và hoan nghênh FPT đầu tư vào giáo dục. Thế nhưng, từ chủ trương đến hiện thực có khoảng cách khá lớn - quá trình hoàn tất các thủ tục xin thuê đất, giải phóng mặt bằng, cấp phép xây dựng… thường kéo dài hơn dự kiến rất nhiều. Chi phí đầu tư ban đầu tăng lên đáng kể, đặt ra thách thức trong việc duy trì mức học phí ổn định - điều mà nhà trường luôn nỗ lực thực hiện để hỗ trợ phụ huynh.

Riêng về việc thành lập trường phổ thông liên cấp, FPT không gặp những vấn đề lớn về thủ tục, nếu có chỉ là ở những khu đất đã quy hoạch rõ ràng là dùng làm trường cấp mấy và phải làm thủ tục để điều chỉnh lại quy hoạch nếu cần.

fpt-9.png

Phóng viên: Vừa qua, nhiều chuyên gia giáo dục đề xuất Nhà nước ưu tiên tạo điều kiện cho khối giáo dục tư thục tiếp cận nguồn lực từ các trụ sở dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính, để mở trường. Ông nhìn nhận thế nào về cơ hội này?

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Phong: Về đề xuất sử dụng các trụ sở hành chính dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính làm cơ sở cho giáo dục tư thục, tôi cho rằng đây là một hướng đi rất đáng nghiên cứu, có lợi cho cả Nhà nước, nhà trường lẫn người dân.

Tuy nhiên, ngoài lợi thế về vị trí và diện tích, thiết kế công năng của các trụ sở này chưa hoàn toàn phù hợp với hoạt động và nhu cầu của các trường phổ thông nên có thể sẽ mất rất nhiều nguồn lực để cải tạo.

Hơn thế nữa, việc định giá, chuyển giao tài sản của nhà nước là một việc rất phức tạp, liên quan đến nhiều thủ tục cần tháo gỡ ở các cấp.

Để triển khai hiệu quả, các địa phương cần có tiêu chí minh bạch trong việc cho thuê hoặc chuyển giao những trụ sở này - ưu tiên các đơn vị giáo dục uy tín, có năng lực tài chính và cam kết lâu dài.

fpt-15.png

Phóng viên: Theo ông, cần có thêm những ghi nhận xứng đáng như thế nào để tạo động lực cho hệ thống giáo dục tư thục phát triển?

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Phong: Để khối giáo dục tư thục phát huy tốt nhất vai trò, chúng tôi rất mong nhận được sự ghi nhận và hỗ trợ tích cực hơn nữa từ phía Nhà nước. Trước hết, cần khẳng định rằng, chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước những năm qua là hoàn toàn đúng đắn.

Nhờ chủ trương này, doanh nghiệp như FPT mới mạnh dạn đầu tư dài hạn vào giáo dục. Thực tế, các nhà đầu tư giáo dục tư nhân đều chung mục tiêu góp phần đa dạng hóa và nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục nước nhà.

Chúng tôi mong Nhà nước ghi nhận khu vực ngoài công lập như một thành phần bình đẳng, cùng hướng tới mục tiêu phát triển giáo dục. Sự ghi nhận thể hiện qua việc kịp thời biểu dương những mô hình giáo dục tư thục tốt, nhân rộng các sáng kiến hay từ khối tư thục sang công lập, đồng thời xem thành tựu của giáo dục tư thục là thành tựu chung của ngành giáo dục.

Bên cạnh đó, chúng tôi kỳ vọng các cấp quản lý tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể hơn cho khối trường tư - từ ưu đãi thuế, tín dụng đến tạo điều kiện về đất đai, thủ tục.

fpt-10.png

Phóng viên: Ngoài ra, ông có đề xuất/kiến nghị gì để tạo điều kiện cho hệ thống giáo dục tư thục phát triển?

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Phong: Để giáo dục tư thục bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới, chúng tôi có một số kiến nghị về cải cách thủ tục hành chính và chính sách hỗ trợ rất mong được Nhà nước xem xét.

Thứ nhất, cần có chủ trương hỗ trợ đất đai và cơ sở vật chất cho các dự án giáo dục tư nhân. Chính phủ và chính quyền địa phương nên tiếp tục quy hoạch, dành quỹ đất phù hợp cho giáo dục tư thục ở các đô thị - có như vậy mới giải quyết tận gốc bài toán thiếu trường trong tương lai.

Thứ hai, cần đơn giản hoá các thủ tục ưu đãi xã hội hoá, miễn giảm tiền thuê đất trong giáo dục. Việc này cực kỳ quan trọng vì chi phí đất càng thấp thì trường tư thục mới có thể thu học phí ở mức phù hợp với số đông, mở rộng tiếp cận giáo dục cho nhiều tầng lớp hơn.

Thứ ba, cần đổi mới tư duy trong quản lý giáo dục, thay đổi các quy định cho phù hợp với sự phát triển của xã hội, của công nghệ. Ví dụ với sự phát triển của các công nghệ và phương thức học trực tuyến, học với trí tuệ nhân tạo, các quy định về số lượng giảng viên hay mét vuông đất trên sinh viên cần có những sự điều chỉnh phù hợp.

Tóm lại, với bối cảnh ngân sách nhà nước cho giáo dục còn hạn hẹp, việc khơi thông nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục là cực kỳ quan trọng. Khi các rào cản về thủ tục, đất đai, chính sách được tháo gỡ, tôi tin rằng, nhiều doanh nghiệp và tổ chức sẽ mạnh dạn tham gia hơn, tạo nên một hệ sinh thái giáo dục phong phú.

Lúc đó, không chỉ khối tư thục phát triển, mà mục tiêu chung - nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng một nền giáo dục hiện đại cho Việt Nam - sẽ sớm thành hiện thực.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

Mộc Trà