Góp ý của CLB Chủ tịch Hội đồng trường đối với dự thảo Luật Giáo dục đại học

21/05/2025 10:24
Doãn Nhàn

GDVN -Nếu triệt tiêu hoặc làm suy giảm vai trò của Hội đồng trường thì cũng đồng nghĩa với việc triệt tiêu tinh thần tự chủ đại học.

Ngày 20/5, Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) có công văn gửi Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) để góp ý xây dựng Luật Giáo dục đại học.

Các ý kiến đóng góp được tổng hợp trên cơ sở kết quả khảo sát, lấy ý kiến và trao đổi tại tọa đàm giữa các thành viên Câu lạc bộ được tổ chức vào chiều ngày 19/5 vừa qua.

Theo công văn góp ý gửi Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường nhận định, dự thảo Luật Giáo dục đại học lần này đã có nhiều điều chỉnh cụ thể, không chỉ về nguyên tắc, mà đã là những điều khoản thực chất, thể hiện tư duy lập pháp tiến bộ và gắn sát với thực tiễn quản trị đại học hiện nay.

Các điểm như quyền làm thêm của người học, đổi mới tài chính theo hiệu quả, khung chương trình linh hoạt, thay đổi đơn vị tổ chức, phân quyền sử dụng tài trợ… đều là những “điểm sáng” đã thành hình trong văn bản pháp luật, chứ không chỉ dừng lại ở mục tiêu.

Dự thảo Luật Giáo dục đại học đang lấy ý kiến hiện có 6 chính sách mới được đánh giá là mang tính đột phá:

1. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng hệ thống quản trị đại học tiên tiến.

2. Hiện đại hóa chương trình và phương thức đào tạo, thúc đẩy chuyển đổi số và học tập suốt đời.

3. Định vị cơ sở giáo dục đại học là trung tâm nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.

4. Tăng cường huy động nguồn lực, nâng cao hiệu quả đầu tư.

5. Phát triển đội ngũ giảng viên và xây dựng môi trường học thuật sáng tạo.

6. Đổi mới cách tiếp cận quản trị chất lượng.

ah9i2416.jpg
Ảnh minh họa: VNU

Bên cạnh việc ghi nhận những điểm mới tích cực trong dự thảo, Câu lạc bộ cũng nêu ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện hơn nữa dự thảo Luật Giáo dục đại học:

Thứ nhất, khẳng định tự chủ đại học là một xu thế tất yếu, là động lực cốt lõi cho sự phát triển của giáo dục đại học Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng. Văn bản góp ý nhấn mạnh:

“Luật Giáo dục đại học đang được sửa đổi nếu triệt tiêu hoặc làm suy giảm vai trò của Hội đồng trường thì cũng đồng nghĩa với việc triệt tiêu tinh thần tự chủ đại học, điều này sẽ tác động tiêu cực đến năng lực đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước”.

Trên cơ sở đó, Câu lạc bộ kiến nghị tiếp tục luật hóa tự chủ đại học trong dự thảo Luật. Trong khi Luật số 34/2018/QH14 đã xác lập rõ vai trò trung tâm của Hội đồng trường như một thiết chế quyền lực cao nhất trong trường đại học, thì dự thảo mới lại chưa thể hiện rõ tinh thần kế thừa và phát triển điều này. Do đó, cần xem xét lại các quy định liên quan đến Hội đồng trường trong Dự thảo. Cần khôi phục đầy đủ quyền lực thực chất cho Hội đồng trường như Luật 34, đặc biệt là quyền quyết định về nhân sự lãnh đạo chủ chốt và các vấn đề chiến lược của nhà trường. Đồng thời, cần tôn trọng và bảo đảm quyền tự quyết của trường đại học về tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính và học thuật, phù hợp với các chủ trương, nghị quyết của Đảng và thông lệ quốc tế tốt về quản trị đại học tự chủ, hiệu quả.

Thứ hai, để xây dựng một hệ thống giáo dục đại học hiện đại, hiệu quả, cần giữ vững tiếp tục tăng cường thực hiện phân cấp, phân quyền theo hướng mạnh dạn, rõ ràng, minh bạch hơn; hạn chế tối đa sự can thiệp hành chính của cơ quan chủ quản vào các hoạt động tự chủ về chuyên môn, tổ chức, nhân sự, tài chính của cơ sở giáo dục đại học. Nâng cao, tăng cường thực quyền của Hội đồng trường, nâng cao hơn nữa vai trò tự chủ của cơ sở giáo dục đại học và của Hội đồng trường.

Thứ ba, kiến nghị làm rõ, phân định cụ thể hơn giữa vai trò của Hội đồng đại học (ở cấp đại học quốc gia, đại học vùng) và Hội đồng trường của các trường đại học thành viên trong mô hình đại học hai cấp. Việc phân định rành mạch giữa hai cấp này sẽ góp phần giải quyết những vướng mắc trong vận hành thực tế, đồng thời tránh tình trạng chồng chéo hoặc phủ định vai trò của cấp quản trị nào. Hội đồng trường đại học thành viên cần có thực quyền để phát huy tối đa vai trò. Đặc biệt, việc giữ nguyên hội đồng trường và tư cách pháp nhân của trường đại học thành viên trong mô hình đại học vùng, đại học quốc gia là tối quan trọng.

Thứ tư, tiếp tục thực hiện nhất thể hóa Bí thư Đảng ủy là Chủ tịch Hội đồng trường. Đây là hướng đi đúng đắn, giúp tăng cường sự lãnh đạo thống nhất và hiệu quả. Tuy nhiên, để cơ chế nhất thể hóa phát huy được vai trò thực chất, thì nhất thiết phải đi kèm với một hệ thống luật pháp cho phép phân quyền mạnh hơn, rõ hơn, cụ thể hơn giữa các thiết chế trong nhà trường.

Thứ năm, đề xuất nhà nước cần thể hiện quan tâm rõ hơn, tăng cường hơn nữa đầu tư hơn nữa đối với tự chủ đại học.

Thứ sáu, để thực hiện chủ trương của Đảng, tinh thần của Nghị quyết số 66-NQ/TW, các thành viên Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường góp ý cần bổ sung 01 điều khoản mang tính nguyên tắc để đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ khi triển khai chính sách “Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, kiến tạo hệ thống quản trị đại học tiên tiến”, cụ thể là:

-Thực hiện phân cấp mạnh, đồng bộ của cơ quan chủ quản cho cơ sở giáo dục đại học đảm bảo tăng cường tự chủ của cơ sở giáo dục đại học;

- Kế thừa quy định của Luật số 34/QH14 về mô hình Hội đồng trường, không tổ chức Hội đồng trường ở các cơ sở giáo dục đại học của lực lượng vũ trang (Quân đội, Công an); tăng cường vai trò của Hội đồng trường của trường đại học thành viên (đại học quốc gia, đại học vùng).

- Xác định nhất quán vai trò và chức năng của Hội đồng trường đại diện cho cơ sở giáo dục đại học đón nhận và triển khai phân cấp của cơ quan chủ quản để xây dựng hệ thống quản trị đại học tiên tiến;

- Trách nhiệm của Đảng uỷ - Hội đồng trường và Hiệu trưởng trong việc thực hiện phân cấp của cơ quan chủ quản và triển khai tự chủ đại học.

Doãn Nhàn