Theo Thiếu tướng Phạm Văn Sinh - Phó Chánh văn phòng Bộ Công an, kế hoạch tổ chức tang lễ cho thứ trưởng Phạm Quý Ngọ phải chờ Bộ Công an báo cáo lên thường trực Ban Bí thư, sau đó xem chủ chương bên trên thế nào thì mới triển khai. Khi có thông tin chính thức, Bộ sẽ thông báo.
Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Qúy Ngọ đã từ trần vào tối hôm qua, 18/2/2014 |
Trước khi qua đời, Thượng tướng Phạm Quý Ngọ đang giữ chức Thứ trưởng Bộ Công an, Ủy viên BCH Trung ương Đảng. Tuy nhiên, ông Ngọ có thể chưa thuộc diện được tổ chức tang lễ theo cấp Nhà nước bởi lễ tang cấp Nhà nước chỉ áp dụng cho: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư BCH Trung ương Đảng; Phó Chủ tịch nước; Phó Thủ tướng; Phó Chủ tịch Quốc hội; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ; Chánh án TAND Tối cao; Viện trưởng Viện KSND Tối cao; Đại tướng lực lượng vũ trang nhân dân; Thượng tướng lực lượng vũ trang nhân dân là cán bộ hoạt động cách mạng trước tháng 8/1945.
Theo nghị định số 105/2012 của Chính phủ về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức thì rất có thể, lễ tang Thượng tướng Phạm Quý Ngọ sẽ được tổ chức theo nghi thức tang lễ cấp cao.
Dưới đây là nghị định quy định việc tiến hành tang lễ cấp cao do Chính phủ ban hành.
LỄ TANG CẤP CAO
Điều 34. Chức danh được tổ chức Lễ tang cấp cao
1. Cán bộ, công chức đương chức, thôi giữ chức thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng quản lý (trừ các chức danh được tổ chức Lễ Quốc tang và Lễ tang cấp Nhà nước); cán bộ hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 (lão thành cách mạng) hoặc cán bộ hoạt động ở miền Nam suốt thời kỳ chống Mỹ (1954 - 1975) được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất trở lên; các nhà hoạt động xã hội, văn hóa, khoa học tiêu biểu (được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh - giải thưởng cá nhân) và được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất trở lên; các nhà hoạt động xã hội, văn hóa, khoa học tiêu biểu (được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh - giải thưởng cá nhân) là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động đang công tác hoặc nghỉ hưu khi từ trần được tổ chức Lễ tang Cấp cao.
2. Đối với trường hợp người từ trần giữ một trong các chức danh quy định tại Khoản 1 Điều này mà bị kỷ luật bằng hình thức giáng chức hoặc cách chức, Lễ tang tổ chức theo hình thức Lễ tang cán bộ, công chức, viên chức.
Điều 35. Đứng tên đưa tin buồn
1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng và cơ quan đã hoặc đang trực tiếp quản lý người từ trần đứng tên đưa tin buồn đối với các chức danh là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.
2. Đối với các chức danh còn lại, cơ quan đã hoặc đang trực tiếp quản lý người từ trần; cấp ủy, chính quyền địa phương quê hương hoặc nơi cư trú của người từ trần đứng tên đưa tin buồn.
3. Tin buồn đăng trên trang nhất báo Nhân dân, báo Quân đội nhân dân, báo Công an nhân dân, báo ngành và báo địa phương nơi quê hương hoặc nơi sinh của người từ trần.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin buồn.
Điều 36. Ban Tổ chức Lễ tang
1. Ban Tổ chức Lễ tang do lãnh đạo cơ quan chủ quản; chính quyền địa phương nơi người từ trần đã hoặc đang công tác quyết định thành lập, gồm từ 10 (mười) đến 15 (mười lăm) thành viên đại diện các đơn vị, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thuộc cơ quan chủ quản, địa phương.
2. Trưởng Ban Tổ chức Lễ tang là một lãnh đạo cơ quan chủ quản hoặc cấp ủy, chính quyền địa phương.
Điều 37. Tổ chức Lễ tang và chuẩn bị lời điếu
Việc tổ chức Lễ tang và chuẩn bị lời điếu do cơ quan chủ quản hoặc cấp ủy, chính quyền địa phương nơi người từ trần đã hoặc đang công tác cùng gia đình thực hiện.
Điều 38. Nơi tổ chức Lễ tang
Lễ tang tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội (nếu tổ chức ở Hà Nội); Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 175 hoặc Nhà tang lễ số 25 Lê Quý Đôn, Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh (nếu tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh). Nếu từ trần ở địa phương khác thì thực hiện theo quy định của địa phương.
Điều 39. Nơi an táng
1. An táng tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội (nếu từ trần ở Hà Nội), tại Nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh (nếu từ trần ở Thành phố Hồ Chí Minh) đối với các trường hợp sau:
a) Cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị quản lý;
b) Cán bộ hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 (lão thành cách mạng) hoặc cán bộ hoạt động ở miền Nam suốt thời kỳ chống Mỹ (1954 - 1975) được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất trở lên; các nhà hoạt động xã hội, văn hóa, khoa học tiêu biểu (được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh - giải thưởng cá nhân) và được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất trở lên.
c) Các nhà hoạt động xã hội, văn hóa, khoa học tiêu biểu (được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh - giải thưởng cá nhân) là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động.
2. Đối với các chức danh còn lại an táng tại Nghĩa trang địa phương hoặc theo nguyện vọng của gia đình.
3. Trường hợp gia đình có nguyện vọng hỏa táng, điện táng hoặc an táng tại quê nhà, Ban Tổ chức Lễ tang có trách nhiệm tổ chức Lễ tang cấp cao theo quy định tại Nghị định này.
Điều 40. Trang trí lễ đài và túc trực bên linh cữu
1. Lễ đài trang trí phông nền đen, trên đó gắn ảnh người từ trần và dòng chữ trắng “Vô cùng thương tiếc...”.
2. Bàn thờ đặt trước và chính giữa phông, hai bên bàn thờ đặt cố định 02 vòng hoa của cơ quan chủ quản và gia đình, dưới lễ đài có lư hương.
3. Linh cữu đặt chính giữa lễ đài, đầu hướng về phía bàn thờ.
4. Bàn thờ nhỏ đặt phía dưới, có bát hương để Trưởng đoàn các đoàn đến viếng thắp hương.
5. Cán bộ lãnh đạo, chủ chốt của cơ quan chủ quản hoặc địa phương đứng phía bên phải phòng lễ tang (theo hướng nhìn lên lễ đài) khi có các đoàn lãnh đạo cao cấp của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào viếng.
6. Gia đình đứng phía bên trái phòng lễ tang (theo hướng nhìn lên lễ đài).
Điều 41. Vòng hoa viếng
1. Ban Tổ chức Lễ tang chuẩn bị 02 (hai) vòng hoa, có băng đen chữ trắng của cơ quan chủ quản và gia đình đặt cố định hai bên bàn thờ.
2. Ban Tổ chức Lễ tang chuẩn bị 15 (mười lăm) vòng hoa luân chuyển; trong thông báo tin buồn có ghi: Các đoàn đến viếng không mang vòng hoa, chỉ mang băng vải đen, kích thước 1,2 m x 0,2 m, với dòng chữ trắng “Kính viếng” dưới có dòng chữ nhỏ ghi tên cơ quan, tổ chức, cá nhân để gắn vào vòng hoa viếng do Ban Tổ chức Lễ tang chuẩn bị.
Điều 42. Lễ viếng
1. Ban Tổ chức Lễ tang sắp xếp các đoàn vào viếng theo đội hình như sau: 02 (hai) chiến sĩ đưa vòng hoa đi đầu, tiếp theo là Trưởng đoàn và các thành viên trong đoàn viếng đi theo hai hàng dọc.
2. Sau khi viếng, Trưởng đoàn ghi sổ tang.
3. Trong quá trình viếng, Quân nhạc cử nhạc “Hồn tử sĩ’.
Điều 43. Lễ truy điệu
1. Thành phần dự Lễ truy điệu gồm: Ban Tổ chức Lễ tang, đại diện các cơ quan, tổ chức nơi người từ trần đã hoặc đang công tác; địa phương quê hương hoặc nơi cư trú của người từ trần và gia đình, người thân.
2. Vị trí các đoàn dự Lễ truy điệu (theo hướng nhìn lên lễ đài):
a) Gia đình đứng phía bên trái phòng lễ tang;
b) Lãnh đạo cơ quan, địa phương đứng phía bên phải phòng lễ tang;
c) Các đoàn đại biểu khác đứng theo sắp xếp của Ban Tổ chức Lễ tang.
3. Chương trình Lễ truy điệu:
a) Đại điện Ban Tổ chức Lễ tang tuyên bố Lễ truy điệu;
b) Trưởng Ban Tổ chức Lễ tang đọc lời điếu, tuyên bố phút mặc niệm và kết thúc Lễ truy điệu;
c) Trong khi tiến hành Lễ truy điệu, Quân nhạc cử nhạc “Hồn tử sĩ”.
Điều 44. Lễ đưa tang và xe tang
1. Thành phần dự Lễ đưa tang như thành phần dự Lễ truy điệu.
2. Khi chuyển linh cữu lên xe tang và từ xe tang vào phần mộ, các thành viên Ban Tổ chức Lễ tang, các đoàn đại biểu và gia đình đi phía sau linh cữu.
Đội phục vụ của nhà tang lễ và cơ quan, địa phương nơi người từ trần làm nhiệm vụ di chuyển linh cữu, vòng hoa ra xe tang và từ xe tang vào phần mộ.
3. Xe tang do cơ quan chủ quản hoặc địa phương nơi người từ trần đã hoặc đang công tác chuẩn bị.
Điều 45. Lễ hạ huyệt
1. Sau khi linh cữu được di chuyển vào vị trí phần mộ, Trưởng ban Tổ chức Lễ tang tuyên bố Lễ hạ huyệt.
2. Đội công tác làm nhiệm vụ hạ huyệt.
3. Ban Tổ chức Lễ tang, các đoàn đại biểu và gia đình bỏ nắm đất đầu tiên và đi quanh phần mộ để vĩnh biệt.
4. Đội công tác tiếp tục hoàn chỉnh phần mộ.
5. Trong khi tiến hành Lễ hạ huyệt, Quân nhạc cử nhạc “Hồn tử sĩ".
Điều 46. Xây mộ và chi phí
1. Mộ xây bằng đá granite, có kích thước theo quy định hiện hành.
2. Chi phí xây mộ, hỏa táng, điện táng và phục vụ lễ tang lấy từ nguồn mai táng phí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; phần kinh phí còn thiếu được ngân sách nhà nước cấp.
Sẽ an táng tại Thái Bình
Thông tin được đăng trên thông cáo Tin buồn được đăng tải trên website của Bộ Công An ngày 19/2/2014 viết:
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an và gia đình vô cùng thương tiếc báo tin:
Đồng chí Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, sinh ngày 24 tháng 12 năm 1954; quê quán xã Đông Cường, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Thường trú tại số 07, đường Bằng Lăng 10, khu Vincom, quận Long Biên, TP Hà Nội. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI; Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương; Thứ trưởng Bộ Công an; Đại biểu Quốc hội Khóa XI. Tham gia công tác năm 1974, vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1980. Huân chương Quân công hạng Ba; Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Hữu nghị, Độc lập của Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng và nhiều khen thưởng khác.
Do lâm bệnh nặng hiểm nghèo, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, gia đình và các tập thể giáo sư, bác sỹ, nhân viên y tế tận tình cứu chữa nhưng đồng chí đã từ trần vào hồi 21h05 ngày 18 tháng 02 năm 2014 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Lễ tang đồng chí Thượng tướng Phạm Quý Ngọ được tổ chức theo nghi lễ Lễ tang cấp cao, do Bộ Công an chủ trì. Lễ viếng từ 07h30 đến 11h00 ngày 23 tháng 02 năm 2014 tại Nhà Tang lễ Quốc gia số 05 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu và đưa tang vào hồi 11h10 phút cùng ngày. An táng tại quê nhà: xã Đông Cường, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.