Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương mới sẽ là người “thông hiểu Đông Á”

28/09/2014 07:46
Việt Dũng
(GDVN) - Tướng Harry B. Harris thăng tiến nhờ tài năng của ông, là người nghiên cứu về an ninh Đông Á, từng bày tỏ không hài lòng với Trung Quốc...
Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Harry B. Harris tại lễ khai mạc diễn tập hải quân đa quốc gia "Vành đai Thái Bình Dương 2014".
Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Harry B. Harris tại lễ khai mạc diễn tập hải quân đa quốc gia "Vành đai Thái Bình Dương 2014".
Theo hãng tin VOA Mỹ và truyền thông Trung Quốc những ngày cuối tháng 9, Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 22 tháng 9 tuyên bố, Bộ trưởng Chuck Hagel vừa đề cử Đô đốc gốc Nhật Harry B. Harris làm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, thay thế cho Đô đốc Samuel Locklear. Đề cử này vẫn còn đợi Thượng viện Mỹ phê chuẩn.

Liên quan đến vấn đề này, trong cuộc họp báo ngày 25 tháng 9, Đô đốc Samuel Locklear, người đang giữ chức Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương cho rằng, nhìn lại thời gian thực hiện chức vụ của mình, khu vực châu Á-Thái Bình Dương luôn duy trì trạng thái phát triển hòa bình, thịnh vượng, nhưng điều này hoàn toàn không có nghĩa “nhất thành bất biến”.

Samuel Locklear chỉ ra, trong tương lai, Quân đội Mỹ cần xây dựng cơ chế trao đổi quốc phòng hoàn thiện hơn ở khu vực này. Ông cho biết, khu vực châu Á-Thái Bình Dương là khu vực triển khai lực lượng quân sự tập trung nhất trên thế giới, xây dựng cơ chế trao đổi có thể làm giảm hiệu quả rủi ro nổ ra xung đột.

Theo bài báo, Đô đốc Samuel Locklear năm nay 60 tuổi, là thượng tướng 4 sao của Hải quân Mỹ, làm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ từ tháng 3 năm 2012, tờ “Tân Kinh báo” Trung Quốc cho ông là người giữ thái độ nghi ngờ với tính khả thi của chiến lược tái cân bằng của Obama, vì vậy đã thay thế người khác.

Đô đốc Harry B. Harris
Đô đốc Harry B. Harris

Được biết, Đô đốc Harry B. Harris, người kế nhiệm của ông Samuel Locklear, năm nay 58 tuổi, sinh ra ở Yokosuka, Nhật Bản vào năm 1956, lớn lên ở Mỹ, từng là một phi công có kinh nghiệm phong phú của Quân đội Mỹ. Cha là giáo quan Hải quân Mỹ, mẹ là một người Nhật bình thường.

Mặc dù ông nhiều năm đảm nhiệm các cương vị khác nhau ở khu vực chiến lược khác, nhưng Harry B. Harris tập trung vào Đông Á, phương hướng học nghiên cứu sinh của ông chính là an ninh Đông Á, được cho là người “thông hiểu Đông Á” trong nội bộ Hải quân Mỹ.

Năm 1978, Harry B. Harris tốt nghiệp Học viện hải quân Mỹ. Sau đó, ông phục vụ trong Hải quân Mỹ, trở thành một phi công hải quân giàu kinh nghiệm, thời gian bay lên tới 4.400 giờ, đã từng tham gia hầu như tất cả các hành động quân sự quan trọng của Quân đội Mỹ từ chiến dịch không kích vịnh Sidra năm 1986 trở đi, giành được rất nhiều huân chương.

Tháng 11 năm 2009, ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Hạm đội 6 của Hải quân Mỹ kiêm Tư lệnh Hải quân Mỹ đóng ở châu Âu và châu Phi. Tháng 3 năm 2011, sau khi bắt đầu chiến dịch quân sự “Bình minh Odyssey” nhằm vào chính quyền Gaddafi của Libya, ông lãnh đạo đơn vị tham chiến. Tháng 11 năm 2011, ông được điều đến Washington, đảm nhiệm Trợ lý Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng.

Tháng 10 năm 2013, Đô đốc Harry B. Harris đảm nhiệm Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Mỹ. Ông tiếp nhận chức Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương sẽ đưa ông trở thành tướng gốc Nhật có quân hàm cao nhất trong Hải quân Mỹ.

Trong buổi lễ nhậm chức Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương vào ngày 16 tháng 10 năm 2013, ông Harry B. Harris cho biết, sẽ dẫn dắt Hạm đội Thái Bình Dương cùng với Lục quân, Không quân, Thủy quân lục chiến, Lực lượng đặc nhiệm và Lực lượng bảo vệ bờ biển tiếp tục tập trung cho thực hiện nhiệm vụ tái cân bằng khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Những năm gần đây, tướng lĩnh gốc Nhật với đại diện là Harry B. Harris từng bước nắm một phần quyền chỉ huy quân sự của Quân đội Mỹ. Chẳng hạn, thiếu tướng không quân Susan K. Mashiko hiện làm Phó cục trưởng Cục do thám quốc gia Mỹ; thượng tướng lục quân Eric Shinseki từng làm Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ.

Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS George Washington, Hải quân Mỹ (ảnh tư liệu)
Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS George Washington, Hải quân Mỹ (ảnh tư liệu)

Chủ nhiệm ban nghiên cứu, Hiệp hội kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị Trung Quốc, Đằng Kiến Quân cho rằng, bối cảnh gốc Nhật của tướng Harris hoàn toàn không phải là Quân đội Mỹ cố ý lựa chọn. Mỹ là quốc gia di dân, người Mỹ gốc Nhật cũng được trọng dụng trong Quân đội Mỹ.

Đằng Kiến Quần cho rằng, nhìn vào toàn bộ quá trình trưởng thành của tướng Harris, thân phận gốc Nhật của ông hoàn toàn không có ảnh hưởng nhiều đến việc thăng chức, bởi vì sự phát triển của sĩ quan Quân đội Mỹ từ sĩ quan sơ cấp đến sĩ quan cao cấp đều có một hệ thống khoa học, hệ thống này đã bảo đảm mỗi một lần thăng chức đều có các loại sát hạch, bao gồm sát hạch về lòng trung thành đối với Mỹ, tố chất quân nhân. Là một quân nhân chuyên nghiệp, lòng trung thành, nghĩa vụ của ông đối với Mỹ là quan trọng hàng đầu.

Viện trưởng Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc, Khúc Tinh cho rằng, bối cảnh gốc Nhật của ông Harris là “con dao hai lưỡi”. Khi giữa Mỹ-Nhật bàn hợp tác, thân phận gốc Nhật sẽ có lợi cho thúc đẩy trao đổi song phương; nhưng Harris một khi xử lý một số vấn đề gai góc, bối cảnh huyết thống và văn hóa này lại dễ trở thành một gánh nặng tâm lý của ông ấy, ông ấy lo ngại người khác nói ông quá thân cận với nước này, luôn muốn thể hiện cứng rắn hơn so với người không có bối cảnh này.

Trong thời gian làm Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, ông Harris từng bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc lập Khu nhận biết phòng không biển Hoa Đông, coi đó là “không hợp thời”. Ngoài ra, năm nay, trong lễ khai mạc diễn tập “Vành đai Thái Bình Dương 2014”, ông Harris cũng đã bày tỏ không hài lòng với việc Trung Quốc trở thành tiêu điểm của diễn tập quân sự Vành đai Thái Bình Dương.

Tháng 8 năm 2011, tàu sân bay USS George Washington Hải quân Mỹ thăm Việt Nam (ảnh tư liệu)
Tháng 8 năm 2011, tàu sân bay USS George Washington Hải quân Mỹ thăm Việt Nam (ảnh tư liệu)

Đối với vấn đề này, Đằng Kiến Quần cho rằng, bất kể cá nhân ông Harris nhìn Trung Quốc thế nào, ông cuối cùng đại diện cho Mỹ hay một lực lượng quan trọng của Hải quân Mỹ thì chính sách, lời nói và hành động của ông chắc chắn sẽ phải phù hợp với chính trị của toàn bộ nước Mỹ, Quân đội Mỹ, chứ không phải là ý chí chủ quan của cá nhân ông. Cùng với giao lưu quân sự Trung-Mỹ không ngừng đi vào chiều sâu và Quân đội Trung Quốc không ngừng lớn mạnh, Mỹ phải nhìn thẳng vào sự phát triển sức mạnh trên biển của Trung Quốc.

Theo tờ “Tân Kinh báo” ngày 25 tháng 9, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ là một trong 9 bộ tư lệnh tác chiến liên hợp lớn hiện nay của Quân đội Mỹ, trụ sở đặt tại đảo Oahu, Hawaii. Đây là bộ tư lệnh có quy mô lớn nhất của Quân đội Mỹ, khu vực trách nhiệm rộng nhất, nhân viên đến từ Lục quân, Hải quân, Không quân và Thủy quân lục chiến, tổng cộng 300.000 người, chiếm 20% tổng binh lực hiện có của Quân đội Mỹ.

Khu vực bao quát của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ chiếm trên 50% diện tích thế giới, khoảng 272 triệu km2, gần 60% dân số thế giới, 36 quốc gia và 20 khu vực.

Việt Dũng