Từ vụ CSGT nổ súng: "Trêu tức, thách thức CSGT nên cho bắn để răn đe”?

22/07/2013 07:47
Viết Cường
(GDVN) - "Theo tôi, những trường hợp vi phạm giao thông và có hành vi trêu tức, chống đối CSGT như ở Thanh Hóa vừa rồi nên cho phép CSGT được nổ súng bắn đạn cao su để cảnh cáo những đối tượng vi phạm và răn đe cho những người khác".

Liên quan đến vụ việc: Cán bộ huyện trêu tức CSGT bị “ăn đạn” phải đi bệnh việnđã có rất nhiều ý kiến trái chiều về việc có nên cho CSGT nổ súng, bắn đạn cao su vào những hành vi chống đối CSGT hay không. 

Đ
ầu tiên, khi đọc thông tin ban đầu về CSGT TP.Thanh hóa nổ súng, bắn người vi phạm bị thương, thực sự tôi rất bức xúc trước kiểu “lộng quyền” đó. Tuy nhiên, sau khi xem clip hai người đàn ông cố tình vi phạm, thách thức CSGT, trong đó có một người là cán bộ huyện, thầy giáo thì tôi lại thấy cảm thông hơn cho vị Cảnh sát ở trường hợp này.

Đại úy Hoàng, người đã nổ hai phát súng đạn cao su làm người dân bị thương
Đại úy Hoàng, người đã nổ hai phát súng đạn cao su làm người dân bị thương

Dẫu biết rằng nổ súng bắn vào người vi phạm là sai, nhưng trong trường hợp đó tôi cho là cần thiết. Nếu không có cách nào để ngặn chặn việc hai người đàn ông kia cứ tiếp tục lạng lách, “làm xiếc” trên đường thì nguy hiểm không chỉ cho bản thân anh ta mà còn nguy hại đến nhiều người tham gia giao thông khác.

Hơn nữa, với hình ảnh CSGT đuổi theo, người vi phạm lại cứ “lửng lơ” trêu ghẹo phía trước, quả thực nhìn vào thấy vừa buồn cười vừa “chướng mắt”. Luật pháp ở đâu? Những người này đem luật pháp và tính mạng của mình và những người đi đường ra làm trò đùa ư? Như thế không thể được.

Một phát súng cao su có thể khiến người vi phạm chảy máu hoặc bị thương. Nỗi đau về thể xác có thể hiểu và thông cảm nhưng thà đau một lần, sau đó họ sẽ nhận ra ý nghĩa lớn hơn đó là đừng nên “đánh đu” với luật pháp. Luật không nghiêm, người dân sẽ “nhờn” luật.  

Tôi nghĩ rằng, người thân của hai người đàn ông trên sẽ có cảm nhận như tôi. Xem những hình ảnh về cha, chú, bác mình không mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng thách thức CSGT, chắc người thân của họ cũng phải “đỏ mặt” với hàng xóm làng giềng lắm lắm. Nói như các cụ là “lớn đầu mà nghịch dại”.

Hai người đàn ông vi phạm luật, thách thức CSGT đã nhận ra lỗi của mình và im lặng khi xem clip dược người dân quay lại. (Ảnh Thanh niên online)
Hai người đàn ông vi phạm luật, thách thức CSGT đã nhận ra lỗi của mình và im lặng khi xem clip dược người dân quay lại. (Ảnh Thanh niên online)

Mới đây, khi trao đổi với báo chí, chị họ của hai người bị bắn vì thách thức CSGT đã chia sẻ rằng, họ đã nhận ra sai trái về hành vi của mình. Người chị kể: “Sau khi xem clip chúng đánh võng trước xe máy công an được tung lên mạng, tôi đã quát cho một trận. Hai đứa bảo thực ra không hề biết mình vượt đèn đỏ và cũng không biết có Công an giao thông đuổi theo”.

Người chị có nghe em mình kể; “Khi đến gần khách sạn 25B (cách vị trí bị bắn khoảng 500m – PV), mới thấy vị CSGT ra hiệu dừng lại. Nghĩ mình không vi phạm, có đầy đủ giấy tờ nên hai người không dừng xe. Thấy người cảnh sát cứ bám theo, hai đứa mới bực mình nên đánh võng, rồi cởi mũ bảo hiểm trước mặt vị CSGT… cho vui vì tưởng bị gọi nhầm”.

Như vậy là họ cũng chỉ đánh võng, trêu vị CSGT để…cho vui thôi. Người lớn, cán bộ huyện mà còn đem luật pháp, tính mạng ra làm trò đùa thì thử hỏi, trẻ con sẽ nghĩ thế nào?

Để tạo nên một con người tốt, có ích cho xã hội phải dạy dỗ, bảo ban ngay từ lúc bé nhưng để làm được điều đó, cần phải có biện pháp giáo dục nghiêm cho người lớn, thầy giáo của lớp trẻ trước, tránh tình trạng “bố làm được thì con cũng làm theo”.

Nói gì thì nói nhưng phát súng cũng đã nổ rồi. Đại úy Hoàng bắn người vi phạm đang bị đình chỉ công tác để điều tra. Dư luận giờ đây cảm thương cho anh hơn là tức giận. Tuy nhiên, việc thông cảm chỉ là cái tình, còn cái lý thì Đại úy Hoàng đã làm sai qui định.

Hi vọng rằng sau vụ việc, các cơ quan chức năng, lãnh đạo Bộ Công an nên xem xét việc có nên cho CSGT bắn súng cao su và xử phạt thật nặng với những trường hợp cố tình vi phạm, thách thức CSGT như vừa rồi. Dẫu biết rằng với những qui định mới, ban đầu chắc chắn sẽ khiến người dân phản đối và khó chịu.

Tuy nhiên trong một số trường hợp, nên cần dùng đến "biện pháp mạnh" như chúng ta đã từng "cưỡng chế" người dân đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Từ khó chịu, mọi người cũng sẽ dần quen với qui định đó và đi vào nề nếp, ý thức tham gia giao thông cũng vì thế sẽ được nâng lên.

http://diemthi.giaoduc.net.vn/Home.mvc/Index

Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những ý kiến của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!

Viết Cường