Tại sao thực phẩm bẩn vẫn có “đất sống”?
Những năm trở lại đây, vệ sinh an toàn thực phẩm trở thành vấn đề được dư luận quan tâm. Hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra và những nguy hại lâu dài không chỉ sức khỏe mà ảnh hưởng nòi giống từ thực phẩm bẩn được cảnh cáo khiến người dân lo lắng.
Sử dụng thực phẩm bẩn là một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam nằm trong top những nước có tỷ lệ ung thư cao nhất thế giới.
Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 150.000 người bị ung thư mới và có khoảng 75.000 người tử vong vì căn bệnh này.
Cơ quan chức năng bắt giữ ần 1 tấn nội tạng động vật hôi thối tại Thanh Hóa vào tháng 9/2015 (ảnh Tạp chí Công thương) |
Có một thực tế, xử lý vi phạm an toàn thực gần như việc nhổ chỗ này, chỗ khác mọc ra.
Ngay cả những nơi tưởng chừng bán thực phẩm an toàn như siêu thị nhưng thực tế việc đưa thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ trà trộn vẫn xảy ra.
Cụ thể trong năm 2015, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội cùng Phòng Cảnh sát môi trường Hà Nội phát hiện Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Đạo Đức ở Vân Nội, Đông Anh ký kết hợp đồng cung cấp rau sạch cho một số siêu thị, nhà hàng, bếp ăn tập thể, trường học ở Hà Nội và Bắc Ninh…
Nhưng thực tế Hợp tác xã Đạo Đức đã tổ chức mua rau, củ tại chợ đêm Yên Nhân, Tiền Phong, Mê Linh, sau đó sơ chế tại nhà và đưa đi tiêu thụ tại một số siêu thị trên địa bàn thành phố. Đáng chú ý trong số rau mua tại các chợ đầu mối có cả rau Trung Quốc.
Số rau nay sau khi được đóng gói lại tuồn vào hệ thống siêu thị như Intimex, Fivimart, Lottemart…
Ngay cả siêu thị cũng bị trà trộn sản phẩm không an toàn (ảnh minh họa - nguồn brandsvietnam) |
Lý giải hiện tượng thực phẩm bẩn, thực phẩm vi phạm an toàn nhưng vẫn có “đất sống” trên thị trường TS. Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho hay, thực phẩm bẩn tồn tại có nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, do lợi nhuận mà một số cơ sở bất chấp quy định của pháp luật, bất chấp đạo đức kinh doanh vi phạm quy định an toàn thực phẩm.
Thứ hai, công tác thanh tra kiểm tra của chúng ta chưa triệt để. Nếu xảy ra dù chỉ là 1 vụ việc không đảm bảo an toàn thực phẩm thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về cơ quan chức năng trong đó có cả cơ quan y tế.
“Tuy nhiên chúng ta cần nhìn nhận khi doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cố tình vi phạm nhưng lực lượng thanh tra, kiểm tra mỏng cũng không thể giám sát kiểm tra đầy đủ, triệt để là rất khó. Xin nhắc lại lần nữa, nói như vậy không phải bao biện mà trách nhiệm đầu tiên vẫn thuộc cơ quan chức năng”, TS. Phong cho biết
Thứ ba, do chính người tiêu dùng, đôi khi người tiêu dùng dù biết sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ nguy cơ mất an toàn thực phẩm rất lớn nhưng vì điều kiện kinh tế hoặc thiếu hiểu biết vẫn mua và sử dụng. Vì thế sản phẩm thực phẩm bẩn mới có “đất sống”.
“Vì vậy chúng ta đưa ra phương châm cộng đồng trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm. Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong đó nhà nước là người chịu trách nhiệm chính”, TS. Phong nhấn mạnh.
Mặt khác theo TS. Nguyễn Thanh Phong, tập quán mua bán, trao đổi hàng hóa tại chợ đặc biệt chợ cóc gây khó khăn trong việc kiểm tra kiểm soát thực phẩm. Rõ ràng về nguyên tắc tất cả thực phẩm tươi sống đưa ra thị trường phải đảm bảo an toàn.
Nhưng có một đặc thù riêng trong sản xuất chế biến thực phẩm ở Việt Nam đó là chúng ta có hàng chục triệu người nông dân nhà nào cũng trồng rau, nuôi gà, thả cá… sử dụng không hết mang ra thị trường bán hết nên điều kiện để chứng nhận cho từng sản phẩm an toàn là rất khó khăn.
“Chúng ta cũng không vì vấn đề an toàn thực phẩm mà cấm người dân mua bán sản phẩm nông sản họ tự sản xuất được. Cho nên công tác đảm bảo an toàn thực phẩm phải song hành với chính sách đưa ra đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm. Cụ thể phải dần xây dựng các vùng rau an toàn”, ông Phong nêu giải pháp.
Có hiện tượng bao che phải cách chức
Trao đổi với phóng viên, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho hay công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thời gian qua có chuyển biến. Tuy nhiên, lĩnh vực an toàn thực phẩm luôn đối mặt với muôn vàn khó khăn, nguy cơ thực phẩm bẩn vẫn có thể tuồn ra thị trường bất cứ lúc nào.
Ông Phong cho biết, một cuộc điều tra xã học "tại sao người tiêu dùng phát hiện thực phẩm không an toàn nhưng tại sao không tố giác", có đến 85% số người được hỏi trả lời: Thứ nhất là ngại va chạm; Thứ hai có tố giác nhưng không giải quyết dứt điểm vấn đề.
Từ kết quả điều tra trên có thể thấy bên cạnh sự e ngại va chạm trong tâm lý người Việt, bản thân người tiêu dùng thấy việc tố giác nhưng không giải quyết dứt điểm khiến người tiêu dùng mất lòng tin.
TS. Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục việt Nam (ảnh H.Lực) |
Qua thực tế đảm bảo an toàn thực phẩm, theo TS. Nguyễn Thanh Phong có địa phương khi kiểm tra biết cơ sở không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng không cho dừng kinh doanh mà chỉ dừng lại nhắc nhở, tiếp tục để cho cơ sở hoạt động và gây ngộ độc.
“Đó là cái xuê xoa chưa làm hết trách nhiệm”, TS. Phong nhấn mạnh.
Đưa ra trường hợp thực tế xảy ra với mình, TS. Nguyễn Thanh Phong kể câu chuyện: Tôi từng nhận được một tin nhắn của người dân thông báo địa chỉ một cơ sở sản xuất rượu giả không đăng ký.
“Tôi chỉ đạo trực tiếp cho cán bộ phụ trách an toàn thực phẩm ở địa phương và thông báo cho người nhắn tin số điện thoại phụ trách an toàn thực phẩm tại địa phương để người đó liên hệ thông tin. Hai ngày sau, người dân đó nhắn tin lại đề nghị cách chức vị cán bộ phụ trách an toàn thực phẩm ở địa phương đó vì người dân đã nhắn tin thông báo địa chỉ cơ sở sản xuất rượu giả nhưng không làm gì.
Trước thông tin phản hồi người dân, Cục An toàn thực phẩm đã có công văn yêu cầu địa phương phải thực hiện thanh tra ngay. Cục phải quyết liệt như thế nhưng đến thứ hai vừa rồi mới thanh tra”, TS. Phong kể.
“Nếu không quyết liệt, đặc biệt là từ người đứng đầu thì vấn đề vi phạm an toàn thực phẩm sẽ không bị ngăn chặn, xử lý”, TS. Nguyễn Thanh Phong khẳng định.
Không khẳng định có hay không việc cơ quan quản lý an toàn thực phẩm ở nhiều địa phương có hiện tượng thờ ơ, bao che, bảo kê nhưng theo TS. Phong nếu thấy rõ vi phạm nhưng thờ ơ, không quyết liệt xử lý thì nên thay người khác.