Sứ mệnh tạo nguồn đào tạo nhân tài của trường chuyên hiện nay chưa rõ hiệu quả

19/05/2025 06:38
Đào Mai

GDVN - Việc vận hành mô hình trường chuyên đang có dấu hiệu lệch hướng khi coi thành tích thi cử là thước đo hiệu quả.

Theo các chuyên gia giáo dục, trường chuyên được giao trọng trách phát hiện, bồi dưỡng nhân tài, phục vụ mục tiêu dài hạn là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Tuy nhiên, hiện nay điều này chưa được thể hiện rõ nét khi trường chuyên vẫn đang tập trung vào việc đào tạo học sinh tham gia các kỳ thi trong nước, quốc tế.

Trường chuyên chưa thực hiện tốt sứ mệnh, cần xem lại cách tổ chức, vận hành

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Mỹ Lộc - Hiệu trưởng sáng lập Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá: “Về bản chất, trường chuyên thực hiện sứ mệnh lớn của giáo dục: phát hiện và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Nếu được vận hành đúng mục tiêu, trường chuyên sẽ là nền tảng để học sinh phát huy tối đa điểm mạnh, năng khiếu cá nhân theo đúng thiên hướng phát triển.

Việc phát hiện và bồi dưỡng nhân tài cần được bắt đầu từ sớm, ngay từ bậc phổ thông. Tuy nhiên, không phải tất cả học sinh trường chuyên đều trở thành tài năng xuất chúng. Quá trình phát triển trí tuệ và năng lực cá nhân chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, từ sinh học, tâm lý đến môi trường xã hội. Vì vậy, kết quả của quá trình bồi dưỡng phụ thuộc vào cả yếu tố chủ quan và khách quan.

Hiện nay, chúng ta nhận thức về trường chuyên vẫn còn thiếu sự đồng thuận và đầy đủ, dù mô hình này đã tồn tại nhiều thập kỷ và có rất nhiều học sinh ghi dấu ấn trong kỳ thi quốc gia và quốc tế. Do chưa hiểu đúng mục tiêu của trường chuyên, nhiều phụ huynh và học sinh tìm mọi cách để theo học, mà chưa cân nhắc kỹ về năng lực, đam mê và mức độ phù hợp với định hướng đào tạo chuyên sâu của mô hình này.

Chất lượng đào tạo của trường chuyên chỉ phát huy hiệu quả khi người học có xuất phát điểm phù hợp. Nếu không, sự lệch pha giữa mục tiêu đào tạo và năng lực học sinh sẽ gây khó khăn không chỉ cho người học, người dạy mà còn làm sai lệch sứ mệnh ban đầu của trường chuyên.

Mặt khác, nhiều trường chuyên đang quá chú trọng vào năng lực chuyên biệt để học sinh đi thi lấy giải thưởng mà bỏ qua các mặt phát triển khác, dẫn đến lệch hướng trong giáo dục. Tuy nhiên, những bất cập của mô hình này không nằm ở bản chất của trường trung học phổ thông chuyên, mà ở cách thức tổ chức và phương pháp triển khai trong thực tế. Cần làm sao để học sinh vừa có thể phát triển thế mạnh cá nhân, vừa được rèn luyện hài hòa về các kỹ năng, đạo đức, tư duy và thể chất.

Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Mỹ Lộc cho rằng, hiệu quả của trường chuyên khó đánh giá, bởi mục tiêu của giáo dục thường mang tính định tính. Quá trình học tại trường chuyên chưa đủ để đo lường kết quả của giáo dục.

Việc nhìn nhận lại vai trò và định hướng của trường chuyên là điều cần thiết, từ đó có giải pháp nâng cao hiệu quả vận hành mô hình này trong bối cảnh mới. Khi đã có nhận thức đúng, điều tiếp theo là phải xây dựng quy trình triển khai phù hợp, vận hành các mô hình tổ chức hiệu quả để đạt được mục tiêu đó.

IMG_0674.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Mỹ Lộc: website Trường Đại học Trà Vinh

Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, nếu trường chuyên thực hiện đúng sứ mệnh phát hiện và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước thì mô hình này vẫn có ý nghĩa và phù hợp trong bối cảnh hiện nay và tương lai.

Tuy nhiên, việc vận hành mô hình trường chuyên đang có dấu hiệu bị lệch hướng khỏi mục tiêu giáo dục ban đầu khi tập trung quá mức vào các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, kỳ thi quốc tế, coi thành tích thi cử là thước đo hiệu quả. Điều này dẫn đến tình trạng học sinh bị đào tạo thiên lệch, thiếu sự phát triển toàn diện.

Một hạn chế khác của mô hình trường chuyên hiện nay là mục tiêu đào tạo chưa gắn chặt với hiệu quả thực tế. Dù được đầu tư lớn về nguồn lực, cơ sở vật chất và đội ngũ nhân lực, nhưng sau nhiều năm vận hành, không ít trường chuyên vẫn chưa có cơ sở rõ ràng để đánh giá hiệu quả đầu ra. Trường có bao nhiêu cựu học sinh trở thành lãnh đạo, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành hay doanh nhân thành công vẫn là câu hỏi mà nhiều trường chuyên chưa thể trả lời cụ thể.

Thực tế này cho thấy, mô hình trường chuyên chưa phát huy hết tiềm năng trong việc phát hiện và bồi dưỡng nhân tài. Bên cạnh đó, việc phát triển trường chuyên theo phong trào, chạy theo thành tích mà thiếu chiến lược dài hạn dễ dẫn đến lãng phí nguồn lực. Cách tổ chức chưa hợp lý cũng khiến nhiều học sinh chịu áp lực thi cử, thay vì được học tập trong môi trường khuyến khích sáng tạo và phát triển năng lực cá nhân.

Mặt khác, việc trường chuyên nhận được sự đầu tư về nhiều mặt nhưng lại vận hành theo hướng đề cao thành tích dẫn đến một số tiêu cực trong tuyển sinh đầu vào; tình trạng dạy thêm học thêm, ôn thi chuyên tràn lan, cũng làm “méo mó” sứ mệnh của mô hình này.

Cùng với đó, cần mở rộng quan niệm về trường chuyên. Ở một số quốc gia, trường chuyên (specialized school) không chỉ dành cho các môn học tự nhiên, xã hội mà còn bao gồm nghệ thuật, thể thao – những lĩnh vực cũng sản sinh ra các nhân tài. Tại Việt Nam, một số trường nghệ thuật đã thực hiện đúng tinh thần này, tuy nhiên lại không được gọi là "trường chuyên", mặc dù họ đào tạo những người tài năng bài bản, chuyên sâu và hiệu quả.

Vì vậy, để trường chuyên phát huy đúng vai trò, cần định hướng lại mục tiêu đào tạo và xây dựng một cách tiếp cận toàn diện, hài hòa hơn, từ nhận thức đến chính sách đến cách tổ chức thực tiễn. Cần rà soát, đánh giá mô hình trường chuyên một cách khách quan, mô hình nào hiệu quả thì tiếp tục triển khai, khi đã bồi dưỡng nhân tài thì phải có chiến lược sử dụng phù hợp. Nếu việc vận hành sai lệch, không nên quy trách nhiệm cho mô hình mà cần xem lại cách tổ chức thực hiện.

tshoangngocvinh-giaoducnetvn-6626-7707.jpg
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ảnh: N.P

Trong khi đó, bà Tăng Thị Ngọc Mai - nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh, Đại biểu Quốc hội khóa XIV nhận định, đến nay, mô hình trường trung học phổ thông chuyên vẫn còn phù hợp, nhưng nếu không có sự điều chỉnh hợp lý trong vòng 5 năm tới, mô hình này sẽ không còn đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Hiện nay, nhiều trường chuyên chưa gắn giáo dục, đào tạo với thực tiễn và chưa đáp ứng được nhu cầu của học sinh, phụ huynh. Ví dụ, dù học lớp chuyên nhưng học sinh vẫn phải đi học thêm môn học đó để chuẩn bị các chứng chỉ, điều này cho thấy mô hình trường chuyên chưa thực sự chuyên sâu.

Bên cạnh đó, phần lớn mô hình trường chuyên tại Việt Nam vẫn đang vận hành như các trường trọng điểm, chưa thể hiện rõ vai trò trong việc đào tạo nhân tài chuyên biệt. Nhà nước vẫn luôn quan tâm, đầu tư rất lớn cho các trường chuyên, tuy nhiên phần lớn nguồn lực lại đang được tập trung cho việc luyện thi chọn học sinh giỏi quốc gia và quốc tế, dẫn đến nguy cơ lệch hướng so với mục tiêu giáo dục, bồi dưỡng nhân tài lâu dài cho đất nước.

Không thể phủ nhận một số trường chuyên tại các thành phố lớn vẫn đang thực hiện tốt việc duy trì chất lượng đào tạo và phát huy thế mạnh. Tuy nhiên, nhiều trường chuyên ở địa phương vẫn chưa phát triển đúng mức, từ đội ngũ giáo viên, đến công tác quản lý và chương trình giảng dạy còn thiếu đồng bộ và chiều sâu. Điều này khiến mô hình trường chuyên chưa thực sự phát huy hết tiềm năng của học sinh, khi chưa xây dựng được một hệ sinh thái giáo dục đủ mạnh để bồi dưỡng học sinh theo định hướng chuyên sâu và phát triển năng lực nổi trội trong từng lĩnh vực.

Ở một số địa phương, việc triển khai mô hình trường chuyên còn phụ thuộc nhiều vào cách thức phối hợp giữa các cơ quan chức năng, nên đôi khi chưa đồng bộ và chưa thực sự sát với yêu cầu phát triển chất lượng chuyên sâu.

Theo bà Tăng Thị Ngọc Mai, mô hình trường chuyên được xây dựng với mục tiêu phát hiện và bồi dưỡng nhân tài. Vì vậy, chỉ những học sinh thực sự có năng khiếu, đáp ứng đủ điều kiện đầu vào mới có thể theo học. Khi đã trúng tuyển, các em sẽ được học tập trong môi trường tốt hơn. Chính sự ưu tiên về điều kiện này đã tạo ra sự phân hóa trong hệ thống giáo dục.

Trường chuyên được xem là nơi khởi đầu để phát hiện và bồi dưỡng nhân tài. Song, để mô hình này vận hành hiệu quả, cần xác định rõ thế nào là “nhân tài” và bồi dưỡng nhân tài cần thực hiện sao cho đúng hướng. Khi đã làm rõ được khái niệm và mục tiêu, trường chuyên mới có thể thực sự đáp ứng được kỳ vọng mà xã hội đặt ra.

c.mai.jpg
Bà Tăng Thị Ngọc Mai - nguyên Phó Giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh, Đại biểu Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Trà Vinh

Trường chuyên không thể dừng lại ở việc “xong cấp học là xong nhiệm vụ”, cần gắn kết với các trường đại học, doanh nghiệp

Trước những bất cập còn tồn tại ở mô hình trường chuyên, theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, cần đổi mới toàn diện mô hình trường chuyên, từ công tác tuyển sinh, tổ chức dạy học đến quản lý và liên kết phát triển. Trường chuyên không thể dừng lại ở việc “xong cấp học là xong nhiệm vụ”, mà phải trở thành một mắt xích trong hệ sinh thái giáo dục gắn kết với đại học, doanh nghiệp và nhu cầu phát triển nhân lực trình độ cao trong tương lai.

Mô hình trường chuyên hiện nay cần được định hướng lại để phát huy hiệu quả thực chất trong đào tạo nhân tài. Một trong những giải pháp lâu dài là gắn kết trường chuyên với các trường đại học, đặc biệt là những đại học có thế mạnh về nghiên cứu và đào tạo khoa học cơ bản. Mô hình trường chuyên có đại học đỡ đầu sẽ tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận sớm với môi trường học thuật chuyên sâu, đồng thời định hướng nghề nghiệp rõ ràng hơn.

Cùng với đó, trong bối cảnh đất nước cần nguồn nhân lực chất lượng cao ở các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu hay công nghệ sinh học… việc gắn trường chuyên với doanh nghiệp cũng là hướng đi khả thi. Doanh nghiệp có thể đỡ đầu, cấp học bổng cho học sinh tài năng theo cam kết đào tạo, từ đó tạo nguồn nhân lực trực tiếp phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh trong nước.

Mặt khác, nhiều địa phương vẫn đầu tư lớn để xây dựng cơ sở vật chất hoành tráng cho trường chuyên, nhưng đóng góp cụ thể của các trường này cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương lại chưa rõ ràng. Do đó, cần nhìn lại tính hiệu quả và cân nhắc tinh giản mô hình trường chuyên, thay vì dàn trải thiếu định hướng.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, để tránh tình trạng trường chuyên trở thành “lò luyện thi học sinh giỏi” mà không mang lại giá trị bền vững cho đất nước, điều đầu tiên cần xác định rõ tầm nhìn và mục tiêu của mô hình này. Từ đó, cải tiến chương trình đào tạo theo hướng thực tiễn hơn, nâng cao hiệu quả tận dụng nhân tài sau đào tạo. Ngoài ra, cần chú trọng trang bị kỹ năng sống và kỹ năng mềm cho học sinh, thay vì chỉ tập trung vào thành tích thi cử.

737-6428.jpg
Trường chuyên không thể dừng lại ở việc “xong cấp học là xong nhiệm vụ”, mà phải gắn với phát triển nhân lực trình độ cao trong tương lai. Ảnh minh họa: Ngọc Mai

Trong khi đó, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Mỹ Lộc cho rằng, hiện nay, các tỉnh, thành đều đã có trường chuyên. Trước bối cảnh tinh gọn, sáp nhập các tỉnh, việc sáp nhập các trường chuyên cũng nên được xem xét sao cho phù hợp với bối cảnh lịch sử, địa lý và tiềm lực từng địa phương.

Các quyết định tổ chức, sáp nhập hay mở rộng trường chuyên cần có căn cứ khoa học và khả năng đáp ứng của từng địa phương, không thể áp dụng dồn ghép mang tính cơ học rằng nhập tỉnh thì phải nhập cả trường chuyên. Việc có bao nhiêu trường chuyên 1 tỉnh hay 1 khu vực lớn phải dựa trên khảo sát, đánh giá năng lực học sinh và quy hoạch dân số trong độ tuổi 15-18.

Bên cạnh đó, việc để các trường đại học làm đơn vị chủ quản trường chuyên nhằm gắn đào tạo học sinh tài năng với nhu cầu thực tiễn và nối dài quá trình bồi dưỡng là giải pháp cần được cân nhắc. Thực tế, mô hình này không mới và có một số trường chuyên trực thuộc trường đại học như Trường Trung học phổ thông Chuyên Đại học Sư phạm (trực thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học Tự nhiên (trực thuộc Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội)...

Khi có đơn vị chủ quản là trường đại học, học sinh không chỉ được học tập trong môi trường chất lượng, mà còn có cơ hội tiếp xúc, trao đổi trực tiếp với các nhà khoa học đầu ngành, từ đó phát triển tư duy và năng khiếu chuyên sâu, đam mê nghiên cứu và định hướng nghề nghiệp sớm.

Bên cạnh đó, nhiều trường trung học phổ thông chuyên tại các địa phương vẫn mời các giảng viên, chuyên gia đầu ngành về giảng dạy, không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn truyền cảm hứng yêu khoa học cho học sinh. Đây là một trong những lợi thế cần tiếp tục phát huy.

Đào Mai