Là một trong 119 cá nhân vinh dự được tôn vinh, nhận Bằng khen của Bộ Quốc phòng tại Hội nghị sơ kết và tôn vinh điển hình tiên tiến 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (2014 - 2019), Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng – Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam tiêu biểu, đại diện hình ảnh cho "Anh bộ đội cụ Hồ" trong thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Cộng hòa Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi.
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng - Cục trưởng Cục Gìn giữ Hòa Bình. Ảnh: T.V |
Chia sẻ với phóng viên, Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng cho biết: “Tôi rất vinh dự được là một trong 203 tập thể, cá nhân được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng lần này.
Cá nhân tôi may mắn là người đứng đầu Cục Gìn giữ Hòa Bình Việt Nam và được đại diện cho một lĩnh vực mới mà Bộ Quốc phòng Việt Nam đang triển khai là tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc”.
Trong 5 năm qua, từ ngày thành lập Trung tâm gìn giữ Hòa Bình Việt Nam, nó cũng trùng khớp với thời điểm Bộ Quốc phòng vận động phát huy truyền thống cống hiến tài năng xứng danh bộ đội cụ Hồ.
Việt Nam lần đầu cử lực lượng của Quân đội Nhân dân Việt Nam, những người sĩ quan ưu tú, đại diện cho Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc".
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng chia sẻ, đây là một lĩnh vực mới được Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng quan tâm chỉ đạo và chúng tôi đã hoạt động không mệt mỏi từ khi tuyển chọn đến huấn luyện, triển khai, chỉ huy, chỉ đạo các lực lượng ở bên ngoài.
Trong hoạt động tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, hình ảnh Bộ đội cụ Hồ được thể hiện rõ nét ở các quốc gia châu Phi đặc biệt là Nam Sudan và Cộng hòa Trung phi trong 5 năm vừa qua.
“Đây cũng là cơ hội để Quân đội Nhân dân Việt Nam xây dựng được hình ảnh đất nước Việt Nam trên cương vị là một thành viên của Liên Hợp Quốc có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế”, Thiếu tướng Phụng nói.
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng tự hào nhấn mạnh, Liên Hợp Quốc là một tổ chức lớn nhất hành tinh gồm 193 quốc gia. Vừa rồi, khi Việt Nam là ứng cử viên được đưa ra bỏ phiếu để trở thành Ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc thì 192 quốc gia đã bỏ phiếu ủng hộ Việt Nam.
Đó là một con số kỷ lục mà từ trước đến nay chưa quốc gia nào có được khi trở thành Ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc.
Trong đó, có một phần đóng góp rất đáng kể của Quân đội Nhân dân Việt Nam mà trực tiếp là các chiến sĩ đang tham gia với Liên Hợp Quốc tại 2 mặt trận là Nam Sudan và Cộng hòa Trung phi.
Hình ảnh Anh bộ đội cụ Hồ được người dân sở tại xem không chỉ như như một người lính của Liên Hợp Quốc mà là biểu tượng của một nền văn hóa Việt Nam, của những người lính bộ đội cụ Hồ.
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ Hòa bình tiếp nhận cương vị Chủ tịch Hiệp hội các Trung tâm Gìn giữ Hòa bình châu Á-Thái Bình Dương năm 2020 từ Thái Lan. (Ảnh: Hữu Kiên/TTXVN) |
“Chúng ta đã có một thời kỳ dài chịu ơn các quốc gia Châu Phi và Mỹ La tinh khi chúng ta tiến hành các cuộc chiến tranh giải phóng đất nước và bảo vệ tổ quốc.
Các dân tộc Phi và Mỹ La tinh đã đóng góp của cải, công sức và thậm chí là đưa cả những chuyên gia hỗ trợ chúng ta.
Tôi ấn tượng với hình ảnh những người dân Tanzania nghèo khổ nhưng năm 1966, Bác Hồ quyết định chúng ta phải có một quan hệ với Tanzania và đặt đại sứ quán của chúng ta ở đó.
Người dân Tanzania đã ủng hộ chúng ta 1,3 triệu đô la và 40 ngàn hộp thịt hộp cùng nhiều việc làm khác.
Nhờ sự ủng hộ của nhân dân nhiều nước châu Phi, Mỹ La tinh, Việt Nam đã làm nên những thắng lợi vẻ vang trong công cuộc giải phóng dân tộc.
Ngày nay những anh bộ đội cụ Hồ có điều kiện để thể hiện trách nhiệm trước bạn bè quốc tế. Đây là hình tượng rất đẹp và thể hiện được những phẩm giá chính trị, sự có trước có sau của con người Việt Nam trước bạn bè quốc tế”, Thiếu tướng Phụng tâm sự.
Vị Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình chia sẻ, chúng ta tham gia tương đối chậm ở lĩnh vực này.
Năm 2014, Việt Nam là 1 trong 3 nước của ASEAN chưa tham gia. Nhưng cái chậm của chúng ta có sự tính toán vì chủ quyền của chúng ta và đã làm là phải làm tốt nhất và hiệu quả.
Ông tự hào cho biết, vừa rồi, các chiến sĩ đi tham gia trên phương diện cá nhân như sĩ quan tham mưu, sĩ quan phân tích tình báo, sĩ quan trang bị, sĩ quan huấn luyện...đều được đánh giá rất cao.
“Trong tổng số 27 đồng chí đã kết thúc nhiệm kỳ thì có 7 đồng chí được Liên Hợp Quốc đánh giá đặc biệt xuất sắc.
Tỷ lệ này chỉ chiếm 1 đến 2% trong các tỷ lệ sĩ quan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình. Ngoài ra, bệnh viện dã chiến cấp 2 hoạt động chưa được 1 năm, chỉ trong 7 tháng đầu tiên, chúng ta đã thu dung và điều trị đến 1.000 bệnh nhân.
Cộng đồng quốc tế đánh giá cao bản chất chế độ, vị thế chính trị của Việt Nam |
Trong khi đó, con số bình thường một bệnh viện dã chiến cấp 2 tương tự như Việt Nam, một năm chỉ thu dung và điều trị khoảng 200 bệnh nhân.
Những con số này thể hiện sự uy tín, tính chuyên nghiệp và sự quan tâm của các bác sĩ, đội ngũ y tế của Việt Nam gần dân, thực hiện đúng lời Bác Hồ dạy "3 bám" của một cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện trong thời kỳ mới.
Hình ảnh người bộ đội cụ Hồ Việt Nam một lần nữa sống lại với người dân Cộng hòa Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi trong môi trường đa phương của sĩ quan nhiều quốc gia.
Đó là một nét văn hóa, các chiến sĩ là sứ giả của nền văn hóa, của anh bộ đội cụ Hồ ở Cộng hòa Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi.
Chúng ta có quyền tự hào về công việc của cán bộ sĩ quan Việt Nam làm 5 năm qua. Thời gian tới, chúng ta sẽ triển khai thêm lực lượng nữa để khẳng định chúng ta là một quốc gia có trách nhiệm của Liên Hợp Quốc và cộng đồng Quốc tế”, Thiếu tướng Phụng tự hào khẳng định.