Chương trình được sự hỗ trợ của Sở GD-ĐT, Tỉnh đoàn Kiên Giang.
|
Các học sinh tham khảo thộng tin mới nhất về các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2012 trên báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Trần Huỳnh |
Thời tiết TP.Rạch Giá trong buổi sáng khá mát mẻ, tạo điều kiện cho chương trình thuận lợi. Ngay từ 6g sáng, học trò các trường THPT Nguyễn Trung Trực, Huỳnh Mẫn Đạt...đã có mặt tại chương trình. Sau đó, học trò từ các huyện vùng sâu vùng xa, huyện đảo Kiên Hải cũng đã về dự chương trình.
Để dự chương trình tư vấn này, thầy trò Kiên Hải đã đến TP.Rạch Giá từ ngày hôm trước và ở nhà một học sinh trong trường. Thầy Nguyễn Hữu Hải - phụ trách dẫn đoàn - cho biết trường năm nay có 29 học sinh lớp 12 dự thi ĐH. “Nghe nói có chương trình tư vấn tuyển sinh, trường cử tôi đưa các em đến nghe thông tin cho các em. Hiện học sinh đã nhận hồ sơ dự thi nhưng chưa có em nào làm vì chưa biết nên chọn trường nào” - thầy Hải nói.
Đúng 7g30, 2.500 học sinh đã có mặt tại sân Trung tâm văn hóa tỉnh Kiên Giang. Ban tư vấn gồm các chuyên gia từ TP.HCM cũng vừa có mặt để tư vấn cho học sinh.
Mở đầu chương trình tư vấn, ông Lê Thế Chữ phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ chia sẻ: Các bạn học sinh lớp 12 đang đứng trước 2 kỳ thi quan trọng cùa cuộc đời mình. Các bạn không dễ dàng để chọn nghề phù hợp với bản thân và nhu cầu nhân lực của xã hội. Tuổi Trẻ tổ chức chương trình này với mong muốn các bạn sẽ tìm hiểu, được tư vấn để có thể chọn được ngành nghề phù hợp nhất vớI mình.
Tiếp đó, PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng cung cấp thông tin về kết quả thi tuyển sinh của học sinh Kiên Giang năm 2011. Kiên Giang có 49 cơ sở đào tạo THPT với 14.371 học sinh dự thi. Điểm trung bình của học sinh là 9,65, thấp hơn bình quân cả nước là 11,05 điểm. Do đó, học sinh cần cố gắng phấn đấu nhiều hơn. Về điểm thi của học sinh, Kiên Giang xếp 62/63 tỉnh thành.
Trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt nằm trong top 500 trường có điểm thi cao nhất nước. Với kết quả này, học sinh cần cân nhắc chọn trường vừa sức. Vào đời không chỉ duy nhất có con đường ĐH mà có thể học trung cấp hay cao đẳng. Thời gian còn lại, các bạn cần dành nhiều thời gian để ôn tập, cố gắng để có kết quả tốt nhất.
Hiện học sinh đang trong thời gian đăng ký dự thi, TS Lê Thị Thanh Mai chia sẻ với các bạn học sinh các kinh nghiệm chọn trường. Các em học sinh có thể làm trắc nghiệm chọn ngành nghề từ tài liệu do Tuổi Trẻ cung cấp để chọn được ngành phù hợp với mình. Trong cùng một ngành có nhiều trường đào tạo.
Do đó, nếu cảm thấy năng lực không đủ vào ngành, và trường đó các em có thể học CĐ hoặc trung cấp chuyên nghiệp. Khi tốt nghiệp, còn nhiều cơ hội sẽ đến với các em như học liên thông hay đi làm việc ngay.
Trong trường hợp khả năng của các em có thể vào nhiều trường cùng lúc, các em có thể xem xét điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên của trường mình định dự thi, học phí của các trường. Các trường công lập học phí theo qui định chung nhưng các trường ngoài công lập có học phí khá cao và khác nhau.
Học sinh cũng cần xem xét điều kiện đi lại, kinh tế gia đình có phù hợp với điều kiện của mình hay không.
* Làm cách nào học hai môn Sử và Địa hiệu quả ạ?
- TS Phạm Tấn Hạ: Khi thi khối C, các bạn sẽ gặp khó khăn khi nghĩ mình phải học thuộc lòng. Tuy nhiên, đề thi ĐH yêu cầu khả năng hiểu biết và nắm bắt vấn đề nhiều hơn là học thuộc lòng. Trong từng giai đoạn lịch sử, đề thi thường yêu cầu học sinh nắm bắt ý nghĩa, xâu chuỗi vấn đề, kết nối thế nào đến sự phát triển của lịch sử VN.
Đối với môn Địa lý, các em cần nắm được đặc điểm, thế mạnh của các vùng kinh tế để từ đó có thể nắm bắt vấn đề và phân tích nội dung theo yêu cầu của đề. Nếu có cách học và nắm bắt vấn đề các bạn sẽ học rất tốt môn này.
|
Học sinh Trường THPT Kiên Hải (huyện đảo Kiên Hải, Kiên Giang) đến tham dự chương trình tư vấn sáng 24-3 - Ảnh: Trần Huỳnh |
|
Đông đảo học sinh các trường THPT tại Rạch Giá, Kiên Giang đến tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2012 - Ảnh: Trần Huỳnh |
* Nếu em tốt nghiệp Trường ĐH Cần Thơ có thể làm việc ở TP.HCM không?
- ThS Nguyễn Vĩnh An: Đây là nội dung được nhiều em hỏi. Bằng tốt nghiệp của một trường ĐH, được Bộ GD-ĐT công nhận do đó chúng ta có thể sử dụng bằng cấp này để xin việc ở bất kỳ đâu. Tuy nhiên tôi nghĩ ý câu hỏi là so sánh trường này và trường khác. Những năm qua, sinh viên Trường ĐH Cần Thơ ra trường làm việc ở khắp mọi miền đất nước. Điều quan trọng là học ở bất kỳ trường nào, các em phải cố gắng học thật tốt, tích lũy nhiều kỹ năng để khi tham gia phỏng vấn có thể thuyết phục nhà tuyển dụng.
* Em thích ngành công an nhưng năng lực khó đậu vào ĐH công an. Em làm thế nào để có thể theo học ngành này?
- ThS Lê Văn Hiển: Hàng năm, Sở Công an các tỉnh đều có tuyển nhân viên từ các ngành ngoài vào làm trong ngành công an như tiếng Anh, Luật, kinh tế... Vấn đề là bạn xác định chọn ngành nào phù hợp để trúng tuyển, khi ra trường có thể xin vào làm trong ngành công an.
* Tất cả các trường tại TP.HCM đều tổ chức thi ở cụm Cần Thơ phải không ạ?
- ThS Hứa Minh Tuấn: Theo qui định, thí sinh tốt nghiệp tại các tỉnh từ Vĩnh Long đến Cà Mau khi đăng ký dự thi vào các trường ĐH-CĐ tại TP.HCM sẽ dự thi tại cụm thi Cần Thơ.
* Khối A1 có thể thi được vào trường nào? Điểm chuẩn khối A và khối A1 có chênh lệch nhiều hay không?
- TS Trần Thế Hoàng: Khối A1 sẽ thi ba môn toán, lý và tiếng Anh. Tất cả các ngành của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đều tuyển khối A1. Rất nhiều trường tuyển sinh khối A1 như ĐHQG TP.HCM, Sư Phạm kỹ thuật TP.HCM, Sư phạm TP.HCM, Sài Gòn, Công nghiệp TP.HCM....
Hiện thí sinh chưa thi vào nên chưa biết điểm chuẩn sẽ như thế nào. Tuy nhiên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM chỉ lấy 1 điểm chuẩn. Do đó, điểm chuẩn giữa hai khối có thể sẽ bằng nhau hoặc nếu có chênh lệch cũng sẽ không nhiều.
* Năm rồi đề thi ĐH dễ nên nghe nói đề thi năm nay sẽ rất khó phải không ạ?
- PGS-TS Đỗ Văn Dũng: Ban tư vấn ngồi đây không thể biết đề dễ hay khó nhưng quan điểm ra đề thi ĐH là không đánh đố. Đề thi nằm trong chương trình THPT. Tuy nhiên khác với đề thi tốt nghiệp THPT, đề thi ĐH sẽ có một số câu đòi hỏi tư duy của các em nhiều hơn.
Do đó, điểm thi ĐH 9, 10 rất ít. Thống kê những năm gần đây các thí sinh đạt điểm cao hầu hết ở các tỉnh. Học sinh ở các thành phố đi luyện thi nhiều quá. Các em nên nắm chắc, vững nội dung chương trình. Nếu gặp đề khó, các em cần phải tự suy nghĩ vài ngày, lúc đó vẫn chưa làm được mới nên nhờ bạn bè thầy cô. Điều đó sẽ giúp các em có được tư duy độc lập.
* Làm sao biết tỷ lệ chọi của các trường? Tỷ lệ chọi ảnh hưởng thế nào đến cơ hội trúng tuyển của thí sinh?
- ThS Hứa Minh Tuấn: Thí sinh đừng quá quan tâm đến tỷ lệ chọi. Chẳng hạn Trường ĐH Tài chính Marketing có hơn 30.000 thí sinh dự thi năm 2011 nhưng điểm chuẩn trúng tuyển không cao lắm do chủ yếu là học sinh có sức học trung bình, khá.
Một số trường khác như Kinh tế TP.HCM, Kinh tế Luật (ĐHQG TP.HCM), Bách khoa (ĐHQG TP.HCM)... tuy có tỷ lệ chọi không cao nhưng điểm chuẩn rất cao do chủ yếu học sinh giỏi thi vào. Thí sinh cần tham khảo điểm chuẩn của trường mình muốn dự thi trong vài năm gần đây để có thể chọn trường phù hợp.
* Việc chọn trường có ảnh hưởng thế nào đến cơ hội việc làm sau này?
- TS Nguyễn Văn Thư: Khi tốt nghiệp, bằng tốt nghiệp các trường có giá trị như nhau và cơ hội việc làm như nhau. Tuy nhiên thực tế có một số doanh nghiệp chỉ tuyển sinh viên tốt nghiệp từ trường này hay trường kia. Điều quan trọng là các bạn có năng lực thế nào, kỹ năng đến đâu thì cơ hội việc làm sẽ cao chứ không phải là các bạn học từ trường nào ra.
* Làm thế nào để biết đó là trường công lập hay tư thục?
- TS Nguyễn Kim Quang: Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường ngoài công lập phải công khai mức học phí của mình. Các em có thể tham khảo trên trang web của các trường. Tuy nhiên có một số trường công lập tự chủ tài chính mức học phí sẽ cao hơn các trường công lập nhưng sẽ thấp hơn các trường tư thục.
* Năm nay Trường ĐH Y dược TP.HCM có tuyển sinh hệ trung cấp không? Hình thức tuyển sinh thế nào?
- ThS Huỳnh Trương Lệ Hồng: Theo qui định của Bộ GD-ĐT, năm nay các trường ĐH không được tuyển sinh TCCN. Tuy nhiên Trường ĐH Y dược TP.HCM đề nghị tiếp tục đào tạo trung cấp các ngành đặc thù không có trường khác đào tạo. Bậc trung cấp của trường xét tuyển hai môn toán, sinh từ kết quả thi ĐH của thí sinh.
Thành phần ban tư vấn gồm có: 1. TS Lê Thị Thanh Mai - ĐH Quốc gia TP.HCM 2. PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM 3. PGS.TS Đỗ Văn Dũng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM 4. PGS.TS Đỗ Văn Xê - phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ 5. TS Nguyễn Văn Thư - hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM 6. TS Nguyễn Kim Quang - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) 7. TS Phạm Tấn Hạ - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) 8. TS Trần Thế Hoàng - trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM 9. ThS Lâm Tường Thoại - chuyên viên tư vấn Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) 10. ThS Lê Văn Hiển - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM 11. ThS Hứa Minh Tuấn - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Tài chính - marketing 12. ThS Huỳnh Trương Lệ Hồng - phó trưởng ban đào tạo khoa điều dưỡng kỹ thuật y học Trường ĐH Y dược TP.HCM 13. ThS Nguyễn Minh Phương - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược Cần Thơ 14. Thầy Lê Ngọc Diệp - phó trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp và bồi dưỡng, Sở GD-ĐT Kiên Giang 15. Cô Nguyễn Thị Bích Loan - phó trưởng phòng công tác học sinh, sinh viên Trường CĐ Y tế Kiên Giang 16. ThS Hồ Minh Triết – hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật Kiên Giang 17. ThS Nguyễn Đông Hải - phó hiệu trưởng Trường CĐ Cộng đồng Kiên Giang 18. ThS Nguyễn Tùng Anh - trưởng phòng đào tạo Trường CĐ Sư phạm Kiên Giang |
Theo Tuổi trẻ