Nộp lại 3/4 tài sản tham ô, hối lộ được miễn án tử hình
Văn phòng Chủ tịch nước vừa tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 với nhiều điểm quan trọng.
Theo đó, một số quy định được áp dụng gồm: Không xử lý hình sự đối với người tảo hôn; nhà nước chủ động phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại; xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu xảy ra vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công.
Đặc biệt, từ ngày luật số 12/2017/QH14 được công bố, tiếp tục thực hiện các quy định như không áp dụng hình phạt tử hình khi xét xử người phạm tội mà Bộ luật hình sự 2015 đã bỏ hình phạt tử hình đối với người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.
Trường hợp đã tuyên hình phạt tử hình nhưng chưa thi hành án thì không thi hành nữa và Chán án Tòa án nhân dân tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân.
Đối với những người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, nhận hối lộ nhưng chưa thi hành án mà đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì cũng không thi hành án nữa.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân.
Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền. Ảnh đăng trên Báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam. |
Bình luận về vấn đề này, hôm 14/7, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền (Ủy ban Pháp luật Quốc hội) cho rằng, đây là quy định rất quan trọng trong việc thu hồi tài sản tham ô, hối lộ.
"Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất đồng thời cũng là mục tiêu cuối cùng trong việc xử lý các vụ án kinh tế tham nhũng là thu hồi tối đa tài sản tham ô, hối lộ.
Bởi lẽ, đối tượng tham ô vì mục đích kinh tế, còn nhà nước thì mất tiền.
Quy định này cũng khuyến khích tội phạm ăn năn hối
Lòng Dân với Đảng không nằm ở từ ngữ, văn bản khô cứng, sáo mòn |
cải, bồi hoàn tài sản chiếm đoạt trái quy định, khắc phục hậu quả.
Điều này hoàn toàn có lợi cho nhà nước trong việc thu hồi tài sản vi phạm.
Ngược lại, nếu xử lý tử hình tội phạm tham nhũng, nhưng nhà nước không thu lại tiền thì chưa hoàn thành mục đích cuối cùng.
Do đó, việc trừng trị tội phạm tham nhũng là vấn đề quan trọng nhưng không phải là vấn đề cần ưu tiên số một", Đại biểu Bùi Văn Xuyền nêu quan điểm.
Vị Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội cũng cho rằng, việc nộp lại 3/4 tài sản tham ô, hối lộ sẽ được miễn án tử hình, nhưng không có nghĩa rằng 1/4 tài sản còn lại không bị thu hồi.
"Không phải bị cáo nộp lại 3/4 tài sản tham ô, hối lộ, còn 1/4 nữa thì không phải nộp. Điều này không đúng.
Phải hiểu rằng, việc đối tượng vi phạm nộp lại 3/4 tài sản chỉ là một trong những điều kiện cần để đối tượng được xem xét miễn án tử hình.
Còn 1/4 tài sản bị cáo vẫn phải nộp lại theo quy định và đối tượng vi phạm vẫn phải chịu án tù giam.
Trong trường hợp trên, nếu đối tượng vi phạm khắc phục được hậu quả thì được xem như một tình tiết giảm nhẹ và phù hợp với mục tiêu của chúng ta là thu hồi tối đa tài sản tham ô", Đại biểu Bùi Văn Xuyền phân tích.
Một số ý kiến cho rằng, việc tính toán tài sản của đối tượng tham ô là điều không dễ dàng, thậm chí tài sản đó có thể đã được chuyển sang cho người thân, hoặc hợp pháp hóa bằng các hình thức khác.
Về việc này, Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền lý giải: Việc xác định tài sản tham ô, hối lộ, gây thiệt hại kinh tế cho nhà nước sẽ được tính toán chính xác bằng các quy định của pháp luật hiện hành.
Tài sản đối tượng tham ô sẽ được công bố tại tòa án căn cứ theo kết luận điều tra...
Thực tế có những thiệt hại có thể phát sinh trong tương lại khó có thể thể tính toán chính xác được, nhưng thiệt hại thực tế đã xảy ra thì chúng ta hoàn toàn làm được.
Nếu không biết người ta tham ô bao nhiêu thì làm sao kết tội được đối tượng vi phạm?", Đại biểu Bùi Văn Xuyền cho biết.
Dương Chí Dũng có thể thoát án tử hình?
Một cán bộ cấp cao công tác trong lĩnh vực tố tụng hình sự (xin không nêu tên) cho rằng, việc miễn án tử hình đối với tội phạm đã nộp lại 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ, thể hiện tính nhân văn của Đảng, nhà nước.
Bị cáo Dương Chí Dũng tại phiên toà phúc thẩm năm 2014 (ảnh: VOV). |
“Tôi rất ủng hộ quy định mang tính nhân văn này. Một số nước trên thế giới đã bỏ án tử hình lâu rồi thay vào đó là tăng thời gian giam giữ.
Vấn đề đặt ra là, trong quá trình điều tra, cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định chính xác số tiền đối tượng tham ô, nhận hối lộ phù hợp với hành vi vi phạm, gây thiệt hại, để thu về tối đa tài sản nhà nước chiếm đoạt bất hợp pháp", vị cán bộ này nói.
Cũng theo cán bộ này, với việc áp dụng quy định mới, thì một số đối tượng đã bị kết án tử hình như trường họp của Dương Chí Dũng có khả năng sẽ thoát án tử hình nếu đáp ứng các điều kiện như, khắc phục 3/4 tài sản và đã hợp tác tích cực với cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, lập công lớn theo quy định.
Trước đó, vào tháng 5/2014, Tòa án nhân dân Tối cao đã giữ nguyên án sơ thẩm với hình phạt tử hình đối với Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines.
Bị cáo này phải bồi thường Vinalines 110 tỷ đồng, trong đó 10 tỷ đồng do phạm tội "Tham ô tài sản", 100 tỷ đồng do phạm tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Đến nay, gia đình Dương Chí Dũng đã tự nguyện nộp khắc phục hậu quả gần 7,5 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng đã xử lý 3.900 USD tạm giữ, thu được trên 82 triệu đồng; xử lý căn hộ số 10, tầng 8 tòa nhà Pacific 83 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) thu được gần 4,4 tỷ đồng; xử lý căn hộ số 2901, tầng 29, tháp B tòa nhà Skycity 88 Lán Hạ, quận Đống Đa (Hà Nội) thu trên 4,9 tỷ đồng.
Ngoài ra, ngôi nhà số 2, ngõ 26 đường Nguyên Hồng, quận Đống Đa (Hà Nội) đã được bán cho người được quyền ưu tiên mua theo quy định.
Đáng chú ý, ngoài những tài sản đã được cơ quan tiến hành tố tụng kê biên trên thì Dương Chí Dũng không còn tài sản nào khác.
Căn cứ vào Luật Thi hành án dân sự 2014, cơ quan thi hành án đã ra quyết định không có điều kiện thi hành với khoản tiền trên 88,5 tỷ đồng còn lại của Dương Chí Dũng.