Ven đường ray dọc khu vực quốc lộ 1A (Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội) có nhiều lối mở tự phát để sang khu dân cư đông đúc. Nơi đây được coi là điểm "nóng" về an toàn giao thông đường sắt, bởi có nhiều vụ tai nạn thương tâm đã từng xảy ra.
Tuy nhiên, những năm gần đây, khi barie tự động được lắp đặt đã góp phần đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, cũng như giảm số vụ tai nạn.
Là người dân sinh sống ở đây đã hơn 40 năm, ông Lê Kinh Thành (75 tuổi, trú tại số nhà 104 Ngọc Hồi) nhớ lại, thời điểm ông mua đất xây nhà ở tại đây, dân cư rất ít, xung quanh đa phần là ao hồ. Theo thời gian, đất chật người đông, mọi người cũng đổ về đây mua đất làm nhà nhiều lên.
Barie tự động được lắp đặt đã nâng cao ý thức của người dân. (Ảnh: Mạnh Đoàn) |
Từ đây, nhiều lối dân sinh được mở ra, cùng với đó, các chuyến tàu chở khách, chở hàng cũng tăng lên theo thời gian để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Bản thân ông Thành cũng từng chứng kiến nhiều vụ tai nạn đường sắt thương tâm. Ông nhớ lại, vụ việc một người hàng xóm gần nhà do mải nghe điện thoại nên bị tàu tông thiệt mạng, hay đó là trường hợp ngồi xe máy ở gần đường ray bị tàu chở khách hút vào va chạm dẫn tới tử vong.
Tại những lối cắt ngang đường sắt có barie tự động đã hạn chế không còn tai nạn xảy ra. (Ảnh: Mạnh Đoàn) |
Khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều barie tự động được lắp đặt tại các lối ngang đường sắt nơi khu vực đông dân, tình trạng mất an toàn giao thông đường sắt đã được giảm tối đa.
"Trước đây có nhiều vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra, nhưng kể từ khi có barie tự động, số vụ tai nạn giao thông đã giảm đi rất nhiều. Trái ngược với đó, ở những nơi không có barie vẫn có tai nạn thương tâm xả ra", ông Thành chia sẻ.
Theo người đàn ông 75 tuổi, ý thức của một số người dân tham gia giao thông vẫn còn kém, có người vẫn cố tình vượt barie đang hạ xuống, làm gãy barie. Các nhân viên sữa chữa, bảo dưỡng phải thường xuyên đến khắc phục.
Cách nhà ông Thành không xa là nhà chị Nguyễn Thủy Chung. Người phụ nữ này cho hay, gia đình chị đã đến đây sống được hơn 30 năm, hiểu được sự nguy hiểm khi sống sát đường ray nhưng không có hàng rào chắn, nên gia đình chị cũng như các gia đình khác thường cấm tuyệt đối trẻ con không được ra chơi gần đường tàu.
"Trẻ con mà chạy ra chơi gần đường tàu là bị bố mẹ cấm tuyệt đối. Biết được sự nguy hiểm và có sự cảnh báo, nhắc nhở thường xuyên của người lớn, trẻ con không có dám bén mảng ra đấy nữa", chị Chung chia sẻ.
|
Chị Chung cho hay, khoảng hơn 1 tháng trước, ngay gần nhà chị ở đã xảy ra vụ tai nạn đường sắt khiến 2 học sinh thiệt mạng. Khi đó vào khoảng hơn hai giờ chiều, hai nam sinh đi xe đạp điện với một bạn đi xe đạp thấy barie đã hạ xuống khi tàu tới, liền đi lên đoạn lối mở tự phát không có rào chắn để qua đường.
Đúng lúc này, đoàn tàu chở khách đi từ hướng ga Hà Nội về phía Nam lao tới tông trúng hai em đi xe đạp điện, còn bạn đi xe đạp phía sau may mắn chưa lao qua nên thoát nạn.
"Dù đã có barie để phòng ngừa tai nạn đường sắt, nhưng vẫn xảy ra vụ việc đau lòng do ý thức chủ quan của người dân. Nhanh một vài phút nhưng lại chậm cả cuộc đời", chị Chung cho hay.
Nền đường dân sinh nhiều đoạn bị xuống cấp cộng với hàng rào ngăn với đường sắt không có, cũng là điều người dân mong muốn được khắc phục. (Ảnh: Mạnh Đoàn) |
Cũng theo chị Chung, để đảm bảo an toàn hành lang đường sắt, ngoài việc lắp đặt thêm hàng rào sắt ngăn cách nhà dân với đường ray, bên cạnh đó đường dân sinh cũng cần phải xây dựng lại vì đã xuống cấp.
Theo ghi nhận của phóng viên, dọc khu vực nơi đây bên cạnh những barie đã được lắp đặt, còn rất nhiều lối mở dân sinh, được gắn biển báo như "chú ý tàu hỏa".
Quốc lộ 1A rộng, nên một số hộ dân còn đậu xe ô tô dưới lòng đường rồi họ băng qua lối mở tự phát để về nhà cho nhanh.
Có rất nhiều biển báo "chú ý tàu hỏa" được cắm tại lối mở tự phát. (Ảnh: Mạnh Đoàn) |
Lối rẽ vào một công ty được cắm biển báo và thanh barie ngăn ô tô đi qua. (Ảnh: Mạnh Đoàn) |
Theo quan sát của phóng viên, thi thoảng vẫn có những người dân qua lại lối mở tự phát trên, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đường sắt.
Tại khu vực gần cầu Văn Điển, có nhiều hộ dân kinh doanh nên lượng người qua lại tại các lối mở tự phát còn rất nhiều. Hình ảnh này khiến không ít người cảm thấy thót tim nếu như có tiếng chuông báo hiệu tàu đến.
Một số tiểu thương cho rằng, dẫu biết là băng qua đường sắt sẽ nguy hiểm, nhưng nếu không thì khách hàng phải đi đường vòng rất bất tiện. Vì vậy, họ luôn phải trông cho khách qua đường an toàn thì mới an tâm.
Rõ ràng để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt rất cần ý thức của người dân bên cạnh việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa như lắp barie từ các quan liên quan.