Tối qua khi nhận được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, tôi vội gọi điện cho Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh quân khu 4, một người đã từng có nhiều lần “vào sinh ra tử” bên cạnh tướng Giáp. Giọng tướng Thước nghèn nghẹn từ phía đầu máy bên kia: “Buồn quá cháu ơi, bác Giáp mất rồi!”
Đối với tướng Thước, cho dù việc “bác Giáp” ra đi là một sự tất yếu của quy luật, của đất trời tạo hóa, quy luật "sinh lão bệnh tử" mà tất cả mọi người phải trải qua, nhưng Bác Giáp ra đi vào lúc này đã để lại sự tổn thất vô cùng lớn lao cho Đảng, Nhà nước, nhân dân và đặc biệt là với Quân đội nhân dân Việt Nam.
“Nghe tin bác Giáp ra đi tôi nhớ lại thời kỳ cuối năm 1974, lúc tôi được thay mặt Bộ Tư lệnh Đảng ủy, Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên để nhận nhiệm vụ vào giải phóng Tây Nguyên. Cuộc gặp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đó đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi để lại sự tổn thất vô cùng lớn lao cho Đảng, cho Nhà nước, cho nhân dân và đặc biệt là với Quân đội. |
Tướng Thước kể rằng, lần đó gặp bác Giáp tại Hà Nội để nghe bác giao nhiệm vụ cho lực lượng vũ trang Tây Nguyên, thực hiện quyết tâm của Đảng tiến vào giải phóng Tây Nguyên, để mở đường cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975, giải phóng toàn miền Nam.
“Giờ bác ra đi, hình ảnh bác chỉ đạo tác chiến khi đó, giờ nghĩ lại đối với tôi đó là những kỷ niệm bồi hồi, sâu sắc nhất. Sâu sắc không chỉ đối với riêng tôi mà sâu sắc vì đó là sự kiện đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện, đưa nước ta thoát khỏi chiến tranh, chia cắt, đi đến thống nhất, tự do”, tướng Thước giọng xúc động, nghẹn ngào nhớ lại.
Những ngày tháng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã yếu và phải nằm tại bệnh viện, hằng năm đến ngày sinh nhật của Đại tướng, Tướng Thước cùng một số quân nhân được vào trong thăm, khi đó tình trạng sức khỏe của Đại tướng đã không còn khỏe.
Ngày sinh nhật của bác, đại diện quân tình nguyện của Việt Nam tại Lào đến thăm, lúc ấy tướng Giáp tuy cơ thể mệt mỏi nhưng đầu óc vẫn minh mẫn, vẫn nghe, nói được. Khi đó, có một hình ảnh mà anh em quân tình nguyện ra về cứ nói chuyện với nhau mãi, đó là tại sao bác đã cao tuổi và mệt nhưng sắc thái lúc nào cũng rất tươi tỉnh.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước |
Tướng Thước nhớ lại: “Khi đó Bác nói với đội quân tình nguyện rằng, các đồng chí đã hoàn thành nhiệm vụ với tổ quốc, nhưng đặc biệt quân tình nguyện còn có nhiệm vụ lớn thứ hai đó là giúp đỡ cách mạng Lào để cùng với Đảng bộ, nhân dân và quân đội Lào xây dựng bảo vệ đất nước.
Bác vẫn căn dặn, phải luôn luôn giữ được mối quan hệ truyền thống đặc biệt Việt Nam – Lào, để cách mạng hai nước cùng tiến lên. Việt Nam mạnh thì Lào mạnh, Lào mạnh tức Việt Nam cũng mạnh. Hai anh em cùng dựa vào nhau cùng đi lên”.
Tôi có hỏi tướng Thước, trong những ngày vào thăm Đại tướng trong bệnh viện, có bao giờ nghe thấy tướng Giáp chia sẻ tâm nguyện gì sau khi người ra đi? Tướng Thước nói, “Bác Giáp chưa bao giờ nghĩ mình sẽ ra đi...”.
Đối với tướng Thước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp giống như một vị thánh sống, chỉ biết sống chứ không hề nghĩ đến chuyện chết. Tướng Thước chia sẻ: “Bác ra đi là quy luật “sinh lão bệnh tử” của tự nhiên, ai cũng phải chịu nhưng con người bác thì luôn có suy nghĩ khác.
Sau khi Bác Hồ ra đi, Bác Giáp ở lại. Bác nghĩ mình sẽ luôn được mãi mãi trường tồn cùng với dân tộc, cùng với Đảng để tiếp tục chăm lo cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân. Không bao giờ nghe thấy Bác nói về tuổi già, về sự "ra đi". Và đó là điều rất đặc biệt ở tướng Giáp”./.