Khi quý tử xem nhà mình như… nhà trọ

24/06/2011 07:08
“Mình chẳng bao giờ ở phòng khách chung với mọi người trong gia đình quá 10 phút…”, Vân tâm sự.

“Mình chẳng bao giờ ở phòng khách chung với mọi người trong gia đình quá 10 phút. Mọi thứ trong nhà ngăn nắp đến mức vô cảm, vì có mấy khi được sờ đến đâu…” - Vân tâm sự.

Có những teen cảm thấy ở nhà như… ở trọ. Đó thường là những teen có bố mẹ quá bận rộn, nhưng cũng có cả những lý do khác nữa khiến bố, mẹ không thể quan tâm đến bạn.

Gia đình quá xa cách

Bạn có bị rơi vào hoản cảnh như vậy không? Cảm thấy thật cô đơn, lạc lõng và đôi lúc hoang mang khi cần một chỗ dựa, một lời khuyên từ cha mẹ nhưng không có?

Thu Vân (17 tuổi) là một trong những trường hợp không hiếm gặp của sự xa cách gia đình do bố mẹ quá bận rộn với công việc. Cha mẹ Vân đều thành đạt trong sự nghiệp: cha là công chức trong một cơ quan nhà nước, mẹ là một doanh nhân giỏi. Gia đình khá giả, Vân không phải lo thiếu thốn gì về vật chất. Cha mẹ cũng đầu tư khá nhiều cho Vân học hành và cô bạn rất tự hào vì sự giỏi giang, khéo léo của mình so với bạn bè.

Khi quý tử xem nhà mình như… nhà trọ ảnh 1
 

Nhưng trái với cảm giác vui vẻ, thoải mái khi ở trường, lớp, về nhà Vân cảm thấy không khí thật lạnh lùng, xa cách.

“Mình chẳng bao giờ ở phòng khách chung với mọi người trong gia đình quá 10 phút. Mọi thứ trong nhà ngăn nắp đến mức vô cảm, vì có mấy khi được sờ đến đâu…” - Vân tâm sự.

“Bố mẹ một tuần ăn cơm với khách đến ba bốn buổi, bữa cơm ở nhà chẳng mấy khi đủ thành viên. Hôm có cả bố, mẹ ăn cơm cùng thì ai cũng vội vàng, xong lại ngồi luôn vào bàn làm việc. Đấy là hồi mình còn bé. Lớn lên thì mình đi học thêm tối suốt, về mang cơm lên phòng ăn một mình, chả để ý nữa”, Vân nói thêm.

Việc đi học thêm buổi tối chính là một cách để cô bạn trốn tránh cảm giác lạc lõng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, thời gian Vân tiếp xúc với cha mẹ ít đi rất nhiều.

Cách giải quyết: Nếu cha mẹ bạn thực sự bị công việc cuốn đi và dành ít thời gian cho gia đình, trước hết bạn cần xác định: thông cảm cho cha mẹ. Đừng giận hờn rồi càng làm cho gia đình thêm xa cách. Bạn hãy thay bố mẹ là người quan tâm tới gia đình và chăm sóc bố mẹ. Nhà cửa gọn gàng, bữa tối hợp khẩu vị, hay một lọ hoa cắm trong phòng khách là những gợi ý hay đấy.

Cuối tuần sẽ là lúc cha mẹ bạn có thể có nhiều thời gian hơn đôi chút đó, hãy tận dụng nhé. Nếu không, dịp đặc biệt của gia đình như sinh nhật bố, mẹ, hay kỷ niệm ngày cưới. Quan trọng nhất là sự chân thành, đừng thờ ơ mà hãy trân trọng những khoảnh khắc ấy, vì chúng rất quý giá phải không?

Khi cha mẹ... bỏ mặc con

Sơn (16 tuổi) thì lại ở một hoàn cảnh khác. Mẹ Sơn bị bệnh mất sớm, bố Sơn suy sụp, bỏ bê công việc, gia đình. Từ một người cha tháo vát, biết chăm lo cho gia đình, bố Sơn đã trở thành người đàn ông bê tha, không suốt ngày la cà quán bia với bạn nhậu thì lại ở nhà uống rượu một mình. Sức khỏe của ông ngày càng sa sút, tự chăm sóc cho mình cũng còn khó nói chi đến chăm sóc cho con trai, bỏ mặc cho con tự xoay xở với biết bao khó khăn, bỡ ngỡ của tuổi mới lớn.

Khi quý tử xem nhà mình như… nhà trọ ảnh 2
 

Đối mặt thế nào?: Một lần nữa, teen phải chứng tỏ bản lĩnh của mình trước thử thách này để giữ mình khỏi sa ngã. Bên cạnh đó, hãy chăm chỉ học hành và quan tâm, chia sẻ với cha mẹ nhiều hơn trong lúc cha mẹ đang gặp khó khăn. Đồng thời, hãy tìm một người lớn khác trong gia đình có thể giúp được, chú, bác chẳng hạn, làm chỗ dựa cho bạn trong lúc này và giúp đỡ gia đình bạn vượt qua.

Khi cuộc đời bạn đã được cha mẹ "lập trình" sẵn


Không như hai bạn trên, Hoài (17 tuổi), lại xa cách với cha mẹ do một lý do khác. Đó là lý do của những bậc cha mẹ quá chu toàn đã “lập trình” sẵn cho con một cuộc đời bất di bất dịch, bất kể ý muốn và khả năng của con mình thế nào.

Hoài liệt kê những “mốc” của “kế hoạch cuộc đời” mình do cha mẹ đã viết sẵn từ khi cô bạn còn… chưa được sinh ra: “15 tuổi vào trường chuyên, 18 tuổi vào đại học X hoặc đại học Y (mà không được chọn trường khác), 22 tuổi ra trường vào chỗ làm mẹ đã nhắm sẵn. Củ chuối nhất, mẹ mình còn “quy định” 27 tuổi lấy chồng, có khi cũng “nhắm” được cho mình anh nào từ bây giờ rồi cũng nên!” - Hoài đùa vui nhưng liền sau đó lại thở dài.

Cô bạn biết, cha mẹ không quan tâm mình nghĩ gì, khả năng, sở trường của mình ở đâu, không cần nghe mình nói. Con đường mà cha mẹ đã chọn bao giờ cũng là tối ưu và luôn luôn đúng!

Và rồi, không biết từ bao giờ, Hoài không còn tâm sự với cha mẹ nữa, kể cả khi cha mẹ gặng hỏi, Hoài cũng giấu những tâm tư của mình. Người mà Hoài tin cậy là cô giáo chủ nhiệm, vì “cô hiểu khả năng của mình, lại lắng nghe và luôn cho mình những lời khuyên rất tâm lý chứ không áp đặt cứng nhắc như bố mẹ."

Tốt hơn là…

Đừng cãi hay chống đối cha mẹ nhé. Mấu chốt vấn đề là cha mẹ quá lo lắng nên muốn bao bọc bạn, chứ không phải muốn kìm hãm bạn đâu. Bạn và cha mẹ cần hiểu nhau hơn nữa. Hãy từng bước chứng minh sự trưởng thành, chín chắn của mình cho cha mẹ thấy, biết đâu cha mẹ lại “nới nút thắt” ấy ra cho bạn, để bạn tự quyết định những vấn đề quan trọng của mình ấy chứ! Cũng có thể nhờ cô giáo (trong trường hợp này) hoặc một người “cùng phe” với bạn thuyết phục bố mẹ dần dần, ăn thua ra phết đấy teen ạ.

Trong khi có những teen phát nản vì bố mẹ quan tâm đến mình quá như thể một… em bé vậy, lại có những bạn khác mong ước một gia đình ấm cúng, gắn bó biết bao. Hãy trân trọng gia đình mình có bạn nhé, yêu thương và quan tâm tới cha mẹ, khi đó, bạn là một người thực sự hạnh phúc đấy!

Theo phapluatxahoi.vn