Đây là năm đầu tiên Việt Nam tổ chức hoạt động này, và cũng nhằm hưởng ứng chương trình “Thập kỷ hành động vì an toàn đường bộ giai đoạn 2011-2020” của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc.
Các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông” năm 2012 sẽ kéo dài trong 1 tháng bắt đầu từ 19/10 - 19/11.
Riêng lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông được tổ chức từ 20h - 21h30 ngày 19/11 tại Thủ đô Hà Nội và được truyền hình trực tiếp trên Đài truyền hình Việt Nam.
Còn tại các trường học khắp cả nước, thầy cô giáo và học sinh sẽ dành 1 phút của Lễ chào cờ sáng thứ Hai ngày 12/11 để tưởng niệm nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông.
Trong thời gian này, sẽ tổ chức các buổi tọa đàm, đối thoại; các diễn đàn, các buổi nói chuyện về hậu quả do tai nạn giao thông gây ra. Sẽ xây dựng các cụm cổ động; pano, áp phích; banroll; tờ rơi; triển lãm ảnh; mít tinh; diễu hành.
Từ 10/11 – 19/11, các cơ quan, ban, ngành, các nhà hảo tâm sẽ đi thăm hỏi, động viên và giúp đỡ gia đình các nạn nhân tai nạn giao thông (đặc biệt các gia đình nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông có hoàn cảnh khó khăn).
Thông qua hoạt động tưởng niệm các nạn nhân tử vong tai nạn giao thông nhằm cảnh báo cho toàn xã hội về thảm họa tai nạn giao thông, các nguyên nhân và nguy cơ gây tai nạn giao thông tại Việt Nam;
Hoạt động tưởng niệm cũng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của toàn dân trong việc chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông, phòng tránh tai nạn giao thông; nâng cao tinh thần trách nhiệm của các lực lượng làm công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Mặt khác, đây là hoạt động nhằm kêu gọi sự giúp đỡ, chia sẻ từ cộng đồng về những tổn thất, mất mát, khó khăn của các nạn nhân, gia đình nạn nhân tai nạn giao thông.
Trước đó, trả lời phóng viên, ông Nguyễn Hoàng Hiệp – Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết ngày tưởng niệm này đã được nhiều quốc gia đã thực hiện và chọn ngày Chủ nhật thứ 3 của tháng 11 hằng năm.
Ở một số nước phương Tây, vào giây phút sau lắng nhất của lễ tưởng niệm tất cả nhà thờ đều rung chuông. "Còn ở Việt Nam, thời khắc đó, một bản giao hưởng có thể được cất lên. Bản giao hưởng sẽ mang sự sâu lắng nhất trong giây phút đó." - Ông Hiệp chia sẻ.